Thứ Sáu, 30 tháng 5, 2008

28. May 30, 2008


Sinh Nhật con trai






30 tháng 5
Sinh nhật con trai.
Nhiều năm, từ lúc con đi học xa, ngày sinh nhật không có mặt đông đủ mọi người trong gia đình.
Hồi nhỏ, thỉnh thoảng tổ chức được sinh nhật lớn lớn, mời các bạn cùng lớp. Nhà tập thể nhỏ xíu, phải kéo cái divan ra giữa nhà, trải khăn lên, mượn ghế mẫu giáo ở kho của Sở xếp chung quanh, cũng tạm gọi là thành bàn tiệc. Mấy anh chị và các bạn trong khu tập thể với bạn cùng lớp, cũng rôm rả lắm. Nào bánh kem, nào thức ăn, nào trái cây...Buổi tiệc toàn trẻ con, ồn ào và vui hết sức. ăn xong là tới mở quà, chụp ảnh.
Về nhà mới, chưa kịp tổ chức sinh nhật thứ 18 như chị thì con đã đi học xa tít mù, thiệt thòi quá.
Sinh nhật thứ 25, có mẹ bên cạnh, nhưng mãi mấy hôm sau mẹ mới nhớ. Chuyến đi xa làm mẹ choáng! Thật đáng trách.
Năm nay, con trai vẫn ở tận bên kia bờ đại dương, mẹ nhờ sứ giả vậy.

CHÚC MỪNG SINH NHẬT 
CHÚ CHÓ CON CỦA MẸ

  



Mới đó mà 26 năm rồi.
Hồi đó, chưa có siêu âm, mẹ thường lắng nghe và nghiệm xem có gì khác biệt với hồi mang bầu chị không. Mong lắm một thằng cu cho "có nếp có tẻ". Chị thì cứ đeo theo hỏi sao em bé cứ nằm trong bụng mẹ hoài và chừng nào thì em bé mới ra ngoài chơi với chị.
Ngày sinh, mẹ đau bụng từ hồi khuya. Ba tưởng đâu là do chiều hôm trước ăn nhiều chuối chưng bà Ngoại đem qua. 6g sáng, Bà Ngoại dẫn mẹ qua Bệnh viện Thị xã. Chỉ có vài trăm mét mà sao đi lâu ơi là lâu. Lúc lên bàn sinh, cô mụ hỏi lần trước là con trai hay con gái rồi bảo "Vậy lần này con trai nghe". 7g sáng, con khóc oe oe, cô mụ bảo "Con trai rồi!" mẹ mừng quá lật đật nắm tay cô và cảm ơn rối rít . Mãi cho đến mấy bữa sau, người nằm cùng phòng còn kháo nhau khi nói chuyện với khách thăm "Đó, chị đó sinh con trai mà cám ơn cô mụ quá chừng!"
Chị theo Ngoại mang cơm cho mẹ. Hồi đó, chị mới hơn hai tuổi. Đứng nhìn em hồi lâu, mãi rồi mới hỏi "Em bé có tay không mẹ?" Bà phải dở tả ra cho chị kiểm tra mới chịu. Cuối cùng bảo "Có em bé rồi, về nhà đi mẹ".
Những năm đó, tuy cuộc sống còn nhiều thiếu thốn khó khăn nhưng con lớn mạnh sởn sơ, ngoan ngoãn và thông minh. Hai chị em là niềm vui không cùng của ba mẹ.
Rồi con lớn khôn, thông minh, học giỏi, trở thành niềm tự hào của cả đại gia đình, nhất là khi con lên đường du học. Những năm đó, ở tỉnh lẻ như Bến Tre mình, có học bổng toàn phần đi Singapore là chuyện hiếm hoi. Càng bất ngờ hơn khi con lại được vào Princeton University cũng với học bổng toàn phần. Hồi đó, mấy ai biết Princeton là như thế nào? Người ta chỉ biết Harvard, Yale hay MIT thôi. Mỗi mình bác Liệt và chú Huỳnh Bá Phước là trầm trồ suýt soa khi biết con học Princeton.
Mẹ hãnh diện vì mình là phụ huynh duy nhất từ Việt Nam đến dự lễ Tốt nghiệp. Và mẹ đã rưng rưng nước mắt ngày Class Day khi anh bạn trẻ trên diễn đàn giơ cao tấm bảng THANKS MOM !
Chúc mừng con trai ngày Sinh nhật.
Mong con mãi mạnh mẽ, giỏi giang, mãi là niềm tự hào của gia đình ta.


Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 19 tháng 5, 2008

May 2008 - Phú Quốc

Thứ hai 12 05 2008

7g sáng, xe tới khách sạn đón.

Trời vẫn mưa rả rích. Mấy bữa rồi, chớ thấy mặt mày ông Trời ra sao!

Đi chung với đoàn Trà Vinh, Bạc Liêu và Đồng Tháp. Đoàn này đông nhất, nghe nói tới hơn 20 người, đa số là người nhà của đoàn Sở GD. Có lẽ vậy nên hơi "ồn ào" . Ngay ghế sau, có mấy ông cứ oang oang, lắm khi còn át cả tiếng mưa mới ghê! Cũng lạ, dân miền Tây mà không biết hoa mua, nhìn mấy bụi mua bông tím bên đường cứ bảo là sim rồi cãi nhau chí choé như trẻ con. Lại còn ngâm nga "Đói lòng ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương" rồi đố nhau vì sao chỉ là nửa trái sim và lưng bát nước! Thực là khổ cái lỗ tai của mọi người!

1.

Điểm dừng chân đầu tiên là vườn tiêu. Không rộng lắm nhưng sát ngay bên đường. Hàng dãy nọc tiêu khá sum suê, nhưng không bằng mấy vườn tiêu ở Ban Mê Thuột mấy năm trước ghé thăm. Có phải là rất giống lá trầu? Chợt nhớ câu ru xưa "Trồng trầu trồng lộn dây tiêu, con theo hát bội mẹ liều con hư"

Nghe nói mấy năm nay, tiêu Phú Quốc cũng lao đao vì dịch bệnh. Có lẽ vậy mà suốt dọc đường, chưa thấy vườn tiêu nào mát mắt cả?

Bà chủ vườn vẻ chân chất, nhỏ nhẹ bảo khi một chị trong đoàn trả giá " Của nhà mà, đâu nói thách chi. Mấy cô cứ mua, rẻ hơn ở chợ đó" . Đúng là hôm qua, ở chợ Hàm Ninh họ bảo 120.000đ/kg không bớt một xu!

Tiêu này được gọi là tiêu chín. Người ta sẽ đợi nó chuyển sẫm màu hơn rồi ngâm nước độ 1 ngày, chà cho tróc vỏ lụa bên ngoài rồi đem phơi khô, thế là thành tiêu sọ.

Nhà vườn Phú Quốc thích ăn loại tiêu chín này , vỏ lụa có vị ngọt, hơi béo, không cay nhiều và có mùi thơm đặc trưng. Bà chủ vườn có vẻ ngạc nhiên khi mình hỏi mua một ít tiêu chín “hồi giờ có bán đâu mà biết giá hả cô?”. Là nói vậy chứ bà cũng bảo cô con gái cân 700g, ân cần chỉ cách ướp cá thịt và kho sao cho ngon rồi chỉ nhất định lấy năm chục ngàn vì “tui có mất công xát vỏ rồi phơi đâu mà lấy sáu chuc?”

Xe chạy hồi lâu, mới chợt nghĩ “làm gì với bịch tiêu tươi này?” Chắc chắn là sẽ chế biến thôi và sau đó? Thì “gửi gió cho mây ngàn bay!” … đâu dễ có chút quà đặc biệt này?

2.

Có phải xưa rừng Phú Quốc nhiều cây dầu mà chỏm Bắc đảo này lại có tên Gành Dầu?

Đây là nơi có ngôi đền đầu tiên thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực. Khuôn viên thoáng mát, sạch sẽ, chắc là mới xây dựng lại gần đây. Gian trống bên ngoài treo hơn chục tranh minh hoạ những khoảnh khắc cuộc đời người anh hùng “Sinh vi tướng tử vi thần”.

Người thuyết minh là một phụ nữ ngoài sáu mươi, vẻ khoan hoà, tự tin. Câu chuyện nhuốm màu huyền thoại và bi thương được kể với một niềm ngưỡng mộ dễ dàng chuyển đến người nghe sự đồng cảm sâu sắc.

… Cô dâu của đám cưới giả năm xưa trong trận hoả chiến đốt tàu Espérance trên sông Nhật Tảo đã thành vợ của Nguyễn Trung Trực và đã chết một tháng sau khi sinh đứa con đầu.

Tháng 9 năm 1868, chiếc tàu Groeland chở Huỳnh Văn Tấn( còn gọi là Huỳnh Công Tấn hay Lãnh binh Tấn, trước cùng Nguyễn Trung Trực theo Trương Định kháng Pháp. Sau Tấn lại cộng sự đắc lực cho Pháp), cùng 150 lính ở Gò Công đến Phú Quốc để bao vây và truy đuổi nghĩa quân.

Hương chức và dân trên đảo bị đội Tấn đe dọa đã trở nên ngu muội, không dám cưu mang gia quyến người anh hùng. Đứa bé đói sữa đã đành bị để lại trong một bọng cây với tín vật là một nãi chuối bằng vàng và mảnh lụa điều như một lời ký thác. Sau hai trận ghê gớm, Đội Tấn đuổi theo ráo riết, nghĩa quân bị kẹt trong một khe núi nhỏ hẹp ở vũng Ông Lang. Cùng đường, thất trận và Nguyễn Trung Trực bị bắt...

Mấy ngày sau, người ta cũng tìm thấy xác đứa bé đã bị kiến ăn trong bọng cây !

Ngày ông bị hành hình ở chợ Rạch Giá (27-10 -1868), dân nhiều nơi đổ xô về tiễn biệt người anh hùng. Bô lão làng Tà Niên trải chiếc chiếu hoa có hình chữ Thọ cho ông đứng giữa. Ông yêu cầu mở trói, không bịt mắt để ông nhìn đồng bào và quê hương. Câu nói "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây" như một vĩ thanh không dứt.

... Cuối cùng thì người con trai 30 tuổi ấy đã trả rồi nợ nước non và gặp lại gia đình bé nhỏ của mình ở thế giới vĩnh hằng ...

Từ Hòn Chong quay về Phú Quốc - Lượng binh cơ phòng thủ tấn công

Nước vực ròng nghi binh dụ địch - Nước dâng cao phục kích diệt thù

Con trong tay vừa tròn một tháng - Phải hi sinh, cứu vãn binh cơ !

Cuối cùng ở bãi Ông Lang - Giặc Pháp bắt được, chúng mang chém đầu.

Khi xưa hoang vắng cơ hàn - Cất lên mái lá gọn gàng thờ Ông.

Nhờ lòng hỉ cúng khắp nơi - Góp phần xây dựng nên ngôi phụng thờ.

3.

Vũng Bầu, một vịnh nhỏ phía Bắc đảo.

Bãi biển đánh một vòng cung yểu điệu, bãi cát vàng mịn, rất nhiều cây tra.

Một giàn bè của nhà hàng Mai Phương để rọng cá tôm nhấp nhô trên sóng, mấy chiếc tàu đánh cá neo ngoài xa, thuyền thúng chòng chành bơi ra bơi vào. Mình mà ngồi trên ấy chắc là chết khiếp, trông nó lắc theo sóng mới ghê!

Chim én biển chao liệng đầy trời làm đôi chó mệt công bám đuổi. Mình ướt sũng nước biển vì phóng theo khi chim lượn sà mép sóng, cuộc rượt bắt đầy kiên trì và quyết liệt nhưng vô vọng. Trên cây dừa cao, chú én tạm dừng trò mèo vờn chuột, đôi chó vẫn hậm hực ngóng lên và chắc chúng không biết mình đã trở thành đầu đề cho bao nhiêu người theo dõi,bàn tán. Mai mốt về đất liền, câu chuyện thú vị này có theo chân ai?

Nhà hàng Mai Phương với một thực đơn đặc biệt dành riêng cho những người khách từ đất liền. Ấn tượng nhất với món súp nấm tràm. Anh chàng Trưởng phòng Giáo Dục huyện đảo Phú Quốc hồ hởi khoe thành tích về thực đơn buổi cơm khách trưa này và cũng không quên giới thiệu khá là chi tiết cách nấu một nồi súp đúng điệu Phú Quốc! Giòn và mịn hơn nấm mối Bến Tre, vị nhẫn nhẫn đặc trưng làm nên nét lạ, nhưng ngọt thì chưa chắc đã hơn nấm mối! Nấm tràm lăn bột chiên hơi ... lãng, chỉ nghe mùi dầu ngậy mũi. Sò điệp nướng thì tuyệt, nóng hổi, ngọt đậm đà, quyện với đậu phọng rang và mỡ hành ch..ch.... hihi tiếc là ...ít quá! Món ốc giác xào chua cũng thú vị, từng lát ốc giòn sần sật, ngọt và thơm ... rồi mực rim, gà chiên ...

Một bữa tiệc hải sản ngay bên bờ biển, mưa lất phất, sóng rào rạt vỗ bờ, giá như có đủ mọi người nhà mình nhỉ?

Giám Đốc Sở Giáo Dục Kiên Giang bưng rượu đến tận bàn " Mời anh chị, nhìn anh là biết ngay, Khang giống anh quá trời! Hôm tụi tôi qua Princeton, Trường có mời nó về để gặp, nói chuyện nhiều lắm. Tôi bảo nó ráng học xong tiến sĩ rồi về."

Nghe chưa, anh bạn trẻ?

Đọc tiếp ...

27. ĐI NỮA - Phú Quốc 4


Thứ hai 12 05 2008

7g sáng, xe tới khách sạn đón.
Trời vẫn mưa rả rích. Mấy bữa rồi, chớ thấy mặt mày ông Trời ra sao!
Đi chung với đoàn Trà Vinh, Bạc Liêu và Đồng Tháp. Đoàn này đông nhất, nghe nói tới hơn 20 người, đa số là người nhà của đoàn Sở GD. Có lẽ vậy nên hơi "ồn ào" . Ngay ghế sau, có mấy ông cứ oang oang, lắm khi còn át cả tiếng mưa mới ghê! Cũng lạ, dân miền Tây mà không biết hoa mua, nhìn mấy bụi mua bông tím bên đường cứ bảo là sim rồi cãi nhau chí choé như trẻ con. Lại còn ngâm nga "Đói lòng ăn nửa trái sim, uống lưng bát nước đi tìm người thương" rồi đố nhau vì sao chỉ là nửa trái sim và lưng bát nước! Thực là khổ cái lỗ tai của mọi người!


1. Vườn tiêu

Điểm dừng chân đầu tiên là vườn tiêu. Không rộng lắm nhưng sát ngay bên đường. Hàng dãy nọc tiêu khá sum suê, nhưng không bằng mấy vườn tiêu ở Ban Mê Thuột mấy năm trước ghé thăm. Có phải là rất giống lá trầu? Chợt nhớ câu ru xưa "Trồng trầu trồng lộn dây tiêu, con theo hát bội mẹ liều con hư"



Nghe nói mấy năm nay, tiêu Phú Quốc cũng lao đao vì dịch bệnh. Có lẽ vậy mà suốt dọc đường, chưa thấy vườn tiêu nào mát mắt cả? 



Bà chủ vườn vẻ chân chất, nhỏ nhẹ bảo khi một chị trong đoàn trả giá " Của nhà mà, đâu nói thách chi. Mấy cô cứ mua, rẻ hơn ở chợ đó" . Đúng là hôm qua, ở chợ Hàm Ninh họ bảo 120.000đ/kg không bớt một xu!



Tiêu này được gọi là tiêu chín. Người ta sẽ đợi nó chuyển sẫm màu hơn rồi ngâm nước độ 1 ngày, chà cho tróc vỏ lụa bên ngoài rồi đem phơi khô, thế là thành tiêu sọ.



Nhà vườn Phú Quốc thích ăn loại tiêu chín này , vỏ lụa có vị ngọt, hơi béo, không cay nhiều và có mùi thơm đặc trưng. Bà chủ vườn có vẻ ngạc nhiên khi mình hỏi mua một ít tiêu chín “hồi giờ có bán đâu mà biết giá hả cô?”. Là nói vậy chứ bà cũng bảo cô con gái cân 700g, ân cần chỉ cách ướp cá thịt và kho sao cho ngon rồi chỉ nhất định lấy năm chục ngàn vì “tui có mất công xát vỏ rồi phơi đâu mà lấy sáu chuc?”
Xe chạy hồi lâu, mới chợt nghĩ “làm gì với bịch tiêu tươi này?” Chắc chắn là sẽ chế biến thôi và sau đó? Thì “gửi gió cho mây ngàn bay!” … đâu dễ có chút quà đặc biệt này?


2.Gành Dầu


Có phải xưa rừng Phú Quốc nhiều cây dầu mà chỏm Bắc đảo này lại có tên Gành Dầu? 


Đây là nơi có ngôi đền đầu tiên thờ anh hùng Nguyễn Trung Trực. Khuôn viên thoáng mát, sạch sẽ, chắc là mới xây dựng lại gần đây. Gian trống bên ngoài treo hơn chục tranh minh hoạ những khoảnh khắc cuộc đời người anh hùng “Sinh vi tướng tử vi thần”. 



Người thuyết minh là một phụ nữ ngoài sáu mươi, vẻ khoan hoà, tự tin. Câu chuyện nhuốm màu huyền thoại và bi thương được kể với một niềm ngưỡng mộ dễ dàng chuyển đến người nghe sự đồng cảm sâu sắc. 

… Cô dâu của đám cưới giả năm xưa trong trận hoả chiến đốt tàu Espérance trên sông Nhật Tảo đã thành vợ của Nguyễn Trung Trực và đã chết một tháng sau khi sinh đứa con đầu.
Tháng 9 năm 1868, chiếc tàu Groeland chở Huỳnh Văn Tấn( còn gọi là Huỳnh Công Tấn hay Lãnh binh Tấn, trước cùng Nguyễn Trung Trực theo Trương Định kháng Pháp. Sau Tấn lại cộng sự đắc lực cho Pháp), cùng 150 lính ở Gò Công đến Phú Quốc để bao vây và truy đuổi nghĩa quân.
Hương chức và dân trên đảo bị đội Tấn đe dọa đã trở nên ngu muội, không dám cưu mang gia quyến người anh hùng. Đứa bé đói sữa đã đành bị để lại trong một bọng cây với tín vật là một nãi chuối bằng vàng và mảnh lụa điều như một lời ký thác. Sau hai trận ghê gớm, Đội Tấn đuổi theo ráo riết, nghĩa quân bị kẹt trong một khe núi nhỏ hẹp ở vũng Ông Lang. Cùng đường, thất trận và Nguyễn Trung Trực bị bắt...
Mấy ngày sau, người ta cũng tìm thấy xác đứa bé đã bị kiến ăn trong bọng cây !
Ngày ông bị hành hình ở chợ Rạch Giá (27-10 -1868), dân nhiều nơi đổ xô về tiễn biệt người anh hùng. Bô lão làng Tà Niên trải chiếc chiếu hoa có hình chữ Thọ cho ông đứng giữa. Ông yêu cầu mở trói, không bịt mắt để ông nhìn đồng bào và quê hương. Câu nói "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây" như một vĩ thanh không dứt.
... Cuối cùng thì người con trai 30 tuổi ấy đã trả rồi nợ nước non và gặp lại gia đình bé nhỏ của mình ở thế giới vĩnh hằng ...


 Từ Hòn Chong quay về Phú Quốc - Lượng binh cơ phòng thủ tấn công
 

Nước vực ròng nghi binh dụ địch - Nước dâng cao phục kích diệt thù


Con trong tay vừa tròn một tháng - Phải hi sinh, cứu vãn binh cơ !

 Cuối cùng ở bãi Ông Lang - Giặc Pháp bắt được, chúng mang chém đầu.


Khi xưa hoang vắng cơ hàn - Cất lên mái lá gọn gàng thờ Ông.

 Nhờ lòng hỉ cúng khắp nơi - Góp phần xây dựng nên ngôi phụng thờ.

3.Vũng Bầu

Một vịnh nhỏ phía Bắc đảo.
Bãi biển đánh một vòng cung yểu điệu, bãi cát vàng mịn, rất nhiều cây tra.





Một giàn bè của nhà hàng Mai Phương để rọng cá tôm nhấp nhô trên sóng, mấy chiếc tàu đánh cá neo ngoài xa, thuyền thúng chòng chành bơi ra bơi vào. Mình mà ngồi trên ấy chắc là chết khiếp, trông nó lắc theo sóng mới ghê!

 


Chim én biển chao liệng đầy trời làm đôi chó mệt công bám đuổi. Mình ướt sũng nước biển vì phóng theo khi chim lượn sà mép sóng, cuộc rượt bắt đầy kiên trì và quyết liệt nhưng vô vọng. Trên cây dừa cao, chú én tạm dừng trò mèo vờn chuột, đôi chó vẫn hậm hực ngóng lên và chắc chúng không biết mình đã trở thành đầu đề cho bao nhiêu người theo dõi,bàn tán. Mai mốt về đất liền, câu chuyện thú vị này có theo chân ai?


Nhà hàng Mai Phương với một thực đơn đặc biệt dành riêng cho những người khách từ đất liền. Ấn tượng nhất với món súp nấm tràm. Anh chàng Trưởng phòng Giáo Dục huyện đảo Phú Quốc hồ hởi khoe thành tích về thực đơn buổi cơm khách trưa này và cũng không quên giới thiệu khá là chi tiết cách nấu một nồi súp đúng điệu Phú Quốc! Giòn và mịn hơn nấm mối Bến Tre, vị nhẫn nhẫn đặc trưng làm nên nét lạ, nhưng ngọt thì chưa chắc đã hơn nấm mối! Nấm tràm lăn bột chiên hơi ... lãng, chỉ nghe mùi dầu ngậy mũi. Sò điệp nướng thì tuyệt, nóng hổi, ngọt đậm đà, quyện với đậu phọng rang và mỡ hành ch..ch.... hihi tiếc là ...ít quá! Món ốc giác xào chua cũng thú vị, từng lát ốc giòn sần sật, ngọt và thơm ... rồi mực rim, gà chiên ...
Một bữa tiệc hải sản ngay bên bờ biển, mưa lất phất, sóng rào rạt vỗ bờ, giá như có đủ mọi người nhà mình nhỉ?
Giám Đốc Sở Giáo Dục Kiên Giang bưng rượu đến tận bàn " Mời anh chị, nhìn anh là biết ngay, Khang giống anh quá trời! Hôm tụi tôi qua Princeton, Trường có mời nó về để gặp, nói chuyện nhiều lắm. Tôi bảo nó ráng học xong tiến sĩ rồi về."
Nghe chưa, anh bạn trẻ?




Đọc tiếp ...