Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Tản mạn đầu năm

Lan Ngọc Điểm

1.

Năm ngoái, tôi lười viết. Thực ra còn nhiều chuyện quan trọng hơn, nó choán hết cả suy nghĩ, nó khiến nhiều lúc đâm ra mệt mỏi, u uất, nhiều lúc muốn bỏ luôn blog. Nhưng nghĩ rằng bao nhiêu bạn bè thân mến vẫn hay ghé qua, ân cần thăm hỏi, vậy nên “Không thể nói lời từ biệt”!

2.

Năm ngoái, friends list dài hơn. Tôi vốn rất ngại khi add một ai đó. Chỉ e trong một phút bốc đồng rồi sau chẳng biết nói năng gì thì quả là khó coi. Thế nên cũng rất băn khoăn khi nhận invite của khá nhiều bloggers. Đến bây giờ, vẫn còn hơn chục invite để đó. Lâu lâu lại điểm qua và rồi để đó! Cũng có người, tôi chủ động gửi invite và rất may là cho đến giờ, chưa thất vọng vì đã quyết định. Họ là ai? Một bà mẹ trẻ đơn thân với hai cậu con trai xinh như thiên thần đã làm tôi khâm phục vì sự mạnh mẽ, giỏi giang và cực kì đảm đang: vừa học, vừa làm, vừa nuôi hai con nhỏ ở xứ lạ quê người; một người phụ nữ trẻ, sức khỏe không mấy ngon lành nhưng làm tôi ngưỡng mộ với tài nấu ăn và nghệ thuật chăm sóc gia đình; một nhóm bạn trẻ mang cái tên chung là Khăn Rằn Bến Tre cực kì dễ mến, một “thủ lĩnhKR” đáng mặt đầu đàn với danh xưng tếu táo là Tía Già cùng mấy “lâu la” với những nick dễ thương: Vịt Mỏ Nhọn, Thỏ Dễ Thương, Hến, Neco, Ròm, Thằng Quỉ Nhỏ, Thợ máy mê Thơ…Họ làm việc tốt, làm công tác xã hội cũng không kém cạnh, viết lách cũng đáng nể. Có ai đọc “Lan man thành phố”chưa?

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=355258&ChannelID=119

3.

Năm ngoái, bạn cũ thấy thân hơn, hạnh duyên gặp gỡ đã làm nên tình thân thuộc như tự bao giờ. Bạn ấy với tôi, đã từng khóc với nhau, cười với nhau, bàn bạc nhiều “dự án” với nhau, mong cho nhau luôn mạnh mẽ, luôn vững vàng. Không thề thốt đinh ninh, nhưng tự mỗi người đều coi nhau như ruột thịt của mình… Điều này chẳng quí giá lắm sao?

4.

Năm ngoái, còn có 2 niềm hạnh phúc. Người chị cùng cha sau gần bốn mươi năm bặt tin đã nối lại thâm tình, cứ như là chuyện cổ tích.Việc gặp mặt nhau chỉ còn là thời gian và một chuyến bay. Sẽ có!

Cô bạn đồng nghiệp cũng ngần ấy năm xa biệt, lòng cố ý tìm bỗng nhiên lại liên lạc được dễ dàng như chưa có gì dễ dàng hơn vậy. Hạnh duyên là thế chăng? Sẽ gặp!

5.

Năm ngoái, một nỗi buồn lớn, khó san sẻ, “Muối xát lòng ai nấy mặn mòi”. Cũng may mà coi như qua dù lắm nỗi niềm. Mạnh mẽ lên, vững vàng lên, những người yêu thương luôn ở cạnh bên, Người ơi!

 

Năm ngoái, nhiều biến động! Giờ thì hãy qua đi, vì đã là quá khứ rồi.

Chào năm mới!

Chào 2010!

Mong được bình yên 12 tháng tuổi tôi!

 

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2009

Vàng...

 


Từ hồi nhỏ xíu tôi đã mê bài hát Đưa em tìm động hoa vàng bằng giọng Thái Thanh, tôi - mấy chục năm vẫn khư khư bảo rằng không thể còn ai hát được, nhưng rồi bỗng bất chợt sững sờ khi nghe Mỹ Linh hát trong đêm nhạc Phạm Duy...  


Tôi thích màu vàng tươi mới của hoa vừa nở, rực lên giữa đám lá xanh, từ hướng dương, cúc đại đóa đẹp rỡ ràng ngợp mắt đến cúc bi nhỏ xíu như mặt trời bé con, hoa me đất li ti như những chấm nắng rong chơi. Tết nào cũng vậy, như một niềm háo hức không cưỡng được, tôi mua bao nhiêu là hoa cúc về xếp suốt dọc từ cổng vào tận hiên nhà...


Tôi đã từng ngỡ ngàng trước màu vàng buồn buồn của rừng cao su trút lá, ngẩn ngơ trước màu vàng mê mải của cây ngân hạnh cổ thụ giữa Di Hòa Viên một chiều đầu đông...


Và bắt gặp một hòa âm vàng trong entry của Gióheomay - cô em gái Văn Khoa. Hãy nghe cô ấy nói ...


Kì lạ cái màu vàng ….


Tôi là người không hề yêu màu vàng … Thế mà không hiểu sao đôi lúc màu vàng vẫn quyến rũ tôi đến thế 



Ngày xưa dù đã lên Đại học tôi vẫn thường mặc áo dài khi đến trường .Mẹ may cho tôi nhiều áo dài , những chiếc áo dài đủ màu nhưng không có màu vàng , mẹ hỏi tại sao … tôi chỉ cười giải thích là mình không thích … Thế mà cứ  thấy chiếc áo lụa vàng thoáng qua phố , lướt qua các dãy hành lang là tôi lại ngoái nhìn … Giữa buổi sáng trời trong của Saigon ngày ấy , chiếc áo lụa vàng bỗng như một cái nhìn liếc ngang của một cô gái xinh xắn làm người ta ngẩn ngơ ..Không thế mà Nguyên Sa có câu thơ để đời “ …Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc …” ?



Bây giờ , trong những sân trường Đại học vắng chiếc áo dài nên vắng cả một vạt lụa vàng làm say nắng trưa . Có một thời người ta cũng mang ra hàng lô hàng lốc những bất tiện của chiếc áo dài để chiếc áo có đôi tà mỏng mảnh được thay bằng những chiếc áo đầm hoặc những trang phục khác trong những sân trường Trung học , Đại học ….để thỉnh thoảng  có dịp đi ngang qua ngôi trường cũ tôi lại bồi hồi nhớ một vạt vàng bay .


  

Photobucket



Không có màu vàng nào giống màu vàng nào và không có màu vàng nào gần với cái chết mà vẫn thấp thoáng niềm kiêu hãnh bằng màu vàng của lá mùa thu ….

Đó là cái màu vàng pha nâu của nỗi tiếc nuối và đỏ của sự kiêu hãnh .Thử nhìn những chiếc lá vàng còn trên cành xem … Cứ như nó không hề tiếc gì màu xanh của cái thời vàng son đã qua … cứ như chưa bao giờ nó buồn phiền bởi cái phai tàn của sự kết thúc bây giờ …Nó chờ đợi lúc rời khỏi cái nơi một thời nương thân rất bình thản , ơ thờ … nỗi buồn  có chăng chỉ là chính lòng người vu vơ giữ lại .



Những ngày cuối tháng mười một … Mỗi chiều về qua con đường có hàng cây cao , gió chiều thổi những chiếc lá vàng lìa cành rơi trên mặt đường . Những con đường quanh trường tôi dạy thường vắng …những chiếc lá vàng khi thì nằm im , khi thì khẽ vươn mình di chuyển nhẹ trên mặt đường nếu có một vài chiếc xe đi qua …Tôi lướt xe qua chúng và cứ tự hỏi : Có phải lá chỉ úa vàng  … còn cái tàn phai lại ở chính lòng người ?



                     


Photobucket






Tôi không thích màu vàng …và không hề yêu hoa  _ Nhưng luôn luôn  cái rực rỡ của hoa vàng làm tôi sững sờ .



Những ngày cuối năm có dịp đi qua những hàng bán hoa …không mua nhưng tôi thích đứng ngắm cái màu vàng rực rỡ như nụ cười reo trong nắng sớm của những chậu cúc đại đóa , những chậu hoa mặt trời.

Chiều ba mươi , tôi có thói quen vác xe ra khỏi nhà sau khi mọi việc đã xong xuôi  … Chỉ là để chạy quanh đâu đó … qua những khu chợ tàn , nhìn những người buôn bán lăng xăng dọn dẹp chuẩn bị ra về cho kịp bữa cơm chiều cuối năm .Chùng lòng nhìn khuôn mặt buồn buồn lo lắng của những người bán hoa bên cạnh những chậu hoa đỏ , hoa vàng vẫn vô tình khoe sắc …Qua khỏi chiếc cầu chạy dọc con đường vắng … ghé vào những vườn mai , bâng khuâng nhìn những cành mai cuối cùng , những cành mai bị bỏ lại sau nhiều cuộc chọn lựa vẫn hồn nhiên với sắc rực vàng .



Hoa vàng như cô gái đỏng đảnh thích được khen mình đẹp .Và quả thật chúng gọi được một cái nhìn … để đợi đến lúc tàn phai.


   


Photobucket


Hoa của Song Lam


Photobucket


Đồng hoa vàng






Tôi yêu những buổi chiều …những buổi chiều níu cái sắc vàng của giọt nắng cuối ngày ở lại phía chân trời … Chiều tàn .Những buổi chiều làm ta hoang mang nhớ … Những buổi chiều mà niềm vui , nỗi buồn cứ hòa vào nhau thành bản giao hưởng tuyệt vời …



Tôi thích ngồi bên ô cửa nhỏ , thích nghe một khúc nhạc chiều , thích cái im lặng của không gian tĩnh lặng riêng mình .


Buổi chiều giống như dấu chấm hết trong một bài thơ …. Vẫn còn nhiều điều muốn nói mà chừng như …đã muộn . ..Chiều ơi !!!!


Photobucket





Nguồn ảnh : Internet và Song Lam

 

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

Tháng 11 - nhìn lại chút xíu

 


 


Hồi cuối tháng 10, Gió hỏi "Chị ơi, sắp tháng 11 rồi, chị có nghĩ gì không?". Nghĩ thì có bao giờ ngưng hả em? Nhưng mà sao thấy lười nhác gì đâu. Có điều, thi thoảng lại nhớ cụ Thanh Tịnh bảo "...ngày xưa tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết" lại đâm ra tiếc, rồi lại thôi, rồi lại băn khoăn...


Coi như nhìn lại chút xíu tháng 11 đi.


*


Đầu tháng, ông chủ vườn kiểng Đất Phương Nam nhắn là đã tìm được cho gốc lộc vừng. Ông chủ nhà tôi chỉ còn nước lắc đầu khi thấy vợ biến mất khỏi nhà và trở về đúng ngọ với vẻ hí hởn như trẻ con mừng mẹ về chợ cùng với cây lộc vừng! Mấy ngày sau đó cứ thì thà thì thụt chạy ra chạy vô săm soi, chụp hình miết. Ông đi làm về thấy vợ ngồi lì trước laptop là biết rồi. Sáng thấy hình nền là nguyên chậu lộc, trưa đã thấy mấy chuỗi bông, tối ngồi xem TV ngó qua lại thấy khác, lắc đầu luôn.


**


Giữa tháng, bữa cơm trưa, hỏi ông biết hôm nay là ngày gì không? Ông ngơ ngác như vẫn thường ngơ ngác với những câu hỏi kiểu này. Nhớ không, hồi năm 71, em bắt đầu về trình sự vụ lệnh đi dạy đó. Ờ há. Vậy mà thoáng chốc đã 38 năm rồi. Ba ngôi trường đã đi qua, bao nhiêu học trò, bao nhiêu đồng nghiệp, bao nhiêu chuyện vui buồn cứ nhanh như bóng nắng qua thềm vậy sao...


***


20-11. Thực lòng, tôi không thấy thích. Với tôi, nó giả giả vờ vờ sao sao ấy.


Ngôi trường tôi bắt đầu năm học lớp 6 vào tháng 9 - 1962 cũng chính là ngôi trường tôi trở về đi dạy. Hồi xưa đâu có ngày Nhà giáo, cũng chẳng ai hô hào, chẳng tổ chức lễ lạc gì mà kỉ niệm, sự gắn bó, hàm ơn vẫn là điều gì đó tự lớn lên, in đậm. Cô giáo trẻ là tôi hồi đó chỉ hơn đứa học trò già nhất lớp 9 đâu năm sáu tuổi. Tôi cố gắng làm người chị lớn ân cần và không hiểu từ hồi nào, lũ trò nhỏ gọi tôi là Nữ chúa và tôi cũng thường hay xưng với chúng bằng Bổn cô nương! Ngoài giờ học, cô trò chúng tôi tha thẩn trong những vườn trái cây, nghêu ngao ngồi sắp hàng trên cầu sắt chợ câu tôm. Có lần, chúng tôi mượn xuồng băng ngang sông Hàm Luông qua cồn Ốc ăn đám giỗ ở nhà một đứa học trò trong lớp. Hừng sáng về vừa bơi vừa tát nước, thêm sợ mấy chiếc bo bo Mỹ đi tuần sớm dậy sóng chìm xuồng. Tình cờ sau này, bẳng mấy chục năm, cậu học trò chủ nhà hồi đó vô trường hỏi thăm chuyện học của con mới nhìn ra cô giáo cũ của mình. Cái cảnh một ông nông dân già chát, râu ria tua tủa như sắp thành ông lão sáu mươi rưng rưng nắm tay cô giáo cũ mà gởi gắm con mình làm tôi cảm động nhưng cũng bất nhẫn vô cùng. Ai bảo không thấy thời gian trôi?  


Rồi sau này, tôi thường phải cố gắng lắm mới có thể "hoàn thành nhiệm vụ" những lần tổ chức 20-11.Cũng không phải dễ dàng gì khi đấu tranh với hội đồng nhà trường về cái lẽ “Tết cổ truyền thì trẻ con mừng tuổi và người lớn lì xì, sao Tết nhà giáo thì lại bắt học trò phải tặng quà cho mình?” Những năm 90, khi mà cuộc sống đã dễ thở hơn một chút, trường tôi vốn có nhiều cán bộ công nhân viên đi học, nên quà cáp cũng nặng tay, tôi thấy giống như người học "mua" chúng tôi, tôi thấy bị tổn thương ghê gớm vì những món quà của những “ông bà học viên” ấy. Riết rồi họ kháo nhau rằng "tặng được quà cho Cô Nhân còn khó hơn thi tốt nghiệp mấy lần". Cũng có đồng nghiệp bảo tôi chơi trội, nhưng liệu rằng tôi có còn công tâm khi nhận quà của những học viên cứ đòi lên lớp trên, trong khi học lớp dưới cho thiệt tình thì họ cũng đã quá vất vả rồi. Học lớp 10,11 phổ thông mươi, mười lăm năm trước, giờ vô học lại cứ khăng khăng đòi ngồi ở lớp luyện thi tốt nghiệp!


Mấy năm gần nghỉ hưu, tôi hay diễn màn trốn, hễ trốn không được thì phải đe nẹt học trò về chuyện quà cáp. Có lần,tôi bảo “các anh chị còn xin tiền cha mẹ đóng học phí thì tại sao lại phải xin tiền để mua quà? Các anh chị đã đi làm thì hãy học cho tốt và thi cho đậu đi, nữa rồi cô sẽ ăn khao cùng”. Nhưng có lẽ, ngày 20-11 đáng phàn nàn nhất là ngày tôi được mời về trường trong tư cách giáo viên đã nghỉ hưu. Hôm đó, trong khi chương trình văn nghệ còn đang rôm rả ngoài sân lễ thì ông Hiệu trưởng mới về đã cùng mấy vị khách mời và vài nam giáo viên cụng li “Dô 100%!” trong bàn tiệc dô học viên đóng góp! Cô Hiệu phó trẻ than với tôi “Cô nghỉ rồi, không ai dám nói gì hết. Ông Hiệu trưởng muốn làm gì thì tự ý, em cũng chán không muốn dự.” Tôi cười buồn và lẳng lặng ra về, dặn lòng không bao giờ đến nữa. Bao nhiêu chuyện như thế và tương tự như thế ở những ngôi trường khác?


****


29-11. Một tin nhắn từ Facebook làm tôi sững sờ.


Tôi đã tìm được cô bạn dạy chung trường gần 40 năm về trước. Hai mươi ngày trước, thấy trên blog cụ Khốt cái tên Trương Hải Phố, tôi giật mình, nghĩ không lẽ lại có người trùng tên lạ lùng như vậy. Nhìn avatar, thấy chủ nhân blog còn khá trẻ, tôi gởi tin nhắn cầu may “ Hồi những năm 70. một người bạn đồng nghiệp tôi có cậu con trai tên Trương Hải Phố. Quê bạn ở Hội An,  tên Trần Thị Ngọc Anh dạy Văn ở trường cấp 3 Mỏ cày từ 73 đến 76. Nếu bạn trẻ đúng là Trương Hải Phố thì quả là một điều kì diệu.”


Và điều kì diệu đã xảy ra! Mọi chuyện trở nên dễ dàng như nó phải thế. Trái đất tròn mà lại nhỏ nữa. Bạn tôi ở Sài Gòn, làm việc ở báo SGGP cùng với hai cụ Khốt và cả hai bạn Văn Khoa xưa của tôi nữa, vậy mà sao tôi lại không tìm được bạn sớm hơn? Hay là ông Trời cho rằng phải đến bây giờ, khi bạn đã xa tôi nửa vòng trái đất những mười mấy năm dài rồi thì mới đến lúc? Bạn bảo đọc email tôi gửi bạn rơi nước mắt vì tôi vẫn còn nhớ và tìm bạn trải qua bao nhiêu thăng trầm dâu bể. Còn tôi thì vừa khóc vừa cười khi bạn nhắc bao kỉ niệm xưa, những ngày khốn khó chỉ toàn ăn cơm với bông so đũa luộc chấm tương, những chiều huyện lỵ buồn hiu hắt cô giáo trẻ ngồi khóc trước thềm nhà. Tôi nói với con bạn mà cũng chính tự nhủ mình rằng chúng ta còn ngày rộng tháng dài trước mặt và kỉ niệm sau lưng. Trong tôi, bạn vẫn là cô gái Phố Hội xinh tươi, duyên dáng ngày xưa.


*****


Và lời nhắn tin cho Blogger MẹBầuBí - người con gái Hội An dễ mến đã hứa sẽ tìm giúp - về niềm vui đặc biệt này là dấu chấm câu cuối cùng của những mẩu chuyện “Tháng 11, nhìn lại chút xíu”.   


 


 

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2009

Câu chuyện cảm động về Lễ Tạ Ơn

Cô bạn bên kia bờ đại dương làm quà cho tôi câu chuyện này:


Thứ Năm tới, tuần lễ cuối của tháng 11, sẽ là Lễ Tạ Ơn tại Mỹ. Trân trọng mời đọc bài viết đặc biệt cho mùa lễ tạ ơn năm nay của tác giả Hoàng Thanh. Cô tên thật Võ Ngọc Thanh, một dược sĩ thuộc lớp tuổi 30’., hiện là cư dân Westminster, Orange County. Bài viết về Lễ Tạ Ơn của cô mang tựa đề “Xin Cám Ơn Cuộc Ðời” kể lại câu chuyện xúc động, giản dị mà khác thường, bắt đầu từ cái bình thường nhất: “Chỉ với một nụ cười...” Tựa đề mới được đặt lại theo tinh thần bài viết.


Thế là một mùa Lễ Tạ Ơn nữa lại đến. Tôi vẫn còn nhớ, lần đầu tiên khi nghe nói về Lễ Tạ Ơn, tôi thầm nghĩ, "Dân ngoại quốc sao mà... "quởn" quá, cứ bày đặt lễ này lễ nọ, màu mè, chắc cũng chỉ để có dịp bán thiệp, bán hàng để người ta mua tặng nhau thôi, cũng là một cách làm business đó mà..."
Năm đầu tiên đặt chân đến Mỹ, Lễ Tạ Ơn hoàn toàn không có một chút ý nghĩa gì với tôi cả, tôi chỉ vui vì ngày hôm đó được nghỉ làm, và có một buổi tối quây quần ăn uống với gia đình.
Mãi ba năm sau thì tôi mới thật sự hiểu được ý nghĩa của ngày Lễ Tạ Ơn.
Thời gian này tôi đang thực tập ở một Pharmacy để lấy bằng Dược Sĩ. Tiệm thuốc này rất đông khách, cả ngày mọi người làm không nghỉ tay, điện thoại lúc nào cũng reng liên tục, nên ai nấy cũng đều căng thẳng, mệt mỏi, dễ đâm ra quạu quọ, và hầu như không ai có nổi một nụ cười trên môi.
Tiệm thuốc có một bà khách quen, tên bà là Josephine Smiley. Tôi còn nhớ rất rõ nét mặt rất phúc hậu của bà. Năm đó bà đã gần 80 tuổi, bà bị tật ở tay và chân nên phải ngồi xe lăn, lại bị bệnh thấp khớp nên các ngón tay bà co quắp, và bà lại đang điều trị ung thư ở giai đoạn cuối. Cứ mỗi lần bà đến lấy thuốc (bà uống hơn mười mấy món mỗi tháng, cho đủ loại bệnh), tôi đều nhìn bà ái ngại. Vì thấy rất tội nghiệp cho bà, nên tôi thường ráng cười vui với bà, thăm hỏi bà vài ba câu, hay phụ đẩy chiếc xe lăn cho bà. Nghe đâu chồng bà và đứa con duy nhất bị chết trong một tai nạn xe hơi, còn bà tuy thoát chết nhưng lại bị tật nguyền, rồi từ đó bà bị bệnh trầm cảm (depressed), không đi làm được nữa, và từ 5 năm nay thì lại phát hiện ung thư. Mấy người làm chung trong tiệm cho biết là bà hiện sống một mình ở nhà dưỡng lão.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ vào chiều hôm trước ngày lễ Thanksgiving năm 1993, khi bà đến lấy thuốc. Bỗng dưng bà cười với tôi và đưa tặng tôi tấm thiệp cùng một ổ bánh ngọt bà mua cho tôi. Tôi cám ơn thì bà bảo tôi hãy mở tấm thiệp ra đọc liền đi.
Tôi mở tấm thiệp và xúc động nhìn những nét chữ run rẩy, xiêu vẹo:
Dear Thanh,
My name is Josephine Smiley, but life does not "smile" to me at all. Many times I wanted to kill myself, until the day I met you in this pharmacy. You are the ONLY person who always smiles to me, after the death of my husband and my son. You made me feel happy and help me keep on living. I profit this Thanksgiving holiday to say "Thank you", Thanh.
Thank you, very much, for your smile...


Rồi bà ôm tôi và bà chảy nước mắt. Tôi cũng vậy, tôi đứng mà nghe mắt mình ướt, nghe cổ họng mình nghẹn... Tôi thật hoàn toàn không ngờ được rằng, chỉ với một nụ cười, mà tôi đã có thể giúp cho một con người có thêm nghị lực để sống còn.
Ðó là lần đầu tiên, tôi cảm nhận được cái ý nghĩa cao quý của ngày lễ Thanksgiving.
Ngày Lễ Tạ Ơn năm sau, tôi cũng có ý ngóng trông bà đến lấy thuốc trước khi đóng cửa tiệm. Thì bỗng dưng một cô gái trẻ đến tìm gặp tôi. Cô đưa cho tôi một tấm thiệp và báo tin là bà Josephine Smiley vừa mới qua đời 3 hôm trước.. Cô nói là lúc hấp hối, bà đã đưa cô y tá này tấm thiệp và nhờ cô đến đưa tận tay tôi vào đúng ngày Thanksgiving. Và cô ta đã có hứa là sẽ làm tròn ước nguyện sau cùng của bà. Tôi bật khóc, và nước mắt ràn rụa của tôi đã làm nhòe hẳn đi những dòng chữ xiêu vẹo, ngoằn nghèo trên trang giấy:
My dear Thanh,
I am thinking of you until the last minute of my life.
I miss you, and I miss your smile...
I love you, my "daughter".. .
Tôi còn nhớ tôi đã khóc sưng cả mắt ngày hôm đó, không sao tiếp tục làm việc nổi, và khóc suốt trong buổi tang lễ của bà, người "Mẹ American" đã gọi tôi bằng tiếng "my daughter"...



Trước mùa Lễ Tạ Ơn năm sau đó, tôi xin chuyển qua làm ở một pharmacy khác, bởi vì tôi biết, trái tim tôi quá yếu đuối, tôi sẽ không chịu nổi niềm nhớ thương quá lớn, dành cho bà, vào mỗi ngày lễ đặc biệt này, nếu tôi vẫn tiếp tục làm ở pharmacy đó.
Mãi cho đến giờ, tôi vẫn còn giữ hai tấm thiệp ngày nào của người bệnh nhân này. Và cũng từ đó, không hiểu sao, tôi yêu lắm ngày Lễ Thanksgiving, có lẽ bởi vì tôi đã "cảm" được ý nghĩa thật sự của ngày lễ đặc biệt này.
*
Thông thường thì ở Mỹ, Lễ Tạ Ơn là một dịp để gia đình họp mặt. Mọi người đều mua một tấm thiệp, hay một món quà nào đó, đem tặng cho người mình thích, mình thương, hay mình từng chịu ơn.. Theo phong tục bao đời nay, thì trong buổi họp mặt gia đình vào dịp lễ này, món ăn chính luôn là món gà tây (turkey).
Từ mấy tuần trước ngày Lễ TẠ ƠN, hầu như chợ nào cũng bày bán đầy những con gà tây, gà ta, còn sống có, thịt làm sẵn cũng có... Cứ mỗi mùa Lễ Tạ Ơn, có cả trăm triệu con gà bị giết chết, làm thịt cho mọi người ăn nhậu.
Người Việt mình thì hay chê thịt gà tây ăn lạt lẽo, nên thường làm món gà ta, “gà đi bộ.” Ngày xưa tôi cũng hay ăn gà vào dịp lễ này với gia đình, nhưng từ ngày biết Ðạo, tôi không còn ăn thịt gà nữa. Từ vài tuần trước ngày lễ, hễ tôi làm được việc gì tốt, dù rất nhỏ, là tôi lại hồi hướng công đức cho tất cả những con gà, tây hay ta, cùng tất cả những con vật nào đã, đang và sẽ bị giết trong dịp lễ này, cầu mong cho chúng thoát khỏi kiếp súc sanh và được đầu thai vào một kiếp sống mới, tốt đẹp và an lành hơn.
Từ hơn 10 năm nay, cứ mỗi năm đến Lễ Tạ Ơn, tôi đều ráng sắp xếp công việc để có thêå tham gia vào những buổi "Free meals" tổ chức bởi các Hôäi Từ Thiện, nhằm giúp bữa ăn cho những người không nhà. Có đến với những bữa cơm như thế này, tôi mới thấy thương cho những người dân Mỹ nghèo đói, Mỹ trắng có, Mỹ đen có, người da vàng cũng có, và có cả người Việt Nam mình nữa. Họ đứng xếp hàng cả tiếng đồng hồ, rất trật tự, trong gió lạnh mùa thu, nhiều người không có cả một chiếc áo ấm, răng đánh bò cạp...để chờ đến phiên mình được lãnh một phần cơm và một chiếc mền, một cái túi ngủ qua đêm.
Ở nơi đâu trên trái đất này, cũng luôn vẫn còn rất rất nhiều người đang cần những tấm lòng nhân ái của chúng ta...
Nếu nói về hai chữ "TẠ ƠN" với những người mà ta từng chịu ơn, thì có lẽ cái list của chúng ta sẽ dài lắm, bởi vì không một ai tồn tại trên cõi đời này mà không từng mang ơn một hay nhiều người khác. Chúng ta được sinh ra làm người, đã là một ơn sủng của Thượng Ðế. Như tôi đây, có được ngày hôm nay, ngồi viết những dòng này, cũng lại là ơn Cha, ơn Mẹ, ơn Thầy...
Cám ơn quê hương tôi -Việt Nam, với 2 mùa mưa nắng, với những người dân bần cùng chịu khó. Quê hương tôi- nơi đã đón nhận tôi từ lúc sinh ra, để lại trong tim tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm cả một thời thơ ấu. Quê hương tôi, là nỗi nhớ, niềm thương của tôi, ngày lại ngày qua ở xứ lạ quê người...
Cám ơn Mẹ, đã sinh ra con và nuôi dưỡng con cho đến ngày trưởng thành. Cám ơn Mẹ, về những tháng ngày nhọc nhằn đã làm lưng Mẹ còng xuống, vai Mẹ oằn đi, về những nỗi buồn lo mà Mẹ đã từng âm thầm chịu đựng suốt gần nửa thế kỷ qua....
Cám ơn Ba, đã nuôi nấng, dạy dỗ con nên người. Cám ơn Ba, về những năm tháng cực nhọc, những chuỗi ngày dài đằng đẵng chạy lo cho con từng miếng cơm manh áo, về những giọt mồ hôi nhễ nhại trên lưng áo Ba, để kiếm từng đồng tiền nuôi con ăn học....
Cám ơn các Thầy Cô, đã dạy dỗ con nên người, đã truyền cho con biết bao kiến thức đêå con trở thành một người hữu dụng cho đất nước, xã hội...
Cám ơn các chị, các em tôi, đã xẻ chia với tôi những tháng ngày cơ cực nhất, những buổi đầu đặt chân trên xứ lạ quê người, đã chia vui, động viên những lúc tôi thành công, đã nâng đỡ, vực tôi dậy những khi tôi vấp ngã hay thất bại..
Cám ơn tất cả bạn bè tôi, đã tặng cho tôi biết bao nhiêu kỷ niệm - buồn vui- những món quà vô giá mà không sao tôi có thể mua được. Nếu không có các bạn, thì có lẽ cả một thời áo trắng của tôi không có chút gì để mà lưu luyến cả...
Cám ơn nhỏ bạn thân ngày xưa, đã "nuôi"tôi cả mấy năm trời Ðại học, bằng những lon "gigo" cơm, bữa rau, bữa trứng, bằng những chén chè nho nho,û hay những ly trà đá ở căn tin ngày nào.
Cám ơn các bệnh nhân của tôi, đã ban tặng cho tôi những niềm vui trong công việc. Cả những bệnh nhân khó tính nhất, đã giúp tôi hiểu thế nào là cái khổ, cái đau của bệnh tật...
Cám ơn các ông chủ, bà chủ của tôi, đã cho tôi biết giá trị của đồng tiền, để tôi hiểu mình không nên phung phí, vì đồng tiền lương thiện bao giờ cũng phải đánh đổi bằng công lao khó nhọc...
Cám ơn những người tình, cả những người từng bỏ ra đi, đã giúp tôi biết được cảm nhận được thế nào là Tình yêu, là Hạnh phúc, và cả thế nào là đau khổ, chia ly.
Cám ơn những dòng thơ, dòng nhạc, đã giúp tôi tìm vui trong những phút giây thơ thẩn nhất, để quên đi chút sầu muộn âu lo, để thấy cuộc đời này vẫn còn có chút gì đó để nhớ, để thương..
Cám ơn những thăng trầm của cuộc sống, đã cho tôi nếm đủ mọi mùi vị ngọt bùi, cay đắng của cuộc đời, để nhận ra cuộc sống này là vô thường... để từ đó bớt dần "cái tôi"- cái ngã mạn của ngày nào...
Xin cám ơn tất cả... những ai đã đến trong cuộc đời tôi, và cả những ai tôi chưa từng quen biết. Bởi vì:
"Trăm năm trước thì ta chưa gặp,
Trăm năm sau biết gặp lại không?
Cuộc đời sắc sắc không không
Thôi thì hãy sống hết lòng với nhau..."
Và cứ thế mỗi năm, khi mùa Lễ Tạ Ơn đến, tôi lại đi mua những tấm thiệp, hay một chút quà để tặng Mẹ, tặng Chị, tặng những người thân thương, và những người đã từng giúp đỡ tôi. Cuộc sống này, đôi lúc chúng ta cũng cần nên biểu lộ tình thương yêu của mình, bằng một hành động gì đó cụ thể, dù chỉ là một lời nói "Con thương Mẹ", hay một tấm thiệp, một cành hồng. Tình thương, là phải được cho đi, và phải được đón nhận, bởi lỡ mai này, những người thương của chúng ta không còn nữa, thì ngày Lễ Tạ Ơn sẽ có còn ý nghĩa gì không?
Xin cho tôi được một lần, nói lời Tạ Ơn: Cám ơn lắm, cuộc đời này....
Hoàng Thanh
Mùa Thanksgiving 2009

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2009

Rước Lộc về dinh...

Chuyện là từ năm 99, khi đưa con trai ra Hà Nội thi, mới biết Hồ Gươm có một loại cây hàng năm cứ trổ những dây hoa dài buông rủ xuống mặt hồ với vô vàn tua nhụy đỏ thắm. Hình ảnh ấy lại đôi lần thấy trên những tờ lịch khiến tôi ngẩn ngơ, nghĩ, giá mà mình có một cây thì hay biết mấy.

 Rồi cứ mỗi lần nhớ đến, lại gõ "lộc vừng" trên Google và rồi lại mê man với bao nhiêu là ảnh hoa. Nào là những dây nụ như những chuỗi ngọc, nào là thảm hoa rụng đỏ đất,... bao nhiêu người nâng niu những nụ rơi đầy bên bờ hồ Gươm mỗi sáng lúc lộc vào mùa, bao nhiêu người chơi ảnh cố tìm cho mình những góc máy ưng ý... lại ước ao ra Hồ Gươm lần nữa. 

Năm 2006, trong chuyến du lịch xứ Bắc, trên đường lên Phú Thọ, một cây lộc vừng đang chi chít nụ như buông rèm ngay bên cửa sổ cạnh bàn ăn trong một nhà hàng dọc đường đã thu hút tất cả sự chú ý của tôi. Giấc mơ lộc vừng lại trở đi trở lại mỗi khi ngồi nhìn mảnh sân trước nhà

Tết năm trước, bảo với thằng cháu, đào thì mình có thể mua rồi, nhưng làm sao mà kiếm được một chậu lộc vừng bây giờ? Cứ tưởng một gốc lộc vừng trong vườn kiểng chỉ là chuyện nói cho vui.

Thế mà lại có mới hay.

Tháng trước, cụ Khốt post entry "Lộc vừng nhà cụ Khốt trổ bông" làm tôi như bắt được vàng.

Thế là có manh mối rồi!

Té ra nàng "Lộc" ấy vốn dân miền Tây! Mà lại vừa hay, cụ Khốt quen với nghệ nhân 9 Tùng, người gốc ... Dừa chính hiệu con nai vàng! Thế là cuộc săn đuổi nàng Lộc bắt đầu. Khởi đi từ chuyện 9 Tùng giới thiệu nàng Lộc bề thế cỡ một ôm và giá 10 triệu! Nghĩa là hơn 3 tháng lương hưu! Ông 9 Tùng đó tưởng mình là đại gia chắc!  Cụ Khốt phải dặn đi dặn lại ông ấy mấy lần những người về hưu như chúng tôi chỉ có thể chọn những nàng Lộc tầm tầm theo món lương hưu ít ỏi, nào dám mơ đến hoa khôi hay hoa hậu Lộc!

Và thế là 9 Tùng rước từ Đồng Tháp về cho tôi nàng Lộc này đây.

 Lộc vừng 1 

Tôi bắt xe lên nhà 9 Tùng sau mấy cuộc điện thoại hỏi đường và sau mấy lần chỉ dẫn của thằng cháu đã 2 lần tới gặp. Đúng như cụ Khốt đã giới thiệu, cả gia đình rất chân chất và hiếu khách, ngoài cô chị đã theo chồng, hai cô con gái ngoài đôi mưoi còn lại rất dễ thương và xinh tươi. 9 Tùng tự hào về hai cô gái rượu này lắm, nào đi xem kiểng, trông coi thợ bứng, rồi chuyển tiền, rồi theo xe tải chở về từ Sóc Trăng, Đồng Tháp xa xôi... mà không phải anh con trai nào cũng theo kịp.

Chúng tôi nói chuyện rôm rả về cụ Khốt - ông anh blog rất mê cây kiểng, về việc ông đã gần như hàng ngày hối thúc cuộc săn lùng lộc vừng cho tôi. "Ngày nào gặp em trên vườn kiểng Đất Phương Nam, chú Khánh cũng nhắc em hết, em độ chú ấy còn sốt ruột hơn chị nữa kìa. Đem được cây lộc này về mà chị ưng bụng, em mới nhẹ gánh đó." 9 Tùng còn dự tính tổ chức cho chúng tôi off một lần ở tận đây, kể cả kiếm xuồng cho chúng tôi dạo một vòng mấy vườn kiểng Cái Mơn, tha hồ mà chọn. Để xem, tôi có thể dắt mối mua kiểng cho nhà Trùm Sò nữa mai bên Nhà Bè không nào!

Tôi ra về với những cái bắt tay và lời mời chào rất chân tình của vợ 9 Tùng. Một vài tấm hình làm quen lần gặp đầu tiên có thể nối dài cho những lần sau? 

Với Gia đình 9 Tùng4

Giữa trưa ngày 3-11, nàng về đến nhà tôi cùng 2 bao mụn dừa mà vợ 9 Tùng đã chu đáo trộn thêm ít phân bò đã hoai và dặn tôi nhớ tưới nước cho thật nhiều vào. Hai cô con gái 9 Tùng đi theo sau khi "nghiên cứu" rất kĩ mấy chậu mai đã gọi điện về "báo cáo" với bà chủ vườn, sẽ có chỉ dẫn về việc chăm sóc!

Đầu tiên, định để nó ở đây.  Nhưng ông chủ nhà bảo cái chậu nhỏ quá sợ nó không đủ đất ăn, phải  hạ thổ thôi. Thế nhé, gốc nông dân vốn quen ở bờ ao, triền sông, nàng lộc không thể khoe hết sắc hương nếu phải bứt chân rời xa đất, nước.

Lộc vừng 5

Đây, 3 dây nụ. Dây dài nhất đo được 4 gang tay và 34 nụ!

 Lộc vừng 10

Và, chỗ của nó hai hôm sau. Đã nhổ cây mai già chết khô đem ra vườn sau, lại có thêm một giá để treo lan! Giỏ lan kiếm và cây đa Nhật cho hai thằng cháu chia nhau đem về bên vườn.

Lộc vừng 6

Và tha hồ tưới, tha hồ trông, tha hồ chụp hình. Cụ Khốt bảo chừng nào nụ trắng trở lại thì nó nở. Chiều ngày 6, thấy một nụ đã nứt vỏ bao ngoài, chắc mẻm tối thế nào cũng nở. Dè đâu, nó "cứng đầu" cho tới hôm nay. Vẫn chỉ nứt ra rồi chờ đó! 

Lộc vừng 13

Tối ngày 7-11, 4 nụ nở. Cứ chạy ra chạy vô canh chụp hình. Ông chủ nhà mỗi lần thấy tôi xô ghế đứng dậy, vớ cái máy chụp hình là chúm chím cười nhìn theo. Haha...

Nó đây :

18g:

Lộc vừng 18g 1 Lộc vừng 18g 2

 

9 giờ tối 9 giờ tối

 

Ngày 8-11, vợ chồng cô em lên chơi, mang ít mắm tép đặng sáng mai gởi theo xe lên cho mấy đứa ở SG. Mải nói chuyện, tới chừng tụi nó chuẩn bị về mới nhớ ra, 12 bông ở cùng lúc! Thú vị chưa!

Lộc vừng- 22g ngày thứ hai

Lộc vừng - ngày 2(4:59 sáng hôm sau)

Photobucket

 

6g sáng. Vẫn còn quá đẹp. 

Ấy vậy mà mặt trời lên một chút là nó rụng! Mấy tua nhị rung rung trước gió sớm mai, thấy xót ruột gì đâu. Cũng may mà nó không rủ như quỳnh!

Lộc vừng - ngày 2(sáng hôm sau) 

Rồi một chồi nụ nữa, độ hai lóng tay rồi. Niềm vui sẽ còn nối dài.

Chồi Lộc 

Vậy đó, trồng hoa, biết thế nào rồi nó cũng nở, vậy mà vẫn hồi hộp, vẫn náo nức cứ như trẻ con. Một niềm vui không vụ lợi, không giả vờ. Nó làm mình cảm thấy sảng khoái.

Chơi với cây cỏ thấy thoải mái làm sao!

 

Đọc tiếp ...

Rước Lộc về dinh...


Chuyện là từ năm 99, khi đưa con trai ra Hà Nội thi, mới biết Hồ Gươm có một loại cây hàng năm cứ trổ những dây hoa dài buông rủ xuống mặt hồ với vô vàn tua nhụy đỏ thắm. Hình ảnh ấy lại đôi lần thấy trên những tờ lịch khiến tôi ngẩn ngơ, nghĩ, giá mà mình có một cây thì hay biết mấy.


Rồi cứ mỗi lần nhớ đến, lại gõ "lộc vừng" trên Google và rồi lại mê man với bao nhiêu là ảnh hoa. Nào là những dây nụ như những chuỗi ngọc, nào là thảm hoa rụng đỏ đất,... bao nhiêu người nâng niu những nụ rơi đầy bên bờ hồ Gươm mỗi sáng lúc lộc vào mùa, bao nhiêu người chơi ảnh cố tìm cho mình những góc máy ưng ý... lại ước ao ra Hồ Gươm lần nữa.


Năm 2006, trong chuyến du lịch xứ Bắc, trên đường lên Phú Thọ, một cây lộc vừng đang chi chít nụ như buông rèm ngay bên cửa sổ cạnh bàn ăn trong một nhà hàng dọc đường đã thu hút tất cả sự chú ý của tôi. Giấc mơ lộc vừng lại trở đi trở lại mỗi khi ngồi nhìn mảnh sân trước nhà


Tết năm trước, bảo với thằng cháu, đào thì mình có thể mua rồi, nhưng làm sao mà kiếm được một chậu lộc vừng bây giờ? Cứ tưởng một gốc lộc vừng trong vườn kiểng chỉ là chuyện nói cho vui.


Thế mà lại có mới hay.


Tháng trước, cụ Khốt post entry "Lộc vừng nhà cụ Khốt trổ bông" làm tôi như bắt được vàng.


Thế là có manh mối rồi!


Té ra nàng "Lộc" ấy vốn dân miền Tây! Mà lại vừa hay, cụ Khốt quen với nghệ nhân 9 Tùng, người gốc ... Dừa chính hiệu con nai vàng! Thế là cuộc săn đuổi nàng Lộc bắt đầu. Khởi đi từ chuyện 9 Tùng giới thiệu nàng Lộc bề thế cỡ một ôm và giá 10 triệu! Nghĩa là hơn 3 tháng lương hưu! Ông 9 Tùng đó tưởng mình là đại gia chắc! Cụ Khốt phải dặn đi dặn lại ông ấy mấy lần những người về hưu như chúng tôi chỉ có thể chọn những nàng Lộc tầm tầm theo món lương hưu ít ỏi, nào dám mơ đến hoa khôi hay hoa hậu Lộc!


Và thế là 9 Tùng rước từ Đồng Tháp về cho tôi nàng Lộc này đây.



Lộc vừng 1


Tôi bắt xe lên nhà 9 Tùng sau mấy cuộc điện thoại hỏi đường và sau mấy lần chỉ dẫn của thằng cháu đã 2 lần tới gặp. Đúng như cụ Khốt đã giới thiệu, cả gia đình rất chân chất và hiếu khách, ngoài cô chị đã theo chồng, hai cô con gái ngoài đôi mưoi còn lại rất dễ thương và xinh tươi. 9 Tùng tự hào về hai cô gái rượu này lắm, nào đi xem kiểng, trông coi thợ bứng, rồi chuyển tiền, rồi theo xe tải chở về từ Sóc Trăng, Đồng Tháp xa xôi... mà không phải anh con trai nào cũng theo kịp.


Chúng tôi nói chuyện rôm rả về cụ Khốt - ông anh blog rất mê cây kiểng, về việc ông đã gần như hàng ngày hối thúc cuộc săn lùng lộc vừng cho tôi. "Ngày nào gặp em trên vườn kiểng Đất Phương Nam, chú Khánh cũng nhắc em hết, em độ chú ấy còn sốt ruột hơn chị nữa kìa. Đem được cây lộc này về mà chị ưng bụng, em mới nhẹ gánh đó." 9 Tùng còn dự tính tổ chức cho chúng tôi off một lần ở tận đây, kể cả kiếm xuồng cho chúng tôi dạo một vòng mấy vườn kiểng Cái Mơn, tha hồ mà chọn. Để xem, tôi có thể dắt mối mua kiểng cho nhà Trùm Sò nữa mai bên Nhà Bè không nào!


Tôi ra về với những cái bắt tay và lời mời chào rất chân tình của vợ 9 Tùng. Một vài tấm hình làm quen lần gặp đầu tiên có thể nối dài cho những lần sau?

Với Gia đình 9 Tùng4

Giữa trưa ngày 3-11, nàng về đến nhà tôi cùng 2 bao mụn dừa mà vợ 9 Tùng đã chu đáo trộn thêm ít phân bò đã hoai và dặn tôi nhớ tưới nước cho thật nhiều vào. Hai cô con gái 9 Tùng đi theo sau khi "nghiên cứu" rất kĩ mấy chậu mai đã gọi điện về "báo cáo" với bà chủ vườn, sẽ có chỉ dẫn về việc chăm sóc!


Đầu tiên, định để nó ở đây. Nhưng ông chủ nhà bảo cái chậu nhỏ quá sợ nó không đủ đất ăn, phải hạ thổ thôi. Thế nhé, gốc nông dân vốn quen ở bờ ao, triền sông, nàng lộc không thể khoe hết sắc hương nếu phải bứt chân rời xa đất, nước.


Lộc vừng 5


Đây, 3 dây nụ. Dây dài nhất đo được 4 gang tay và 34 nụ!


Lộc vừng 10


Và, chỗ của nó hai hôm sau. Đã nhổ cây mai già chết khô đem ra vườn sau, lại có thêm một giá để treo lan! Giỏ lan kiếm và cây đa Nhật cho hai thằng cháu chia nhau đem về bên vườn.


Lộc vừng 6


Và tha hồ tưới, tha hồ trông, tha hồ chụp hình. Cụ Khốt bảo chừng nào nụ trắng trở lại thì nó nở. Chiều ngày 6, thấy một nụ đã nứt vỏ bao ngoài, chắc mẻm tối thế nào cũng nở. Dè đâu, nó "cứng đầu" cho tới hôm nay. Vẫn chỉ nứt ra rồi chờ đó!

Lộc vừng 13

Tối ngày 7-11, 4 nụ nở. Cứ chạy ra chạy vô canh chụp hình. Ông chủ nhà mỗi lần thấy tôi xô ghế đứng dậy, vớ cái máy chụp hình là chúm chím cười nhìn theo. Haha...


Nó đây :


18g:


Lộc vừng 18g 1 Lộc vừng 18g 2


9 giờ tối 9 giờ tối


Ngày 8-11, vợ chồng cô em lên chơi, mang ít mắm tép đặng sáng mai gởi theo xe lên cho mấy đứa ở SG. Mải nói chuyện, tới chừng tụi nó chuẩn bị về mới nhớ ra, 12 bông ở cùng lúc! Thú vị chưa!


Lộc vừng- 22g ngày thứ hai


Lộc vừng - ngày 2(4:59 sáng hôm sau)


Photobucket



6g sáng. Vẫn còn quá đẹp.


Ấy vậy mà mặt trời lên một chút là nó rụng! Mấy tua nhị rung rung trước gió sớm mai, thấy xót ruột gì đâu. Cũng may mà nó không rủ như quỳnh!

Lộc vừng - ngày 2(sáng hôm sau)

Rồi một chồi nụ nữa, độ hai lóng tay rồi. Niềm vui sẽ còn nối dài.

Chồi Lộc

Vậy đó, trồng hoa, biết thế nào rồi nó cũng nở, vậy mà vẫn hồi hộp, vẫn náo nức cứ như trẻ con. Một niềm vui không vụ lợi, không giả vờ. Nó làm mình cảm thấy sảng khoái.


Chơi với cây cỏ thấy thoải mái làm sao!


Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2009

Lễ hội HALLOWEEN

 


Cô bạn bên kia bờ đại dương gửi về mấy hình ảnh gọi là để chia sẻ một chút không khí Halloween:


Nhiều nơi trên thế giới tổ chức những hoạt động giải trí độc đáo, trong khi các gia đình bắt đầu thu hoạch bí ngô và khắc chúng thành những khuôn mặt đáng sợ để treo trước thềm nhà chuẩn bị cho lễ Halloween sắp diễn ra.



Hai anh em đẩy nhau ra vườn thu hoạch bí ngô tại Nampa, bang Idaho, Mỹ. Ảnh: AP.


 

Hlw1

Các hình nộm bí ngô được trang trí xung quanh công viên giải trí Tivoli ở Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: AP.

HLW2

Gần 300 kg bí ngô được thả xuống từ độ cao 60 m làm bẹp rúm một chiếc xe cảnh sát trong Lễ hội bí ngô ở Damariscotta, Maine, Mỹ. Ảnh: AP.

hLW3

Những chiếc đèn lồng làm từ bí ngô phủ đầy tuyết trắng trước thềm một ngôi nhà ở Denver, Mỹ. Ảnh: AP.

hLW4

Buzz Pinkham tham gia cuộc đua bí ngô tại một lễ hội ở Maine. Anh và bạn bè nảy ra ý tưởng về cuộc đua này khi đang không biết làm gì với hơn 300 kg bí ngô thu hoạch được. Họ khoét thủng từng quả, gắn động cơ vào trong và khởi động cuộc đua kỳ dị thu hút hơn 1.000 người tham gia. Ảnh: AP.

hLW5

Ông Jack LaRue, đến từ bang Washington, nhìn qua ruột một quả bí ngô khổng lồ tại cuộc thi Bí ngô nặng nhất ở Half Moon Bay, bang California. Đây là lần thứ 15 ông tham gia cuộc thi này. Ông đã giành chiến thắng năm 1995 và vợ ông cũng vô địch năm 1997. Ảnh: The Chronicle.

hLW6

Em bé Airelle McDonald, 6 tuổi, trong bộ trang phục Halloween ngồi giữa những quả bí ngô tại một trang trại ở Ontario, Ottawa, Canada. Ảnh: AP.

hLW7

Những quả bí ngô được sắp xếp thành một bức tranh miêu tả cuộc đổ bộ lên mặt trăng của loài người, tại một trang trại ở Klaistow, Đức. Ảnh: Getty.

hLW8

Những quả bí ngô to đùng được bày bán trong mùa Hallowwen tại Pennsylvania, Mỹ. Ảnh: AP.

Hlw9

Anh Erik Haase giành chiến thắng chung cuộc với quả bí ngô nặng 390 kg tại cuộc thi bí ngô nặng nhất ở Klaistow, Đức. Ảnh: AP.

hLW10

Một người khách chọn mua những quả bí ngô Hokkaido tí hon màu đỏ tại trang trại Buschmann và Winkelmann ở Klaistow, Đức. Tháng 9 và tháng 10 là mùa thu hoạch bí ngô hằng năm. Riêng tại trang trại này mỗi năm thu hoạch được 800 tấn các loại bí ngô. Ảnh: Getty.

hLW11

Động vật cũng thưởng bí ngô trong mùa Halloween tại vườn thú London, Anh.

hLW12
Đọc tiếp ...