Thứ Sáu, 20 tháng 2, 2009

Cuộc gặp bất ngờ February 20, 2009

9g tối qua, VĐD gọi báo tin sẽ cùng nhà thơ Đỗ Trung Quân đến chơi .

Một ngạc nhiên thú vị.

Các vị ấy đi làm chương trình Vượt lên số phận ở Vĩnh Long về ngang, đang ở chỗ Bác Trang Thế Hy. Ra là Bác Tư có nhà ở Thị Xã. Vậy đó, người Bến Tre mà không biết cây đại thụ của Bến Tre ở đâu. Đọc nhiều bài báo về Bác Tư, đôi khi cũng muốn đến thăm, biết ông cụ rất kĩ tính khi tiếp khách, sợ. Bởi ngưỡng mộ đó, muốn gặp để tận mắt nhìn, tận tai nghe, nhưng rồi lại nghĩ, mình mà tới, rồi thì sẽ nói gì? Hỏi thăm? Thừa, vì báo chí vẫn đưa tin hoài. Còn hỏi chuyện văn chương? Trước cây đại thụ ấy, thấy mình như cọng cỏ, thấy mình nông cạn, thấy mình còn xa mới với tới những nỗi đau đời của các cụ. Thôi thì, Kính nhi viễn chi.

Và đây, Bác Kwan rất chi là tình cảm, ân cần nữa là khác. Còn VĐD thì, chị em cùng họ Võ mà, gần như là người nhà rồi.

Câu chuyện vẫn là xoay quanh những mảnh đời cơ cực, nhưng, họ cứ như cái cây, từ trong bóng tối vươn ra ánh sáng với một sự lạc quan mạnh mẽ đến lạ lùng, đáng khâm phục. Ông chủ nhà mình rất tán thành khi bác Kwan bảo giờ chỉ mong đem cái tiếng tăm mình có được để tìm nguồn tài trợ mà đi làm từ thiện thôi. Từng được mời mọc đến những chương trình hoành tráng nhất VN rồi, từng biết bao lần ngồi ở hàng ghế đầu rồi, chả còn ham muốn gì nữa!

Không dễ có được nhiều người nghĩ vậy.

Mừng lắm cho bộ đôi Võ Đắc Danh – Đỗ Trung Quân trong chương trình Vượt lên số phận – một chương trình chắc chắn sẽ rất khác biệt với những chương trình từ thiện khác.

“Chung quanh chúng ta nhiều người nghèo quá, nhiều quá. Chúng ta không thể giúp hết họ, không thể. Nhưng phải làm, và mình đến không phải là cho tiền họ, để họ cám ơn. Mà mình đến để cám ơn họ, để tôn vinh họ - những con người sống trong hoàn cảnh cực kì khốn khó, những hoàn cảnh không thể nào tưởng tượng được, và nếu mình như thế, liệu mình có đứng vững được không? Cám ơn họ vì họ đã cho mình bài học lạc quan, để sống, để vươn lên”

Quí lắm, trân trọng lắm suy nghĩ ấy.

Cám ơn các anh, cảm ơn việc làm của các anh.

Điều này sẽ lan tỏa, sẽ nhanh chóng lan tỏa.

Tôi tin.

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 19 tháng 2, 2009

February 19, 2009 Góc nhìn của nhà văn Nguyễn Quang Lập về ngày Valentine

1. Tình yêu là gì? Tấm hình này có thể là một định nghĩa.

Có thể đây là một định nghĩa về hạnh phúc

Cũng có thể hạnh phúc chỉ đơn giản thế này thôi

Thế này là tình bạn hay tình yêu? Đó là tình yêu, là mối tình đầu. Bạn có những mối tình đầu thế này không?

Tấm hình này cho biết vì sao có cái gọi là tình trường.

Đây là hạnh phúc mà bạn thường vẽ cho người tình khi yêu.

Còn đây là là thực tế.Hình như anh chàng này đang nghĩ mưu bỏ của chạy lấy người. Bạn đã từng như vậy không?

Cuộc bỏ chạy đã thành công

Và thành công rực rỡ.

Rất có thể đây là người đàn bà bạn đã bỏ chạy, 50 năm gặp lại. Khi biết người ta vẫn không chồng con, vì yêu bạn mà không thể yêu ai được nữa, bạn sẽ nghĩ gì, sẽ nói gì, hu hu

Nhiều khi nhìn chim chóc yêu nhau mà thèm. Chăc chắn hạnh phúc của chúng không kèm theo giàu sang phú quí. Bạn có mơ có một hạnh phúc như chim chóc không? Ai cũng mơ nhưng ít ai đủ can đảm theo giấc mơ đó, hu hu đó là bi kịch của tình yêu

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2009

Cổ tích vất vả - Feb 11, 2009

Chuyện bắt đầu vào ngày 30-1 năm nay khi cô học trò 13 tuổi Nastiya Ivliyeva ở Kamensk (Rostov) lướt net vào trang web của tổng thống Nga. Nastiya xin Tổng thống Dmitry Medvedev cho cô... con chuột lang. Số là cô đang nuôi một chú chuột và muốn tìm bạn cho thú cưng của mình.

Người ta đồ rằng Nastiya “bạo gan” như thế bởi đã nghe câu chuyện về bé Dasha ở Buryatia. Trong một chương trình truyền hình trực tiếp, Dasha đã xin Thủ tướng Vladimir Putin chiếc áo mặc năm mới. Kết cục không chỉ được tặng áo mà cả gia đình Dasha còn được mời tới buổi tiệc tất niên 2008 ở điện Kremlin.

Sau khi nhận được thư của Nastiya, ban quản trị trang web tổng thống đã phản hồi tích cực. Lời đề nghị của cô được gửi trở lại cho chính quyền vùng thực hiện, chính quyền vùng bàn giao cho chính quyền tỉnh và cuối cùng về tới trường phổ thông nơi cô đang học.

Tới đây thì sóng gió nổi lên. Nastiya bị gọi lên phòng hiệu trưởng khiển trách vì tội khiến một người bận rộn như tổng thống phân tâm bởi yêu cầu “vớ vẩn” của cô. Ba mẹ Nastiya cũng được ban giám hiệu mời tới giảng giải về việc giáo dục con cái. Nhà trường đề nghị cả nhà viết trên giấy sẽ “từ bỏ ước mơ này”. Nastiya khóc giọt vắn giọt dài tuyên bố: “Từ nay tôi sẽ không xin ai cái gì nữa”.

Chuyện tới tai tờ báo địa phương Pik. Tờ báo quyết định thực hiện lời giao phó của tổng thống. Họ mua tặng cô bé chú chuột và vận động vườn thú địa phương tặng chuồng và thức ăn.

Tuy nhiên câu chuyện chưa dừng lại. Ba mẹ của Nastiya bất bình vì cách hành xử trên đã viết một lá thư khác cho tổng thống. Lá thư có hiệu lực tức thì: chỉ một ngày sau đó người ta đem đến tận trường Nastiya một chiếc lồng với hai chú chuột lang. Giờ thì Nastiya có không chỉ hai mà tới bốn con thú cưng. Hôm sau, trang báo địa phương xuất hiện bài viết: “Thưa tổng thống, giờ thì nhiệm vụ ngài giao không chỉ được hoàn thành mà còn hoàn thành vượt mức”.

Câu chuyện về các chú chuột của Nastiya được cư dân mạng bàn tán sôi nổi. Báo Tin Tức phân tích: gia đình Nastiya không khó khăn và Nastiya không phải là “cô bé quàng khăn đỏ tin vào cổ tích”. Chẳng qua cô học trò thời kỹ thuật số chỉ muốn thử xem trang web của tổng thống tương tác nhanh và hiệu quả tới đâu. Nhưng ngay cả khi như thế, Sergei Chuyev, chủ tịch Ủy ban các vấn đề thanh niên của vùng Rostov, khẳng định: “Đây không phải cái tội, mà chỉ là hành động của một cô bé chưa trưởng thành, vì thế không nên chỉ trích cô, đừng nói là buộc cô phải viết lời hối lỗi vì hành động của mình”.

Ông Chuyev nói câu chuyện này tiêu biểu cho rất nhiều câu chuyện mà ông từng gặp trong cách hành xử với giới trẻ. Chẳng hạn, tại thành phố Kamensk - Shakhtiynsk, giới trẻ đề nghị thành lập nghị viện thanh niên để giúp đỡ chính quyền địa phương cũng như bảo vệ quyền lợi của mình. Họ đưa đề nghị này lên thị trưởng, lên ủy ban thanh niên và hội đồng nhân dân thành phố nhưng đều bị khước từ. “Người ta bảo các cậu mà thủ lĩnh gì, các cậu chỉ mè nheo thôi” - Chuyev kể.

Bất bình, giới trẻ lập ra trên mạng nhóm “Nghị viện thanh niên thành phố Kamensk” với hơn 500 thành viên. Mà khi người ta lập nhóm như thế, theo Chuyev, “đó không còn là những con người đơn giản mà đã là một lực lượng chính trị”. Câu chuyện của Nastiya cho thấy “sự vô cảm của chính quyền địa phương đối với giới trẻ là chỉ dấu của những hoạt động không hiệu quả của chính quyền trong quan hệ con người” - Chuyev kết luận.

Báo chí Nga tổng kết: chuyện không có gì mà ầm ĩ như hài kịch. Một câu chuyện người ta muốn kết thúc như cổ tích nhưng hơi... vất vả bởi nhuốm màu “quan liêu xã hội”.

DUY VĂN

Nguồn:Tuổi Trẻ Online - Chủ Nhật, 8/2

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 10 tháng 2, 2009

February 10, 2009 Nhìn lại Tết

Photobucket

Người mình ngộ lắm. Ăn Tết lâu ơi là lâu! Chuẩn bị Tết cũng lâu ơi là lâu.

Mỗi lần Tết đến, nghĩ, hay mình khác đi? Nhưng rồi cũng vậy. Cứ lệ cũ mà theo, mà mệt với Tết!

Trước tiên là lo làm dưa kiệu. Đầu tháng chạp, đi chợ là đã ngó nghiêng, xem người ta đã bán kiệu chưa. Mấy năm nay, mối quen thường để dành kiệu Huế tốt, thấy đi ngang là kêu, chỉ cần bảo mấy kí là có mấy kí. Lắm khi rảnh còn cắt sơ dùm cho nữa. Chẳng gì thì tôi cũng đi chợ này từ hồi thật nhiều người bán hàng hãy còn là con nít. Cô hàng rau này là một. Năm 81, tôi chuyển về Thị xã, đi chợ đã ấn tượng với cô gái nhỏ đứng bán hàng cũng bà má. Cô lanh lợi, lắm khi lanh chanh nữa, cũng có hồi sân si ra trò với người mua khi ai đó lỡ chê rau xấu, rau héo! Vậy mà năm nay, con trai lớn của cô ấy đã 17 tuổi rồi. Thằng bé không siêng học lắm, nhưng được cái không ham chơi, vẫn hay giúp mẹ đi đưa hàng. Hôm đó, nó chở củ kiệu vào, bảo mẹ con chờ hoài mà hổng thấy cô ghé, con đem vô cho cô nè. Mẹ con nói sợ cô chưa mua muối hột, nên mua luôn cho cô đây. Thấy chưa, ai bảo bạn hàng hung dữ?

Dưa cải thì chỉ khi nào thấy chợ có cải tàu xạ ngon mới làm, không thì ghé mua dưa làm sẵn rồi về chế biến lại. Bà dưa cải cũng lịch sự lắm, lần nào cân dưa cũng nhớ cắt lại một nắm chót lá vì biết tôi thích bẹ cải hơn, bà ấy bảo, để thêm cho ai mua in ít, thêm chút người ta vui hén chị?

Rồi lạp xưởng, tôm khô, khổ qua hầm, thịt luộc, dưa lỗ tai heo...ông chủ nhà cứ nhắc chừng "Mẹ nó nhớ nghe". Ngó bộ càng già, ổng càng giống ông nội lũ nhỏ, ăn chẳng mấy mà cứ bảo làm cho nhiều "Để có khách với mấy đứa cháu ghé, có cái dọn ra, Tết mà".

Nhớ hồi mới về nhà chồng, Tết năm đó với tôi thật nhiều điều lạ lùng. Trường vừa nghỉ Tết là lo khăn gói về quê. Từ 27, đã nghe bố chồng nhắc làm món nọ món kia. Mấy khuya liền, chú em chồng làm heo bán, tôi thức sớm phụ nấu nước, lửa rơm cháy phừng phừng, gió chướng vẫn ù ù ngoài ruộng trống lùa vào, xô bóng chập chờn trên vách, vừa lạ lùng vừa ngồ ngộ.

Thường thì hừng đông ngày 29, chị dâu cả đã lo đi chợ, gánh về bao nhiêu là món: cải bắp, khổ qua, củ hành, củ sắn, bánh tráng, rồi đường muối, tiêu tỏi.... chất đầy bộ vạt dưới bếp. Hồi mới về, tôi đã ngạc nhiên hết sức vì nó to quá cỡ, nằm trọn lòng căn giữa của nhà bếp. Đầu này sát cạnh bàn ăn cơm, khoảng giữa là cái võng mắc qua hai cây cột cái. Đầu kia gần giáp mí vách, trên để cái cối xay bột, khạp da bò đựng cám heo. . . Mấy khi heo đẻ, vợ chú 6 nó thường ngủ ở đấy canh cho heo con bú. Thường ngày, thím nó bán thịt heo ngoài chợ Ngã Tư, bữa nào bán chậm, quá trưa mới về.

Mấy cô con dâu và một cái nhà bếp cuối năm, rộn ràng, tất bật. Cái gì tôi cũng lạ, cũng mới thấy, mới biết lần đầu. Gần nửa thúng khổ qua, moi hết ruột cũng lâu lắc lâu lơ. Bố chồng đã ra Ngã Tư xem chợ thế nào, chốc chốc, ông lại quay về, lúc bảo nhóm lửa làm heo tiếp, khi xách về thêm xâu thịt, mớ lòng, bảo thêm vào nồi kho, nồi hầm hay luộc rồi treo lên đó. Ông có nhiều bí quyết nhà bếp, rửa thịt bằng nước pha miếng đường thùng rồi để ráo mới ướp thì lúc kho thịt sẽ thơm hơn, luộc phèo, ông dặn cho tí phèn, tí muối, lúc vừa chín tới thì rửa ngay bằng nước lạnh, xong bắc nước mới lại luộc cho sôi lên rồi rửa lần nữa là cứ thế buộc lạt rồi treo lên, ba bốn ngày vẫn ngon Chuyện cúng kiến thì ông chu đáo lắm. Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ hoài chuyện nồi thịt kho, khi hỏi bao nhiêu thì vừa, ông bảo “Cúng từ 30 tới mồng 3, ngày hai lượt, mỗi lượt bảy mâm, con tính rồi cắt thịt kho, nhớ cắt miếng trọng trọng, đề đạm chút, một dĩa một miếng coi cho được. Nói như ông là miếng thịt kho cũng phải hơn nửa bàn tay. Và cũng từng ấy miếng xương hầm, thịt ram… mà phải hai nồi hầm, một khổ qua và một củ sắn với bắp cải. Ông bảo để đứa nào không ăn khổ qua được thì cũng có nồi hầm kia. Bởi vậy, nồi nào cũng phải hai chị em mới rinh lên rinh xuống nổi. Ngày hai lượt cúng là hai lượt hâm, đêm phải lấy sàng đậy rồi dằn gạch hay thớt cối lên kẻo chó mèo!

Bây giờ, mối lần Tết, cứ nhớ ông. Tôi bảo với con gái, Ba con bây giờ giống y như ông Nội, cứ biểu mẹ làm đủ món, chắc phải thuê một cái tủ lạnh nữa mới để hết đồ ăn mấy bữa này! Hôm 13 tháng chạp về giỗ ông, tôi đã mượn thím Tám nó ké ít thịt vào nồi kho, bảo 30 chị về chị mang đi. Cô Bảy nó hứa làm cho keo mắm tép – từ lúc tôi bày cho cách làm thì “thương hiệu” mắm tép đã chuyển sang cô em chồng giỏi giang tốt bụng, cứ Tết lại cho mỗi chị một keo. Thành ra ngoài dưa kiệu, dưa cải, tôi chỉ phải làm thêm nồi khổ qua, luộc thịt, với tôm kho tàu. Rồi còn lo chuẩn bị quà Tết mang về biếu, lo mua bông trang trí sân, nhà, và mọi thứ phải xong trong ngày 29, vậy nên cứ thấy lu bu.

Mấy chục năm, từ hồi son rỗi đến khi nhà có bốn người, về quê ăn Tết đã thành lệ. Sớm thì từ 27 đến mồng 3, muộn thì 30 về mồng 3 trở lên. Giao thừa đầu tiên ở nhà quê, mới thực sự biết câu tối như trời 30. Đêm đen như quánh đặc lại, gió chướng tự ngoài đồng xa ào ạt tuôn về, lướt qua những tàu lá dừa ràn rạt làm những chiếc đèn trên mấy bàn thờ cứ lay lắt, bộ thần vọng chạm trổ sơn son thếp vàng ở gian thờ loáng thoáng trong bóng đèn chao chác thấy buồn buồn làm sao. Năm đó, ông xã phải trực cơ quan nên đã lóc cóc đạp xe đi từ chiều. Tôi ngơ ngác giữa căn nhà mênh mông. Nghe tiếng ngáy của anh cả, tiếng mớ của thằng cháu, tiếng ọ ẹ của mấy đứa nhỏ lẫn trong tiếng hát ru rời rạc của cô em bạn dâu, tiếng mấy con gà nòi nhốt trong bội cứ lục cục lục cục.

Rồi lác đác pháo nhà ai cúng giao thừa sớm. Bố chồng trở dậy bảo nấu nước pha trà cúng. Lửa rơm bừng lên lem lém, tự nhiên thấy tủi thân gì đâu. Nghĩ rồi đây mình sẽ không bao giờ đón giao thừa ở nhà mình nữa mà rớt nước mắt trong tiếng pháo rộ ran lên. Năm mới bắt đầu như vậy.

Năm đầu cả nhà đón giao thừa ở Thị xã cũng là năm đầu tiên cấm đốt pháo. Hai đứa nhỏ buồn hiu. Rồi năm đầu tiên rời khu tập thể về nhà mới, Tết vui biết bao nhiêu, hai đứa nhỏ tha hồ bày vẻ chuyện đón Tết. Rồi con trai đi du học, năm đầu tiên con không ăn Tết nhà, thấy thiếu vắng làm sao. Gọi điện thoại sang Sing cho hai chị em nói chuyện, hơn 10 phút mà gần phần tư tháng lương. Rồi năm ngoái, con gái ở lại bên chồng, còn hai vợ chồng già lóc cóc về quê, bảo nhau chắc là như vầy luôn rồi đó. Giao thừa, con rể gọi điện về chúc tết, bảo con chú ý chăm sóc vợ con, kẻo nó buồn tội nghiệp. Nhớ con trai, con gái rưng rưng.

Sẽ không bao giờ còn cảnh sáng 30 cả bốn người rối rít xách bao nhiêu là bánh mứt, lạp xưởng, tôm khô, dưa hấu chất lên xe chuẩn bị về Ngoại Nội. Lệ thường, cứ 30 thì sáng ăn cơm rước ông bà ở nhà Ngoại, chiều nhà Nội, rồi quay về Thị xã. Tối xúm xít xem TV đón Giao thừa. Lần con trai về ăn Tết sau 4 năm ở Sing, khi giây cuối cùng của năm cũ qua đi, pháo bông trên TV bùng lên cũng là lúc chụp một tấm hình đầu năm mới. Thường thì hai đứa nhỏ lôi kéo mãi, ông chủ nhà mới chịu mắt nhắm mắt mở thay quần áo mới. Hai năm nay, ông chịu khó thức cùng, chắc sợ tôi một mình tủi thân chăng?

Mồng một, thường đóng cửa nhà, mấy đứa nhỏ đi chơi với bạn, hai vợ chồng già xem TV nói chuyện tào lao, đọc báo Xuân. Mồng hai trở đi mới có khách, mới nhậu, mới xỉn. Nhớ một năm, khách quen tới, đòi uống rượu, sợ ông chủ nhà xỉn, bèn lấy rượu vang, bảo uống thay ông, khách một bụng rượu Tây rồi, uống vang vô xỉn quắc cần câu. Khách về, hai vợ chồng cũng xỉn, lăn ra nằm, con gái đi chơi về nhấn chuông hồi lâu không thấy, gọi điện thoại, mẹ cứ nghe như dế gáy ri ri, lơ mơ ngẫm nghĩ quái sao lại có tiếng dế, dậy được chạy ra mở cổng thì con gái suýt nước mắt ngắn nước mắt dài. Nhưng đó là chuyện xưa rồi. Mấy năm nay ông không uống rượu nổi, phải trốn khách, tôi cứ đầu năm nói dóc liên tục rằng ông mới đi mừng Xuân chúc Tết đâu đó rồi. Có năm, học trò cũ kéo về đông lắm, tíu tít tranh nhau kể chuyện lúc còn học sao mà cô khó gần chết. Đôi khi có cả học trò rể học trò dâu, học trò cháu, vui lắm. Và bao nhiêu là chuyện bí mật của tụi nhỏ giờ thi nhau kể cho cô nghe, rằng hồi đó em thương nó mà nó hỏng thương em, rằng hồi đó cô rầy, học thi cho xong đi rồi hãy yêu, rằng tới giờ em chưa cưới vợ cô ơi, em ế kiêu mà!

Rồi mấy ngày Tết cũng qua, rồi lại lui cui dọn dẹp, tỉa bỏ nụ mai, giũ mấy giỏ cúc, vạn thọ lấy đất phân, khiêng mấy chậu cây trả lại ngoài sân, rửa li tách, chén bát xếp vào tủ. Lụi hụi cũng đến rằm mới xong.

Vậy đó, bây giờ, nhìn lại Tết, thấy mình sang ghê, ăn Tết muốn hết tháng Giêng.

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2009

Tìm 1 được 3 - February 06, 2009

Đầu tiên là đi tìm một quyển tự điển.

Ghé nhà sách quen, không có, tào lao vài câu với cô bán sách mỏng như Kate Moss rằng thì là nếu cô chuyển cho em được 5 kí thì hai cô cháu mình đều đẹp dáng cả, rằng thì là từ hồi nghỉ dạy đến giờ cô không hay mua sách. Cô đọc sách online.

Nhà sách thứ hai, cũng gặp cô học trò cũ, nó cười, trời đất, cô nghỉ dạy rồi, mua tự điển làm chi? Ngộ chưa, tự điển là dành cho tất cả mọi người mà?

Nhà sách thứ ba, gặp một đồng nghiệp trẻ, lại ngạc nhiên khi nghe mình bảo đang tìm một quyển tự điển. Chịu thua với cái suy nghĩ tự điển gắn với thầy giáo! La cà một vòng, bắt gặp cu Bill của bạn blog mình ở đây, bèn rủ chú nhóc theo về, không biết mẹ chú có biết là Bill đang ở Bến Tre không nhỉ?

Photobucket

Nhà sách thứ tư, lẽ ra là nên ghé nó trước tiên vì nó là cái nhà sách Fahasa to đùng trong Co.op Mart. Nhưng cái tội ghét trèo cầu thang rồi gởi giỏ xách làm mất thời gian. Mà sao cô bé bán sách lại nhớ ra mình mà gọi "Cô ơi, cuốn Rừng Na uy có rồi đây, chờ mãi mà không thấy cô tới". Ờ, chắc hôm trước, cô ấy gọi mình bằng chị, và mình đã trêu, bảo nghe gọi bằng chị sướng cái lỗ tai! Vì hỏi ra mới biết mẹ cô ấy thua mình gần chục tuổi!

Rừng Na uy, chắc mày sẽ rù quến tao hết ngày thứ bảy đây.

Photobucket

Rồi thì cuối cùng cũng gặp nó.

Ta về thôi, ba bạn sách nghe.

Photobucket

Photobucket
Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 4 tháng 2, 2009

February 04, 2009 Suy nghĩ đầu năm

Tôi gặp những dòng này của cô học trò nhỏ,

Thương quá những suy nghĩ sâu sắc của một cô gái trẻ:

Mình sẽ không thể hạnh phúc khi chẳng có ai để yêu thương và chẳng thể yêu thương ai.

Tháng, năm là những mùa lặp đi lặp lại... Nhưng cuộc sống là những biến động không ngừng.

Chỉ khi nào người ta tự hài lòng và vun đắp những điều giản đơn mà mình có thì sẽ cảm thấy hạnh phúc...

Cám ơn con nhé XV!

Đọc tiếp ...