Thứ Năm, 28 tháng 1, 2010

29 - 01 - 2010

mừng

SINH NHẬT CON GÁI

 

 

 

 

Đọc tiếp ...

Viết cho Con Gái (6)

 

Môi biết cười ...  

Một ngày, mẹ nhận ra không chỉ có các thầy cô thương yêu con, các bạn con cũng rất mến con. Mà các bạn trai là chủ yếu!

Món quà đầu tiên được dấm dúi nhét vào cặp là một cây bút máy năm con học lớp 5! Mẹ chỉ nói với con rằng chắc chắn bạn đã bằng cách nào đó có tiền để mua nó cho con vào cái thời mà hầu hết trẻ con đi học thường không có tiền quà vặt, và con đã trả lại cho bạn - như cách bạn đã tặng con. Mẹ bắt đầu “canh chừng” con từ đó. Những câu chuyện hàng ngày con mang về từ lớp học đã giúp mẹ biết thêm về “những-người-chung-quanh-con”. Thật khó để không làm con tổn thương và né tránh mẹ về điều tế nhị này. Nhưng con là một đứa trẻ thông minh, con biết mẹ “cảnh giác” và con biết con phải như thế nào. Tuy cùng tuổi nhưng con già ngày tháng hơn nhiều bạn cùng lớp, có lẽ đó cũng là một “lợi thế” khiến con vững vàng hơn chăng? Con học giỏi, năng nổ chuyện trường lớp, tháo vát, biết quan tâm tới mọi người và nhất là con không hề biết õng ẹo điệu đàng làm dáng trước mấy bạn học con trai nên con dễ hòa đồng. Nghe con và các bạn nói chuyện với nhau, mẹ tin rằng con biết “nắm trái tim trong tay mình”.

Mẹ đã chọn cách làm bạn với con. Chúng ta chẳng đã có biết bao điều bí mật với nhau, con nhỉ? Chúng ta đã tự hào rằng mình đã không làm nhau thất vọng. Mẹ hạnh phúc vì đã được cùng em làm nhân chứng quan trọng của mọi chuyện liên quan đến trái tim con.

Bây giờ nhìn lại, bao nhiêu là chuyện dễ thương của thời học trò đã trôi qua một cách đẹp đẽ phải không? Những buổi giặt đồ đêm ngoài bể nước nhà tập thể, những lần nói chuyện ở trước cổng Phòng Giáo dục Thị xã, dòng chữ “Khóc Minh Khuê” trên bảng của một bạn gái lớp B năm 11, lần con bị xỉu giữa giờ học được khiêng xuống Phòng Y tế rồi đưa qua Bệnh viện Thị xã…rồi chuyện gọi bạn dậy đi học kẻo trễ….

Con đã để “tóc em từng sợi nhỏ… rớt xuống đời làm sóng lênh đênh” khiến những ai đó phải xót xa “nắng có còn hờn ghen môi em…”

Con Gái,

Tim mỗi người là ngôi nhà nhỏ,

Tình nồng thắm… như mặt trời xa…

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

Viết cho Con Gái (5)

 Em đến trường …

Con sinh tháng giêng, nên đến nhập học thì đã hơn 36 tháng. Vào lớp Mầm có vẻ chững chạc hơn nhiều bạn.

Từ nhà tập thể, chạy ù một hơi là đã đến trường. Mấy ngày đầu, chưa quen lớp quen bạn, con có vẻ ỉu xìu mỗi sáng. Lớp của con ngay đầu dãy, nhìn là thấy cửa nhà mình nên mẹ phải hứa là lúc con ra chơi thì mẹ sẽ đứng đó để con nhìn và biết là lúc nào mẹ cũng có ở nhà. Tuy vậy, có hôm vào giờ chơi, con nhìn thấy mẹ ẵm em là rối rít vẫy tay và đòi về làm cô phải dỗ mãi con mới chịu vào lớp. Thế là mẹ đóng cửa trước và dối rằng mẹ đi chợ vào giờ đó hay phải dỗ em ngủ hoặc một lí do nào đó con có thể chấp nhận…

Ngày 8-3, con mang về tặng mẹ một bông hoa cô dạy làm ở lớp với vẻ hớn hở dễ thương về kì công của mình. Mỗi ngày tan lớp, bữa cơm chiều bao giờ cũng tràn ngập tiếng cười theo những câu chuyện con mang về. 

Các cô ở trường Mẫu giáo rất cưng con, dành cho con nhiều mối quan tâm đặc biệt: Cô Bạch Hoa dạy con liên tục hai năm, tuy coi bộ ba con với Tri Bình và Hùng Anh là học trò ruột nhưng vẫn ưu ái con hơn vì con là gái. Năm 85, kỉ niệm 10 năm Hòa bình, lễ lớn lắm, có nhiều xe hoa, cô chọn con đứng trên xe hoa của Phòng Giáo Dục Thị xã. Cô bảo phải mặc áo đầm đẹp. Nhưng hồi đó, tụi con chỉ mặc đồ do mẹ may từ vải được phân phối. Mẹ tháo bộ đồ ka tê màu hồng thêu tay rất đẹp vẫn để dành để may áo đầm cho con, và con thì cứ ngồi cạnh bên mẹ háo hức chờ, không chịu đi ngủ dù mẹ đã hứa chắc rằng sáng sẽ có áo mới. Sau này, con kể lại rằng con không hiểu bằng cách nào mà từ một mớ mảnh vải lại có thể thành chiếc áo đầm cho con chỉ sau một giấc ngủ, lỡ ra mẹ không may được thì làm sao? Mẹ phải dỗ con nằm xuống cạnh mẹ, chứ ngồi mỏi lắm, rồi dỗ con nhắm mắt chút xíu thôi… Cái áo đầm đó, sau lễ, cô Bạch Hoa đã mang về thêu cho con hình một cô bé ngay trước ngực. Con hãnh diện về sự chăm chút đặc biệt đó. Bây giờ, thỉnh thoảng dở ra, thấy sao nó nhỏ xíu! Năm con lên lớp Lá, em vô lớp Mầm. Sáng sáng, hai chị em dắt tay nhau đi học, giờ chơi, Chị Hai hay chạy xuống lầu coi chừng em, chiều tan học hai chị em ríu rít chạy về, thi nhau kể bao nhiêu là chuyện ở trường, những chuyện mà bất kì lớp mẫu giáo nào cũng thường xuyên diễn ra: bạn này khóc nhè, bạn kia ị trong quần, bạn nọ không chịu ngủ trưa, đòi về nhà, bị cô hăm sẽ giao cho Bà Chín xử. Bà cứ hay đi rảo qua các lớp vào giờ ngủ trưa, thấy đứa nào còn rọ rạy là bà đứng ngoài hành lang tằng hắng, cả bọn sợ im thin thít, mắt nhắm tít lại. Bà lo chuyện nấu nướng dưới bếp, thương trẻ con nhưng dữ tướng, bà lại hay ăn trầu, môi miệng lúc nào cũng đỏ loe, bọn trẻ kháo nhau rằng “Bà Chín ăn thịt con nít đó”, rồi câu hăm he của bà cũng khiếp lắm “Đứa nào không ngoan đâu, giao đây, Chín đem nhét đầu vô lò trấu liền bây giờ!” Nhưng Bà Chín cũng rất thương con, có điều, con với em cũng sợ Bà Chín một phép. Lâu lâu mấy năm về trước, tình cờ gặp lại bà, miệng vẫn ăn trầu móm mém thế, vẫn nhớ và hỏi thăm tụi con.

Năm lớp Lá, cô Phượng thi thoảng vẫn hay chở con về nhà, xa tít trong Phường 6, ăn cơm và ngủ trưa với cô. Giờ đôi lần gặp nhau ở chợ, cô vẫn hay nhắc con hoài. Mẹ nghĩ hồi đó, các bạn con chắc cũng ganh tị khi thấy cô thương con, nhỉ? Cả lớp đi tham quan doanh trại, cô cũng để riêng con hát tặng bài Em yêu chú bộ đội. Cuối năm học, con được thay mặt các bạn lớp Lá chào cảm ơn các cô để lên lớp Một.

Mãi sau này, đôi lúc quay về thăm khu tập thể, nhìn sang trường, tụi con vẫn ngạc nhiên thấy sao mà nó nhỏ vậy. Hồi xưa, đứng trên lầu lớp Lá nhìn về bên nhà thấy khoảng sân sau cơ quan Sở rộng mênh mang xa tít tắp. Hai cây bàng giờ đã xòe tán râm mát cả sân, cái ghế xích đu nơi con và Cô Bạch Hoa ngồi chụp hình đã không còn nữa … Cô Hiệu Trưởng Kim Anh, cô Trắng về hưu lâu rồi, cô Tiên, cô Huân, cô Thảo, cô Tho cũng đã chuyển đi trường khác, còn mỗi cô Bạch Hoa, vẫn dễ thương thế và vẫn chưa có chồng……

Trường Mẫu Giáo Măng Non ơi, so long!!!

 

Rồi con lớn dần, cấp 1, cấp 2 rồi cấp 3, mình vẫn ở nhà tập thể. Cũng hay, tụi con đi học chỉ trong vòng bán kính chưa tới hai trăm mét. Thêm một trăm mét nữa thì ra đến chợ. Nhà mình trở thành điểm tập kết của con và các bạn cho bất kì việc gì của trường của lớp: khăn trải bàn, chổi quét lớp ư? Gởi nhà Khuê đi; cần dao búa đóng cọc dựng lều cắm trại hả? sang nhà Khuê mượn; nấu thức ăn cắm trại à? Qua nhà Khuê nấu … nhiều lúc mẹ cũng rối lên theo con, thấy nhớ hồi mình còn đi học…

Lớp 6, cái chân lanh lẹ chạy nhảy đưa con vào đội tuyển điền kinh dự Hội khỏe Phù Đổng tỉnh và thật bất ngờ, con đem về chiếc huy chương vàng  đầu tiên cho đội tuyển Thị xã. Nhưng đến chừng ra Đà Nẵng thi vòng toàn quốc, đối đầu với những vận động viên lớp 9 thiệt và cả lớp 9 giả cùng đợt chạy bị ách lại đến lần xuất phát thứ năm vì nhiều đứa khác phạm qui thì con bị mất sức té xoài giữa đường chạy. Từ khán đài, mẹ chạy ra dìu con mà tịnh không thấy bất kì một săn sóc viên hay nhân viên y tế nào có mặt. Gọi điện về cho ba mà mẹ tức đến nghẹn cả cổ. Thì ra, sân chơi này không dành cho chúng ta, những người không gian lận tuổi!

Ngày đầu tiên con vào lớp 10, lúng túng ngượng ngùng với chiếc áo dài, mẹ bảo hồi mẹ lớp 6 đã phải mặc áo dài, suôn đuột trông buồn cười chết, con bây giờ đã ra dáng thiếu nữ, mặc áo dài trông xinh lắm, cứ tính là đã mấy ngày mặc rồi, thì thấy cũng bình thường thôi.

Thoắt cái, chiếc áo dài đã trở thành kỉ vật với bao nhiêu là chữ kí của các bạn trong ngày Lễ ra trường.

Rồi con vào đại học, làm cô nữ sinh viên ...

Tổng kết thời áo trắng, con tự hào vì "chẳng biết thi tuyển là gì, chỉ được tuyển thẳng thôi". 

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2010

Mưa Tháng Chạp

 

Áp thấp nhiệt đới giữa tháng Chạp như một chuyện lạ lùng.

Hai ngày mưa liên tục
Không to, cứ rả rích suốt.
Có khi cũng nghe nhè nhẹ, nhưng chủ yếu là lất phất.
Trời không có gió, những hạt mưa li ti rơi không tiếng, bám hờ trên lá, và cứ thế to dần, to dần lên rồi khẻ buông mình.
Không biết mưa bụi miền Bắc thế nào, nhưng cứ đồ chừng cũng thế, không đến nỗi ướt đẫm, nhiều người không mặc áo mưa ra đường, mình cũng thế.
Dọc đường, hàng dương như những tán dù được trùm lên một tấm lưới đan bằng những giọt nước li ti, ngời ngời lấp lánh, đẹp mong manh.
Và sân vườn nhà cũng long lanh những giọt li ti...

Trên lá Lộc vừng

Photobucket

trên Xương rồng bát tiên

Photobucket

Xem này, những giọt nước như đang khiêu vũ, rập rình trên rìa cánh hoa

Photobucket  

Xếp hàng, chờ ... rơi

Photobucket

Long lanh, long lanh 

Photobucket

đan xen, quấn quít

Photobucket

đông đúc, sum vầy 

Photobucket

Chùm mua đầu tắm gội sạch tinh 

Photobucket

Bướm đêm buồn rũ cánh 

Photobucket

Mai vàng sớm ... nức nở 

Photobucket

Nguyệt quới ... trĩu nặng cành xuân la đà

Photobucket

Thế đấy, Mưa Tháng Chạp!

 

 

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

Viết cho Con Gái (4)

4.   Chị Hai

Việc chuẩn bị cho con biết con sắp làm Chị Hai rất thành công.

Mỗi lúc nghe ai đó trong khu tập thể chọc ghẹo “Rồi, mẹ có em bé rồi, Minh Khuê ra rìa rồi!” là con lập tức vênh mặt lên, dài giọng “Hông, con hổng có da dìa, con làm Chị Hai!” và nhất định cãi cho bằng được về chuyện ba mẹ sẽ cưng em hơn. Cái lí của con bao giờ cũng là “Mẹ thương hai đứa bằng nhau”. Ai đó có đùa dai hơn thì đỉnh cao sự giận dữ của con là chỉ tay và hét “Đi dìa”. Câu này là con hay dùng lắm. Có một lần, con với mấy đứa nữa chơi nhà chòi trước nhà. Chẳng biết sự thể ra sao, nghe con hét “Đi dìa” rất to, nhưng sau đó lại là “Chờ con đi với” rồi lóc cóc chạy theo vì sợ mất bạn! Tốt bụng, thảo ăn cũng là con. Nhiều lúc mải chơi, đến bữa ăn mẹ phải "hò hét" lắm, nhưng nếu mẹ đút cho Như Ngọc một muỗng thì con mới chịu ăn cùng với điều kiện là muỗng cơm cũng có thịt y vậy! Con nào biết Như Ngọc rất mạnh ăn và mỗi tháng, tiêu chuẩn của mẹ chỉ có nửa kí thịt!

Con thường hay xoa bụng mẹ và thích thú theo dõi mỗi khi mẹ bảo xem em đá banh kìa. Con hỏi chừng nào mẹ đem em bé ra ngoài và gật gù ra vẻ hiểu biết khi mẹ bảo bao giờ bác sĩ nói em đủ lớn để ra ngoài chơi với chị thì mẹ sẽ đi gặp bác sĩ ở nhà bảo sanh.

Ngày mẹ sinh em Khang, con 27 tháng, theo Ngoại đem cơm vô Bệnh viện Thị xã cho mẹ. Con đã chăm chú nhìn em rất lâu, rồi hỏi nhỏ “Em bé có tay không mẹ?” Ngoại phải tháo tung tả quấn ra cho con nhìn. Con nói liền “Có em bé rồi, mình về nhà đi mẹ”

Mối quan tâm của con bây giờ chỉ là em với bao nhiêu là câu hỏi, cứ liên tục, liên tục không biết thôi. Con luôn tỏ ra mình đáng mặt chị Hai lắm. Nhiều khi mẹ bật cười vì những điều con giảng giải cho mấy bạn trong khu tập thể về cậu em trai của mình, em không có răng nên em bú mẹ, em là con trai nên em đái ngược lên đầu…

Chuyện em bú không hết sữa mẹ cũng là điều con “quan tâm”. Nhìn vẻ thèm thuồng của con mà thương, thế là cả hai chị em cùng chén! Ai cười ngạo mặc kệ họ, con cứ chui dưới cánh tay mẹ và … tha hồ, mắt nhắm híp mỗi khi bị bắt gặp, và cứ lỏn lẻn bào chữa “Hông mắc cỡ, mẹ cho mừ”.

Đêm, con đòi ngủ với mẹ, hai đứa nằm hai bên. Mẹ bớt kể chuyện con nghe, thay vào đó, chúng ta hay nói với nhau về em. Rồi con lăn ra ngủ khò, và sáng ra con cứ tưởng mình bị con chuột tha sang giường ba thiệt.

 

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2010

Viết cho Con Gái (3)

Em sẽ là mùa xuân của mẹ

Em sẽ là màu nắng của cha

 

Ngày sinh con cũng là ngày đầu tiên mẹ bỏ một đợt tập trung từ khi học lại chương trình Đại học. Không hề gì, “Chứng chỉ” này quan trọng hơn!

Ngày thứ bảy, Ngoại rước về nhà. ông Nội lên thăm, bảo ẵm con ra cho Nội xem, Nội cười khen con lanh.

Ngày thứ tám, ba mới về tới, người đen thui, khét nắng, bảo tháng chạp gió chướng, chở gạo nếp và mấy chục thùng đường gần tuốt dưới cửa Khâu Băng, sóng gió dữ quá, tưởng lật ghe chìm rồi. Bàn tay ba run run sờ lên má con cười cười “nhỏ xíu hà”. Mà nhỏ thiệt, con có hai kí bảy thôi, nhưng tươi tắn, rỡ ràng, tóc đen mượt. Mẹ nói với ba, mấy ngày ở nhà sanh, ai cũng hỏi ba của em bé đâu, nói đi công tác không ai tin, biểu vợ đẻ con so mà không nuôi, kì vậy? Ba cũng chỉ cười cười.

Rồi ba cứ lóc cóc chạy đi chạy về Bến Tre – Mỏ Cày. Lóng ngóng ẵm con mà cười hoài.

Con sởn sơ, lớn mỗi ngày như cây cải đủ nước. Sữa mẹ chảy tràn, con cứ trân mình mà bú, mê mải không buông, bụng cứ căng lên thấy rõ, buông vú mẹ ra có khi ọc luôn sữa ra đằng mũi. Ba cười bảo con láu ăn bẩm sinh!

 

Hăm mấy Tết, bà Ngoại đi chợ mua sắm, mẹ rình Ngoại vừa ra khỏi nhà, vội khoắng tay chân vào thau nước kì cọ, nghe sướng rân cả người. Ai dè Ngoại quên gì đó quay về, thấy mẹ đang bì bõm, hét um lên “Vô, vô, vô nhà liền. Trời ơi, ai cho dầm nước hả?” Rồi Ngoại quạt than cháy đỏ lên, bắt thoa thuốc rượu gừng, xức dầu tùm lum rồi bắt trùm mền lại. Mồ hôi  tuôn ào ào. Mẹ mắc cười nín thinh, sẽ còn rình dài dài nữa mà!

 

Con một tháng rưỡi, ba lại đi Hà Nội tập huấn mấy tuần. Năm đó,  mùa nắng nóng dữ, hai bầy heo đổ bệnh một lượt. Chú Sáu lên thấy bà Ngoại nấu nước chín cho heo con uống, ngại không dám đem về. Rốt cuộc, Ngoại chôn hết bầy heo con này tới bầy heo con kia, chú đành đem hai con heo mẹ làm thịt bán đổ bán tháo giúp. Ba về nhìn một xô đầy ống thuốc không mà xót ruột. Phải chi đừng có dịch bệnh, hai bầy heo đó cầm chắc nhà mình có bốn năm cây vàng!

 

Hai tháng rưỡi, mẹ đi dạy lại. 8 giờ sáng, cho con bú một bụng no rồi bỏ con ở nhà với cô Ba và mấy chị. Đói bụng, con phản đối kịch liệt cái bình sữa, chỉ uống bằng muỗng mà thôi. Ngày nào cũng tầm hai giờ chiều là con đòi chị Sáu Vân ẵm xuống lộ ngóng mẹ về. Bú mẹ mà con cứ ấm ức khóc. Tới lúc đó, mẹ mới thấm thía câu nói của ông bạn đồng nghiệp, nhưng cũng không thể bỏ công việc mà về sớm. Mẹ phải giữ nề nếp của trường để còn ngó thẳng vào mắt mọi người mà làm việc chứ. Con xứng đáng là đồng minh nhỏ bé của mẹ. Con không hề bệnh vặt như những đứa trẻ khác. Con ngoan ngoãn và dễ thương.

 

Hồi con biết ngồi, biết bò, mẹ phải cột chân con, liệu chừng dây cho con chỉ có thể bò ra tới mép giường, để mẹ rảnh tay làm công chuyện. Con hay ê a gọi bất kì ai đi ngang cửa buồng và hớn hở khi mấy chị học trò thợ may của cô Ba thương tình mà tháo dây ẵm đi chơi. Nhưng con cũng không quấy khi mẹ lại buộc chân con, chỉ mếu máo chút đỉnh thôi.

 

Hè năm đó, con mới 7 tháng,  mẹ lại vào đợt học tập trung hai tháng. Ba xin ở nhờ một phòng trên lầu khu tập thể. Mấy ngày đầu, Út chưa qua phụ, mẹ phải cột con trên giường rồi đi học. Từ trên lầu Hội trường Phòng Giáo Dục Thị xã, lẫn trong tiếng giảng bài của Thầy là tiếng khóc của con ở lầu bên kia vọng sang. Mấy cô bảo sao mẹ chặt dạ vậy khi thấy mẹ một tay ôm ngực căng sữa, một tay cầm viết. Mẹ bảo mới có một tiếng đồng hồ, con vẫn còn no mà, khóc thì có sao đâu, khóc mệt thì con sẽ nín thôi, chuyện học không được bỏ. Giờ ra chơi, mẹ chạy ù xuống cầu thang, băng qua sân, dọc hành lang rồi lại lên cầu thang về phòng. Con ngồi giữa giường, tay chân mặt mày đầy phân ị ra từ lúc nào, mếu máo khóc òa khi thấy mẹ. Vậy rồi cũng qua, hén con. Đồng minh nhỏ của mẹ. Rồi con ăn dặm rất giỏi, dì Út cứ ú òa với con chẳng mấy chốc mà xong chén bột. Đợt học đó, Thầy Lê Trí Viễn cho mẹ điểm 10 bài kiểm tra “Bi kịch thời đại trong Truyện Kiều”. Ai cũng nể, mấy bác mấy cô học cùng gọi mẹ là Bà mẹ cầm bút!

 

Thôi nôi con, năm đó ruộng mình trúng mùa. Mỗi công hai mươi lăm giạ lúa Nàng Trích. Xe bò chở về chất đầy sân nhà Nội. Một trăm giạ lúa coi như bù lại hai bầy heo.

 

Con mười bảy tháng, ba xin cho mẹ được về tỉnh. Bác Năm Mão Giám đốc Sở đòi bắt mẹ về Trường Trung Học Sư Phạm, ba phải nài nỉ lắm, bác mới đồng ý cho mẹ về trường Dân Chính Tỉnh, dạy ban đêm cho cán bộ, để ban ngày mẹ có thể chăm con.

 

Về tỉnh, ở nhà tập thể, mẹ đang học năm thứ hai, không ai trông chừng con, phải gởi vào nhà trẻ. Làm đơn cũng nhiêu khê dù ba là cán bộ Sở Giá dục! Con đã khá lớn, biết nhiều, nên mỗi sáng đưa con đi, vừa qua ngã ba đường chỗ nhà Bác sĩ Oanh là con mếu máo khóc “Muốn về nhà” Mẹ phải bày đủ trò đánh trống lãng cho đến khi vào tận nơi và cô Xuân Mơ cũng phải dành riêng con ngựa gỗ đẹp nhất cho con thì con mới thôi nức nở. Mẹ chạy về mà không dám ngoái lại. Nhưng chiều nào thì ba cũng dành phần đi rước con!

Ngày đầu tiên ở nhà trẻ, con về với cục u trên trán, mấy hôm sau là một vết cắn trên tay, tuần sau nữa là chi chít vết răng của bạn trên lưng! Mẹ đang đợt tập trung học thi, phải cắn răng gởi tiếp. Mấy cô ở nhà trẻ dù là học trò của mẹ cũng không thể canh chừng con chu đáo như mẹ. Xót con lắm mà đành thôi. Mỗi sáng, khi thay đồ là con đã mếu máo rồi.

Ngày thứ mười bảy, lúc mẹ đang học trên lớp, bà Ngoại sang thăm. Ở nhà trẻ đâu ai biết Ngoại, nhưng khi thấy con khóc đòi, cô Mơ đành phải cho Ngoại đón con về sớm mà bụng cứ phập phồng. Trưa tan lớp, mẹ về tới khu nhà tập thể đã thấy hai bà cháu ngồi chơi trước thềm. Ngoại giận lắm nói “Nuôi được thì nuôi, nuôi không được thì tui đem về nuôi. Sao mà đày đọa cháu tui đến vậy?” và nhất định không vào nhà, bảo mẹ soạn đồ đạc cho con, Ngoại về Mỏ Cày liền. Ba mẹ nín thinh răm rắp làm theo. Cuối tuần ba mẹ về thăm, con giận không chịu cho ba mẹ ẵm. Tới chừng con quấn quít một bên thì ba mẹ lại phải trở về Thị xã rồi. Hết đợt tập trung, ba mẹ lại đón con về, Ngoại gói theo một bịch bánh đuông, loại bánh mà đến giờ con vẫn ưa thích, nhớ không?

 

Khu tập thể của Sở Giáo dục là dãy lớp học, mỗi phòng chia làm ba, mình được ở căn bìa, có tới hai cửa sổ to. Kế nhà mình là nhà chú Tâm Nheo, rồi đến nhà bác 6 Tuấn. Mấy nhà kia cũng nhiều trẻ con lắm. Trên lầu dành cho mấy cô chú độc thân. Tít bên kia sân là khu làm việc của Sở, mặt tiền ngó ra Bờ Hồ. Con là hay lén mẹ chạy lên phòng ba khi mẹ đang lúi húi trong bếp. Lúc sực nhớ, cũng thường là lúc ba ẵm con về và con thì hớn ha hớn hở trả lời  khi mẹ giả vờ bậm môi trợn mắt hỏi đi đâu “ Lên phòng ba”. Một lần, con đi tuốt đầu kia của dãy nhà, chỗ chị Mai chị Bảy. Mẹ đi kiếm táo tác, gọi Khuê ơi Khuê hỡi vẫn không thấy đâu. Anh Hai Nghiệp trên trường xuống chơi, mẹ bảo chạy lên phòng ba tìm con nhưng không có, chạy qua bên Phòng Giáo Duc, rồi bên trường Măng Non, chạy ra Bờ Hồ cũng không thấy con đâu, mẹ điếng cả người, chạy nháo nhào gõ cửa từng nhà. Cuối cùng thấy con ngồi im thin thít với mấy dì mấy chị và một đống chùm dâu trên bộ ván sau nhà chị Bảy. Mẹ vừa mừng vừa giận run lên, kéo con về đánh cho mấy roi, con vừa khóc vừa bảo tại dì Tám biểu đừng lên tiếng dì Tám cho nhiều dâu!

 

Đêm nào mẹ cũng đọc truyện cho con nghe. Con luôn bị cuốn vào câu chuyện, bởi vậy con thuộc lòng rất nhanh. Quyển Kiến và Chim bồ câu con thuộc gần hết.  Truyện tranh Chim vàng và Hạt đỗ, con chỉ cần nhìn vào hình là kể lại không sai chữ nào. Tuy nhiên, con không thích “biểu diễn” trước mặt mọi người. Cho đến bây giờ tập truyện thơ Phù Đổng Thiên Vương con vẫn còn giữ như một báu vật. Nhớ lại lúc đó, con cứ đọc theo mẹ từng câu, rồi thuộc hồi nào không hay. Nhưng đôi lúc con lại bẻ câu thơ theo ý mình và nhứt định không chịu sửa. Câu này đây:

          Làng có một nhà khó

          Sinh con chẳng biết ngồi… yên

Câu này nữa:

Loa gọi khắp bốn phương

Hỏi đâu người dũng tướng

mà con cứ đọc là  “Hỏi đâu người dũng tiến”, đến khi dọa nếu cứ còn gọi tên Bác Hai Dũng Tiến hoài thì sẽ bị đòn, con mới chịu sửa nhưng ra chiều ấm ức lắm. Còn nhiều bài thơ nữa: Ba đi công tác xa, Vườn cam của bà…

Con cũng thích hát, giờ mẹ cũng còn nhớ như in cái cách con ngồi trên bậc cửa, khuỷu tay kê trên đầu gối, hai bàn tay chống cằm, líu lo “Em yêu từng đôi mắt sáng, nong nanh như những giọt sương…” ai bảo sửa lại là long lanh thì con cũng vênh mặt lên, và … cứ hát thế!

 

Một năm vài lần giỗ tết, mình về quê. Ba sắm cái ghế nhỏ gắn vô xe đạp, con ngồi trước, mẹ ngồi sau. Cả nhà mình rong ruỗi cùng với những câu chuyện, bài thơ và tiếng hát của con.

Ngày thơ ơi!

 

 

 

Đọc tiếp ...

Mặt nạ

 

Tối tối, hai má con tôi thường chat với nhau.

Cách nhau mười hai tiếng đồng hồ nên khi con trai lên tiếng “Hi” mẹ thì ông chủ nhà tôi đã đi ngủ mất tự hồi nào. Rồi khi chúng tôi đang say sưa gõ lốc cốc thì ông đã hòm hòm giấc. Già cả, hay đi tiểu đêm, mắt nhắm mắt mở từ phòng ngủ ra thường vẫn thấy tôi miệt mài, ông hay càu nhàu lắm. “Hmmm…. Giờ này mà còn thức đó, ngủ đi, nửa đêm rồi. Thiệt là…hmmm….”

Vậy đó. Ông sợ tôi thức khuya sinh bệnh. Đọc báo thấy người ta đưa tin ngủ ít cũng là nguyên nhân béo phì, ông hù tôi. Nhưng có khi nào tôi ngủ trước 12 giờ đâu. Cho dù vào giường 10 giờ hay có hôm thử sớm hơn thì cũng trằn trọc, lăn qua lộn lại, chốc chốc lại giở điện thoại xem giờ, hay nghĩ ngợi lung tung, càng khó ngủ.

Hai hôm nay, viết entry cho con gái, lại ngồi cắm mặt trước laptop, ông lại hầm hừ.

Tôi bảo với con trai, ba la hoài, nói mẹ ngủ không đủ rồi bệnh, sợ quá!

Con trai bày: con có cách này hay lắm. mẹ đeo mặt nạ vào, tối ba ra mơ mơ màng màng, mẹ quay đầu lại với mặt nạ, ba sẽ giật mình đái trong quần luôn.

Hai má con cười ha ha với nhau.

Và tôi làm ngay.

Chụp hình tức thì, gởi qua, con góp ý thế này thế này...

Cuối cùng thì nó đây:

Photobucket

Còn bây giờ thì chờ, 11 giờ rưỡi rồi, màn kịch sắp bắt đầu!

Hahaha...

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

Viết cho Con Gái (2)

Photobucket

2.    Đón đợi

Sáng sớm khi ba đi làm thì mẹ cũng chuẩn bị đi trường. Một lon guigoz đựng cơm với một cục đường thùng, có khi là muối mè muối đậu, hoặc ít cá cơm hay cá phèn chỉ kho khô. Nói cơm cho oai chứ thường là bo bo thôi. Loại chưa tút vỏ cám bên ngoài, cứ phải ngâm cả ngày thì nấu mới mềm được mà cũng phải nấu lâu ơi là lâu. Tiêu chuẩn lương thực của giáo viên thời đó là 6 kí gạo và 7 kí bo bo! Dì Tư nói chắc là do mẹ ăn cá nhỏ nhai cả xương, nhiều calci với bo bo nhiều vitamin B nên đẻ con là con gái! Chẳng biết có phải vậy không nhưng một điều chắc chắn như Ngoại nói là ăn vậy nóng trong người nên có một thời gian con bị ghẻ chốc đầy đầu! May mà không có sẹo!

Mấy tháng gần cuối, mẹ không đạp xe đến trường được. Chờ phà qua, mẹ theo xe lôi vì xe lam rất khó kiếm khách khi mẹ chỉ xuống sau hai cây số. Chỉ khi nào tới tài của dượng Ba thì mẹ mới ngồi ké ghế trước một khúc đường.

Hồi đó, trường dạy ba ca, mẹ đi từ chuyến phà nhì lúc 6 giờ 30 sáng và ở lại trường cho đến hết ca hai, khi mà các lớp cấp hai đã tan. Dù ông Hiệu Trưởng có đỡ đần một số việc, nhưng mẹ vẫn phải xếp Thời khóa biểu. Chuyện này dễ mích lòng giáo viên lắm nên hình như ông ấy “ưu tiên” cho người phụ trách chuyên môn! Đa số họ ở Thị xã, phà chạy mỗi giờ một chuyến, họ cứ hay đi muộn, và mẹ lại phải vất vả hò hét bọn trẻ con khi lớp chưa có giáo viên. Tuần nào họp Hội đồng mẹ cũng phải nhắc nhở, lúc đầu còn đỡ nhưng riết rồi như gió thổi mây bay! Còn nhớ, một giáo viên bảo “Cô cứ đẻ con nhỏ đi, rồi nay con nóng sốt, may con sổ mũi tiêu chảy, coi cô có còn đúng giờ được không?” Mẹ vô Phòng Giáo Dục xin trả chức Hiệu Phó, Ông Trưởng phòng nói “ Đoàn viên Thanh niên mà, thấy khó là bỏ sao?” Mẹ nghĩ, được rồi để coi tới chừng có con nhỏ, mình sẽ như thế nào?

Nhớ lần đó, tan ca hai, mẹ đón xe lôi về, sợ xe chạy lẹ ra cho kịp phà như lệ thường chở khách, mẹ dặn “Tui không có qua phà anh đừng chạy lẹ nghe”. Ác nỗi, tiếng máy xe inh tai, ổng cứ rồ ga mà chạy, đường lộ đá lông chông, một mình mẹ một xe, còn hơn nhảy twist, mẹ gọi vói tới trước “tui hổng có qua phà anh đừng chạy lẹ nghen”. Nhưng hai bên đường là đồng trống, gió chướng thổi ngược lồng lộng, ổng có nghe đâu, mẹ đành phải ôm chặt cái bụng mà chịu trận. May mà chỉ có hai cây số. Ra tới phà, chắc con phản đối nên gò cái bụng mẹ cứng ngắc, không bước xuống được, ông xe lôi còn hối cô xuống lẹ đi, phà đợi kìa! là bởi ổng đinh ninh mẹ nói “tui… qua phà, anh … chạy lẹ nghen!”. Thực là dở khóc dở cười! Mẹ tởn quá, mấy lần sau đi, nhớ mặt ông xe lôi đó, phải níu tay dặn trước rồi mới dám bước lên xe!

Bữa trước ngày sinh con, Ngoại gởi cho một lon guigoz đầy chuối chưng, mẹ thèm, ăn một bụng, bỏ cơm chiều. Khuya râm ran bụng, nằm im nghe ngóng một hồi thấy khác khác, mẹ lay ba dậy, Anh à, sao em đau đau cái bụng, ba giật mình dậy rồi cười, ai biểu, hồi chiều ăn chuối chưng nhiều quá chi. Phà nhứt qua, cô Ba kêu, ủa, Năm mày sao chưa đi làm? Ba cười cười, bả đau bụng chị ơi. Cô Ba xăng xái hẳn lên, vậy hả, vậy dậy đi, chị nấu nước cho mà tắm gội rồi nấu cơm sớm ăn, lẹ lên đi. Nhà rộn ràng lăng xăng liền, mấy anh chị tíu tít nhau kéo dậy, nói cười râm ran, rồi rồi, sắp có em bé rồi, mợ Năm sắp có em bé rồi.

Phà nhì rồi phà ba lần lượt chạy. Ba hỏi đi Thị xã hay về Mỏ Cày. Con so về nhà mạ mà, mẹ nói thôi để em về Mỏ Cày. Nhưng chiều đó, ba phải cùng mấy chú ở Sở đi Thạnh Phú mua đường, gạo nếp về cho cả cơ quan ănTết. Ba làm Trưởng ban đời sống mà, đâu có bỏ nhiệm vụ được. Không sao, mẹ đi một mình được mà.

Hồi đó, bến xe lam ở bên này cầu sắt lớn, mẹ lôi bao đồ vô gởi nhà bà Bảy Cang, bà con với Ngoại. Bà Bảy hỏi, ủa bụng nhỏ xíu vầy mà đẻ gì con? Trời đất, đau bụng rồi hả, sao về có một mình vậy? Ờ, vậy hả, thằng Nghiệp đâu rồi, lấy xe chở chị Ba về bên dì Năm đi con. Để bao đồ đó đi, một hồi nó chở qua sau, lẹ đi con. Mà tắm gội chưa? Cha, sao không cắt tóc ngắn lên cho gọn vậy con? Ờ, thắt bính lên cũng được mà. Ờ, đi đi con, lẹ lên.

Nhưng mà sao mẹ không còn nghe đau bụng nữa.

Bà Ngoại cũng ngạc nhiên luôn khi mẹ bước vô nhà. Lại câu quen thuộc, nấu nước tắm gội nghe con. Cứ nghĩ tới chuyện một tháng không được tắm gội mà khủng khiếp! Sao lại có kiểu kiêng cử gì kì quái vậy ta?

Chiều, rồi tối, thỉnh thoảng lại dấy lên một cơn đau. Ngoại nói chưa đâu con, ngủ lấy sức đi.

Nửa đêm, quặn lên mấy cơn. Hai mẹ con lò dò bưng đèn đi qua nhà bảo sanh. Ngoại cột cái khăn qua quai giỏ, mang trên vai, tay cầm đèn, tay kia cầm cái rổ che gió, mẹ ôm bụng đi theo, chốc chốc lại suýt soa. Giờ nghĩ lại thấy mắc cười cái cảnh đó quá!

Cô mụ Mười vẫn vui vẻ và nhẹ nhàng như vốn có mấy mươi năm, khám rồi bảo, chưa có gì đâu con, thôi ráng nằm ngủ đi, sáng hãy hay! Rồi nói, lẩm rẩm vậy mà lẹ hén chị, hồi chị sanh nó, em đỡ chứ ai. Lúc đó, mẹ mới thấy đau không chịu được. Cái bụng cứ gò lên từng chặp và cơn đau cứ như chạy dọc sống lưng rồi xuyên từ sau ra trước. Và cứ thế hết cơn đau bụng thì tới đau lưng, cứ như sắp gãy đến nơi. Không ngồi được, không nằm được, đứng thì hai chân cứ run run muốn khuỵu xuống. Tì bụng vào thanh giường thì cô mụ không cho, bảo ráng đi tới đi lui, mà cái chân có nghe cho đâu. Bà ngoại cũng toát cả mồ hôi vì phải dìu mẹ.

5 giờ sáng, cô Mụ Mười khám lại rồi gọi y tá dậy nấu nước. Nhìn ngọn lửa bếp dầu cháy leo lét bên dưới cái nồi nước to đùng, mẹ muốn quạu luôn. Lửa heo hắt vây, đợi nước sôi thì đẻ mất rồi còn đâu.

Nhưng rồi, sáng ra, thêm hai ba bà bầu nữa vào, họ lần lượt lên bàn sanh và trẻ con lần lượt oe oe mà mẹ vẫn rên theo từng cơn đau. Giờ đó, chắc ba đang lênh đênh trên sông Hàm Luông, mẹ đau bụng dữ lắm, ba có biết không?

 

7 giờ sáng, Út chạy qua, ngồi bệt dưới đất cạnh cửa phòng sanh, mặt căng thẳng theo từng tiếng rên của mẹ, mắt ngân ngấn nước. Ngoại biểu thế nào cũng không chịu về đi học.

 

10 giờ sáng 29-1-1980, là 12 tháng Chạp, con mới oe oe chào buổi sáng.

Đúng là con gái, mặt rạng rỡ như sao Khuê buổi sớm.

Nguyễn Thị Minh Khuê của ba mẹ đây.

Đọc tiếp ...

Viết cho Con Gái (1)

 

Photobucket

 

1.    "Em đứng lên mùa xuân vừa nở, nụ xuân xanh cành thênh thang.."

 

Ba năm sau ngày cưới, con gái ra đời trong sự mong đợi của ba mẹ. Ba cười cười “Con cầu tự nghe”.

Ngày con mới bắt đầu khe khẻ cựa quậy trong bụng, mẹ đã nghĩ  đến chuyện đặt tên. Từ “thói quen nghề nghiệp”, mẹ không muốn tên con sau này sẽ ở đầu hoặc cuối sổ, vì vậy mấy tên bắt đầu bằng A > H hoặc P > X bị loại tức thì. Quyển Tự điển Hán Việt bị mẹ lật ngược xuôi không biết bao nhiêu bận để tìm nghĩa. Mẹ muốn một cái tên vừa có ý nghĩa mà con sẽ rất bằng lòng sau này. Lạ một điều là hễ tên nào ba mẹ ưng bụng thì Ngoại hay Nội đều bảo đã trùng với ông bà đời trước! Ông bà “giành” hết tên đẹp cả rồi! Mẹ bảo với ba hay đặt tên con là An Thới – tên làng quê Nội. Vậy mà cũng là tên một cụ nào đó xa lắm đời trước của ông Nội. May thiệt, vì sau này nghe kể, con dẫy nẫy “Mẹ mà đặt tên vậy chắc con  chết vì mắc cỡ quá!”

Bà Ngoại bảo con so thường hay già ngày tháng, vậy con sẽ chào đời vào đầu năm 80. Hồi đó, làm gì có siêu âm như bây giờ mà chắc là trai hay gái để đặt tên trước? Mấy bà mấy cô nhìn bụng mẹ mỗi người đoán một kiểu, người bảo chắc chắn là con trai, người cam đoan là gái, rối rít cả lên khiến mẹ cũng lúng túng.

 

“Em sẽ là mùa Xuân của mẹ, em sẽ là màu nắng của cha…”

Câu hát cứ trở đi trở lại khi gió chướng và nắng vàng tràn về trên sông Hàm Luông.

Nhà cô Ba cạnh bến phà, mẹ nghĩ đến lúc hai mẹ con mình đứng bên cửa sổ nhìn ba mỗi chiều dẫn xe lên, mẹ sẽ chỉ cho con thấy ba và con sẽ vẫy vẫy đôi tay nhỏ xíu gọi, rồi ba sẽ thấy hai mẹ con mình, sẽ vẫy tay chào lại. À không, tính ba kín đáo, ba sẽ chỉ cười mà thôi.

Tên Khuê chợt đến khi trong tuần lễ tìm hiểu Văn học Trung đại Việt Nam, Thầy Lê Trí Viễn giảng tuyệt hay về Nguyễn Trãi với thảm án Lệ Chi Viên và lời minh oan chí tình chí nghĩa “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”. Đúng rồi, con sẽ là Quang Khuê, trai hay gái cũng vậy đi. Ba bảo con trai tên Khuê nghe yếu quá, mà lót bằng chữ Quang là ba không ưng bụng rồi. Ờ há, ba có cái lí của ba mà. Vậy thì là Minh Khuê, thôi không bàn bạc nữa, mẹ nói với ba như vậy. Rủi con trai thì sao, ba cứ gặng. Mẹ nghĩ là con gái, chắc chắn mà. Hồi ốm nghén, mẹ chỉ thèm ngọt, nhưng mẹ đinh ninh là gái, không biết vì sao!

Niềm vui cứ lớn dần lên.

Đọc tiếp ...