Thứ Hai, 28 tháng 7, 2008

46. July 25, 2008 Thăm thầy cũ


Thầy ở nhà riêng 226/3 Nguyễn Ái Quốc, Tp Biên Hòa

Hơn ba mươi năm, mới có dịp thăm thầy cũ.
Ba mươi năm với biết bao đổi thay của thời cuộc, của sự đời và lòng người.
Dù sao thì cũng đã gặp thầy. Rất vui vì thầy nhận ra ngay " Con Thu Nhân chứ ai? Hồi đó múa Chiều lên bản Thượng mà! Còn thằng Bé ra sao?" ngạc nhiên và cảm động quá chừng!
Thời gian in rất rõ những thay đổi : tóc bạc trắng, ốm đi rất nhiều, lóng ngóng, chậm chạp vì những ba lần tai biến, may mà thầy vẫn còn có thể tự đi đứng được. Coi như điều kì diệu xảy ra.
Cô vợ trẻ hơn gần hai mươi tuổi đã tự mình ra tòa li dị - bảo là không thể chịu đựng nỗi sự khó khăn, khắt nghiệt của thầy. Cái nhà chia đôi, mỗi người một nửa, nhưng lạ là nghe bảo vẫn phải “hầu hạ” thầy! Hai cô con gái đã lập gia đình, một ở gần một ở xa, không biết có hay lui tới chăm sóc? Hỏi việc ăn uống sinh hoạt thế nào, thầy bảo tự mình lo, nhưng không hề gì, vì ăn uống có mấy, mà di chứng tai biến nên ăn uống gì cũng khó, cũng chậm vì hay sặc, chỉ hay ngủ. Cái cười có vẻ cam chịu gây xót xa.
Ngày xưa, thầy mạnh mẽ là thế, con nhà võ mà. Từ hồi mình còn học cho đến khi lại về trường cũ dạy, thầy vẫn nổi tiếng là nóng tính và hay bắt cúi rồi dùng roi đét vào mông mấy thằng con trai hay nghịch. Mãi sau này, mỗi khi nhắc đến thầy, bọn mình vẫn hay nhắc câu hăm he “Táng cho một cái dính vô vách tường bây giờ!” Nhưng bù lại, thầy rất thương học trò. Đi dự đại hội Văn nghệ Thể thao bên tỉnh, thầy theo ra sân vận động, đón ở cuối đường chạy, dang tay ôm khi Hải về đích đầu tiên, rút khăn tay lau mồ hôi và dìu nó đi. Tổ chức trại, thầy xuống tận bếp coi nấu ăn cho bọn nhỏ ra sao. Đêm diễn văn nghệ, thầy chạy ngay vào hậu trường sau màn hoạt cảnh, vỗ đầu tụi học trò nhỏ mặt còn son phấn rồi dắt cả bọn mấy chục đứa đi ăn.
Nhờ hồi học lớp đệ tam B, thầy dạy môn Sử Địa. Trong lúc thầy dạy Văn lên lớp hay nói chuyện tiếu lâm tào lao khiến mấy thằng con trai khoái chí la hét ầm trời thì thầy lại soạn bài rất kĩ, dài thòòng, mà khổ nỗi, hồi xưa lắc xưa lơ đó, phải cắm cổ mà chép chứ đâu có photo như bây giờ. Khổ nhất là học tiết 5, trời trưa, đói bụng, mỏi tay, trông hoài cho đến kẻng đổ hết giờ. Có lần, cũng tiết cuối, mắt muốn đổ hào quang, cắm cúi xuống trang vở miết, tới chừng ngó ra ngoài thấy hàng rào kẽm gai ngăn với trường cấp một bên cạnh nhòe nhoẹt hai ba lớp, nhìn lên thấy mặt thầy dài ngoằng, bật cười, bàn trên Tuyết Hồng và Lệ Dung cũng bấm nhau cười, viết vội miếng giấy đưa lên “Cười gì?” trả lại vỏn vẹn chữ “Khỉ”, cứ tưởng tụi nó cũng nghĩ giống mình, bèn lật đật đưa lại “Mặt thầy hả?”. Không nín được, ba đứa sặc lên cười. Thế mà thầy lại bảo “ Cười gì thế hử? Đói bụng chưa? Trẻ con vô tư!” Thầy mà biết, có nước ba đứa ăn đòn! Ấy vậy chứ ba đứa mình là nhóm học trò thầy cưng nhất trường. Hồi ghi tên chọn ban lớp đệ tam, thầy và thầy Trương, thầy Trai - Hiệu trưởng cũ nhất định bắt lên học ban B vì rằng “Mấy dứa này học ban A làm chi cho uổng, hử?”
1971, mình xin về dạy, thầy - đã lên làm Hiệu trưởng, cứ thắc mắc khi xem hồ sơ “Tú tài Toán sao lại học Văn Khoa? Vậy dạy Văn nghe, sang năm nếu còn thầy xếp thêm giờ Toán cho”. Con đường làm cô giáo Văn mở ra ngẫu nhiên như vậy. Hồi đó, không có chuyện dự giờ thăm lớp, nhiều lúc đang giảng bài, bất chợt nhìn thấy thầy đứng ngoài hành lang tự bao giờ, lúng túng quá, đành chạy ra “Thầy đứng đây sao em dạy được?” giờ nghĩ lại buồn cười thật. Ấy vậy mà thầy vẫn không mắng. Đâu mấy lần như thế, rồi thầy bảo “Dạy Văn luôn đi, thầy thấy được”. Ba mươi lăm năm trên bục giảng, có nhiều khi chán nản, đâm ra giận thầy, nhưng có lẽ cũng vì thế mà lại nhớ đến thầy nhiều hơn các thầy cô khác.
Nhớ hồi cùng Nghị, Thành và nhóm bạn lập đội Du ca Trúc, thầy đã bỏ tiền túi cho nhóm tổ chức buổi ra mắt khá đình đám, lại còn kí sổ vàng cho nhóm một khoản hậu hĩnh nữa.
Nhớ thầy, lại nhớ tới tập thơ in roneo với bút danh lạ Vọng Dị, không nhiều bài lắm, bao nhiêu năm trôi qua, chỉ còn nhớ mỗi đoạn nhỏ :
“Cho tôi xin que diêm
Quẹt nó lên
Châm vào cây nến nhỏ
Cho gái trai ấm áp tự tình”
. . .
Ra về, thầy cũng gắng lần đưa ra tận cửa, còn nhắc ghi lại số điện thoại. Hai chị em vào xe rồi, thầy vẫn còn đứng tựa rào, tay run run vẫy theo.
“Thầy muốn về Mỏ Cày một lần quá!”.
Lời của một ông lão bảy mươi sao mà nghe xót xa đến vậy!

Đọc tiếp ...