Thứ Năm, 8 tháng 10, 2009

Phát hành tập bút ký CANH BẠC của VÕ ĐẮC DANH

Bìa- Canh bạc

LỜI BẠT CỦA NHÀ THƠ
 ĐỖ TRUNG QUÂN



“Gọi đúng tên sự việc” là cách nói của Võ Đắc Danh.Viết về vẻ đẹp của con người
( đừng nhầm lẫn với vẻ đẹp ..của hoa hậu)  anh cũng gọi đúng tên : Đó là sự tử tế ! Viết về cái ác,cái xấu xa của con người anh cũng buộc phải gọi đúng tên: Đó là sự không tử tế ! Võ Đắc Danh thường dùng từ “tử tế” và “không tử tế” cho nhiều sự việc, nhiều vấn đề ấm áp hay đau nhức đã và đang diễn ra trong đời sống. Mà đời sống vốn có cả hai mặt như bóng tối với ánh sáng. Nếu anh đưa sự tử tế ra nhiều cho xã hội nhìn thấy thì với cái “không tử tế” anh không giấu nó đi, không “ đặt tên khác” cho nó. Anh cứ phải lột trần nó ra, thậm chí bêu nó ra, gọi đúng tên nó,bản chất nó.

Quyết liệt và không khoan nhượng, dù “gọi đúng tên sự việc” không dễ chút nào với nhiều thói quen đã quên gọi đúng tên sự việc lâu nay.



Nhưng thôi ! Cứ đọc những câu chuyện về sự tử tế và sự không tử tế từ Võ Đắc Danh đi.







ĐẤT



Lời giới thiệu của nhà thơ LÊ CHÍ


               Người xưa từng nói “Sống với đất thác về với đất”, nghe sao ngậm ngùi như điều báo ứng tâm linh. Đất là niềm mơ ước và hạnh phúc của biết bao thế hệ con người. Nhưng đất cũng là nỗi bất hạnh, đớn đau và nhục nhã tột cùng. Cái ranh giới mong manh ấy như nỗi oan khiên truyền kiếp, không chịu buông tha con người. Thời nào cũng vậy, để làm chủ được hoàn toàn mảnh đất của mình, dù đó là vài ba hecta hay chỉ một rẻo nhỏ năm mười thước vuông thôi, cũng không dễ chút nào. Người ta còn sánh đất với máu – bởi con người đã từng giành đất và giữ đất bằng chính mạng sống của mình.


               Hôm giữa tháng 3 năm 2008, trong cuộc giao lưu Hội Sách khá hoành tráng tại thành phố Hồ Chí Minh, bất ngờ có độc giả hỏi: Giữa đạo diễn phim tài liệu, với danh hiệu nhà báo, nhà văn, anh thích mình được gọi là gì? Không chút ngần ngại, Võ Đắc Danh bảo: Anh nông dân! Thoạt đầu, tôi nghĩ Võ Đắc Danh có phần…“lên gân”. Nhưng thật ra anh chẳng ngẫu hứng chút nào. Anh đã biết chọn đúng cái mình giàu có nhứt, am tường nhứt. Vậy là quá đủ và quá hạnh phúc rồi. Biết đâu, đó lại là định mệnh cực nhọc của một kiếp người sinh ra từ đất. Bởi tuổi thơ Võ Đắc Danh là những tháng năm làm bạn với rạ rơm, với cánh đồng sụt sùi mưa nắng, với những ngày loi ngoi trên lưng trâu đến tối mò tối mịt. Chính vì thế mà không khó gì để anh nghe được nỗi niềm của đất. Suy rộng ra, hàng ngàn năm nay, nhân loại với biết bao cuộc chinh phạt, chém giêt lẫn nhau, rốt lại cũng chỉ vì ma lực của lòng tham vô hạn với đất mà thôi. Giá như có phép bỗng biến đất mất đi thì liệu con người sẽ lấy cớ gì để tồn tại? Nhưng để có đất, được đất mà đầm đìa nước mắt và máu thì thật đáng nguyền rủa. Vậy mà cái bi kịch ấy vẫn không ngừng diễn ra ngày càng nghiệt ngã vói bộ mặt diêm dúa của thời “văn minh hiện đại”.


               “CANH BẠC”, tập bút ký mới nhứt của Võ Đắc Danh là một tiếp tục về nỗi buồn vui bất tận của “canh bạc…đất”. Ba tập trước là: NỖI NIỀM U MINH HẠ, ĐỒNG CỎ CHÁT và THẾ GIỚI NGƯỜI ĐIÊN. Đời một người cầm viết, được sống chết với điều luôn ám ảnh mình như Võ Đắc Danh, ấy cũng là cơ may để anh nhận được thứ ánh sáng nguyên sơ và sự khơi nguồn trong trẻo của lòng tin, mở đường cho những trang viết nhiệt tâm đến thẳng tâm hồn người đọc. Dù là trực tiếp mô tả thân phận của những người nông dân bị mất đất rừng, đất ruộng ở Cà Mau, Long An, Đồng Nai, Sài Gòn . . . hay viết về mối tình vu vơ thuở ấu thơ của chính mình trên cánh đồng còn thơm mùi rạ mới, hoặc viết về những đứa trẻ mồ côi trên đỉnh núi Cấm của dải Thất Sơn… cũng đều thấy rõ mồn một những hình ảnh sống động được đặt trên cái nền đất đai mênh mông thân thuộc nhưng luôn tiềm ẩn biết bao điều bất an tội nghiệp. Vì vậy mà khi viết mấy dòng này, tôi muốn đặt tên cho mấy dòng  ngắn ngủi về tập bút ký này của Võ Đắc Danh là ĐẤT.


               CANH BẠC, cũng  như hàng trăm bút ký khác của tác giả không phải là thứ văn chương hấp dẫn bởi sự kết cấu ly kỳ. Như một nghệ sĩ tạo hình, Võ Đắc danh cố nghiền ngẫm chất liệu đời sống rồi đắm hồn tạc nên những chùm tượng thô ráp tươi nguyên. Anh tin, với chất “mộc” của nghệ thuật, tự nó sẽ dễ gần gũi với con người hơn. Có lẽ vì thế mà tác giả luôn kiềm chế, không cho phép mình “hoa mỹ” trước nỗi đau của đồng loại. Võ Đắc danh đã dùng bàn phím máy tính của mình một cách có hiệu quả, ghi chép trung thực nhiều bức tranh hỗn tạp của đời sống nông thôn hôm nay. Đố kỵ với tác giả là sự tô hồng hoặc bóp méo những điều bức xúc. Anh không muốn thêu dệt, trộn lẩn thực hư, dễ dẫn tới những ngộ nhận huyễn hoặc, hậu quả khôn lường. Đã nghe thấy đây đó không ít trường hợp, chỉ cần bịa một cái tên là lạ nào đó hoặc thêm thắt vài chi tiết lếu láo thì cả bài viết kể như bỏ đi và bóng dáng của tác giả cũng biến khỏi trong lòng người đọc. Cái giá chân tình trong quan hệ ở đời và tính chân thật trong bút ký, xem ra chẳng khác nhau là mấy. Không khéo, tự mình uốn cong ngòi viết và dối trá với những người dân quê chân chất đang từng ngày đối mặt với bao điều nghịch lý; bởi ở họ còn chút hy vọng gởi gắm vào văn chương, xem văn chương như người bạn thủy chung, chia sẻ.




(SÁCH DO CÔNG TY PHƯƠNG NAM ĐỘC QUYỀN PHÁT HÀNH TRÊN TOÀN QUỐC)

Đọc tiếp ...