Thứ Hai, 3 tháng 11, 2008

November 03, 2008 Chuyện mười năm (2)

Năm thứ hai

Trường vẫn thường xuyên gửi phiếu điểm về nhà. Con cũng thường xuyên kể chuyện học tập. Cuối năm, con về với kết quả O'Level tốt. Nghe con bảo là bài thi được chuyển về bên Anh chấm. Vậy là xong chương trình High school.

ACS của con năm nay vẫn là một trong các trường trung học hàng đầu của Singapore. Mấy đứa con gái thì học riêng ở trường nữ, tụi con hay đùa là học trường bà sơ vì kỉ luật rất nghiêm. Bọn con trai hồi mới sang cũng có một nhóm tách ra sang học bên RI. Vì vậy nên cũng ít gặp nhau.


Bây giờ, tiếng Anh là ngôn ngữ chính của con rồi. Nhớ hồi con học cấp 1, cô Thu ở trường cho mượn một quyển truyện tranh tiếng Anh. Con rất thích và hì hụi vẽ lại, còn mẹ cũng hì hụi lật tự điển dịch và đọc cho con nghe. Thư dì Tư gửi về bảo em Trí cũng rất thích vẽ và thỉnh thoảng vẫn có mấy bức tranh nguệch ngoạc kèm theo. Mẹ và con bàn nhau bao giờ con vẽ xong toàn bộ quyển truyện sẽ gửi sang cho em làm quà. Hình như là lâu thật lâu mới hoàn thành vì mẹ muốn chính con viết lại phần chữ câu chuyện ấy, mà con thì mới lớp 3 lớp 4 gì đó. Hồi đó, mẹ giỏi tiếng Anh hơn con nhiều! Mẹ vẫn bảo "Mẹ ước sao tới một lúc nào đó, con
sẽ nói tiếng Anh làu làu suốt ngày. Mẹ sẽ vui biết bao nhiêu." Bây giờ, chuyện đó trở nên bình thường. Đôi khi, mẹ thấy ngỡ ngàng, lạ lùng sao!

Cuối năm thứ hai này, có một chuyện thú vị mà nhóm học trò Việt Nam tụi con khiến mọi người chú ý.
Hàng năm, kí túc xá ACS đều tổ chức International Night - đêm văn nghệ tạp kĩ do học sinh các nước biểu diễn. Hai lứa học sinh VN trước có vẻ hời hợt chuyện này nên Khang và các "chiến hữu" quyết tâm làm cho đáng, cho đã - trước tiên là tự hào dân tộc, nhưng quan trọng hơn là cố gắng làm cho thiệt vui. Thế là vở kịch Thánh Gióng ra đời.
Lần đầu tiên, 10 thằng con trai này có cơ hội "hợp tác thành công về mọi mặt" . Tiến Anh (sau vào Harvard học Toán) viết kịch bản, chủ yếu dựa trên truyền thuyết Thánh Gióng nhưng "cách tân" một chút, thêm chi tiết vui và tăng cường màn "đánh nhau" với quân Tàu mà cậu gọi là "bọn mọi rợ phương Bắc" (northern tribes) - không biết tụi học sinh Trung Quốc nghĩ gì nhỉ?
Con trai đảm nhiệm vai trò tổng đạo diễn, kiêm người dẫn chuyện, công việc chưa bao giờ làm, nhưng "thích lắm mẹ à"
Ông tổng đạo diễn than với mẹ là cũng có vài bạn ham chơi mà không chịu "ham làm". Nhưng cuối cùng thì màn biểu diễn thành công ngoài dự tính. Các vai diễn rất tốt, như vai Thánh Gióng của Anh Vũ (vừa tốt nghiệp đại học Middlebury và đang làm việc tại xứ sở sương mù) , thành công nhất có lẽ là vai tướng giặc bạo tàn với tài diễn không chuyên của Trường Huy (sau này học kĩ sư ở NUS - Đại học quốc gia Singapore). Có lẽ sự tháo vát và trí tưởng tượng phong phú đã làm việc chuẩn bị phục trang thành công một cách ngoạn mục, đặc sắc. Mẹ thích thú xem đi xem lại xấp ảnh con mang về, nhất là tấm ảnh chụp mẹ Thánh Gióng mà Chí thủ vai (không biết anh chàng thanh mảnh Hà Nội này bây giờ ở đâu?) và ảnh sứ giả già của Minh Việt (cũng sang Mỹ học Kinh tế ở Stanford).
Con còn hào hứng kể là điều kiện ánh sáng quá tốt của trường cộng với tài nghệ của Chánh Vũ (cậu vừa từ Sing về tổ chức đám cưới ở Vĩnh Long tuần rồi), cũng như hệ thống âm thanh được chọn lọc kĩ càng bởi con và Tiến Anh làm cho vở kịch trở nên hoàn hảo trong niềm hăng hái của cả đội. Tất cả các bạn nước khác mấy hôm rình trộm lúc tập dợt cũng tò mò chờ đợi không kém.
Mọi chuyện diễn ra trên sân khấu cứ càng lúc càng sôi nổi, vượt quá dự kiến của đạo diễn. Một sự cố xảy ra hoàn toàn không có trong kịch bản lại tạo nên hiệu quả bất ngờ: lúc Thánh Gióng Anh Vũ nhổ tre làm vũ khí, đánh mạnh quá làm tướng giặc Trường Huy té xuống sân khấu gãy kiếm và phải đầu hàng. Tiếng vỗ tay át cả tiếng nhạc kết thúc, hội trường nổ tung, các anh hai năm trước gật gù "chúng mày làm tốt đấy!" , các thầy cô cười sảng khoái, bạn bè các nước khác được một phen xem đấu kiếm đẹp mắt ... Nhưng phía hàng ghế đầu, một vài ánh mắt bất đồng của mấy cô giáo khó tính như muốn nói "Chà chà, gì mà đánh nhau kinh thế? Bạo lực thế?" Ôi, toàn bọn con trai cả mà, có vậy mới vui chứ! Kể với cả nhà mà con như vẫn còn hưng phấn lắm.

Singapore với mẹ trở nên gần gũi hơn. Những câu chuyện về đất nước xanh và sạch sẽ lạ lùng khiến mẹ nghĩ nhiều về một chuyến đi.

Đọc tiếp ...