Thứ Tư, 11 tháng 2, 2009

Cổ tích vất vả - Feb 11, 2009

Chuyện bắt đầu vào ngày 30-1 năm nay khi cô học trò 13 tuổi Nastiya Ivliyeva ở Kamensk (Rostov) lướt net vào trang web của tổng thống Nga. Nastiya xin Tổng thống Dmitry Medvedev cho cô... con chuột lang. Số là cô đang nuôi một chú chuột và muốn tìm bạn cho thú cưng của mình.

Người ta đồ rằng Nastiya “bạo gan” như thế bởi đã nghe câu chuyện về bé Dasha ở Buryatia. Trong một chương trình truyền hình trực tiếp, Dasha đã xin Thủ tướng Vladimir Putin chiếc áo mặc năm mới. Kết cục không chỉ được tặng áo mà cả gia đình Dasha còn được mời tới buổi tiệc tất niên 2008 ở điện Kremlin.

Sau khi nhận được thư của Nastiya, ban quản trị trang web tổng thống đã phản hồi tích cực. Lời đề nghị của cô được gửi trở lại cho chính quyền vùng thực hiện, chính quyền vùng bàn giao cho chính quyền tỉnh và cuối cùng về tới trường phổ thông nơi cô đang học.

Tới đây thì sóng gió nổi lên. Nastiya bị gọi lên phòng hiệu trưởng khiển trách vì tội khiến một người bận rộn như tổng thống phân tâm bởi yêu cầu “vớ vẩn” của cô. Ba mẹ Nastiya cũng được ban giám hiệu mời tới giảng giải về việc giáo dục con cái. Nhà trường đề nghị cả nhà viết trên giấy sẽ “từ bỏ ước mơ này”. Nastiya khóc giọt vắn giọt dài tuyên bố: “Từ nay tôi sẽ không xin ai cái gì nữa”.

Chuyện tới tai tờ báo địa phương Pik. Tờ báo quyết định thực hiện lời giao phó của tổng thống. Họ mua tặng cô bé chú chuột và vận động vườn thú địa phương tặng chuồng và thức ăn.

Tuy nhiên câu chuyện chưa dừng lại. Ba mẹ của Nastiya bất bình vì cách hành xử trên đã viết một lá thư khác cho tổng thống. Lá thư có hiệu lực tức thì: chỉ một ngày sau đó người ta đem đến tận trường Nastiya một chiếc lồng với hai chú chuột lang. Giờ thì Nastiya có không chỉ hai mà tới bốn con thú cưng. Hôm sau, trang báo địa phương xuất hiện bài viết: “Thưa tổng thống, giờ thì nhiệm vụ ngài giao không chỉ được hoàn thành mà còn hoàn thành vượt mức”.

Câu chuyện về các chú chuột của Nastiya được cư dân mạng bàn tán sôi nổi. Báo Tin Tức phân tích: gia đình Nastiya không khó khăn và Nastiya không phải là “cô bé quàng khăn đỏ tin vào cổ tích”. Chẳng qua cô học trò thời kỹ thuật số chỉ muốn thử xem trang web của tổng thống tương tác nhanh và hiệu quả tới đâu. Nhưng ngay cả khi như thế, Sergei Chuyev, chủ tịch Ủy ban các vấn đề thanh niên của vùng Rostov, khẳng định: “Đây không phải cái tội, mà chỉ là hành động của một cô bé chưa trưởng thành, vì thế không nên chỉ trích cô, đừng nói là buộc cô phải viết lời hối lỗi vì hành động của mình”.

Ông Chuyev nói câu chuyện này tiêu biểu cho rất nhiều câu chuyện mà ông từng gặp trong cách hành xử với giới trẻ. Chẳng hạn, tại thành phố Kamensk - Shakhtiynsk, giới trẻ đề nghị thành lập nghị viện thanh niên để giúp đỡ chính quyền địa phương cũng như bảo vệ quyền lợi của mình. Họ đưa đề nghị này lên thị trưởng, lên ủy ban thanh niên và hội đồng nhân dân thành phố nhưng đều bị khước từ. “Người ta bảo các cậu mà thủ lĩnh gì, các cậu chỉ mè nheo thôi” - Chuyev kể.

Bất bình, giới trẻ lập ra trên mạng nhóm “Nghị viện thanh niên thành phố Kamensk” với hơn 500 thành viên. Mà khi người ta lập nhóm như thế, theo Chuyev, “đó không còn là những con người đơn giản mà đã là một lực lượng chính trị”. Câu chuyện của Nastiya cho thấy “sự vô cảm của chính quyền địa phương đối với giới trẻ là chỉ dấu của những hoạt động không hiệu quả của chính quyền trong quan hệ con người” - Chuyev kết luận.

Báo chí Nga tổng kết: chuyện không có gì mà ầm ĩ như hài kịch. Một câu chuyện người ta muốn kết thúc như cổ tích nhưng hơi... vất vả bởi nhuốm màu “quan liêu xã hội”.

DUY VĂN

Nguồn:Tuổi Trẻ Online - Chủ Nhật, 8/2

Đọc tiếp ...