Thứ Năm, 23 tháng 10, 2008

October 23, 2008 PRINCETON kỉ niệm

1. "Bốn phương trời ta về đây chung vui"
Ba người chúng tôi từ Harrisburg trở lại Princeton bằng tàu amtrak. Có lẽ đây là lần đầu tiên mà em gái tôi đi chơi một mình không có chồng con đi cùng trong gần hai mươi năm trên đất Mỹ. Vì thế, thấy em mãi dặn dò Ryan, cậu con trai út chuyện mang đĩa chả giò vô lớp bày liên hoan ( Út Thảo đã phải thức tới quá nửa đêm chiên cho cháu) mà thương. Còn chú nhỏ có lẽ không muốn mẹ cứ mãi xem mình là trẻ con nên cứ chun chun cái mũi mà "Yes, Mom" liên tục và liến thoắng gì đó với mẹ. Trên đường ra ga, Tâm bảo "Cái thằng, nó nói con biết phải làm cái gì, mẹ cứ đi chơi đi mà!" Chàng trai 10 tuổi này lém lắm đây.

Con đường chạy ngang những vùng hoang vu vắng vẻ, ngang những cánh rừng lá kim xanh mướt cuối xuân. Cảnh cứ như trong phim, trời se se lạnh, tôi trôi trong những cảm giác mơ hồ nửa như xa lạ nửa như gần gũi. Bốn năm học, con đường này, con trai tôi đi đi về về thăm dì biết bao lần.
Ngang một khu đô thị sầm uất mà tịnh không một bóng người, cảnh tượng hoang tàn, đìu hiu... Tâm nói người Mỹ họ lạ lắm, cứ nơi nào không làm ăn sinh sống được là họ dứt áo ra đi không hề vướng bận. Như Detroit vậy đó...Những chủ nhân của thành phố bỏ hoang này, bây giờ, họ ở đâu, làm gì, cuộc sống có khấm khá hơn hay lại chuẩn bị cho một chuyến đi?
Những bãi xe cũ mênh mông hàng ngàn chiếc phơi giữa trời loang loáng nắng hè, "bên này người ta bán xe cũ vậy đó chị, cứ tới lựa, ok là trả tiền rồi chạy về thôi". Ngộ nhỉ? Mà cũng phải, nước Mỹ mênh mông, năm nào cũng mùa tuyết kéo dài mấy tháng, không xe hơi có mà chết.

Cảnh quan xung quanh thay đổi rõ ràng khi tàu về gần tới Princeton. Những bãi xe cũ mỗi lúc một thưa, những khu dân cư đẹp mắt nhiều hơn, những bãi cỏ, vườn cây được chăm chút. Đã sang hè,cây cỏ vẫn xanh tươi, nhiều thảm hoa dại loang loáng vút qua trước mắt. Chiếc amtrak lướt nhẹ nhàng, tự tin trong ánh nắng vàng hoe đầu hè. Ga Princeton Junction dưới nắng trông gần gủi hơn cảnh vắng lặng giữa khuya hôm tôi mới tới.
Chúng tôi chuyển sang chiếc shuttle mà người địa phương gọi là "Dinky" về Princeton. Lần này chiếc Dinky được nối thêm toa, khách đổ về Princeton đông vô kể từ mấy ngày trước. Như thông lệ, Lễ hội hàng năm có 2 phần, 3 ngày trước là dành cho cựu sinh viên, 3 ngày sau mới là lễ tốt nghiệp. Người ta đã thống kê rằng hàng năm, vào độ này, dân số của cái thị trấn xinh đẹp này tăng gấp đôi! Tôi tò mò ngắm mọi người, con trai tôi nói nhỏ bên tai "Mẹ có biết là tứ xứ đổ về Princeton mỗi năm vào thời điểm này không? Chắc chắn trong số những người này, có rất nhiều nhân vật lừng lẫy tiếng tăm, là alumni về dự hội trường đó". Phải rồi, tôi biết nhiều người như vậy, bà chủ eBay, ông chủ tạp chí Forbes, ông chủ Amazon, giới tài chính Wall Street, giới chính khách Washington... Tôi chẳng biết mặt ai cả, nhưng trông ai cũng vui tươi, cũng tự tin, và yêu đời.

Buổi chiều ngày 2/6, khối senior chụp hình ở Blair Arch, hơn 1000 tân cử nhân chen chúc trên những bậc thang của mái vòm lớn nhất này. Tôi dặn con trai phải cố chen vào những hàng đầu để mẹ còn có thể chụp vài tấm hình. Có bao nhiêu bố mẹ chen vào gần được như tôi? Tội nghiệp hai anh phó nhòm chuyên nghiệp ngồi trên hai chiếc thang ghế cao mà mấy nhân viên bảo vệ phải giữ chặt vì cứ bị xô đẩy bởi rất nhiều mấy người nhà sinh viên phấn khích và khá ... bon chen như tôi. Chà chà, thật là vất vả. Tâm cứ bảo "Chị liệu có chụp được không? Thấy được nó không mà chen vô?" Nhiều người thấy tôi chen vào, vội tạt ra và sorry liên tục, bỗng dưng thấy mình quê quá xá! Trời đất ơi, mẹ của Princeton tiger mà kì vậy? Thôi kệ, chen vô chút, chụp rồi ra liền mà.
Chiều hôm đó, chúng tôi ra trạm Dinky đón vợ chồng Hoa từ South Carolina lên (Hoa đây chính là Hoa trong entry về lớp Đệ Tam B). Khang bảo "Mẹ chắc chắn là nhìn ra Man ngay lập tức không?" Nhớ hồi mới chuẩn bị sang học, khi Hoa và tôi vừa kịp nhận được tin tức của nhau sau hơn ba mươi năm xa cách, Khang vẫn còn hỏi chừng tôi "Mẹ có chắc là mẹ chỉ có một người bạn tên Hoa? và đúng dì Hoa này chính là bạn của mẹ?"
Và chúng tôi đã nhìn ra nhau ngay lập tức, dù cả hai đều già và phốp pháp quá nhiều so với hồi Đệ Tam B ngày xưa! Sau gần bốn mươi năm, chính xác là ba mươi chín năm!

Ông xã Hoa, chúng tôi gọi là Don, vẻ hiền lành, thân thiện và tôi chỉ tiếc mỗi điều mình không thể nói chuyện với ông, trừ câu chào và "Trông anh trẻ hơn trong hình rất nhiều". Don là dân Mỹ chính gốc, sinh ra và lớn lên ở miền quê Alabama phía Nam nước Mỹ, thích săn bắn, câu cá và uống bia. Thế rồi ổng cứ tròn mắt nhìn chúng tôi nổ như bắp rang, khiến thỉnh thoảng Hoa phải giải thích. Khổ vậy, mấy chục năm cưới con gái Việt Nam mà vẫn không nói được gì, chỉ "Trời đất ơi" là giỏi.

Tối đó, chúng tôi đã có một bữa cơm thật nồng ấm, vui vẻ ở nhà chị Kim Huê. Tôi vẫn còn chưa hết ngạc nhiên khi cách nửa vòng trái đất mà con trai lại gặp được đồng hương ngay tại ngôi trường nổi tiếng này. Sau bữa cơm kéo dài quá mức bình thường bởi chúng tôi ăn thì ít mà tranh nhau nói thì nhiều, vợ chồng Hoa về dorm (khu kí túc cho sinh viên) với con, hai chị em ở lại với chị Huê. Sau Reuniuons, alumni tan hàng nhà trường mới có phòng cho mấy parents của senior. Cũng phải vài ngàn chỗ chứ ít đâu.
Đêm, câu chuyện mãi không dứt cho những người xa xứ...
Chị quê Rạch Giá, nhưng sống ở Sài Gòn cho đến khi sang Mỹ sau 75. Một vị trí nhân viên văn phòng ở Pton cũng là điều kì lạ đối với một thuyền nhân. Rời Việt Nam với mẹ và em trai, bỏ lại một nhà hàng khá lớn với vài chục người làm bên quận 4, chị đến Mỹ gần như với hai bàn tay trắng và rất nhiều kỉ niệm buồn. Cô em dâu cưới từ Việt Nam sang vỡ mộng vì nhà chồng không có tiệm nail hay nhà hàng, cô đành hanh chuyện tiền bạc với chồng khi biết anh chỉ là một nhân viên hành chính. Một lần, khi can gián hai vợ chồng xô xát, bà mẹ ngã gãy chân, chị hốt hoảng gọi 911 thay vì cấp cứu bệnh viện. Thế là chuyện vở lở to ra, cậu em lành tính quá, phải theo vợ bỏ xuống Virginia lập nghiệp. Mẹ chị mất không lâu sau đấy. Chị cứ dằn vặt mình mãi về chuyện này.
"Hồi mình đi, tương lai thật mờ mịt..." giọng chị cứ rủ rỉ, đượm buồn.
"Sài Gòn ngày xưa, Nhân có nhớ?..."...
"Chị à, về Sài Gòn một lần đi" tôi rủ. Chị cười nhẹ ừ, có khi cũng về chứ, nhưng có còn ai đâu...
Đồng hồ treo tường vẫn tik tak ...
Con trai giờ này chắc đang túm tụm đâu đó với bạn bè. Mấy hôm nữa xa trường rồi...
Đêm Princeton chớm lạnh.
Trạm Dinky ở Princeton

Don và Khang
Nhân - Tâm - Hoa
Ở nhà chị Huê

Khang ở đâu?
Đọc tiếp ...