Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

Vu Lan

Tôi không thể nói về ngày này với những lời như đa số mọi người từng nói!
Tôi đáng trách chăng?
Đáng nguyền rủa chăng?
Tôi tâm nguyện mình không làm điều gì khiến con mình phải khó nghĩ, khó chịu mỗi khi nhắc đến Ngày Của Mẹ hay Ngày Báo Hiếu!
Tôi là tôi.
Và cho đến bây giờ, tôi vẫn tự thấy mình đã làm được điều đó!

Đọc tiếp ...

STRESS !!!

Mấy tuần nay, hình như mình bị stress!
Và cũng thật ngẫu nhiên, cô bạn Văn Khoa ngày xưa gửi cho bài viết vừa ráo mực để chia sẻ.
Bạn đồng ý, nên mượn về, post lên đây để ... lại chia sẻ cùng mọi người.

BÁC SĨ  ĐỖ HỒNG NGỌC VỚI CHUYÊN  ĐỀ 

“STRESS TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY”  

Tôi biết và ngưỡng mộ BS Đỗ Hồng Ngọc đã lâu, từ lần đầu được tiếp xúc với anh (năm 1979) khi con gái tôi (chưa đầy 2 tuổi) bị một bệnh viện ở tỉnh chẩn đoán là “sơ nhiễm lao”. Tôi, lúc ấy, một người mẹ trẻ, là giáo viên tỉnh lẻ, chồng công chức nhà nước, đồng lương ít ỏi, con gái mà “sơ nhiễm lao” thì sẽ thế nào đây? Gặp anh trong những năm đầu sau 1975, chưa có bệnh viện, phòng mạch tư, BV Nhi đồng thì lúc nào cũng quá tải. Tôi nhớ mãi giọng nói nhẹ nhàng của anh: “Theo tôi thì cháu không bệnh gì đâu, chỉ suy dinh dưỡng thôi, nhưng tôi sẽ cho làm xét nghiệm để có kết quả chính xác, không sao đâu!”. Với cái vỗ vai thân tình, tôi tưởng như ai đó đã tiêm cho mình liều thuốc hồi sinh và quả thật, con gái tôi không bị chứng bệnh mà lúc nghèo khó ấy, với tôi, thật là khủng khiếp! Chúng tôi ở lại BV Nhi đồng một thời gian và chen chúc cùng mọi người trong những bữa cơm chỉ dành cho bé chứ không dành cho người nuôi vì tất cả, lúc đó, đều ăn bột mì, bo bo, cơm chỉ dành cho bệnh nhi. Tôi không gặp lại anh lần nào và mừng thầm: con không bệnh nặng nên không cần phải được bác sĩ giỏi khám! 

      Đến năm 2005, khi đã là thành viên của trường Hoa Sen, có dịp làm việc với anh, đọc nhiều bài viết, nhiều thơ của anh, nhưng tôi cũng chưa bao giờ nhắc lại chuyện này.

      Hôm nay, ngày 19-8-2010, cùng với Ban Tu thư của trường, tổ chức buổi nói chuyện: “Stress trong đời sống thường ngày”, thú thật, đây là lần đầu tôi dự buổi nói chuyện của anh trước công chúng. Trò chuyện với anh thì nhiều, nhưng cùng nghe anh nói với nhiều người khác thì chưa.

      Vẫn tác phong ấy, vẫn cách diễn đạt nhẹ nhàng, nói mà như không nói, làm thơ mà như trò chuyện, nhưng những điều anh chia sẻ cứ thấm dần và thấm sâu với toàn thể người nghe gồm nhiều đối tượng: người đã vào tuổi “gió heo may”, các giảng viên, nhân viên của trường và một số khá đông sinh viên. 

      Cuối năm 2009, tôi cũng trải qua cơn bạo bệnh, 48g trên giường bệnh của Phòng Hồi sức cấp cứu tích cực mà xung quanh chỉ là những người gần như bất động. Ra khỏi chốn “địa ngục trần gian” này, tôi thấm thía giá trị của sự sống, rút được ống oxy, tự mình hít thở mới thấy hơi thở quí biết chừng nào…Chính vì vậy, tôi chia sẻ sâu sắc những dòng thơ của anh trong “Xin cám ơn, cám ơn” mà tôi đã đọc cho mọi người cùng nghe:

       …………..      

       Xin cám  ơn, cám ơn

      Cơn bệnh ngặt nghèo quật ta gục ngã

      Cho ta trở về làm con thú trinh nguyên

      Cho ta trở về làm em bé sơ sinh

      Tràn đầy hạnh phúc

      Để ta biết một điều có thực

      Tình yêu

      Đã giúp ta tìm lại chính mình

      Đã giúp ta vượt thoát...

                                            (1997)

      

     Khi nghe anh nhắc lại định nghĩa sức khỏe của tổ chức Y tế thế giới WHO: “Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái về: thể chất, tâm thần, xã hội chứ không phải chỉ là không có bệnh hay tật”, tôi muốn cười lên một cách thật… sảng khoái. Vì rõ ràng tôi đang là người có sức khỏe, bởi tôi vẫn đang trong tình trạng sảng khoái, tôi vẫn say mê làm việc hằng ngày với những suy nghĩ, dự định mới mẻ, xã hội chẳng phải nặng nề vì tôi, ai bảo tôi là người bệnh tật? Cho dù chưa ngày nào tôi không uống các loại thuốc: huyết áp, xương khớp…Hãy vui mà sống, sống để mà vui. Sẽ kết thúc những ngày bi quan vì mình là người “có bệnh nên sức khỏe kém”.

      Tôi  lại cũng quá tâm đắc khi anh nói về nỗi “đau khổ” của người bệnh: bác sĩ thường chỉ quan tâm chữa cho người bệnh hết đau chứ nỗi khổ của họ thì hình như vẫn còn nguyên! Một lần nữa, trong tôi, lại hiển hiện hình ảnh một BS nhi khoa biết quan tâm đến nỗi khổ của bà mẹ trẻ: “Không sao đâu!”. Có lẽ, anh không thể hiểu, với tôi, lúc ấy, lời an ủi kia chính là sự thấu hiểu “nỗi khổ” của bà mẹ khi phải đối diện với “nỗi đau” của con.  

      Cách anh trình bày về “stress” rồi phân tích các dấu hiệu trong nhận thức, thể chất, cảm xúc, hành vi của stress cũng khiến tôi và nhiều người ngạc nhiên. Té ra đó chỉ là stress, mình lại cứ tưởng bệnh lý gì ghê gớm. Tôi đã từng bị chẩn đoán có gai cột sống, cột cổ, tôi đã đi tập vật lý trị liệu một thời gian, rồi không đi nữa, cũng không tự tập ở nhà nhưng không cảm thấy đau nhức, cũng chẳng cần can thiệp bằng phẫu thuật, thế là, khỏi một chứng của stress rồi nhé. Bệnh không “hành hạ” nên hình như quên mất nó, hay đang “sống cùng với lũ”? Lại cũng mừng vì bản thân chưa có những rối loạn về hành vi như nhai nhóp nhép, đi qua đi lại... như anh nói. Như vậy, nếu mình có bị stress thì cũng còn nhẹ! Chưa có gì phải bi quan, chán sống! 

      Làm sao để “giải stress?”, những điều anh chia sẻ  cũng giản đơn thôi, tôi nghĩ là ai cũng có  thể làm được nhưng vấn đề quan trọng là làm sao biết mình đang bị stress để giải tỏa và có ai thấu hiểu để cùng chia sẻ?! 

      Với tôi, có lẽ cách giải stress hiệu quả nhất là: “học cách chấp nhận và biết giới hạn của mình”. Khoảng nửa năm gần đây, tôi tự đặt cho mình phương châm sống: “Phải biết quên những điều không đáng nhớ”, nói dễ hơn làm, nhưng tôi dần quen và quả thật, đã cảm thấy nhẹ lòng. Biết giới hạn của mình cũng là điều rất nên suy nghĩ, khi biết được cái mà không phải ai cũng biết, sự thư thái nhất định sẽ đến. 

      Anh cũng hướng dẫn cách “thở bụng” để giải stress hiệu quả hơn và sau buổi nói chuyện của anh, tôi đã thấy các đồng nghiệp của tôi nhắc nhau: “thở bụng đi!”. 

      Phần giao lưu cũng khá thú vị. 

      Có  người hỏi anh: “Có mâu thuẫn gì giữa con người khoa học và con người triết học của một bác sĩ không?”. Anh khẳng định là không vì một bác sĩ chính là người cần hiểu rõ những giá trị nhân văn hơn ai hết khi đối tượng nghiên cứu của họ là những con người. Quả thật, đọc tác phẩm của anh, tôi mến mộ vì sự hòa quyện tuyệt vời đó. Con người từ khi sinh ra cho đến khi cận kề với cái chết đều có mặt trong tác phẩm của anh và triết lý sống chân thật, hồn nhiên, rất “tình người” cũng bàng bạc trong thơ-văn của anh. 

      Thầy  Hoàng Anh Ngọc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục tổng quát của trường Hoa Sen đã cám ơn về những chia sẻ quí báu của diễn giả, đồng thời cũng bày tỏ quan điểm về việc giáo dục một con người với những kiến thức tổng quát trước khi đi vào những kỹ năng chuyên sâu. Thể hiện sự đồng cảm với anh Hoàng Anh Ngọc, tôi nhớ mãi câu trả lời đơn giản, ngắn gọn của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: “Học làm người rồi mới học làm nghề”. Ước sao triết lý đào tạo này được nhiều, thật nhiều người thực hiện. 

      Có  bạn trẻ hỏi: “Động cơ nào khiến chú làm thơ?”. Đúng như tôi dự đoán, anh đã trả lời: “Không có động cơ nào hết, vì khi đã có cảm xúc thì bật ra thành thơ!”. Cám ơn anh, cám ơn tất cả những nhà thơ có cùng suy nghĩ, cảm xúc như tôi. 

      Chị  Nguyễn Thị Minh Đoan (Trưởng phòng Nhân sự của trường Hoa Sen) mạnh dạn nêu câu hỏi: khi muốn tìm sự sảng khoái, muốn giảm stress có cần phải ép mình theo một qui luật nào không? Tôi thú vị với thí dụ của chị: chủ nhật, được nghỉ nên ngủ đến 11g trưa, dù biết như vậy là không đúng nhưng vẫn cảm thấy rất thích, rất tỉnh táo, sảng khoái sau khi thức dậy. Dĩ nhiên, diễn giả hoàn toàn chia sẻ với chị, nhất là khi chị nói, mỗi người có hạnh phúc khác nhau: con đã tật nguyền thì chỉ cần một nụ cười của con, cha mẹ cũng hạnh phúc. Đó chính là “biết nhìn vấn đề dưới nhiều góc cạnh” và cũng theo nguyên tắc “hãy nương tựa vào chính mình”. Lắng nghe cơ thể mình, vì mỗi người có thể chất và tâm sinh lý khác nhau. Diễn giả bày tỏ.

      Đã hơn 11g30, nhưng cử tọa vẫn còn muốn hỏi, muốn nghe, thế là chúng ta không bị stress và không bị áp lực thời gian, đúng không các bạn? 

      Buổi giao lưu khép lại với phần trao quà lưu niệm cho những khán giả đã nêu câu hỏi. Tôi thấy trên sân khấu xuất hiện những người đã đứng tuổi, thầy cô, nhân viên và sinh viên của trường Hoa Sen. Quà tặng chỉ là những cái móc khóa nhỏ, xinh nhưng ý nghĩa của nó mới là điều đáng quan tâm. Vì đây chính là sản phẩm của những người khuyết tật đang sống và làm việc tại Ngôi nhà may mắn (Maison Chance) của cô Tim Aline Rebeaud là một sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Thụy Sĩ, đã đến Việt Nam từ khi mới 20 tuổi rồi ở lại với những người tật nguyền, nghèo khó trong Ngôi nhà may mắn do chính cô tạo dựng.  

      Xin được phép nhắc lại “Thư cho bé sơ  sinh”, bài thơ được anh viết tại BV Từ Dũ năm 1965: 

      Thôi trân trọng chào em

      Mời em nhập cuộc

      Chúng mình cùng chung

      Số  phận 

      Con người… 

              

        Vô cùng cám ơn Bác sĩ, nhà văn, nhà thơ  Đỗ Hồng Ngọc đã giúp chúng tôi hiểu rõ để tránh ngộ nhận về stress và biết cách tự điều chỉnh, tự giải tỏa stress để nhắc nhở nhau phải biết yêu quý, trân trọng sức khỏe của chính bản thân. Đã chung số phận con người, chúng ta hãy vui, khỏe để cùng bước tiếp…

Bùi Trân Thúy 

                                                                               Blog Cỏ May,Yahoo360Plus

Đọc tiếp ...