2. Đón đợi
Sáng sớm khi ba đi làm thì mẹ cũng chuẩn bị đi trường. Một lon guigoz đựng cơm với một cục đường thùng, có khi là muối mè muối đậu, hoặc ít cá cơm hay cá phèn chỉ kho khô. Nói cơm cho oai chứ thường là bo bo thôi. Loại chưa tút vỏ cám bên ngoài, cứ phải ngâm cả ngày thì nấu mới mềm được mà cũng phải nấu lâu ơi là lâu. Tiêu chuẩn lương thực của giáo viên thời đó là 6 kí gạo và 7 kí bo bo! Dì Tư nói chắc là do mẹ ăn cá nhỏ nhai cả xương, nhiều calci với bo bo nhiều vitamin B nên đẻ con là con gái! Chẳng biết có phải vậy không nhưng một điều chắc chắn như Ngoại nói là ăn vậy nóng trong người nên có một thời gian con bị ghẻ chốc đầy đầu! May mà không có sẹo!
Mấy tháng gần cuối, mẹ không đạp xe đến trường được. Chờ phà qua, mẹ theo xe lôi vì xe lam rất khó kiếm khách khi mẹ chỉ xuống sau hai cây số. Chỉ khi nào tới tài của dượng Ba thì mẹ mới ngồi ké ghế trước một khúc đường.
Hồi đó, trường dạy ba ca, mẹ đi từ chuyến phà nhì lúc 6 giờ 30 sáng và ở lại trường cho đến hết ca hai, khi mà các lớp cấp hai đã tan. Dù ông Hiệu Trưởng có đỡ đần một số việc, nhưng mẹ vẫn phải xếp Thời khóa biểu. Chuyện này dễ mích lòng giáo viên lắm nên hình như ông ấy “ưu tiên” cho người phụ trách chuyên môn! Đa số họ ở Thị xã, phà chạy mỗi giờ một chuyến, họ cứ hay đi muộn, và mẹ lại phải vất vả hò hét bọn trẻ con khi lớp chưa có giáo viên. Tuần nào họp Hội đồng mẹ cũng phải nhắc nhở, lúc đầu còn đỡ nhưng riết rồi như gió thổi mây bay! Còn nhớ, một giáo viên bảo “Cô cứ đẻ con nhỏ đi, rồi nay con nóng sốt, may con sổ mũi tiêu chảy, coi cô có còn đúng giờ được không?” Mẹ vô Phòng Giáo Dục xin trả chức Hiệu Phó, Ông Trưởng phòng nói “ Đoàn viên Thanh niên mà, thấy khó là bỏ sao?” Mẹ nghĩ, được rồi để coi tới chừng có con nhỏ, mình sẽ như thế nào?
Nhớ lần đó, tan ca hai, mẹ đón xe lôi về, sợ xe chạy lẹ ra cho kịp phà như lệ thường chở khách, mẹ dặn “Tui không có qua phà anh đừng chạy lẹ nghe”. Ác nỗi, tiếng máy xe inh tai, ổng cứ rồ ga mà chạy, đường lộ đá lông chông, một mình mẹ một xe, còn hơn nhảy twist, mẹ gọi vói tới trước “tui hổng có qua phà anh đừng chạy lẹ nghen”. Nhưng hai bên đường là đồng trống, gió chướng thổi ngược lồng lộng, ổng có nghe đâu, mẹ đành phải ôm chặt cái bụng mà chịu trận. May mà chỉ có hai cây số. Ra tới phà, chắc con phản đối nên gò cái bụng mẹ cứng ngắc, không bước xuống được, ông xe lôi còn hối cô xuống lẹ đi, phà đợi kìa! là bởi ổng đinh ninh mẹ nói “tui… qua phà, anh … chạy lẹ nghen!”. Thực là dở khóc dở cười! Mẹ tởn quá, mấy lần sau đi, nhớ mặt ông xe lôi đó, phải níu tay dặn trước rồi mới dám bước lên xe!
Bữa trước ngày sinh con, Ngoại gởi cho một lon guigoz đầy chuối chưng, mẹ thèm, ăn một bụng, bỏ cơm chiều. Khuya râm ran bụng, nằm im nghe ngóng một hồi thấy khác khác, mẹ lay ba dậy, Anh à, sao em đau đau cái bụng, ba giật mình dậy rồi cười, ai biểu, hồi chiều ăn chuối chưng nhiều quá chi. Phà nhứt qua, cô Ba kêu, ủa, Năm mày sao chưa đi làm? Ba cười cười, bả đau bụng chị ơi. Cô Ba xăng xái hẳn lên, vậy hả, vậy dậy đi, chị nấu nước cho mà tắm gội rồi nấu cơm sớm ăn, lẹ lên đi. Nhà rộn ràng lăng xăng liền, mấy anh chị tíu tít nhau kéo dậy, nói cười râm ran, rồi rồi, sắp có em bé rồi, mợ Năm sắp có em bé rồi.
Phà nhì rồi phà ba lần lượt chạy. Ba hỏi đi Thị xã hay về Mỏ Cày. Con so về nhà mạ mà, mẹ nói thôi để em về Mỏ Cày. Nhưng chiều đó, ba phải cùng mấy chú ở Sở đi Thạnh Phú mua đường, gạo nếp về cho cả cơ quan ănTết. Ba làm Trưởng ban đời sống mà, đâu có bỏ nhiệm vụ được. Không sao, mẹ đi một mình được mà.
Hồi đó, bến xe lam ở bên này cầu sắt lớn, mẹ lôi bao đồ vô gởi nhà bà Bảy Cang, bà con với Ngoại. Bà Bảy hỏi, ủa bụng nhỏ xíu vầy mà đẻ gì con? Trời đất, đau bụng rồi hả, sao về có một mình vậy? Ờ, vậy hả, thằng Nghiệp đâu rồi, lấy xe chở chị Ba về bên dì Năm đi con. Để bao đồ đó đi, một hồi nó chở qua sau, lẹ đi con. Mà tắm gội chưa? Cha, sao không cắt tóc ngắn lên cho gọn vậy con? Ờ, thắt bính lên cũng được mà. Ờ, đi đi con, lẹ lên.
Nhưng mà sao mẹ không còn nghe đau bụng nữa.
Bà Ngoại cũng ngạc nhiên luôn khi mẹ bước vô nhà. Lại câu quen thuộc, nấu nước tắm gội nghe con. Cứ nghĩ tới chuyện một tháng không được tắm gội mà khủng khiếp! Sao lại có kiểu kiêng cử gì kì quái vậy ta?
Chiều, rồi tối, thỉnh thoảng lại dấy lên một cơn đau. Ngoại nói chưa đâu con, ngủ lấy sức đi.
Nửa đêm, quặn lên mấy cơn. Hai mẹ con lò dò bưng đèn đi qua nhà bảo sanh. Ngoại cột cái khăn qua quai giỏ, mang trên vai, tay cầm đèn, tay kia cầm cái rổ che gió, mẹ ôm bụng đi theo, chốc chốc lại suýt soa. Giờ nghĩ lại thấy mắc cười cái cảnh đó quá!
Cô mụ Mười vẫn vui vẻ và nhẹ nhàng như vốn có mấy mươi năm, khám rồi bảo, chưa có gì đâu con, thôi ráng nằm ngủ đi, sáng hãy hay! Rồi nói, lẩm rẩm vậy mà lẹ hén chị, hồi chị sanh nó, em đỡ chứ ai. Lúc đó, mẹ mới thấy đau không chịu được. Cái bụng cứ gò lên từng chặp và cơn đau cứ như chạy dọc sống lưng rồi xuyên từ sau ra trước. Và cứ thế hết cơn đau bụng thì tới đau lưng, cứ như sắp gãy đến nơi. Không ngồi được, không nằm được, đứng thì hai chân cứ run run muốn khuỵu xuống. Tì bụng vào thanh giường thì cô mụ không cho, bảo ráng đi tới đi lui, mà cái chân có nghe cho đâu. Bà ngoại cũng toát cả mồ hôi vì phải dìu mẹ.
5 giờ sáng, cô Mụ Mười khám lại rồi gọi y tá dậy nấu nước. Nhìn ngọn lửa bếp dầu cháy leo lét bên dưới cái nồi nước to đùng, mẹ muốn quạu luôn. Lửa heo hắt vây, đợi nước sôi thì đẻ mất rồi còn đâu.
Nhưng rồi, sáng ra, thêm hai ba bà bầu nữa vào, họ lần lượt lên bàn sanh và trẻ con lần lượt oe oe mà mẹ vẫn rên theo từng cơn đau. Giờ đó, chắc ba đang lênh đênh trên sông Hàm Luông, mẹ đau bụng dữ lắm, ba có biết không?
7 giờ sáng, Út chạy qua, ngồi bệt dưới đất cạnh cửa phòng sanh, mặt căng thẳng theo từng tiếng rên của mẹ, mắt ngân ngấn nước. Ngoại biểu thế nào cũng không chịu về đi học.
10 giờ sáng 29-1-1980, là 12 tháng Chạp, con mới oe oe chào buổi sáng.
Đúng là con gái, mặt rạng rỡ như sao Khuê buổi sớm.
Nguyễn Thị Minh Khuê của ba mẹ đây.