Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Hôm nay....


Hôm nay tôi lơ mơ như người thiếu ngủ... 
Vợ chồng bạn đã từ giã về bên quê, tôi lại bị mấy chuyện hôm trước quay về quấy rối, tôi đành phải loay hoay với chợ búa, cơm nước, và rồi cứ dán mắt vào cái TV cho nó quên đi.
Rồi tôi chơi game, mê mải như một đứa học trò trốn học. Vẫn không quên!
Thật là bực mình.
Rồi tôi đi tìm một tấm hình, tôi thích hoa vàng, tôi ghi ngày vào đấy, rồi lang thang dạo nhà nọ nhà kia, tặng bạn, đặc biệt là bạn Hà vì hôm nay là Sinh Nhật - niềm vui nhân đôi, Hà nhé!

Photobucket

Nhưng mạng lại chạy chậm rì rì, lại bực mình!
Nửa đêm rồi, gà hàng xóm cất giọng gáy ran...
Hết một ngày của tôi đó.
Đã sang ngày mới....
 
Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

Lại một chuyến đi (1.2)

Rồi cũng đến lúc check in.

Chúng tôi đi qua suốt khoang first class với những chiếc ghế rộng rãi, trượt dài ra thành giường, đẹp như sofa xếp từng đôi với nhau kèm hai cái bàn nhỏ ở giữa, cứ như trong một phòng khách thân mật ấm cúng nào. Chiếc mền nhỏ mịn màng lớp len mới màu huyết dụ và cái gối trắng tinh xếp ngay ngắn vào lưng dựa, đôi dép nhẹ dưới chân, một chai nước lọc và khăn ướt đặt sẵn, tiện nghi và chỉn chu sang trọng… Bay đường dài mà cứ như thế này thì sao mà ngán được chứ!

Khoang business thì hơi kém hơn tí, nhưng so ra cũng một tám một mười. Nói chung là “tiền nào của nấy”…

Lần này, con gái ngồi tít ở ghế 48J, hai người già chúng tôi ngồi 45I, J. May quá lại ngồi cạnh bên cửa sổ máy bay. Ông chủ nhà tôi bảo “Kiểu này mẹ Khang chắc ôm máy chụp hình suốt, khỏi ăn khỏi ngủ rồi”.



Photobucket

Seoul dưới cánh máy bay trông thật bắt mắt: nhiều building  đều tăm tắp, những con đường cao tốc 8 làn xe, nhiều vòng xoay lớn như những bông hoa. Xa hơn, đồi núi chập chùng xanh thắm, những cánh đồng thẳng tắp gọn gàng như những miếng bánh ngon mắt.

Trông an bình và trù phú biết bao.

 

Mười hai km trên cao và hơn chín trăm km/g. Hãy cứ đừng nhớ đến nhưng con số ấy làm chi bởi nó hay khiến ta nghĩ ngợi lung tung và những ai yếu bóng vía chắc cảm thấy ân hận vì đã trót chui vào bụng con chim sắt khổng lồ này. Đôi khi, đứng ở sân nhà, ngước nhìn bầu trời xanh thẳm với một vệt khói trắng như kẻ chỉ vắt ngang, tôi vẫn hay mường tượng ra nhiều điều vớ vẩn. Nhưng bây giờ, ngồi đây, tôi cố xua chúng ra khỏi đầu mình càng xa càng tốt, kẻo rồi thì lại lây cái bệnh của anh chàng cầu thủ Dennis Bergkamp thì khổ. Ban trưa trên cao tít, giữa không trung không biết đâu là “chân trời”, chung quanh chỉ một vùng tĩnh lặng tuyệt đối như úp chụp lấy mình.

Bên dưới cánh máy bay, mây trắng đùn lên cuồn cuộn như  đang xô nhau đuổi bắt trong một trò chơi trẻ con bất tận. Gọi là gì cho chính xác nhỉ, biển mây mênh mông hay đồng mây bao la?

 

3g chiều – tôi vẫn giữ giờ xứ mình, chả biết đang bay ngang đâu, nhưng bên ngoài, trời đẹp như không thực: bên dưới mây lô xô như sóng… trên chót cánh máy bay, một vạt nắng vàng bám hững hờ, cheo leo… trải xa tít là dải ráng hồng tím đẹp đến gai người

Photobucket

          "Nhật mộ hương quan hà xứ thị..."

Tôi mơ màng đem câu Đường thi vào giấc ngủ chập chờn…

 

***

 

Ông chủ nhà cứ chốc chốc lật tay tôi xem đồng hồ. Vậy mà bảo đeo theo thì ông lắc đầu quầy quậy, nói đừng thế, cứ coi như giờ là đang giấc trưa như ở nhà vậy, ngủ đi để lâu lâu xem sẽ thấy mau tới hơn. Ông thở dài sườn sượt, đứng dậy đi tới đi lui rồi quay về chỗ, che mắt ngủ, nhưng có được đâu. Ở nhà, giường rộng, gối êm mà còn giấc kém, huống chi ngồi gò bó trong cái ghế chật chội này! Nhưng Korean Air đường dài là loại Boeing 777 với 3 dãy ghế 9 cái, nghĩa là rộng hơn tí xíu so với Boeing 727 cũng 3 dãy mà đến 10 ghế! Bởi vậy, giá vé mắc hơn EVA của Taiwan là đúng rồi! Chợt nghĩ tới giá vé của Hãng JAL mà Bồ Câu báo cho biết hôm tôi nhờ bé cùng tìm hộ vé – ngay khi chưa có cả visa, chưa đi phỏng vấn luôn – mà băn khoăn quá. Chả biết ghế rộng cỡ nào, phục vụ ra sao mà cao hơn những nửa nghìn đô!


Ngoài cửa sổ máy bay, mảnh trăng đầu tháng xa xa trắng nhạt như níu cánh máy bay cho đỡ lẻ loi giữa khoảng xanh vô tận. Trời trong lắm, chả còn bóng mây trắng nào, bên dưới, biển xanh thuần một màu lam ngọc như đông lại, đẹp lạ lùng.

Photobucket

Tôi vẩn vơ ngắm mảnh trăng non đang mải miết và lặng lẽ bay theo như một bạn đồng hành dễ thương mà rất kiệm lời, lan man nhớ những ngày còn bé, đêm trăng sáng đi xem hát bội dịp lễ Kỳ yên ở đình làng. Tôi và đám con của dì Sáu - em kế mẹ tôi, nắm tay nhau ù chạy trên đường, bao giờ thì tôi cũng ở giữa, nắm chặt tay hai đứa em trai mà mắt thì nhắm tít, bởi tôi sợ vầng trăng sáng rỡ trên cao kia lắm, cơn cớ gì tôi đi nó cũng đi, tôi chạy nó chạy, mà tôi đột ngột dừng lại thật nhanh thì nó cũng đứng lại tròn xoe nhìn tôi, im lặng như ngạo nghễ, như thách đố.

Tôi ngày xưa ơi, sao mà ngu ngơ thế?

 

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Lại một chuyến đi (1.1)

 1.   Lên đường

* * *

5/8/2011

7g30 chiều, chất vali lên xe.

Chuyến đi bắt đầu.

Đường cao tốc xe đông nghìn nghịt. Mấy chiếc tải chạy lượn lờ giữa vạch sơn đường ranh trông cứ như buồn ngủ, cậu tài xế vui tính và hay nói cứ nhấn kèn inh ỏi và giải thích “Họ chạy suốt nên mỏi mệt lắm cô à. Con cứ phải nhấn kèn lia lịa vậy cho họ nghe, kệ mình cứ thủ vậy cho chắc ăn”. Nhớ tới mấy tai nạn xảy ra gần đây mà bắt rùng mình. Lướt qua một chiếc tải, thấy cậu tài xế trẻ măng đưa tay ra ngoài vắt chiếc khăn, dòng nước mảnh tạt theo gió bắn vào kiếng xe phía tôi ngồi. “Đó, cô thấy con nói đúng chưa, nó gần ngủ gục rồi!”.

Bây giờ thì Cầu Rạch Miễu và đường cao tốc cũng không theo kịp với sự phát triển đến chóng mặt của hầu như các loại xe. Con đường dài hơn 40km này chừng như chỉ để tạo cảm giác thoải mái trong khoảng 30 phút của cánh lái xe khi vừa thoát ra mớ bùng nhùng hỗn độn của mấy đám kẹt xe vì vướng lô cốt trong nội thành hoặc một tí an ủi thư giãn trước khi vào nội thành và đối mặt với vấn nạn không biết bao giờ mới được giải quyết!

 * * *

Ga quốc tế chiều cuối tuần chen chúc những người, ồn ào, vội vã, phấn khích.

Tháng 8, du học sinh mới cũ lũ lượt rời quê nhà đi tìm đất gieo chữ. 

Tháng 8, mùa du lịch cũng hình như vẫn còn kì cao điểm, mấy hướng dẫn viên của các cty du lịch tới lui, cầm cờ giơ tít lên cao vẫy vẫy, kéo theo sau lưng hàng đoàn người rồng rắn tiến vào, ba lô, vali, túi xách… vội vã, phấn chấn, bỡ ngỡ, rụt rè…Một người đi năm bảy người đưa tiễn làm sân ga nhỏ bé này bỗng dưng mà chật chội thêm.

Quý An gọi “Cô ơi, con mới gọi chị, taxi chị bị bể bánh, phải đổi xe nên hơi lâu.” Hèn chi, lúc xe chạy ngang Bệnh viện Thống Nhất, gọi thì nghe cô nàng bảo “Con đi bây giờ đây” thế mà mãi gần một giờ sau mới tới. Ông chủ nhà chắc lưỡi “ con nhỏ này, không trừ hao gì hết”.

Cậu nhân viên ở quầy check in thắc mắc “Cả ba đều là người nhà cả ạ? Thế sao lại có đến ba code vé nhỉ? … Vâng, cháu sẽ cố tìm chỗ ngồi chung, xin vui lòng chờ một chút. … vâng, nếu không được thế thì một người chịu khó ngồi riêng nhé”. Cuối cùng, chặng đầu từ Tân Sơn Nhất đến Incheon cả nhà ngồi cùng ba ghế 42E,G,H. Khá lí tưởng: ba ghế giữa của hàng đầu khoang economy 1- ngay sau business class, trước mặt là lối đi nhỏ, khá thoải mái cho mấy người chân không ngắn!

12g đêm, máy bay của hãng Korean Air nhẹ nhàng cất cánh.

Tạm biệt nhé, Sài Gòn!

* * *

Mấy cô tiếp viên Hàn quốc da trắng bóc, cao như người mẫu, cũng xinh nhưng thua xa mấy diễn viên trong phim. Chợt nhớ ra là phải xa phim “Chị gái của Lọ Lem” rồi! Không biết đến khi về, có còn chiếu không ta?

Năm giờ bay, giọng líu lo như hát của các cô tiếp viên ấy cứ vang lên đây đó, nghe cũng dịu dàng dễ thương. Hình như tiếng Hàn hay tận cùng bằng âm a và có dấu sắc hay sao ấy. Còn họ nói tiếng Anh thì chịu thua, tôi chỉ nghe được có mỗi hai chữ thank you và excuse me! Từ Vietlish, Singlish, nay nghe thêm Hanlish!


Sân bay Incheon khá rộng, buổi sáng còn mờ sương. Ra khỏi máy bay, con gái rên “Cả đêm không ngủ được mà mới có chặng đầu. 14 giờ bay nữa chắc… đuối”. Còn ông chủ nhà đã vội tìm smoking room, hút xong, bảo “muốn quay mòng mòng luôn”! 

Lối transfer phải đi thật xa, qua những hai ba đoạn băng chuyền, chụp mấy tấm hình cho hai cha con trong buổi sáng đầu tiên của chuyến đi, trông tươi tắn lắm. Nhưng chẳng có ai chụp dùm cho cả nhà!

Ngồi chờ, nghêu ngao tán gẫu, bỗng nghe“Cô chú về VN?” Ra là một anh chàng với chiếc ba lô cóc bên ghế đối diện. Từ Mông Cổ đến đã 3 tiếng rồi, mà mãi đến 7g tối mới có chuyến về Nội Bài! Eo ơi!

Có vẻ như khát nói, anh chàng huyên thuyên đủ thứ,  nào là một năm ở Mông Cổ chỉ có 3 tháng ấm áp còn thì “lạnh buốt xương ấy ạ”, nào là “bên đó họ ăn thịt nhiều lắm, cháu thèm rau, họ bảo cháu ăn rau như ngựa ăn cỏ”, rồi “rượu bên ấy cũng bốn mươi độ như đế của mình, chai nửa lít họ tu một hơi rồi lăn ra tuyết mà ngủ thôi, kinh lắm”. Hết kể chuyện nhậu, anh chàng xoay qua kể chuyện công việc của mình, chuyện tiền lương dành dụm hơn năm nay đem về cho vợ, chợt bảo “ đô lên kinh lắm chú ạ, mới hôm qua ăn nghìn hai mà sáng nay đã vọt lên nghìn tư rồi” và lúi húi móc bóp ra đưa cho con gái mình tờ một ngàn Mông Cổ và bảo “để dành chơi, nó chừng tầm hai mươi nghìn tiền mình đấy. Còn muốn xài thì sang đấy mà xài nhá” rồi lại quảy ba lô lên vai “cháu đi vòng vòng tí ”. Ra là đi hút thuốc, ông chủ nhà mình bảo thế khi từ smokingroom quay về.

Một phụ nữ khác, vừa xách ba lô tới, nghe hai má con tôi nói chuyện với nhau, reo lên “Ôi mừng quá, gặp người Việt Nam mình rồi. Cho em gởi cái giỏ, em vào bathroom xí. Hai con bé nhà em nó biến đâu mất tiêu nãy giờ”. Hóa ra, hai cô con gái cũng ngoan, cô chị 19 sắp nhập học Stanford, cô kia 15, vào college. Họ về VN thăm gia đình và trở qua sớm cho kịp chuẩn bị nhập học. Bà mẹ suýt soa về tình thầy trò ở VN còn  đẹp lắm, chả bù với bên Mỹ. Tôi chỉ cười thôi, chả dám lạm bàn, bởi vì ở đâu chả có chuyện tốt lẫn chuyện chưa hay! Nhiều bố mẹ VN ở Mỹ cứ di chuyển tìm việc qua các bang như chong chóng cùng với sự va đập giữa hai lối sống, hai cách nhìn thì bảo sao có sự gắn bó mà nảy sinh tình nghĩa thầy trò? Nhưng giờ ở mình cũng chán vạn thầy chẳng ra thầy, trò chẳng ra trò, chuyện tình cảm sư đệ giờ có khi cũng là của hiếm! Mà tôi có bi quan không nữa đây?

Bà mẹ ấy cũng hay chuyện nhỉ, cứ huyên thuyên! Chỉ mới sang Mỹ 8 năm thôi. Ông chồng đi diện HO một mình, rồi về cưới lại và mang cả vợ con cùng đi. Cô con gái lớn có người ở VN muốn cưới để được sang Mỹ nhanh và sớm có quốc tịch! Nhà ấy có cậu con trai sắp đi du học. Bà mẹ bảo định ừ “vì là chỗ quen biết nên em lấy ba chục ngàn thay vì bốn chục ngàn đó. Định là có thêm mớ tiền cho mấy chị em còn ở VN, họ còn nghèo lắm chị”. Cô con gái đang cắm cúi đọc, bỗng gấp sách – tôi vừa kịp nhìn thấy cái tựa Giết con chim nhại - và chen vào với vẻ giận dỗi “Con có ưng đâu mà mẹ tính? Chưa nói được tiếng Anh mà đi du học cái gì? Mà mẹ quen chứ con có quen đâu?” rồi cô quay ngoắt đi bỏ sang dãy ghế bên kia ngồi.

Tôi nghĩ thầm “ lại một kiểu kinh doanh hôn nhân suýt thành hiện thực đây”

Nhìn cô gái, tôi chợt nghĩ: tám năm học ở Mỹ, rồi bây giờ lại chuẩn bị vào Đại học Stanford - một trong 10 trường hàng đầu của Mỹ, cô ấy tất nhiên là sẽ không đồng tình với cách tính toán của bà mẹ đâu.

Và, sẽ còn bao nhiêu  chuyện bất đồng khác giữa hai thế hệ trong những gia đình người Việt khác ở Mỹ?


Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Hồng Ngọc


Post lại, nhân câu chuyện "Cô gái biến thành bà già" trên các báo mấy ngày nay.

Nó là cháu nội chị chồng tôi, con của 8 Tuyển.

Hồi đầu, ba mẹ nó không được gia đình chấp nhận. Tuyển theo anh hai nó lên Phương Lâm làm rẫy rồi gặp Châu, cũng theo ba má lên đấy lập nghiệp. Thương con, anh chị đem về làm đám cưới. Con gái người ta, dù giỏi hay dở, ngoan hay hư, mà nó đã ăn ở với con mình, phải lấy lòng cha mẹ mà đối xử, kẻo tủi thân nó, tội.

Bé Ngọc lớn lên, xinh xắn ngoan ngoãn, nhưng không thể làm cái gạch nối giữa ba mẹ nó. Anh rể tôi nuông chiều Tuyển từ bé nên hầu như nó không biết quan tâm tới ai và cũng khó phục thiện. Bỏ học lúc chưa xong cấp 2, rồi cứ thế mà bám vào cha mẹ như một thứ tầm gửi, lêu têu như lục bình ra vô theo con nước lớn ròng. Mà có phải yên đâu, bè bạn lêu lổng, sinh chuyện đánh nhau, chị chồng tôi hết nước mắt vì nó.

Mẹ Châu của Ngọc bỏ đi sau nhiều trận giận hờn, cãi cọ, mà phần lỗi chia đều cho cả hai vợ chồng. Mới đây lại nghe cặp với ai đó, mới đẻ đâu ba bốn tháng gì đó. Cha nó thì dẫn về một con vợ mà quên mất mình có một đứa con gái xinh ngoan đã đến tuổi biết. Lúc đầu chị ta có vẻ biết chuyện, nhưng rồi con bé mới vào lớp 1 phải tự giặt giũ! Lâu lâu bà nội từ thành phố về, xót cháu, dằn lòng gọi con vợ hờ đó mà bảo ban. Không dám nặng lời sợ khi mình đi nó đành hanh con bé, lại càng không thể ngọt ngào khi nhìn cháu nội như con của Phạm Công Cúc Hoa. Cô 4 cô 6 xót cháu, sáng sáng ghé đưa đi học, trưa mang về nhà cho ăn cơm, chiều tối tắm rửa xong mang trả lại. Con bé ngày càng lớn, cha nó với con vợ hờ chỉ biết riêng mình, lắm khi bù khú chướng mắt. Cô 5 bàn với mấy anh chị đem về Ba Tri nuôi. Chồng 5 Thúy tốt tính, không so đo, lại chỉ có mỗi thằng Nghĩa, hai năm nay lên Thị xã học, có Ngọc ở hủ hỉ cũng vui, thêm ấm nhà ấm cửa. Con bé quen sống rày đây mai đó sớm ở yên với cô dượng.

...

Hai tháng trước, một tối, hơn 10g , chuông cửa dồn dập. Chồng 5 Thúy lạc giọng “Mợ ơi, bé Ngọc đưa vô cấp cứu nãy giờ, mấy bác sĩ nói nặng quá, sợ cứu không được, Thúy muốn xỉu, con chạy ra cho mợ hay”, rồi quày quả chạy trở vô bệnh viện. Thì ra con bé bị sốt xuất huyết mà bác sĩ dưới huyện nói bị sốt phát ban, cho thuốc v. Đến ngày thứ 5, bệnh chuyển độ 4, phù phổi cấp. Sáng còn đi học, trưa hâm hấp sốt, chiều bảo đau bụng khó thở. Thấy lạ, Thúy chở vô bệnh viện, bác sĩ khác khám thấy tình trạng nguy cấp, cho truyền dịch, thở bình rồi vội vã chuyển viện. Giữa đường, con bé ho, sặc cả máu tươi làm cô dượng nó hãi hùng. Cô y tá đi theo nhanh trí gọi cho bác sĩ trưởng khoa nhi bệnh viện tỉnh, rồi được hướng dẫn cấp cứu từ xa. Nếu không thì chịu thua rồi. Nhớ lại thật là lạnh cả sống lưng.

Đến hôm nay, mọi chuyện kinh khủng ấy đã là quá khứ rồi. Thật là ơn trời. Tội cho vợ chồng 5 Thúy, con bé có làm sao, chắc tụi nó ân hận suốt đời. Hôm Bs bảo người nhà kí tên trên giấy tờ Thúy đã lảo đảo xanh mét quị xuống làm chồng nó cũng hoảng theo. Vậy mà 8 Tuyển vẫn không qua, lúc 6 Vân và 7 Thi xuống gọi trước khi chạy qua bệnh viện. Cả ngày sau cũng không thấy, bảo là bận đi làm! Giận quá, tôi mắng vói cho con vợ hờ nó đi theo đang ngồi bệt dưới thềm nghe “Con nó may không thôi chết rồi mà cũng không chịu qua, anh chị nó nuôi con nó, còn nó đi làm nuôi ai? Về bảo là mợ hỏi vậy đó.” Hồi nó đi đánh lộn, bị đâm, đưa qua cấp cứu, hai vợ chồng tôi thức sáng đêm chạy đi kiếm mua máu khi nó đang trên bàn mổ, mẹ nó xỉu lên xỉu xuống, anh 7 nó ngồi bó gối mắt cứ ngó chừng cửa phòng mổ. Sao bây giờ nó lạnh tanh vầy nè? Ba anh rể và ba chị gái, hai anh trai và hai chị dâu, mẹ nó rồi cháu nó thay phiên nhau trông chừng bé Ngọc mà nó thì chỉ ở lại với con được một nửa đầu đêm, 2g sáng, anh rể nó thức dậy thay, nó còn đành lòng ra về với câu nói "Con Phượng sợ, không dám ngủ nhà một mình"! Tôi buồn và giận biết bao nhiêu mà không dám mắng, chỉ lầm bầm khi vắng mặt chị chồng vì sợ chị tủi thân. Dù gì, nó vẫn là con chị rứt ruột đẻ ra. Điều này thật khó quá bởi vì tôi vốn là đứa không thể để bụng chuyện gì và cũng hay buột miệng khi chưa kịp nhìn xung quanh!

Nói chuyện với bác sĩ trưởng khoa nhi Ngọc Chiêu, người nổi tiếng với phác đồ điều trị sốt xuất huyết, tôi ngỡ ngàng khi cô bảo nhỏ là trẻ sốt xuất huyết tử vong có phần lỗi ở bác sĩ chẩn đoán sai. Mà quả vậy, cái cô bác sĩ mà 5 Thúy dắt bé Ngọc đi khám chẳng đã bảo con bé bị sốt phát ban đó sao. Và chuyện vội vã truyền dịch mà không chích vitamin C trước cũng là nguyên nhân làm trẻ tử vong khi mạch máu phổi đã giãn do sốt lại bị trương phù bởi dịch truyền. Nghe kể lại mà còn lạnh lưng, bs Chiêu kể “Là em định đi tắm rồi, nhưng còn lần lữa thì nghe điện thoại, hỏi đi tới đâu, cổ nói bên ngoài tối đen đâu biết tới đâu, em dặn làm mấy chuyện cần thiết rồi gọi vô cấp cứu khoa bảo chuẩn bị sẵn, xe lên tới là đưa liền vô. Muộn 5 phút nữa là không cứu được nó rồi đó chị”. Nhớ Bs Hữu Phúc nghiêng nghiêng đầu , mắt tinh nghịch bảo “Hồng Ngọc ngoan, tưởng không cứu được con rồi đó. Hôm nay vậy là hết lo rồi nghen” . Ngày nào, bác Phúc cũng chú ý đến Ngọc khi đi khám đầu buổi sáng và thường xuyên ghé kiểm tra. Mấy cô y tá chích thuốc hay trêu “Người từ cõi chết trở về đâu?” con bé lên tiếng ngay “Con đây nè”.

Một tuần sau mới ra trại. Bạn cùng phòng Khánh Văn cũng ra một lượt. Hai đứa tung tăng suốt từ trên lầu xuống đất, hay xuống phòng cấp cứu lấp ló nhìn vô chỉ trỏ, hôm hổm tao nằm giường đó, mày nằm giường này nè, má tao nói hai ngày sau mày mới thay đồ bệnh viện. Ừa, tại mắc mấy sợi dây vô nước biển mà, sao thay đồ được. Khánh Văn cười hi hi Diêm Vương chê mày mũi tẹt xấu quá nên không nhận đó. Còn tao thì ổng khen đẹp trai, cho lên sống tiếp. Nghe hai đứa nhỏ hồn nhiên đùa với nhau, nhớ lại hồi bác sĩ cứ nhắc chừng “Mấy cha mẹ bệnh nhi không được rời mắt khỏi con mình một phút nào nghe, có gì lạ phải gọi bác sĩ ngay” mà giật mình thon thót. Và thương chị chồng tôi quá, đứa nào ngồi canh chị cũng không vừa ý. Trừ ban đêm tôi không cho chị ở lại, 66 tuổi rồi, đâu thể trường kì được, còn thì 5g sáng là chị đã lò dò trở vô, bữa nói để cho thằng Phi về đi làm, đóng cọc móng xa lắm, bữa bảo vô sớm để 6 Vân về, nó không quen thức đêm, bữa lại nói cỏ bò hết rồi, thằng Hải phải về sớm. Có hôm, 8g tối vẫn chưa thấy, gọi thì bảo tụi nó qua chơi với Ngọc, em khỏi chừa cơm, chị ăn với tụi nó rồi. Tôi xót ruột cằn nhằn, chị nói lảng, ờ hổm nay nó nhớ mẹ nó lắm...

Hôm rồi, giỗ anh rể tôi, vợ chồng 5 Thúy đưa con bé về cúng ông, ghé "thăm ông bà nội Năm". Nó lại sức nhanh, má hồng hào, tươi tắn, chạy nhảy loi choi. Hỏi con chép bài theo bài kịp không, nó dạ, bạn con chép bài dùm, bài học với toán thì 5 Thúy chỉ con, điểm 9, 10 không hà.

Nhìn con bé nhởn nhơ, sao tôi lại xót lòng. Có cha có mẹ mà như mồ côi vậy sao?
Đọc tiếp ...