Thứ Bảy, 30 tháng 5, 2009

Hiểu Đời

Chị bạn gửi, thấy thú vị nên post lên đây, bà con xóm blog mình cùng đọc nhé!

 

 

 
 
 
Tháng ngày hối hả, đời người ngắn ngủi, thoáng chốc đã già. Chẳng dám nói hiểu hết mọi lẽ nhân sinh nhưng chỉ có hiểu đời thì mới sống thanh thản, sống thoải mái.

Qua một ngày mất một ngày
Qua một ngày vui một ngày
Vui một ngày lãi một ngày

Hạnh phúc do mình tạo ra. Vui sướng là mục tiêu cuối cùng của đời người, niềm vui ẩn chứa trong những sự việc vụn vặt nhất trong đời sống, mình phải tự tìm lấy. Hạnh phúc là cảm giác, cảm nhận, điều quan trọng là ở tâm trạng.

Tiền không phải là tất cả nhưng không phải không là gì. Đừng quá coi trọng đồng tiền, càng không nên quá so đo, nếu hiểu ra thì sẽ thấy nó là thứ ngoại thân, khi ra đời chẳng mang đến, khi chết chẳng mang đi. Nếu có người cần giúp, rộng lòng mở hầu bao, đó là một niềm vui lớn. Nếu dùng tiền mua được sức khỏe và niềm vui thì tại sao không bỏ ra mà mua? Nếu dùng tiền mà mua được sự an nhàn tự tại thì đáng lắm chứ! Người khôn biết kiếm tiền biết tiêu tiền. Làm chủ đồng tiền, đừng làm tôi tớ cho nó.

Quãng đời còn lại càng ngắn thì càng phải làm cho nó phong phú”. Người già phải thay đổi quan niệm cũ kỹ đi, hãy chia tay với “ông sư khổ hạnh”, hãy làm “con chim bay lượn”. Cần ăn thì ăn, cần mặc thì mặc, cần chơi thì chơi, luôn luôn nâng cao chất lượng cuộc sống, hưởng thụ những thành quả công nghệ cao, đó mới là ý nghĩa sống của tuổi già.

Tiền bạc là của con, địa vị là tạm thời, vẻ vang là quá khứ, sức khỏe là của mình.
Cha mẹ yêu con là vô hạn; con yêu cha mẹ là có hạn.
Con ốm cha mẹ buồn lo; cha mẹ ốm con nhòm một chút hỏi vài câu là thấy đủ rồi.
Con tiêu tiền cha mẹ thoải mái; cha mẹ tiêu tiền con chẳng dễ.
Nhà cha mẹ là nhà con; nhà con không phải là nhà cha mẹ.
Khác nhau là thế, người hiểu đời coi việc lo liệu cho con là nghĩa vụ, là niềm vui, không mong báo đáp.
Chờ báo đáp là tự làm khổ mình.

Ôm đau trông cậy ai? Trông cậy con ư? Nếu ốm dai dẳng chẳng có đứa con có hiếu nào ở bên giường đâu (cửu bệnh sàng tiền vô hiếu tử). Trông vào bạn đời ư? Người ta lo cho bản thân còn chưa xong, có muốn đỡ đần cũng không làm nổi.
Trông cậy vào đồng tiền ư? Chỉ còn cách ấy.

Cái được, người ta chẳng hay để ý; cái không được thì nghĩ nó to lắm, nó đẹp lắm. Thực ra sự sung sướng và hạnh phúc trong cuộc đời tùy thuộc vào sự thưởng thức nó ra sao. Người hiểu đời rất quý trọng và biết thưởng thức những gì mình đã có, và không ngừng phát hiện thêm ý nghĩa của nó, làm cho cuộc sống vui hơn, giàu ý nghĩa hơn.
Cần có tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, trông lên chẳng bằng ai, trông xuống chẳng ai bằng mình (tỷ thượng bất túc tỷ hạ hữu dư), biết đủ thì lúc nào cũng vui (tri túc thường lạc).

Tập cho mình nhiều đam mê, vui với chúng không biết mệt, tự tìm niềm vui.
Tốt bụng với mọi người, vui vì làm việc thiện, lấy việc giúp người làm niềm vui.
Con người ta vốn chẳng phân biệt giàu nghèo sang hèn, tận tâm vì công việc là coi như có cống hiến, có thể yên lòng, không hổ thẹn với lương tâm là được. Huống hồ nghĩ ra, ai cũng thế cả, cuối cùng là trở về với tự nhiên. Thực ra ghế cao chẳng bằng tuổi thọ cao, tuổi thọ cao chẳng bằng niềm vui thanh cao.

Quá nửa đời người dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho vui thì sống, việc nào muốn thì làm, ai nói sao mặc kệ vì mình đâu phải sống vì ý thích hay không thích của người khác, nên sống thật với mình.

Sống ở trên đời không thể nào vạn sự như ý, có khiếm khuyết là lẽ thường tình ở đời, nếu cứ chăm chăm cầu toàn thì sẽ bị cái cầu toàn làm cho khổ sở. Chẳng thà thản nhiên đối mặt với hiện thực, thế nào cũng xong.

Tuổi già tâm không già, thế là già mà không già; Tuổi không già tâm già, thế là không già mà già. Nhưng xử lý một vấn đề thì nên nghe già.

Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ; quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ; quá ồn áo thì khó chịu…. Mọi thứ đều nên “vừa phải”.

Người ngu gây bệnh (hút thuốc, say rượu, tham ăn tham uống….)
Người dốt chờ bệnh (ốm đau mới đi khám chữa bệnh)
Người khôn phòng bệnh, chăm sóc bản thân, chăm sóc cuộc sống.
Khát mới uống, đói mới ăn, mệt mới nghỉ, thèm ngủ mới ngủ, ốm mới khám chữa bệnh…. Tất cả đều là muộn.

Chất lượng cuộc sống của người già cao hay thấp chủ yếu tùy thuộc vào cách tư duy, tư duy hướng lợi là bất cứ việc gì đều xét theo yếu tố có lợi, dùng tư duy hướng lợi để thiết kế cuộc sống tuổi già sẽ làm cho tuổi già đầy sức sống và sự tự tin, cuộc sống có hương vị; tư duy hướng hại là tư duy tiêu cực, sống qua ngày với tâm lý bi quan, sống như vậy sẽ chóng già chóng chết.

Chơi là một trong những nhu cầu cơ bản của tuổi già, hãy dùng trái tim con trẻ để tìm cho mình một trò chơi ưa thích nhất, trong khi chơi hãy thể nghiệm niềm vui chiến thắng, thua không cay, chơi là đùa. Về tâm và sinh lý, người già cũng cần kích thích và hưng phấn để tạo ra một tuần hoàn lành mạnh.

“Hoàn toàn khỏe mạnh”, đó là nói thân thể khỏe mạnh, tâm lý khỏe mạnh và đạo đức khỏe mạnh. Tâm lý khỏe mạnh là biết chịu đựng, biết tự chủ, biết giao thiệp; đạo đức khỏe mạnh là có tình thương yêu, sẵn lòng giúp người, có lòng khoan dung, người chăm làm điều thiện sẽ sống lâu.

Con người là con người xã hội, không thể sống biệt lập, bưng tai bịt mắt, nên chủ động tham gia hoạt động công ích, hoàn thiện bản thân trong hoạt động xã hội, thể hiện giá trị của mình, đó là cuộc sống lành mạnh.
Cuộc sống tuổi già nên đa tầng đa nguyên, nhiều màu sắc, có một hai bạn tốt thì chua đủ, nên có cả một nhóm bạn già, tình bạn làm đẹp thêm cuộc sống tuổi già, làm cho cuộc sống của bạn nhiều hương vị, nhiều màu sắc.

Con người ta chịu đựng, hóa giải và xua tan nỗi đau đều chỉ có thể dựa vào chính mình. Thời gian là vị thầy thuốc giỏi nhất. Quan trọng là khi đau buồn bạn chọn cách sống thế nào.

Tại sao khi về già người ta hay hoài cựu (hay nhớ chuyện xa xưa)? Đến những năm cuối đời, người ta đã đi đến cuối con đường sự nghiệp, vinh quang xưa kia đã trở thành mây khói xa vời, đã đứng ở sân cuối, tâm linh cần trong lành, tinh thần cần thăng hoa, người ta muốn tim lại những tình cảm chân thành. Về lại chốn xưa, gặp lại người thân, cùng nhắc lại những ước mơ thuở nhỏ, cùng bạn học nhớ lại bao chuyện vui thời trai trẻ, có như vậy mới tìm lại được cảm giác của một thời đầy sức sống. Quý trọng và được đắm mình trong những tình cảm chân thành là một niềm vui lớn của tuổi già
Nếu bạn đã cố hết sức mà vẫn không thay đổi tình trạng không hài lòng thì mặc kệ nó! Đó cũng là một sự giải thoát. Chẳng việc gì cố mà được, quả ngắt vội không bao giờ ngọt.

Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không chống lại được. Khi thần chết gọi thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đặt cho mình một dấu châm hết thật tròn.
Đọc tiếp ...

30-5 Sinh Nhật con trai

 

 

 

27 năm trước, 7g sáng, con oe oe khóc tiếng đầu tiên, mẹ vô cùng mãn nguyện.

Mà hồi đó làm gì có chuyện siêu âm để biết trước là gái hay trai, cứ phải hồi hộp chờ và mạnh ai nấy đoán khiến mấy bà bầu cứ nay thì hớn hở mai lại buồn hiu. Nhớ chú Ẩn ở Văn phòng, bảo cô Oanh lúc đó cũng sắp có em bé “Thấy chưa, Oanh cũng ráng bắt chước chị Năm đẻ con trai nghen”. Rồi đâu gần tháng sau, lúc chị Hạnh báo tin cô Oanh lại sinh con gái, mọi người thấy chú ỉu xìu nên ái ngại, tuy tiếc nhưng vẫn bấm nhau bỏ đi chỗ khác, để chú ngồi lại một mình trong phòng họp của Sở với chiếc TV đang chương trình phim buổi tối.

Dù mấy năm đó ai cũng còn vất vả, nhưng lạ một điều là mẹ rất nhiều sữa tuy cũng chẳng có thức ngon hàng ngày. Thế nên chị cũng hay rà rê cạnh bên, cứ từ sau lưng mẹ, chui lòn dưới cánh tay mẹ mà bú ké với con, nhắm tít mắt, lờ tiếng cười ngạo của mấy chị trong khu tập thể.

Cứ vậy, con chóng lớn, trắng hồng, mủm mỉm và mẹ vẫn cứ hàng giờ ngồi ngắm con ngủ mà không biết chán.

Năm đó, là năm cuối mẹ học lại chương trình Sư phạm. Mỗi hè lại tập trung hai tháng ròng rã, Út Thảo lại sang trông con và chị cho mẹ đi học. Ai cũng nói sau này con và chị sẽ rất giỏi vì “học đại học từ trong bụng mẹ” mà. Giờ nghĩ lại, mẹ cũng thấy mình hay thiệt, năm 79 bắt đầu khóa học mẹ cấn thai chị, rồi 83 đi thi tốt nghiệp thì dứt sữa con, mà mẹ tốt nghiệp loại giỏi, điểm cao nhất khóa đấy chứ. Mười ngày đi thi Tốt nghiệp ở Sông Bé là mười ngày mẹ khốn khổ vì sữa căng tức ngực trong khi ở nhà thì con phải ăn cháo, lúc đó, con cũng chỉ mới mười tháng 1 tuần. Ngoại cứ ca cẩm “học chi mà khổ quá, bỏ cháu tui khát sữa vầy nè”

Rồi mẹ về, đêm con đói sữa, rúc vào ngực mẹ tìm mà mẹ thì vừa xót con vừa bấm bụng nhớ ngoại nhắc “sữa lạnh rồi, đừng cho em bú”. May mà con lớn lên khỏe mạnh chứ không thì mẹ ân hận suốt đời.

Mấy năm đó, nhà mình cũng như mấy nhà khác trong khu tập thể, nuôi heo, trồng rau để kiếm thêm chút ít bù vào đồng lương ít ỏi. Ngày dắt ra cột bên hóc tường rào nhà vệ sinh, tối dắt vào cho ngủ dưới bếp, vậy mà rồi heo cũng vô tạ, bù cho công khó xin giấy giới thiệu rồi chực chờ ở cửa hàng lương thực mua tấm cám, thức ăn.

Lúc con với chị học mẫu giáo, thì nhà mình nuôi gà nhiều lắm. Giống gà nòi mang từ quê nội lên, gần tẻ bầy mà vẫn trùi trũi lông cánh, da lưng đỏ au. Sáng sáng, mở cửa chuồng là chúng chạy ùa ra vỗ cánh rượt đuổi cắn mổ nhau chí chóe và cái phao câu tròn trĩnh bé xíu như quả trứng cá bóng lưỡng là cứ hay bị mổ nhất. Một buổi sáng, con không chịu đi học mà cứ chần chừ, vẻ mặt nghiêm trọng, mắt rưng rưng.  Mẹ sợ con bị bạn ở trường ăn hiếp hay bị cô rầy, gặng hỏi mãi… con cứ lắc đầu. Cuối cùng, khi mẹ đã phải hứa là sẽ làm bất cứ điều gì nếu con muốn, con mới òa lên khóc và chỉ “Con gà!” Thì ra, có con gà bé nhất, bị mấy con lớn xúm lại mổ, cái phao câu rướm máu khiến con thương mà sợ nó chết! Mẹ phải hứa chắc với con là sẽ xức thuốc đỏ và bảo đảm là nó không sao, con mới chịu chùi nước mắt mà đi học, nhưng cũng vẫn còn bắt mẹ phải hứa thêm mấy lần nữa. Cho đến bây giờ, con vẫn luôn quan tâm tới những điều như thế. Mẹ mừng vì con vẫn lòng lành, biết nghĩ và thương người.

Cũng hồi đó, con ít chịu ngủ trưa, hay cùng Hảo trốn đi thơ thẩn khắp mọi ngóc ngách trong khuôn viên Sở(lâu quá không thấy Hảo về Bến Tre, anh chàng nhà thơ của Vòm Me Xanh bây giờ ra sao nhỉ?) . Con có còn nhớ khoảng hành lang dài và hẹp giữa nhà bếp Sở với bức tường rào Trường Thị Xã không? Mấy bụi chuối um tùm, gốc cẩm lai, cây ổi đầu hồi nhà vệ sinh như là khu vườn yên tĩnh ban trưa. Cây me mà con nhổ về hồi đó giờ đã lớn lắm rồi, hơn hai chục năm chứ ít sao! Bao giờ con có nhà riêng, mẹ sẽ đem cây me đó về trồng trước sân nhà con nghe. Còn mấy cây bồ đề nữa, con có nhớ là mẹ ghép hai cây lại thành một và gọi nó là “Hai chị em” không? Nó cũng lớn lắm rồi, mẹ đã đem về Nội trồng trước sân. Nó sẽ mãi mãi ở đó và lớn lên từ đất quê hương, phải không con?

Lâu rồi, Sinh Nhật con không có mặt cả nhà. Năm nay cũng vậy, mẹ cứ đinh ninh là   hai mẹ con mình có một bữa tiệc mừng Sinh Nhật con ở New York. Rốt cuộc thì lại không như thế. Không sao, tuần sau mẹ sang, rồi hai mẹ con mình cùng về là mẹ vui lắm rồi. Nhớ năm kia, con đưa mẹ ra sân bay sớm, mình đi vòng vòng ngắm nghía chỗ này chỗ nọ, rồi đi ăm kem, mẹ biết con muốn mẹ vui. Nhưng lúc check in mẹ buồn quá, không muốn rời con chút nào, kéo vali đi mà cứ ngoái lại hoài, thấy con vẫy vẫy, mẹ không dám chùi nước mắt, sợ con biết mẹ khóc.

Tuần sau mẹ gặp con rồi, con trai.

Mừng con 27 tuổi,

Mãi mãi, con và chị là niềm Hạnh Phúc của Ba Mẹ.

Đọc tiếp ...

Me




Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 21 tháng 5, 2009

Lại “Tour một buổi”

Ông chủ nhà đi dự Hội nghị ở Cần Thơ, bèn xin quá giang. Ban đầu định qua Cần Thơ off với mấy bạn Caonguyenbui, Thanh Ngọc và Bông Súng, nhưng có trục trặc vào giờ chót, nên cuối cùng, điểm dừng là xã Hòa Khánh Cái Bè, nhà cô bạn học cùng lớp Đệ Tam B ngày xưa. (entry Tháng 9 nhớ thương)

Bắt đầu đi hồi 5g, xe qua cầu Rạch Miễu lúc trời mới hừng đông.

6g, cổng nhà cô bạn còn khóa.

-        Alô…

-        Mày hả, tao đứng ngoài cổng nè.

-        Trời đất, sao nói khoảng 7g mới tới mà?

-        Hihi, vậy tao ngồi chờ heng.

-        Đồ quỉ, chờ tao chút.

 

Hai bà cháu lò dò đi ra, thằng cu con lon ton nắm tay bà nội nó, mắt còn hấp him, gọi “ bà ơi, bà”

 

Chợ xã họp bên đường quốc lộ xe chạy vun vút, hai bạn già dắt tay băng qua con đường nhỏ dưới dạ cầu Trà Lọt. Bạn hỏi hồi nãy mày đi qua đường ngã nào, ờ thì tao có biết con đường này đâu, ổng chờ tao qua tới lề bên này rồi mới bảo tài xế đánh xe đi tiếp. Vậy sao, tao biệt có dám băng qua lộ một mình, ghê lắm, lúc trước, xe nó vớt một bà dẫn xe đạp ngay dốc cầu đó, may mà chỉ gãy chân, cả tháng sau còn không biết mình là ai đó. Gần bốn chục năm theo chồng về chốn này, bạn như thành người địa phương, hầu hết người buôn bán ở chợ nếu không là học trò cũ thì cũng là phụ huynh, vui thật.

Hàng quán lộn xộn như bất kì cái chợ ven đường nào. Bánh trái, rau củ chen chúc nhau bên vệ đường. Mấy nhà phố thì ai thích chi bán nấy, thượng vàng hạ cám, tiệm vàng tiệm vải rồi hàng nhôm nhựa điện máy cứ như bát quái trận đồ. Hai chúng tôi len lỏi trong mấy ngõ ngách vòng vèo một hồi ra tới bờ sông. Mấy bơ cá lóc đồng đen trùi trũi quẫy nước văng tung tóe. Chu choa, vậy là gặp hên rồi. Lựa một hơi được những 7 con cá lóc to mầm mẫm, tổng cộng nhỉnh hơn 4 kí lô một chút. Cô học trò cũ của bạn tôi còn nhắn vói, sáng mai cô ra sớm đi, có khi em có cá ngon nữa đó. Ôi không, xế chiều nay cô về tuốt Bến Tre rồi. Bạn tôi tần ngần, hay là để tao làm chà bông rồi gởi về dưới cho. Vậy đó, chúng tôi vẫn thế, gần gũi thân thiết, vẫn lo chuyện bạn như chuyện mình.

Hai bạn già ngồi rửa cá mà rôm rả mày tao khiến cô con dâu chốc chốc liếc nhìn và quay mặt dấu cười. Con à, dì Nhân với mẹ con mà không xưng hô mày tao thì biết gọi bằng gì hả con?

Ông chủ nhà đưa thằng cháu nội tới trường Mẫu giáo cho nó dự liên hoan đã về, hỏi làm ruột cá lóc có rọc ruột và cạo bao tử không đó. Khỏi lo, tớ làm cá lóc là không ai chê hết nghe, hơi bị kĩ đó. Nhưng bữa nay chuyện nấu nướng thì giao cho ông chứ? Bạn bảo, yên chí, từ hồi ổng nghỉ dạy, tao không có vô bếp.

 

 

 

Bộ ba chúng tôi hồi đó giờ chỉ có tôi và Hồng thỉnh thoảng còn gặp nhau. Cô bạn Lệ Dung xinh tươi thì đã “đi tìm cuộc sống mới” cho riêng mình từ bảy tám năm nay. Một cái am nho nhỏ ở Long Thành, gần Tu viện Thường Chiếu. Năm ngoái tôi đến thăm, ôm bạn trong tay, cảm nhận cái rụt mình như thủ thế của bạn mà xót bao nhiêu. Lúc về, tôi bảo nhỏ “Lúc nào có thể, mày cho tao dẫn Hồng ra đây thăm mày nghen?” Bạn không hứa, nhưng ánh mắt dùng dằng làm tôi bâng khuâng suốt dọc đường về. Giờ đọc lại thư bạn gởi cho Hồng với lời dặn “mày đừng trả lời thư tao, tao không có ở địa chỉ này nữa” tôi lại thấy ngẩn ngơ. Cuộc đời vẫn có những lối rẽ như vậy sao? 

 

Ra về với bao nhiêu là quà quê: một quày chuối nàng tiên và thêm hai cây con mà ông chủ nhà của bạn đã hăng hái xách xà beng đi bứng cho, hai nhánh sứ hoa đỏ, một nắm mười giờ ba bốn màu, mấy dẻ lan con mới đâm rễ, trái bưởi mới hái sau vườn với lời dặn khoan ăn, hãy chờ khoảng hai tuần cho nó héo vỏ, sẽ ngọt lắm, hai trái xoài chín cây mà khi sáng tôi buột miệng suýt soa. Bạn lúi húi lấy bịch xốp bọc kĩ hai hộp cá mà khi sáng hai đứa đã tỉ mẩn làm.

 

Tôi khoe với ông chủ nhà mình về bữa cơm canh chua với 7 cái đầu cá lóc và ba bộ trứng vàng ươm mà không quên báo cáo thêm rằng tôi đã phá lệ ăn tới hai chén cơm to!

 

Hai chú nhóc nhỏ nhất định phải đưa bà ra xe, nhìn chúng lũn cũn tíu tít đội nón mang giày và ríu rít chào ngọng nghịu mà thương, con bé Tina cũng nhún nhảy trên tay mẹ, chấp chới bàn tay bé xíu miệng bi bô bà bà.

 

 Tự dưng thấy thèm cháu ngoại gì đâu!

 
 

 

Đọc tiếp ...

Tour Cai Be




Chup o nha Tuyet Hong, xa Hoa Khanh , Cai Be, Tien Giang.
20-5-2009
Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 12 tháng 5, 2009

Như là cổ tích

Vậy là chị em tôi đã gặp nhau.  

Tối qua, mở mailbox ra, ngạc nhiên đến độ không tin vào mắt mình khi đọc dòng chữ Chị Thu Hường thăm em.

Vậy là gần 40 năm, chị em tôi mới chính thức nối lại liên lạc với nhau.

Bây giờ ngẫm nghĩ lại, vẫn cứ như không thực. Đọc lại một lần rồi hai lần email và những gì chúng tôi gõ cho nhau suốt từ đầu hôm đến quá nửa khuya, vẫn là cảm giác ấy. Như thực như mơ!

Mọi việc đã diễn ra hết sức dễ dàng, vậy mà phải có đến quãng thời gian hơn nửa đời người ở giữa đó sao? Cái gì đã ngăn cách chúng tôi? Tại sao chúng tôi lại cũng chịu để như vậy mặc dù chị cũng như tôi, từng hỏi han về nhau qua từng ấy năm?

Đọc email chị cho ông chủ nhà tôi nghe mà phải dừng lại mấy lần vì nghẹn ở cổ. “Bây giờ nhận được tin em, chị vui mừng hết sức, và làm chị nhớ lại, có khi chị hỏi chồng chị (vì anh có tới 3 anh chị em) tình nghĩa anh chị em đối với nhau ra sao? Tình thương giữa anh em là thế nào? Đến bây giờ thì chị mới có được câu trả lời, đó là nhờ em cho chị biết đó. Nhứt là khi được em nhắc lại những kỷ niệm mà tụi mình trải qua lúc nhỏ.”

 

Hạnh phúc biết bao khi ta có chị có em bên mình. Nhất là chuyện gặp lại  nhau của những đứa con cùng cha  tưởng đã lạc nhau giữa biển người mênh mông, trong dòng thời gian mải miết chảy trôi.

Sẽ không bao giờ còn gì có thể cắt chia chúng ta, chị yêu của em.

 

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 10 tháng 5, 2009

MOTHER'S DAY

 
 
 
 
 

Năm nay, Mẹ 83 tuổi rồi.

Tóc mẹ chưa bạc nhiều.

Mẹ đôi lúc đọc báo không cần mang kính.

Mẹ vẫn hay tự nấu lấy thức ăn chay cho mình. 

Mẹ còn có thể ngồi sau xe honda ôm đi chùa.

Mẹ còn quì tụng nổi một thời kinh, đi chuông, đi mõ rất thuần thục.

Mẹ còn rất minh mẫn, vẫn nhớ như in và có thể kể lại cho chúng tôi nghe những chuyện “từ hồi ồng Đổng qua đèo”, những chuyện hồi mẹ hãy còn là cô học trò Trường Áo Tím.

Mẹ kể về những ngày tháng đi dạy học ở huyện xa, mỗi tháng phải về Ty Tiểu học để lảnh lương, tùng dịp về nhà ngoại thăm chúng tôi.

Mẹ vẫn còn kể rành rọt chuyện dắt tôi vào Cà Mau thăm ba hồi 1954, chuyện ba tôi mang vợ nhỏ đi gởi chỗ khác!

Mẹ không hề quên những tháng ngày làm dâu nhà giàu nước mắt chan cơm. Tiếng là dâu trưởng ông Hương chánh, cháu ông Hội đồng mà ăn cơm với chuối chát kho sả ớt.

 

Những câu chuyện dài theo cuộc đời vui ít khổ nhiều.

 

Và, mẹ cũng còn “sôi nổi” lắm

 

Mẹ ca cẩm về những điều trái tai gai mắt  hàng ngày trong cuộc sống bề bộn chung quanh.

Mẹ lầm bầm rủa những kẻ bất nhơn cứ nhan nhãn đây kia , bảo sao mà họ sống chi cho chật đất.

Mẹ lăng xăng đi làm công quả ở chùa, ghi chép sổ sách những ai cúng dường gạo muối tiền bạc mặc cho chúng tôi cằn nhằn sao không nghỉ ngơi cho khỏe.

Mẹ “tư vấn” luôn cho mấy đứa cháu khi chúng tìm đến phàn nàn chuyện

vợ chồng con cái, chuyện nợ nần, chợ búa, chuyện dì tôi khó khăn với dâu con thế nào…

Mẹ lặn lội đi tìm mấy đứa học trò nghèo giới thiệu cho bạn tôi ở tít bên kia bờ đại dương, rồi nhận tiền về mua gạo muối tập vở cho chúng, dắt chúng đi chụp hình, chụp giấy khen để gởi sang gọi là báo cáo kết quả.

Mẹ cũng có khi “nấu cháo” điện thoại với dì tôi gần trọn buổi chiều về đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Mà có phải lâu không gặp đâu. Hai bà cũng mới vừa ngồi với nhau gần hết buổi sáng đó thôi.Tôi chỉ còn có nước dặn đứa em dâu nhớ rót ly trà  để kế bên.

Đêm mẹ rên là nhức mình nhức mẫy, nhức hết chân tay, thoa dầu nồng lên. Vậy chứ sáng ra là đòi đi đám ma người này, đám cưới nhà kia.

 

Chúng tôi hay nói sau lưng mẹ “ Maman mình già mà còn sung quá!”

 

Cầu mong mẹ khỏe hoài như vậy, dù biết cái ngày gió lay mẹ rụng chẳng phải còn xa.

 

Dù sao,

Nhớ câu bạn nói “Vu Lan này tôi cài hoa trắng” để biết mình hạnh phúc.

 
Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2009

Với bloggers trẻ

Sáng 30-4, mấy blogger trẻ về ghé ngang, gọi í ới “ Cô ơi, tụi con đang đứng trước cổng nhà cô nè”

Bà Tòn và Hến cười tíu tít “ Già Nguyên với mấy bạn chờ cô sẵn bên kia rồi”

Tạm gác lại những buồn phiền,

Các bạn trẻ đang chờ.

Họ đây:

Hến, Toại Nguyễn, Quang Ròm, Giang, Đăng Nguyên và Bà Tòn

With young bloggers

Cận ảnh nhé:

Hến và Toại.

Photobucket

Cũng chưa hỏi vì sao lại là Hến, nhưng nhỏ nhắn, dễ thương, nhìn là biết ngay dù trong avatar hình nhỏ xíu. Toại cũng dân xứ Dừa nhưng là dừa Tam Quan, cũng không phải là Chế Đăng Toại mà là Nguyễn Toại, dáng thư sinh lắm.

 

Còn đây là Út, cậu nhỏ nhất, tự gọi mình là “Út ơi”:

 

Út ơi, nhìn gì thế?

 

Còn đây: Quang Ròm và Giang … không Ròm! Lúc tôi đến, Giang và các bạn đang sôi nổi về một câu chuyện gì đó, hình như là  về bữa trưa sắp đến ở Cồn Ốc quê Giang.

Photobucket

“ Già” nhất nhóm, thường được (hay bị nhỉ) gọi là Già Nguyên hay Tía. Trong câu chuyện, khi nói về các ông bố bà mẹ hay thúc con mình lập gia đình. Nguyên bảo với tôi “Mẹ con cũng hỏi con chừng nào cưới vợ. Con nói "Hễ mẹ hỏi nữa là con hổng về à nghe.” Có vẻ như các bạn trẻ bây giờ họ có cách suy nghĩ khác thế hệ chúng tôi nhiều lắm. Cũng là một cách sống, miễn là họ thấy thoải mái là tốt rồi.

 

Giang & Đăng Nguyên

 

Bà Tòn - Cẩm Tú, cô bạn trẻ gần nhà tôi nhất - vài trăm thước đường gì đó thôi - thế mà phải đi một vòng thế giới ảo, chúng tôi mới biết nhau:

 

Photobucket

Còn đây nữa, hai người đến muộn: Sương và cậu em trai.

 

Hai chi em

 

Rời quán Thanh Trà, các bạn trẻ “đổ bộ” qua nhà tôi, và mảnh sân con trước nhà trở thành hiện trường cho bao nhiêu là kiểu ảnh.

Mấy tấm chụp chung:

Photobucket Photobucket

Đặc biệt: Serie ảnh của các “dẹo sĩ”

Photobucket

Điệu đàng chưa?

Photobucket

In như có ai nói “ Toại ơi, đứng cho vững nghe, coi chừng Tú nó buông tay đó!”

Photobucket

Đấy, Ráng bay và Tú có muốn bay?

Ráng bay và Tú cũng muốn bay!

“Cô ơi, con thòi lòi nhỏ đi lạc tới đây phải không?”

Đúng rồi. Nhưng hôm nay chẳng có thòi lòi, chỉ có một, hai, ba… nhiều lắm  bloggers!

Photobucket Photobucket Photobucket

Người già cũng muốn “dẹo” một tí!

Photobucket

Chia tay,

“Cô ơi, mai mốt tụi con về, mình đi chơi nghe”

Chào các bạn trẻ

Đi chơi vui nhé

Cồn Ốc thẳng tiến phải không? Hình như là Giang đang chờ với một thùng Phú Lễ?

Hẹn gặp lại

Photobucket

Neco hay Ninja?

Neco > Ninja! Photobucket

Họ ríu rít nói cười, tiếp tục lên đường với ngày vui phía trước

Và tôi, thoáng chốc nhớ về những ngày tuổi trẻ của mình, ở một phía khác, xa hơn.

 

 

Đọc tiếp ...