Thứ Ba, 1 tháng 12, 2009

Tháng 11 - nhìn lại chút xíu

 


 


Hồi cuối tháng 10, Gió hỏi "Chị ơi, sắp tháng 11 rồi, chị có nghĩ gì không?". Nghĩ thì có bao giờ ngưng hả em? Nhưng mà sao thấy lười nhác gì đâu. Có điều, thi thoảng lại nhớ cụ Thanh Tịnh bảo "...ngày xưa tôi không biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết" lại đâm ra tiếc, rồi lại thôi, rồi lại băn khoăn...


Coi như nhìn lại chút xíu tháng 11 đi.


*


Đầu tháng, ông chủ vườn kiểng Đất Phương Nam nhắn là đã tìm được cho gốc lộc vừng. Ông chủ nhà tôi chỉ còn nước lắc đầu khi thấy vợ biến mất khỏi nhà và trở về đúng ngọ với vẻ hí hởn như trẻ con mừng mẹ về chợ cùng với cây lộc vừng! Mấy ngày sau đó cứ thì thà thì thụt chạy ra chạy vô săm soi, chụp hình miết. Ông đi làm về thấy vợ ngồi lì trước laptop là biết rồi. Sáng thấy hình nền là nguyên chậu lộc, trưa đã thấy mấy chuỗi bông, tối ngồi xem TV ngó qua lại thấy khác, lắc đầu luôn.


**


Giữa tháng, bữa cơm trưa, hỏi ông biết hôm nay là ngày gì không? Ông ngơ ngác như vẫn thường ngơ ngác với những câu hỏi kiểu này. Nhớ không, hồi năm 71, em bắt đầu về trình sự vụ lệnh đi dạy đó. Ờ há. Vậy mà thoáng chốc đã 38 năm rồi. Ba ngôi trường đã đi qua, bao nhiêu học trò, bao nhiêu đồng nghiệp, bao nhiêu chuyện vui buồn cứ nhanh như bóng nắng qua thềm vậy sao...


***


20-11. Thực lòng, tôi không thấy thích. Với tôi, nó giả giả vờ vờ sao sao ấy.


Ngôi trường tôi bắt đầu năm học lớp 6 vào tháng 9 - 1962 cũng chính là ngôi trường tôi trở về đi dạy. Hồi xưa đâu có ngày Nhà giáo, cũng chẳng ai hô hào, chẳng tổ chức lễ lạc gì mà kỉ niệm, sự gắn bó, hàm ơn vẫn là điều gì đó tự lớn lên, in đậm. Cô giáo trẻ là tôi hồi đó chỉ hơn đứa học trò già nhất lớp 9 đâu năm sáu tuổi. Tôi cố gắng làm người chị lớn ân cần và không hiểu từ hồi nào, lũ trò nhỏ gọi tôi là Nữ chúa và tôi cũng thường hay xưng với chúng bằng Bổn cô nương! Ngoài giờ học, cô trò chúng tôi tha thẩn trong những vườn trái cây, nghêu ngao ngồi sắp hàng trên cầu sắt chợ câu tôm. Có lần, chúng tôi mượn xuồng băng ngang sông Hàm Luông qua cồn Ốc ăn đám giỗ ở nhà một đứa học trò trong lớp. Hừng sáng về vừa bơi vừa tát nước, thêm sợ mấy chiếc bo bo Mỹ đi tuần sớm dậy sóng chìm xuồng. Tình cờ sau này, bẳng mấy chục năm, cậu học trò chủ nhà hồi đó vô trường hỏi thăm chuyện học của con mới nhìn ra cô giáo cũ của mình. Cái cảnh một ông nông dân già chát, râu ria tua tủa như sắp thành ông lão sáu mươi rưng rưng nắm tay cô giáo cũ mà gởi gắm con mình làm tôi cảm động nhưng cũng bất nhẫn vô cùng. Ai bảo không thấy thời gian trôi?  


Rồi sau này, tôi thường phải cố gắng lắm mới có thể "hoàn thành nhiệm vụ" những lần tổ chức 20-11.Cũng không phải dễ dàng gì khi đấu tranh với hội đồng nhà trường về cái lẽ “Tết cổ truyền thì trẻ con mừng tuổi và người lớn lì xì, sao Tết nhà giáo thì lại bắt học trò phải tặng quà cho mình?” Những năm 90, khi mà cuộc sống đã dễ thở hơn một chút, trường tôi vốn có nhiều cán bộ công nhân viên đi học, nên quà cáp cũng nặng tay, tôi thấy giống như người học "mua" chúng tôi, tôi thấy bị tổn thương ghê gớm vì những món quà của những “ông bà học viên” ấy. Riết rồi họ kháo nhau rằng "tặng được quà cho Cô Nhân còn khó hơn thi tốt nghiệp mấy lần". Cũng có đồng nghiệp bảo tôi chơi trội, nhưng liệu rằng tôi có còn công tâm khi nhận quà của những học viên cứ đòi lên lớp trên, trong khi học lớp dưới cho thiệt tình thì họ cũng đã quá vất vả rồi. Học lớp 10,11 phổ thông mươi, mười lăm năm trước, giờ vô học lại cứ khăng khăng đòi ngồi ở lớp luyện thi tốt nghiệp!


Mấy năm gần nghỉ hưu, tôi hay diễn màn trốn, hễ trốn không được thì phải đe nẹt học trò về chuyện quà cáp. Có lần,tôi bảo “các anh chị còn xin tiền cha mẹ đóng học phí thì tại sao lại phải xin tiền để mua quà? Các anh chị đã đi làm thì hãy học cho tốt và thi cho đậu đi, nữa rồi cô sẽ ăn khao cùng”. Nhưng có lẽ, ngày 20-11 đáng phàn nàn nhất là ngày tôi được mời về trường trong tư cách giáo viên đã nghỉ hưu. Hôm đó, trong khi chương trình văn nghệ còn đang rôm rả ngoài sân lễ thì ông Hiệu trưởng mới về đã cùng mấy vị khách mời và vài nam giáo viên cụng li “Dô 100%!” trong bàn tiệc dô học viên đóng góp! Cô Hiệu phó trẻ than với tôi “Cô nghỉ rồi, không ai dám nói gì hết. Ông Hiệu trưởng muốn làm gì thì tự ý, em cũng chán không muốn dự.” Tôi cười buồn và lẳng lặng ra về, dặn lòng không bao giờ đến nữa. Bao nhiêu chuyện như thế và tương tự như thế ở những ngôi trường khác?


****


29-11. Một tin nhắn từ Facebook làm tôi sững sờ.


Tôi đã tìm được cô bạn dạy chung trường gần 40 năm về trước. Hai mươi ngày trước, thấy trên blog cụ Khốt cái tên Trương Hải Phố, tôi giật mình, nghĩ không lẽ lại có người trùng tên lạ lùng như vậy. Nhìn avatar, thấy chủ nhân blog còn khá trẻ, tôi gởi tin nhắn cầu may “ Hồi những năm 70. một người bạn đồng nghiệp tôi có cậu con trai tên Trương Hải Phố. Quê bạn ở Hội An,  tên Trần Thị Ngọc Anh dạy Văn ở trường cấp 3 Mỏ cày từ 73 đến 76. Nếu bạn trẻ đúng là Trương Hải Phố thì quả là một điều kì diệu.”


Và điều kì diệu đã xảy ra! Mọi chuyện trở nên dễ dàng như nó phải thế. Trái đất tròn mà lại nhỏ nữa. Bạn tôi ở Sài Gòn, làm việc ở báo SGGP cùng với hai cụ Khốt và cả hai bạn Văn Khoa xưa của tôi nữa, vậy mà sao tôi lại không tìm được bạn sớm hơn? Hay là ông Trời cho rằng phải đến bây giờ, khi bạn đã xa tôi nửa vòng trái đất những mười mấy năm dài rồi thì mới đến lúc? Bạn bảo đọc email tôi gửi bạn rơi nước mắt vì tôi vẫn còn nhớ và tìm bạn trải qua bao nhiêu thăng trầm dâu bể. Còn tôi thì vừa khóc vừa cười khi bạn nhắc bao kỉ niệm xưa, những ngày khốn khó chỉ toàn ăn cơm với bông so đũa luộc chấm tương, những chiều huyện lỵ buồn hiu hắt cô giáo trẻ ngồi khóc trước thềm nhà. Tôi nói với con bạn mà cũng chính tự nhủ mình rằng chúng ta còn ngày rộng tháng dài trước mặt và kỉ niệm sau lưng. Trong tôi, bạn vẫn là cô gái Phố Hội xinh tươi, duyên dáng ngày xưa.


*****


Và lời nhắn tin cho Blogger MẹBầuBí - người con gái Hội An dễ mến đã hứa sẽ tìm giúp - về niềm vui đặc biệt này là dấu chấm câu cuối cùng của những mẩu chuyện “Tháng 11, nhìn lại chút xíu”.   


 


 

Đọc tiếp ...