Văn Khoa - chút tình gửi lại
1. Lạ lẫm
Là cô, ngày đầu tiên đến Văn Khoa.
Cô ngơ ngác trước cổng trường và ao ước mình cũng dạn dĩ như mọi người đang vào ra rất ung dung kia. Cô đang chờ một người bạn. Chị ấy hẹn sẽ hướng dẫn cô ghi danh học. Mọi người vẫn ung dung lướt qua trước mắt. Cô cố tạo cho mình nét mặt thản nhiên. Và lại chờ.
Rồi thì mọi việc cũng xong.
Không gì "ghê gớm" lắm như cô nghĩ.
Không ồn ào, chen lấn như bên trường Luật. Chẳng gì thì cô cũng đã phải mất một buổi cật lực chen vào ô cửa nhỏ của phòng ghi danh bên ấy đến mướt mồ hôi kia mà.
Mọi người thân thiện và ân cần. Ấn tượng đầu tiên của cô với ngôi trường này là vậy. Cô cảm nhận điều ấy một cách nhẹ nhàng và nghe như mình đã thành người Văn Khoa.
2. Dấn thân
Cô hòa vào cái không khí mới mẻ ấy với tất cả niềm hồ hởi chân thành. Thi thoảng, khi hướng dẫn cho những người bạn mới nội dung của Cẩm nang Đường vào Văn Khoa, cô chợt nhớ và cười thầm về mình ngày đầu tiên ấy.
Năm học mới bắt đầu. Cô tất bật với việc của nhóm Việt Hán giao cho. Cô cảm thấy hình như mình cũng thành người quan trọng! Cô làm quen với việc tới nhà xuất bản lấy sách về cho các bạn, làm quen cả với việc đánh stencil, quay ronéo ... Và rồi đến một lúc nào đấy, cô thấy mình thực sự gắn bó với Văn Khoa.
Ngày đó, cô không hề nghĩ mình tham gia phong trào sinh viên tranh đấu. Ừ, thực ra cô đã biết gì nào? Cô chỉ thấy cái không khí đó nó hấp dẫn cô, và cô bị cuốn hút vào nó một cách tự nhiên với tất cả sự mê mải của tuổi trẻ. Mấy lần theo chân nhóm xung kích của Tổng Đoàn học sinh đi đốt xe Mỹ ở đoạn đường Phan Đình Phùng ngang chợ Bàn Cờ, tụi cảnh sát đuổi suýt bị bắt, đi biểu tình ở trường Đại học Y Khoa hít lựu đạn cay một bữa ra trò, tuyệt thực trước sân trường bụng đói meo mà vẫn cao tiếng hát cho người cảnh sát anh em nghe rằng "Chiếc dùi cui anh cầm là của người bạn Mỹ, nhưng Việt Nam cơ cầu là quê mình anh ơi", tham gia Đêm không ngủ cùng với các bạn bên trường Nông Lâm Súc ... Cô cảm nhận một điều gì đó. Tất nhiên, các anh chị lãnh đạo phong trào ở trường cũng chẳng nói gì với bọn năm 1 của cô, với "mấy đứa con nít". Sau này, mỗi khi hồi tưởng, cô lại cười thầm mình khi khoe với mọi người về những người bà con Việt Cộng nhân câu hỏi "Bến tre có nhiều Việt Cộng không em?". Có lẽ, các anh chị ấy muốn biết gì thêm nên hỏi vậy khi cô nói về ông chú họ Nguyễn Hoàng Trúc của mình cũng là thủ lĩnh sinh viên bên trường Nông Lâm Súc.
Và gì nữa nhỉ? Mấy chuyến công tác xã hội ở Củ Chi bị tên quận trưởng đem xe jeep "hộ tống" , lần đi Cô nhi viện Diệu Quang ở Phú Lâm suýt bị tóm cả nhóm... Vậy mà cứ phơi phới.
Ngày đó, cô siêng đến trường mà không siêng lên giảng đường. Cô cho phép mình vậy. Bởi thế, anh bạn siêng học đã giật quyển tập mà cô đang tỉ mẩn nắn nót lời bài hát mới học "Ôi Tổ Quốc ta đã nghe lời réo gọi" rồi sửa lại thành "Ôi Thanh Lãng ta đã nghe lời giảng bài" Cô suýt cười phá lên, may mà ngồi ở cuối Giảng đường 1 rộng mênh mông. Hồi ấy, cô tròn mắt thích thú nghe Giáo sư Thanh Lãng kể chuyện ông đã làm thế nào để có được quyển Công việc của người viết tiểu thuyết của nhà văn miền Bắc Nguyễn Đình Thi cho bọn cô học. Miền Bắc ư? Miền Bắc với giảng đường ở ngôi trường Đại học nào mà cô bạn của anh du kích miền Nam đang học? Bài thơ ghi lại câu chuyện cảm động và cả bài Quê hương của nhà thơ Giang Nam khiến cô suy nghĩ. Và cô cũng có cảm giác lạ lắm khi nghe anh nhạc sĩ Tôn Thất Lập hát "Đêm nay đi trên Trường Sơn, ta mơ về Việt Bắc, đi trên Cửu Long mà lòng nhớ Hồng Hà ơi..." Cả những khi ngồi lại với nhau, bạn bè vỗ tay cùng hát "Từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay..." hay "Rồi hòa Bình sẽ đến đến cho dân tộc Việt, đôi chim bồ câu trắng rủ nhau về làng xưa..." cô mơ hồ kết nối những cảm nhận của mình thành một chuỗi, nó chưa định hình một cách rõ ràng lắm, nhưng nó rất lạ, cô biết vậy.
Ngày đó, biết bao chuyện bên ngoài giảng đường lôi cuốn bọn cô: Ban Chấp hành Sinh viên kêu gọi nữ sinh viên mặc áo dài đi học, áp phích dán đầy tường, anh bạn Long chữ đẹp chết danh Long áp phích từ đó. Tuần lễ Văn Hóa Dân Tộc với bao nhiêu là hoạt động. Rồi những ngày Làm đẹp Văn Khoa, mấy cô tiểu thư ngày thường yểu điệu thế mà cũng hăng hái quét dọn ra phết. nhưng có lẽ, cô dành thời gian nhiều nhất cho Hội Quán Văn Khoa. Chả biêt nơi ấy hồi còn là Thành Cộng Hòa, họ làm gì. Chỉ biết là mấy anh con trai Văn Khoa đã phải tốn nhiều công phu quét dọn. Ngày khai trương Hội Quán, vui biết bao nhiêu! Mấy cô nữ sinh viên áo dài tha thướt tíu tít pha cà phê, dọn bánh, ghi phiếu, tính tiền... Chắc là ngon miệng và ngon cả ... mắt nữa nên bọn con trai bên trường Dược cũng lũ lượt kéo sang, chứ bọn họ vốn là dân nhà giàu mà! Không nhớ nỗi hồi ấy, sau mỗi ngày, cô và các bạn ghi lại gì trong Nhật kí Hội Quán nhỉ? Cái "Khung trời Hội Quán" ấy chứng kiến biết bao là chuyện của Người Văn Khoa! Niềm vui và nỗi buồn, nụ cười và nước mắt! Ngày anh Chủ tich Văn Khoa Hạ Đình Nguyên bị bọn cảnh sát lôi ra từ trong hầm nước đá Hội Quán, cô ở trên giảng đường, nghe kể lại rằng Huỳnh Hoa, "Chị chủ Hội Quán" khóc nhiều lắm.
Ngày đó, Đêm Kỉ Niệm Hai Bà Trưng và phát giải thi thơ Chiếc áo dài Việt Nam diễn ra thật trọng thể. Bên ngoài, lễ dâng hương trước ảnh Hai Bà hiện lên trên tấm phông màn nghiêm trang bao nhiêu thì đàng sau sân khấu, Song Nguyên, anh bạn tác giả của màn trình diễn ấy cũng căng thẳng bấy nhiêu bởi cô bạn sắm vai Trưng Nhị đang mỏi rụng tay vì phải giương kiếm quá lâu. May mà có bạn nhanh trí lấy cây giáo chống vào khuỷu tay, không thôi chả biết chuyện oái oăm gì sẽ xảy ra nhỉ?
Ngày đó, cô cũng không nghĩ mình sẽ gắn bó với Văn Khoa đến vậy.
Và ngày đó, cô cũng không nghĩ là sẽ gắn bó với Người Văn Khoa đến vậy
Bao nhiêu là bạn bè thân thiết: này là Trân Thúy với biệt danh"công chúa nhỏng nhẽo", chăm như cô trò nhỏ trung học cứ hay hỏi sao cô không lên giảng đường? Này là Đoàn Trang cũng hay phàn nàn cô như thế. Cô bạn cùng nhà trọ người xứ biển Nha Trang còn hăm không cho cô mượn bài giảng. Đâu khoảng mười năm trước, Đoàn Trang đã lẳng lặng mang trái tim mong manh của mình đi xa mãi rồi. Lần ra Nha Trang dự một hội nghị chuyên môn, cô mới có dịp đến nhà Thùy Trang, chị song sinh của Đoàn Trang để thắp cho bạn mình nén nhang và nghe kể đôi điều. Này là Hoàng Hương, cô gái Sài Gòn ngoan hiền và đảm đang rất mực không vắng buổi Làm đẹp Văn Khoa nào. Này là Kim Liên ngổ ngáo như con trai lại sở hữu một nét chữ tròn trĩnh dễ thương với màu mực tím độc đáo. Này là Hoa Nhụy, cô bạn Rạch Giá tóc dài mủm mỉm dễ thương... Anh Lê Văn Nghĩa - Nhà thơ Đôi nạng xứ Dừa với anh Lâm Bá Phát bảo khi nào ra tập san Văn Khoa sẽ dành "cho mấy đứa một trang Tuổi Hoa" ... Vẫn nhớ "em gái Văn Khoa" Hồng Nga nhiệt tình, xông xáo, chưa thấy mặt đã nghe tiếng cười giòn.Thúy Liễu thì nghiêm nghị lắm, giống như chị Ngô Ngọc Dung bên Nhóm Nhân Văn, cứ mỗi khi nghe chị gọi" Nè cưng, có rảnh không, chị nói cái này chút" là giật mình ngẫm nghĩ lại coi mình có làm gì trật không.
Rồi mấy anh con trai Văn Khoa: Võ Đình Nghĩa, anh bạn miển Trung lành như đất đen thui cao lêu nghêu lại hay đi cùng Huỳnh Ngọc Hội (*) trắng trẻo tròn trịa. Trần Xuân Tiến thì nổi đình nổi đám với giọng nam cao đặc biêt hay hát cho bạn bè nghe bài hát của mình "Em sẽ hái hoa cho chị cho anh cắm lên trời Tổ Quốc, em sẽ tưới xanh xanh ruộng xanh hoa xanh nỗi nhọc nhằn trên quê hương mình..." Anh bạn đồng hương Song Nguyên tuy ở bên Sư Phạm nhiều hơn nhưng hễ thấy người là nghe tiếng cười khà khà hào sảng. Còn Trương Tấn Nghiệp thì có vẻ nghiêm nghị hơn, anh chàng coi mình là người quan trọng đấy, chẳng là Nghiệp phụ trách Thanh Lao Công mà, cảnh sát hay theo dõi lắm. Và bạn bè cũng đã phải đưa Nghiệp chuyến đi cuối trong đời rồi. Không biết sao mà những bạn bè lên xanh năm 72 ai cũng mắc phải ung thư cả? Song Nguyên kể, những ngày nằm bệnh, Nghiệp vẫn ân hận chưa mua được cho vợ chiếc bàn trang điểm! Mặc dù chuyện đó có là gì so với chức Phó tổng giám đốc một cty nhất nhì thành phố đâu!
Bạn bè thân thiết năm 1 của cô ngày xưa đó.
Một năm Văn Khoa trôi đi như cơn gió lạ. Năm hai, cô nghĩ là mình phải học nhiều hơn thôi. Không phải vì anh bạn Khoa Học về méc má cô là cô lo đi biểu tình hơn là đi học. Viết thư cho cô, anh bảo " Em chỉ là con chốt trên bàn cờ cho người ta lợi dụng..." Cô giận anh lắm rồi, cô học cho mà xem.
3. Chia xa
Vậy mà cũng chia xa.
Lâu lắm về sau, cô vẫn còn ngỡ ngàng như không nghĩ ra được vì sao mình lại rời văn Khoa đột ngột thế. Năm học mới bắt đầu không lâu.
"Cho rồi một chuyện ngày xanh, cho qua hờn dỗi cho đành lãng quên" ư? Cô không nghĩ thế nhưng có lẽ cô buộc mình nghĩ thế.
Hội Tết Văn Khoa năm sau, cô về lại trường, nửa như người xa lạ tuy vẫn không khí ấy, bạn bè ấy. Trong Đại Giảng đường đang tiết mục Võ Thị Sáu, tiếng lựu đạn của người con gái Đất Đỏ trên sân khấu đã làm tụi cảnh sát ngoài đường nhốn nháo. Đêm cuối năm tối mịt, cuộc đuổi bắt gữa cảnh sát và sinh viên trong những con hẽm nhỏ của xóm lao động khu Thị Nghè trở nên khó khăn. Đêm, trong căn nhà trọ của các bạn bên bờ kênh Nhiêu Lộc, cô trăn trở. Ngoài hiên, gió nhiều quá...
Hình như mình đã trở thành người xa lạ thật rồi. Cô nghĩ thế trên chuyến xe đò trở lại miền Tây sáng hôm sau.
4. Đoái trông
Và cả sau này nữa, trong ầm ào bom đạn của mùa hè đỏ lửa 72, trong những đêm đồng bằng thanh vắng chợt rộ lên tiếng súng đâu đó bên ngoài ấp chiến lược, trong những giờ lũ trò nhỏ cặm cụi làm bài, cô miên man nhớ về ngôi trường và bè bạn. Trong những cánh thư bất chợt nhận được, cô tìm thấy những tin nhắn ẩn dấu, chuyện của Người Văn Khoa xáo động tâm trí cô. Tan tác, chia lìa, người vào chiến khu, người bị bắt, người bặt tin ... nhưng đâu đó trong mơ hồ, cô nghĩ về một ngày gặp gỡ. Cô vin vào một niềm tin từ câu nói "Đừng lo, rồi sẽ có một ngày chúng ta trở về xây dựng lại văn Khoa"
5. Gặp lại
Ngày Giải phóng,
Những người bà con Việt Cộng trở về.
Lần đầu tiên, cô mới biết rõ ràng hơn, cụ thể hơn về Người Văn Khoa ngày ấy. Thì ra, toàn là Việt Cộng không. Ừ, sao mà cô lại không nghĩ ra nhỉ? Mấy lần đi trại Vũng Tàu, bọn cô đã mè nheo khi tưởng mấy anh chị lớn xé lẻ đi chơi riêng với nhau. Hay lần Ni sư Huỳnh Liên cho xe chở bọn cô về khi cảnh sát giăng kín ngõ vào Tịnh xá ngọc Phương... Cô nghĩ nhiều đến ngày gặp lại.
Trong dòng chảy tất bật của những tháng ngày sau Hòa Bình, cô bị cuốn vào biết bao công việc của ngôi trường nhỏ xa lắc xa lơ tận miền Tây. Thảng hoặc, trong những bản tin trên đài, trên báo, những tên tuổi quen thuộc ngày xưa được nhắc tới gợi bao náo nức trong lòng. Chao ơi, Văn Khoa của cô! Người văn Khoa của cô! Bạn bè thân thương của cô!
Người đầu tiên gặp lại sớm nhất và cũng bất ngờ nhất là Trân Thúy, cô "công chúa nhỏng nhẽo" ngày xưa đang hạnh phúc vô bờ với cậu con trai đầu lòng mang tên Toàn Thắng! Hóa ra gần nhau lắm. Hai đứa ở hai bên ờ sông Tiền mà cô cứ tưởng! Rồi Hoàng Hương, Xuân Hương, Minh An , Thúy Liễu,Thanh Quế... Và cả chị Kim Tuyến nữa, người chị lớn của Văn Khoa ngày đó, người mà cô đã tựa vai khóc thật nhiều trong cái đêm trăng sáng hồi đi trại Vũng Tàu năm xưa. Chị vẫn vậy, ân cần và nhỏ nhẹ, thân nhưng nghiêm lắm. Và ngày xưa, cô sợ chị nhất.
Như không có khoảng thời gian hơn ba mươi năm chia xa. Bạn bè thân thường ngày xưa vẫn vậy, ân cần và thân thiện. Những lần họp mặt mang về cái không khí ngày xưa.
Những người muốn gặp thì đã gặp! Buồn vui lẫn lộn. "Vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nối lại chiêm bao đứt quãng" , nhưng cũng có nỗi buồn và có cả những ngậm ngùi. Những gì đẹp đẽ của một thời vừa như vẫn còn đó vừa như thoắt trôi xa, vừa nặng như một khối u tình lại vừa trong veo lung linh như một giọt sương mai.
Đó có phải là nguyên nhân làm bận lòng?
6. Và, gửi lại
Văn Khoa ơi,
Người văn Khoa ơi
Chút tình xin gửi lại.
12-2004
Viết cho Đặc san Văn Khoa - 30 năm