Thứ Ba, 12 tháng 1, 2010

Viết cho Con Gái (3)

Em sẽ là mùa xuân của mẹ

Em sẽ là màu nắng của cha

 

Ngày sinh con cũng là ngày đầu tiên mẹ bỏ một đợt tập trung từ khi học lại chương trình Đại học. Không hề gì, “Chứng chỉ” này quan trọng hơn!

Ngày thứ bảy, Ngoại rước về nhà. ông Nội lên thăm, bảo ẵm con ra cho Nội xem, Nội cười khen con lanh.

Ngày thứ tám, ba mới về tới, người đen thui, khét nắng, bảo tháng chạp gió chướng, chở gạo nếp và mấy chục thùng đường gần tuốt dưới cửa Khâu Băng, sóng gió dữ quá, tưởng lật ghe chìm rồi. Bàn tay ba run run sờ lên má con cười cười “nhỏ xíu hà”. Mà nhỏ thiệt, con có hai kí bảy thôi, nhưng tươi tắn, rỡ ràng, tóc đen mượt. Mẹ nói với ba, mấy ngày ở nhà sanh, ai cũng hỏi ba của em bé đâu, nói đi công tác không ai tin, biểu vợ đẻ con so mà không nuôi, kì vậy? Ba cũng chỉ cười cười.

Rồi ba cứ lóc cóc chạy đi chạy về Bến Tre – Mỏ Cày. Lóng ngóng ẵm con mà cười hoài.

Con sởn sơ, lớn mỗi ngày như cây cải đủ nước. Sữa mẹ chảy tràn, con cứ trân mình mà bú, mê mải không buông, bụng cứ căng lên thấy rõ, buông vú mẹ ra có khi ọc luôn sữa ra đằng mũi. Ba cười bảo con láu ăn bẩm sinh!

 

Hăm mấy Tết, bà Ngoại đi chợ mua sắm, mẹ rình Ngoại vừa ra khỏi nhà, vội khoắng tay chân vào thau nước kì cọ, nghe sướng rân cả người. Ai dè Ngoại quên gì đó quay về, thấy mẹ đang bì bõm, hét um lên “Vô, vô, vô nhà liền. Trời ơi, ai cho dầm nước hả?” Rồi Ngoại quạt than cháy đỏ lên, bắt thoa thuốc rượu gừng, xức dầu tùm lum rồi bắt trùm mền lại. Mồ hôi  tuôn ào ào. Mẹ mắc cười nín thinh, sẽ còn rình dài dài nữa mà!

 

Con một tháng rưỡi, ba lại đi Hà Nội tập huấn mấy tuần. Năm đó,  mùa nắng nóng dữ, hai bầy heo đổ bệnh một lượt. Chú Sáu lên thấy bà Ngoại nấu nước chín cho heo con uống, ngại không dám đem về. Rốt cuộc, Ngoại chôn hết bầy heo con này tới bầy heo con kia, chú đành đem hai con heo mẹ làm thịt bán đổ bán tháo giúp. Ba về nhìn một xô đầy ống thuốc không mà xót ruột. Phải chi đừng có dịch bệnh, hai bầy heo đó cầm chắc nhà mình có bốn năm cây vàng!

 

Hai tháng rưỡi, mẹ đi dạy lại. 8 giờ sáng, cho con bú một bụng no rồi bỏ con ở nhà với cô Ba và mấy chị. Đói bụng, con phản đối kịch liệt cái bình sữa, chỉ uống bằng muỗng mà thôi. Ngày nào cũng tầm hai giờ chiều là con đòi chị Sáu Vân ẵm xuống lộ ngóng mẹ về. Bú mẹ mà con cứ ấm ức khóc. Tới lúc đó, mẹ mới thấm thía câu nói của ông bạn đồng nghiệp, nhưng cũng không thể bỏ công việc mà về sớm. Mẹ phải giữ nề nếp của trường để còn ngó thẳng vào mắt mọi người mà làm việc chứ. Con xứng đáng là đồng minh nhỏ bé của mẹ. Con không hề bệnh vặt như những đứa trẻ khác. Con ngoan ngoãn và dễ thương.

 

Hồi con biết ngồi, biết bò, mẹ phải cột chân con, liệu chừng dây cho con chỉ có thể bò ra tới mép giường, để mẹ rảnh tay làm công chuyện. Con hay ê a gọi bất kì ai đi ngang cửa buồng và hớn hở khi mấy chị học trò thợ may của cô Ba thương tình mà tháo dây ẵm đi chơi. Nhưng con cũng không quấy khi mẹ lại buộc chân con, chỉ mếu máo chút đỉnh thôi.

 

Hè năm đó, con mới 7 tháng,  mẹ lại vào đợt học tập trung hai tháng. Ba xin ở nhờ một phòng trên lầu khu tập thể. Mấy ngày đầu, Út chưa qua phụ, mẹ phải cột con trên giường rồi đi học. Từ trên lầu Hội trường Phòng Giáo Dục Thị xã, lẫn trong tiếng giảng bài của Thầy là tiếng khóc của con ở lầu bên kia vọng sang. Mấy cô bảo sao mẹ chặt dạ vậy khi thấy mẹ một tay ôm ngực căng sữa, một tay cầm viết. Mẹ bảo mới có một tiếng đồng hồ, con vẫn còn no mà, khóc thì có sao đâu, khóc mệt thì con sẽ nín thôi, chuyện học không được bỏ. Giờ ra chơi, mẹ chạy ù xuống cầu thang, băng qua sân, dọc hành lang rồi lại lên cầu thang về phòng. Con ngồi giữa giường, tay chân mặt mày đầy phân ị ra từ lúc nào, mếu máo khóc òa khi thấy mẹ. Vậy rồi cũng qua, hén con. Đồng minh nhỏ của mẹ. Rồi con ăn dặm rất giỏi, dì Út cứ ú òa với con chẳng mấy chốc mà xong chén bột. Đợt học đó, Thầy Lê Trí Viễn cho mẹ điểm 10 bài kiểm tra “Bi kịch thời đại trong Truyện Kiều”. Ai cũng nể, mấy bác mấy cô học cùng gọi mẹ là Bà mẹ cầm bút!

 

Thôi nôi con, năm đó ruộng mình trúng mùa. Mỗi công hai mươi lăm giạ lúa Nàng Trích. Xe bò chở về chất đầy sân nhà Nội. Một trăm giạ lúa coi như bù lại hai bầy heo.

 

Con mười bảy tháng, ba xin cho mẹ được về tỉnh. Bác Năm Mão Giám đốc Sở đòi bắt mẹ về Trường Trung Học Sư Phạm, ba phải nài nỉ lắm, bác mới đồng ý cho mẹ về trường Dân Chính Tỉnh, dạy ban đêm cho cán bộ, để ban ngày mẹ có thể chăm con.

 

Về tỉnh, ở nhà tập thể, mẹ đang học năm thứ hai, không ai trông chừng con, phải gởi vào nhà trẻ. Làm đơn cũng nhiêu khê dù ba là cán bộ Sở Giá dục! Con đã khá lớn, biết nhiều, nên mỗi sáng đưa con đi, vừa qua ngã ba đường chỗ nhà Bác sĩ Oanh là con mếu máo khóc “Muốn về nhà” Mẹ phải bày đủ trò đánh trống lãng cho đến khi vào tận nơi và cô Xuân Mơ cũng phải dành riêng con ngựa gỗ đẹp nhất cho con thì con mới thôi nức nở. Mẹ chạy về mà không dám ngoái lại. Nhưng chiều nào thì ba cũng dành phần đi rước con!

Ngày đầu tiên ở nhà trẻ, con về với cục u trên trán, mấy hôm sau là một vết cắn trên tay, tuần sau nữa là chi chít vết răng của bạn trên lưng! Mẹ đang đợt tập trung học thi, phải cắn răng gởi tiếp. Mấy cô ở nhà trẻ dù là học trò của mẹ cũng không thể canh chừng con chu đáo như mẹ. Xót con lắm mà đành thôi. Mỗi sáng, khi thay đồ là con đã mếu máo rồi.

Ngày thứ mười bảy, lúc mẹ đang học trên lớp, bà Ngoại sang thăm. Ở nhà trẻ đâu ai biết Ngoại, nhưng khi thấy con khóc đòi, cô Mơ đành phải cho Ngoại đón con về sớm mà bụng cứ phập phồng. Trưa tan lớp, mẹ về tới khu nhà tập thể đã thấy hai bà cháu ngồi chơi trước thềm. Ngoại giận lắm nói “Nuôi được thì nuôi, nuôi không được thì tui đem về nuôi. Sao mà đày đọa cháu tui đến vậy?” và nhất định không vào nhà, bảo mẹ soạn đồ đạc cho con, Ngoại về Mỏ Cày liền. Ba mẹ nín thinh răm rắp làm theo. Cuối tuần ba mẹ về thăm, con giận không chịu cho ba mẹ ẵm. Tới chừng con quấn quít một bên thì ba mẹ lại phải trở về Thị xã rồi. Hết đợt tập trung, ba mẹ lại đón con về, Ngoại gói theo một bịch bánh đuông, loại bánh mà đến giờ con vẫn ưa thích, nhớ không?

 

Khu tập thể của Sở Giáo dục là dãy lớp học, mỗi phòng chia làm ba, mình được ở căn bìa, có tới hai cửa sổ to. Kế nhà mình là nhà chú Tâm Nheo, rồi đến nhà bác 6 Tuấn. Mấy nhà kia cũng nhiều trẻ con lắm. Trên lầu dành cho mấy cô chú độc thân. Tít bên kia sân là khu làm việc của Sở, mặt tiền ngó ra Bờ Hồ. Con là hay lén mẹ chạy lên phòng ba khi mẹ đang lúi húi trong bếp. Lúc sực nhớ, cũng thường là lúc ba ẵm con về và con thì hớn ha hớn hở trả lời  khi mẹ giả vờ bậm môi trợn mắt hỏi đi đâu “ Lên phòng ba”. Một lần, con đi tuốt đầu kia của dãy nhà, chỗ chị Mai chị Bảy. Mẹ đi kiếm táo tác, gọi Khuê ơi Khuê hỡi vẫn không thấy đâu. Anh Hai Nghiệp trên trường xuống chơi, mẹ bảo chạy lên phòng ba tìm con nhưng không có, chạy qua bên Phòng Giáo Duc, rồi bên trường Măng Non, chạy ra Bờ Hồ cũng không thấy con đâu, mẹ điếng cả người, chạy nháo nhào gõ cửa từng nhà. Cuối cùng thấy con ngồi im thin thít với mấy dì mấy chị và một đống chùm dâu trên bộ ván sau nhà chị Bảy. Mẹ vừa mừng vừa giận run lên, kéo con về đánh cho mấy roi, con vừa khóc vừa bảo tại dì Tám biểu đừng lên tiếng dì Tám cho nhiều dâu!

 

Đêm nào mẹ cũng đọc truyện cho con nghe. Con luôn bị cuốn vào câu chuyện, bởi vậy con thuộc lòng rất nhanh. Quyển Kiến và Chim bồ câu con thuộc gần hết.  Truyện tranh Chim vàng và Hạt đỗ, con chỉ cần nhìn vào hình là kể lại không sai chữ nào. Tuy nhiên, con không thích “biểu diễn” trước mặt mọi người. Cho đến bây giờ tập truyện thơ Phù Đổng Thiên Vương con vẫn còn giữ như một báu vật. Nhớ lại lúc đó, con cứ đọc theo mẹ từng câu, rồi thuộc hồi nào không hay. Nhưng đôi lúc con lại bẻ câu thơ theo ý mình và nhứt định không chịu sửa. Câu này đây:

          Làng có một nhà khó

          Sinh con chẳng biết ngồi… yên

Câu này nữa:

Loa gọi khắp bốn phương

Hỏi đâu người dũng tướng

mà con cứ đọc là  “Hỏi đâu người dũng tiến”, đến khi dọa nếu cứ còn gọi tên Bác Hai Dũng Tiến hoài thì sẽ bị đòn, con mới chịu sửa nhưng ra chiều ấm ức lắm. Còn nhiều bài thơ nữa: Ba đi công tác xa, Vườn cam của bà…

Con cũng thích hát, giờ mẹ cũng còn nhớ như in cái cách con ngồi trên bậc cửa, khuỷu tay kê trên đầu gối, hai bàn tay chống cằm, líu lo “Em yêu từng đôi mắt sáng, nong nanh như những giọt sương…” ai bảo sửa lại là long lanh thì con cũng vênh mặt lên, và … cứ hát thế!

 

Một năm vài lần giỗ tết, mình về quê. Ba sắm cái ghế nhỏ gắn vô xe đạp, con ngồi trước, mẹ ngồi sau. Cả nhà mình rong ruỗi cùng với những câu chuyện, bài thơ và tiếng hát của con.

Ngày thơ ơi!

 

 

 

Đọc tiếp ...

Mặt nạ

 

Tối tối, hai má con tôi thường chat với nhau.

Cách nhau mười hai tiếng đồng hồ nên khi con trai lên tiếng “Hi” mẹ thì ông chủ nhà tôi đã đi ngủ mất tự hồi nào. Rồi khi chúng tôi đang say sưa gõ lốc cốc thì ông đã hòm hòm giấc. Già cả, hay đi tiểu đêm, mắt nhắm mắt mở từ phòng ngủ ra thường vẫn thấy tôi miệt mài, ông hay càu nhàu lắm. “Hmmm…. Giờ này mà còn thức đó, ngủ đi, nửa đêm rồi. Thiệt là…hmmm….”

Vậy đó. Ông sợ tôi thức khuya sinh bệnh. Đọc báo thấy người ta đưa tin ngủ ít cũng là nguyên nhân béo phì, ông hù tôi. Nhưng có khi nào tôi ngủ trước 12 giờ đâu. Cho dù vào giường 10 giờ hay có hôm thử sớm hơn thì cũng trằn trọc, lăn qua lộn lại, chốc chốc lại giở điện thoại xem giờ, hay nghĩ ngợi lung tung, càng khó ngủ.

Hai hôm nay, viết entry cho con gái, lại ngồi cắm mặt trước laptop, ông lại hầm hừ.

Tôi bảo với con trai, ba la hoài, nói mẹ ngủ không đủ rồi bệnh, sợ quá!

Con trai bày: con có cách này hay lắm. mẹ đeo mặt nạ vào, tối ba ra mơ mơ màng màng, mẹ quay đầu lại với mặt nạ, ba sẽ giật mình đái trong quần luôn.

Hai má con cười ha ha với nhau.

Và tôi làm ngay.

Chụp hình tức thì, gởi qua, con góp ý thế này thế này...

Cuối cùng thì nó đây:

Photobucket

Còn bây giờ thì chờ, 11 giờ rưỡi rồi, màn kịch sắp bắt đầu!

Hahaha...

Đọc tiếp ...