Chủ Nhật, 29 tháng 8, 2010

Đổ vỡ!

 
Thiệt tình là bây giờ có tiếc thì chuyện cũng đã rồi! 
Thiệt tình là tới giờ mới nhớ ra là đừng có tin mấy lời quảng cáo!
Thiệt tình là hổng có cái ngu nào giống cái ngu nào!

Là chuyện cái bộ nồi thủy tinh á.
Lâu lắm rồi, hình như là đọc ở đâu đó, rằng đây là loại thủy tinh rất đặc biệt, nó có khả năng bảo đảm cho sự thay đổi nhiệt độ đột ngột. 
Mà cũng nhiều lần tớ thử rồi. Chẳng hạn xối nước lạnh vào ngay khi nồi còn nóng, nghe đến xèo một tiếng rõ to. Chẳng hạn lấy nắp đậy lên chảo chiên, rồi đem rửa ngay khi vừa lấy ra khỏi bếp...nói chung là an toàn!
Chiều nay đốt than ở sân sau nướng sườn, mọi khi thì lấy nắp nhôm đậy lên mấy miếng thịt ( mẹo đấy, thịt sẽ không bị khô mà lại mau chín nữa). Lần này lại lấy cái nắp nồi thủy tinh đậy. Ý là để nhìn cho rõ đó thôi. Than đước nóng đỏ, ngồi phe phẩy quạt cho đều, mỡ cháy xèo xèo thơm nức mũi...vừa nướng thịt vừa tăm mấy cái trứng sâu mới đẻ trên cây sứ. Hồi sáng, thấy mấy con bướm bay chấp chới trên mấy chùm đọt lá non mới nhú là biết rồi.
Xong, nách cắp quạt, tay dĩa sườn, tay cầm nắp vô nhà. Mọi khi thì cứ để vào bồn rửa đấy, cơm nước xong hẳn tính, nhưng chẳng biết vì sao mà máu siêng đột xuất lại nổi lên, gạt vòi nước một cái xòa, và ... que sera sera! Rắc một cái! Thôi rồi Lượm ơi!
Photobucket
Thế là đôi ngã chia li 

Nắp theo xe rác, 





Photobucket


Nồi thì buồn tênh!

Photobucket
  
 Tội nghiệp, cái nồi này cũng bị khét vì hồi sáng hâm cháo mà quên chạy ra trước sân lo bắt ốc sên. Già rồi, lẩm cẩm vậy đó! Đến khổ!
T
ối, nấu nồi cháo để sẵn, may mà cái nắp thố cơm lại vừa in. 
Photobucket
 
Nhưng cứ phấp phỏng sợ ông chủ nhà nhìn thấy hỏi nắp đâu mà đậy kiểu Quảng Tiều thế. Nghĩ, hỏi thì nói bể rồi, có sao đâu mà hồi hộp? Ừ, có vậy mới kích cầu chứ! 
Haha... 

Cho tới giờ cũng hổng hiểu sao mà ẩu vậy, đương nóng phỏng tay mà dội nước lạnh vô cho tiêu cái nồi rồi, biết không?
Thế là hết "nồi nào vung nấy" rồi! 

Bên nhau lần cuối nhé!



Photobucket

Đổ vỡ rồi! Huhu... 

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 26 tháng 8, 2010

Không vội vã, được chứ?

Sáng hôm nay, sau khi tất bật cho Mom ăn sáng, đưa Mom ra hiên trước enjoy nắng sớm và tập thể dục, lại gấp gáp lau rửa thay quần áo cho Mom để hối hả đi chợ. May sao mua được mớ cá bống trứng tươi và con cá trê vàng trùi trũi, rồi lại gặp mớ đọt nhãn lồng còn ướt sương đêm của bà cụ vẫn ngồi nơi góc chợ. Tất tả chạy về kẻo để Mom ở nhà một mình không an tâm.
Vừa hay mới 9g!
Bật vội laptop và vừa soạn thức ăn vừa ngoái nhìn màn hình.
Cô bạn bên kia bờ Thái Bình Dương vừa gửi cho bài này. Vội đọc và bật cười vì nội dung của nó.
Cũng thú vị và cũng ...chán phèo tùy theo tâm cảnh.
Thôi thì post lên đây, xóm blog ta cùng đọc vậy, nhé!


Một ngày không vội vã ...
 
 
 
Mỗi năm một lần , tôi về thăm Mẹ và các em hiện đang sống ở Montréal , CanadaNăm nay cũng như thuờng lệ, tôi về thăm nhà  2 tuần cuối tháng 6. Nói sao cho hết niềm vui gặp lại gia đình. Montréal vào mùa hè thật nóng bức, có ngày lên đến hơn 100 độ F, nên cả nhà thường rủ nhau đi ra ngoài chơi cho mát mẻ.
 
Tôi còn nhớ sáng hôm đó, cả nhà định dẫn mấy đứa  cháu ra công viên cho tụi nhỏ hưởng chút khí trời . Tôi thì đã thay quần áo từ lâu, cứ chờ mãi mà mọi người cứ " xàng qua xàng lại ", gần 9 giờ vẫn chưa xong, nhất là mấy đứa nhóc thì cứ lăng xăng chơi game, không ai chịu thay quần áo.
 
Thế là tôi bắt đầu nổi quạu " Nhà mình sao làm gì cũng như rùa bò vậy ? Có đi hay không thì bảo ... ?
 
Cô em tôi nhỏ nhẹ " Thì từ từ, vacation mà lị , chị sống ở Mỹ riết rồi quen thói " stress out " hà ... ".
 
Cậu em trai thì nói " Chị làm gì mà dữ vậy, chị có biết hôm nay là " ngày không vội vã " hôn ?
 
Tôi ngạc nhiên, tưởng tai mình nghe lầm, nên hỏi lại " Ngày gì ? Không vội vã là sao ? " .
 
Thế là Má tôi bật tivi lên. Trên màn ảnh, đài nào cũng đang nói về cái ngày đặc biệt này. Ồ, thì ra là từ vài năm nay, mỗi năm chính phủ Canada chọn ra một ngày, thường là vào mùa hè,  một ngày cuối tuần, và năm nay rơi vào ngày 26 tháng 6, gọi là " một ngày không vội vã ".
 
Khoảng chừng vài tuần truớc đó, là báo chí, các cơ quan truyền thông đều loan báo và nhắc nhở để mọi người chuẩn bị. " Ngày không vội vã " bắt đầu từ 8 giờ sáng cho đến 9 giờ tối. Mọi người được khuyên là  " Bạn hãy ngủ cho thẳng giấc, thức dậy khi nào mình muốn. Hãy nhâm nhi tách cà phê , và ngồi ngắm khu vườn của bạn, nghe tiếng chim hót líu lo . Hãy đi ra ngoài nếu bạn thích, vào ăn trưa ở một restaurant nào mà bỗng dưng bạn muốn. Còn nếu không, bạn có thể mời bè bạn đến nhà làm BBQ. Bạn cũng có thể chạy xe đạp một vòng thành phố, hay nằm dài trên bãi cỏ của một công viên gần nhà, vân vân và .. vân vân " .
 
Tóm lại, chính phủ khuyến khích người dân  : " Hãy enjoy từng phút giây hạnh phúc, bình an của ... một ngày không vội vã. Hãy biết sống và tận hưởng Hạnh phúc ở quanh ta ", như lời của một người phóng viên trên đài tivi đang nói.
 
 Rồi còn có các màn phỏng vấn vài người dân , hỏi xem họ dự định sẽ làm gì trong cái ngày đặc biệt này trong năm, thì đa số câu trả lời đều là " spend time với gia đình, người thân ".
 
Có một cảnh trên màn hình làm tôi nhớ mãi. Hình ảnh một cụ già tóc bạc phơ, lụm cụm trả lời phỏng vấn với nụ cười móm mém " Tôi luôn mong đợi và yêu nhất cái ngày này trong năm, vì đó là ngày duy nhất mà tất cả con cháu tôi không ... bận rộn, chúng nó tề tựu đông đủ để họp mặt với tôi. Cám ơn chính phủ, cám ơn ân nhân nào đã " đặt ra " cái ngày ý nghĩa này ... " .
 
Thế là bỗng dưng tôi đổi ý . Tôi bảo gia đình " Hôm nay là ngày đặc biệt, vậy thôi mình làm chương trình gì special đi nhe .. " .
 
 Thế là cả nhà nhao nhao hưởng ứng, người thì bảo " khỏi nấu cơm, đi ăn tiệm cho khỏe ", kẻ thì nói " nhà hàng đông lắm, đi xuống downtown chơi ".
 
 Em trai tôi thì muốn đi xe đạp ( ở Montréal có rất nhiều bãi cho mướn xe đạp, bạn chỉ cần " quẹt " cái credit card vô là có thể lấy xe đạp đi ngay  ) .
 
Mấy cháu nhỏ lại muốn đi tàu BateauMouche. Rồi lại có ý kiến đi câu cá, hay đi xe ngựa một vòng thành phố. Và thế là giơ tay biểu quyết. Cuối cùng thì đa số thắng thiểu số : đi xuống Vieux-port ( khu phố cổ ) chơi và sẽ đi tàu BateauMouche. Thế là chúng tôi lên đường , thảnh thơi, không vội vã ...
 
Đường xuống phố đông nghẹt, và kẹt xe, thế mà không một xe nào bóp kèn. Thiên hạ ngồi trong xe, an nhiên chờ đợi, còn mở cửa kiếng xuống nhìn nhau cười, và vẫy tay " No hurry ! Be happy ! ". Tôi thật sự " thấm " được thế nào là ý nghĩa của 3 chữ " không vội vã ! ".
 
 
Đến chừng xếp hàng mua vé đi tàu, thì lại là một hàng thật dài, trong cái nắng gắt của mùa hè. Vậy mà ai ai cũng cười, cũng nói, cũng bắt tay,  với cả những người ... không quen biết. Dường như con người ở đây, ngày hôm nay, không ai bị stress cả. Cả một  thế giới hoà bình, thanh thản quanh tôi ...
 
Lúc bước xuống tàu, David, thằng cháu nhỏ 5 tuổi hối hả muốn chạy đến dành chỗ, thì bị Christina - cô cháu 4 tuổi , " chỉnh " ngay : " David ! Bữa nay là " No hurry day " mà, sao David cứ hurry hoài vậy ? ", làm cả nhà cùng cười. Tôi cũng bật cười theo vì sự nhận thức dễ thương của cô bé này .
 
Trưa đến, đói bụng, chúng tôi ghé vô một nhà hàng Tàu. Lại đông nghẹt khách, nhưng ai ai cũng vui vẻ xếp hàng đợi đến lượt mình. Đang đứng chờ thì người bên cạnh tôi, một phụ nữ Quebécois bắt chuyện hỏi tôi đã làm gì ngày hôm nay. Tôi kể lại một ngày vui chơi với gia đình cùng các cháu. Bà cười , chỉ hai người con " Chồng tôi mất lâu rồi, năm nào vào ngày này, tôi cũng để tụi nó quyết định muốn đi đâu, làm gì... Cuộc sống mà, có gì mà phải vội vã ...". Rồi bà tiếp " Như trưa nay nè, bỗng dưng con gái tôi thèm ăn món lẩu Tàu, thế là chúng tôi vô đây, xếp hàng, nghe nói nhà hàng này món nào cũng ngon lắm .. " . Tôi gật đầu đồng ý và cảm thấy vui vui trong lòng......
 
Ăn no xong, thì đến chiều. Không ai muốn về nhà, thế là kéo nhau ra park chơi. Nhìn quanh, thiên hạ đông như kiến , tự dưng tôi thấy lòng mình vui chi lạ.Trải tấm chiếu trên bãi cỏ, tôi nằm xoải người, vươn vai một cái thật đã . Dường như hơn 10 năm sống trên đất Mỹ, tôi chưa hề có được cái " đã " nào như thế này . Cứ để mặc tụi nhỏ tha hồ chơi xích đu, cầu tuột, chạy chơi, la hét ...  tôi nằm đeo cặp mắt kính mát, tận hưởng từng làn gió thoảng qua một cách khoái chí, do ... nothing , lim dim ... ngẫm nghĩ sự đời. Kể cũng lạ, nhờ có cái ngày này, mà tôi mới nhận ra là hình như trong đời , tôi chưa hề bao giờ có được một ngày không ...vội vã ...

... Sinh ra và lớn lên ở Saigòn, trong một gia đình nghèo, nên tôi  biết rất rõ là chỉ có ráng học thì mới có thể giúp tôi thoát khỏi cái kiếp nghèo muôn thuở đó. Ngay từ nhỏ tôi đã rất hiếu học. Từ lớp tiểu học, đến phổ thông, rồi đại học, cả đời tôi chỉ biết có sách vở, và suốt ngày chỉ cắm đầu cắm cổ mà học. Tuổi thơ tôi chưa hề có một ngày không vội vã. Hôm nào cô giáo bệnh , được nghỉ và về sớm , trong khi các bạn bè cùng trang lứa lăng xăng tìm chỗ đi chơi, hay la cà các hàng quán , thì tôi lại vui mừng vì .. có thêm giờ để học bài. Tôi hối hả đạp xe về nhà, rửa mặt vội vàng và ngồi vào ngay bàn học. Bài thi nào cũng vậy, được 9 điểm là tôi buồn, vì phải điểm 10 cơ thì tôi mới chịu. Mọi người luôn bảo là tôi thích sự tuyệt đối, và như vậy thì đời tôi sẽ khổ...

 
Vào đại học, 5 năm,  tôi lại chưa hề có được một ngày không vội vã. Lúc nào tôi cũng bận rộn, với bài vở và với những cuộc thi  . Tôi luôn tham lam, mong muốn mình phải đạt điểm 10 trong mọi bài thi. Tôi sẵn sàng thức khuya , dậy sớm, miễn sao đạt được điểm tối đa là tôi vui. Có lần nhỏ bạn thân bảo tôi một câu chí lý " Học mà  không chơi giết mòn tuổi trẻ, Chơi mà không học giết cả tuơng lai .. ". Tôi nói ngay " thì bởi vậy, tao học nè , chỉ có cái học mới giúp mình thoát ra khỏi nghèo khó ", nhỏ bạn cười "Tao thì chọn ... cả hai, vừa học vừa chơi, miễn sao không thi lại là " đủ xài "  rồi, rồi mai này mày sẽ hối tiếc khi tuổi trẻ trôi qua uổng phí ... ". Tôi chỉ cười, nhưng bây giờ mới nhận ra là nó có lý ...
 
Ra trường ở Canada, đi làm, tôi lại lao vào công việc, làm thật nhiều, để mong kiếm thật nhiều tiền trong thời gian ngắn nhất. Tôi tình nguyện là 7 ngày 1 tuần, mỗi ngày 13 tiếng. Ròng rã 3 năm thì tôi đuối sức, nên đành giảm bớt chỉ làm 5 ngày. Mười năm trời, tôi dành dụm đựơc một số tiền, và nỗi ao ước,  làm giàu, thật nhanh , đẩy tôi vào thị trường chứng khoán. Tôi say mê chơi stock, nên ngày nào tôi cũng luôn bận rộn với Wallstreet, với giá cả và những con số lên xuống của từng công ty. Trúng stock,  chỉ qua một đêm, tôi bỗng nhiên thành triệu phú. Ấy thế mà tôi vẫn chưa có được một ngày không bận rộn. Ngay hôm đó, đầu tôi lại tính toán cách đầu tư nào để nhân đôi, nhân ba số tiền tôi đang có. Thế là lại mạo hiểm, lại chơi những ván bài to hơn .  Ông bà ta đã có câu "Có gan làm giàu kia mà". Tôi đã có gan, và tôi đã giàu, thì bây giờ nếu muốn giàu hơn, tôi cần phải có gan hơn ...
 
 
Thị trường chúng khoán sụp đổ, tôi  trở tay không kịp, thế là mất trắng . Tôi không nản " không sao, còn sức khoẻ, còn quyết tâm , ta có thể làm lại từ đầu, thì sẽ có tất cả"  . "Có chí thì nên", nên tôi quyết định qua Mỹ, vì Hoa kỳ là đất nước của cơ hội. Tôi lại lao vào công việc, cần cù, ký cóp ... để dành tiền.
 
 Vào những năm sau 2000, ngành dược và computer đang lên cơn sốt thiếu người. Thế là thiên hạ ùn ùn đổ sang Mỹ, vì làm việc nhiều tiền hơn. Tôi lại đi làm full time, 5 ngày một tuần , và luôn sẵn sàng làm overtime bất cứ khi nào công ty cần. Tôi đi làm từ sáng đến tối, ăn thì chỉ food to go, không xài gì cả, cắc ca cắc củm để dành từng đồng xu, hy vọng sẽ có cơ hội đổi đời ... Và rồi thì cơ hội đến thật, khi cơn sốt bất động sản bùng nổ. Giá nhà cửa tăng vùn vụt , từng ngày. Hễ ai chậm tay là ... sorry, ráng mà chịu khó ngồi nhìn " căn nhà mơ ước" vuột khỏi tầm tay, bạn nhé. Và tôi lại bị cuốn xoáy vào cơn lốc này, như hàng triệu người ở xứ Mỹ.
 
Mỗi tuần chỉ có được hai ngày nghĩ làm,  tôi rời nhà từ 8 giờ sáng đến 9 giờ tối , lái xe khắp mọi ngõ ngách, để tìm xem có căn nhà nào " For sale by owner " không, hay có căn nào trông lụp xụp mà mình có thể tân trang chút đỉnh lại rồi "flip", kiếm vài chục ngàn bỏ túi . Có những bữa tôi không có cả thời giờ để ăn cơm, mua vội vàng chút food to go bỏ bụng . " Thảy " 1 căn nhà, wow , ngon ăn quá, tôi làm căn thứ nhì, rồi thứ ba. Lòng tham con người là không đáy kia mà . Thì đùng một cái, cái "bong bóng" nhà đất nổ tung . Bao nhiêu kẻ mất nhà, tay trắng, và có tôi trong số đó. Từ một triệu phú (lần thứ hai), tôi trở thành người mang nợ ngập đầu. Và thế là tôi phải đi làm bù đầu bù cổ để ráng cầm cự mấy căn nhà. Đến chừng thật sự đuối, thì tôi đành phải buông - trong cay đắng,  vì không còn sự lựa chọn nào khác. Tôi shortsale mấy căn nhà, trước khi để nhà bank kéo. Rồi giờ thì tôi phải tiếp tục đi cày, cả đời, để mà trả nợ. Một bài học ... suốt đời không thể nào quên. Cho đáng kiếp mày, một kẻ tham lam ...
 
Hôm nay nằm dài trên bải cõ, hít thở bầu không khí trong lành của một ngày nắng ấm, chẳng có việc gì phải làm, thế mà tôi thấy lòng mình, tâm mình sao mà thảnh thơi chi lạ. Giờ phút này, tôi không giàu, nhưng sao tôi lại có được sự bình an, điều mà đã hai lần là triệu phú, tôi hoàn toàn chưa bao giờ có được. Thật sự tôi phải cám ơn chính phủ Canada, hay cám ơn người  ân nhân "trí tuệ" nào đó, đã nghĩ ra cái ngày đặc biệt này trong năm, để giúp người dân biết trân quý sự thanh thản mà cuộc sống ban cho chúng ta. ...
 
Bỗng dưng tôi chợt nhớ mới cách đây vài tuần  , tôi tình cờ gặp lại cô bạn cũ hồi trung học, khi vô tiệm food to go ở Cali mua đồ ăn. Hai đứa chỉ kịp chào hỏi vài câu, thì cô bạn vội vã về đón con, còn tôi thì lật đật đi ra xe sợ trễ giờ làm. Cô bạn than " Sao cuộc sống tụi mình lúc nào cũng tất bật quá há, chỉ khi nào hết thở  thì mới hết ... bận rộn ... ".
 
Tôi chỉ cười "Xứ Mỹ mà lị ..." .
 
Cô bạn tự dưng hỏi xin địa chỉ email của tôi, rồi bảo rằng "sẽ email gửi cho bồ  một bài ý nghĩa lắm", rồi cô cười nói thêm "nhưng đọc thì hay, mà làm có được hay không lại là chuyện khác ...".
 
Tối đó check mail, tôi nhận được ngay, với vài dòng nhắn nhủ "Bồ ráng cố gắng thực hành theo lời khuyên trong bài này nhé, còn mình thì ... đời vẫn lăng xăng .. ".
 
Tôi bật cười , và click vô đọc bài viết ngắn của cô bạn :
 
BẬN RỘN làm cho ta không có bình an và hạnh phúc

BẬN RỘN làm cho sự hành xử của ta vụng dại

BẬN RỘN làm cho cái hiểu biết của ta khô cằn

BẬN RỘN làn cho sự sống của ta ngắn lại

BẬN RỘN khiến ta không thấy được cái đẹp của người ta thương yêu

BẬN RỘN khiến ta đi trên đường như ma rượt ...
 
Đời sống bận rộn là đời sống ... bất hạnh nhất trên đời ... !
 
Thế đấy, nhưng con người ai ai cũng luôn tìm đủ mọi lý do để mà ... BẬN RỘN.
 
Và rồi một ngày kia, thử hỏi có ai mang theo được cái "BẬN RỘN" về bên kia thế giới ?
 
Hãy biết dừng lại

Hãy biết ngơi nghỉ

Hãy tập thanh thản

và buông xả,  thảnh thơi ...
 
thì khi cái ngày ấy đến , chúng ta mới có thể ra đi với cái tâm ... KHÔNG ... BẬN RỘN .... !!!
 
Đúng vậy, dường như chúng ta, ai ai cũng luôn tự tìm cho mình một "lý do" để mà bận rộn, mà chưa hề bao giờ biết cách "nếm" được hương vị cuộc sống của mỗi ngày. Tôi chợt nhớ đến cô Kim Anh, cô cũng đã bảo tôi câu này khi bác sĩ cho biết là cô chỉ còn vài tháng để sống, và cô đã nói với tôi "Mỗi người đều có số phần, cô cũng  mừng là cô còn "vài tháng", thì ít nhất cô cũng sẽ có được vài tháng sống trong bình an, không vội vã.. ".

 
Chiều xuống, trời bắt đầu ngã tối. Thiên hạ lần lượt rời công viên. Cả nhà tôi cũng lục đục thu xếp đồ lại.
 
Bé Tina có vẻ nuối tiếc, bé hỏi bà chị tôi "Mommy, ngày mai có còn là  " No hurry day " hôn?"
 
Chị tôi cười "Hết rồi con, mỗi năm ở Canada có một ngày hà ...".
 
Na phụng phịu "Na muốn every day đều là "No hurry day "cơ...".
 
 Chị tôi nói ngay "Dễ thôi con, nếu mỗi ngày mà con biết enjoy, thư thả, con đừng làm việc gì gấp gáp hết, thì mỗi ngày sẽ là "No hurry day"  rồi...".
 
Tôi đứng đó, nuốt từng lời bà chị nói, và cảm thấy "ganh tỵ" với đứa cháu của mình, vì chỉ mới 4 tuổi, mà cháu đã được học một bài học quý giá nhất trên đời, còn tôi, gần nửa đời người mới được học bài học đó ...

Lên xe, cậu em trai mở nhạc, vặn thật lớn bài hát mà tôi rất thích :
 
... "Nếu chỉ còn một ngày để sống
Chợt nhận ra cuộc đời quá đẹp
Phải chăng ta sống quá vội vàng
Nên ra đi chưa được bình an ... "
 
Đúng thật, cả một đời tôi luôn sống quá vội vàng, thì làm sao có thể ra đi bình an ? Một lần nữa, xin cám ơn cái ngày đặc biệt này, đã giúp tôi có một cái nhìn mới,  khác hơn về cuộc sống ...
 
Tự dưng tôi nhớ đến hai cô bạn thân. Cô bạn đạo Chúa thì chủ nhật nào cũng đi nhà thờ, hễ rảnh là đọc cuốn Thánh kinh nhỏ lúc nào cũng kè kè trong bóp. Cô hay nói với tôi " Chúng ta nên làm theo lời dạy của Ngài, thì lúc ra đi, mình sẽ được lên Thiên đàng với Chúa ... "
 
 Nhỏ bạn đạo Phật thì hễ rảnh là đến Chùa, niệm Phật, nó nói với tôi " Ở lành, giữ ngũ giới, làm từ thiện, thì chắc chắn sẽ được về với Phật ... ". 
Còn giờ phút này, tôi hiểu ra một điều " Nếu như chúng ta biết tự làm cho mỗi ngày của mình thành " MỘT NGÀY KHÔNG VỘI  VÃ ", thì chúng ta sẽ có được 365 ngày một năm đang sống ở Thiên đàng, hay Niết bàn ... rồi đó ...
 
Chúc mỗi người trong cuộc đời, luôn có được những ngày ... không vội vã ...

-------------
Cô bạn tôi chỉ gởi, không một lời bình luận.
Còn bạn thì sao?
Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 24 tháng 8, 2010

Vu Lan

Tôi không thể nói về ngày này với những lời như đa số mọi người từng nói!
Tôi đáng trách chăng?
Đáng nguyền rủa chăng?
Tôi tâm nguyện mình không làm điều gì khiến con mình phải khó nghĩ, khó chịu mỗi khi nhắc đến Ngày Của Mẹ hay Ngày Báo Hiếu!
Tôi là tôi.
Và cho đến bây giờ, tôi vẫn tự thấy mình đã làm được điều đó!

Đọc tiếp ...

STRESS !!!

Mấy tuần nay, hình như mình bị stress!
Và cũng thật ngẫu nhiên, cô bạn Văn Khoa ngày xưa gửi cho bài viết vừa ráo mực để chia sẻ.
Bạn đồng ý, nên mượn về, post lên đây để ... lại chia sẻ cùng mọi người.

BÁC SĨ  ĐỖ HỒNG NGỌC VỚI CHUYÊN  ĐỀ 

“STRESS TRONG ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY”  

Tôi biết và ngưỡng mộ BS Đỗ Hồng Ngọc đã lâu, từ lần đầu được tiếp xúc với anh (năm 1979) khi con gái tôi (chưa đầy 2 tuổi) bị một bệnh viện ở tỉnh chẩn đoán là “sơ nhiễm lao”. Tôi, lúc ấy, một người mẹ trẻ, là giáo viên tỉnh lẻ, chồng công chức nhà nước, đồng lương ít ỏi, con gái mà “sơ nhiễm lao” thì sẽ thế nào đây? Gặp anh trong những năm đầu sau 1975, chưa có bệnh viện, phòng mạch tư, BV Nhi đồng thì lúc nào cũng quá tải. Tôi nhớ mãi giọng nói nhẹ nhàng của anh: “Theo tôi thì cháu không bệnh gì đâu, chỉ suy dinh dưỡng thôi, nhưng tôi sẽ cho làm xét nghiệm để có kết quả chính xác, không sao đâu!”. Với cái vỗ vai thân tình, tôi tưởng như ai đó đã tiêm cho mình liều thuốc hồi sinh và quả thật, con gái tôi không bị chứng bệnh mà lúc nghèo khó ấy, với tôi, thật là khủng khiếp! Chúng tôi ở lại BV Nhi đồng một thời gian và chen chúc cùng mọi người trong những bữa cơm chỉ dành cho bé chứ không dành cho người nuôi vì tất cả, lúc đó, đều ăn bột mì, bo bo, cơm chỉ dành cho bệnh nhi. Tôi không gặp lại anh lần nào và mừng thầm: con không bệnh nặng nên không cần phải được bác sĩ giỏi khám! 

      Đến năm 2005, khi đã là thành viên của trường Hoa Sen, có dịp làm việc với anh, đọc nhiều bài viết, nhiều thơ của anh, nhưng tôi cũng chưa bao giờ nhắc lại chuyện này.

      Hôm nay, ngày 19-8-2010, cùng với Ban Tu thư của trường, tổ chức buổi nói chuyện: “Stress trong đời sống thường ngày”, thú thật, đây là lần đầu tôi dự buổi nói chuyện của anh trước công chúng. Trò chuyện với anh thì nhiều, nhưng cùng nghe anh nói với nhiều người khác thì chưa.

      Vẫn tác phong ấy, vẫn cách diễn đạt nhẹ nhàng, nói mà như không nói, làm thơ mà như trò chuyện, nhưng những điều anh chia sẻ cứ thấm dần và thấm sâu với toàn thể người nghe gồm nhiều đối tượng: người đã vào tuổi “gió heo may”, các giảng viên, nhân viên của trường và một số khá đông sinh viên. 

      Cuối năm 2009, tôi cũng trải qua cơn bạo bệnh, 48g trên giường bệnh của Phòng Hồi sức cấp cứu tích cực mà xung quanh chỉ là những người gần như bất động. Ra khỏi chốn “địa ngục trần gian” này, tôi thấm thía giá trị của sự sống, rút được ống oxy, tự mình hít thở mới thấy hơi thở quí biết chừng nào…Chính vì vậy, tôi chia sẻ sâu sắc những dòng thơ của anh trong “Xin cám ơn, cám ơn” mà tôi đã đọc cho mọi người cùng nghe:

       …………..      

       Xin cám  ơn, cám ơn

      Cơn bệnh ngặt nghèo quật ta gục ngã

      Cho ta trở về làm con thú trinh nguyên

      Cho ta trở về làm em bé sơ sinh

      Tràn đầy hạnh phúc

      Để ta biết một điều có thực

      Tình yêu

      Đã giúp ta tìm lại chính mình

      Đã giúp ta vượt thoát...

                                            (1997)

      

     Khi nghe anh nhắc lại định nghĩa sức khỏe của tổ chức Y tế thế giới WHO: “Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái về: thể chất, tâm thần, xã hội chứ không phải chỉ là không có bệnh hay tật”, tôi muốn cười lên một cách thật… sảng khoái. Vì rõ ràng tôi đang là người có sức khỏe, bởi tôi vẫn đang trong tình trạng sảng khoái, tôi vẫn say mê làm việc hằng ngày với những suy nghĩ, dự định mới mẻ, xã hội chẳng phải nặng nề vì tôi, ai bảo tôi là người bệnh tật? Cho dù chưa ngày nào tôi không uống các loại thuốc: huyết áp, xương khớp…Hãy vui mà sống, sống để mà vui. Sẽ kết thúc những ngày bi quan vì mình là người “có bệnh nên sức khỏe kém”.

      Tôi  lại cũng quá tâm đắc khi anh nói về nỗi “đau khổ” của người bệnh: bác sĩ thường chỉ quan tâm chữa cho người bệnh hết đau chứ nỗi khổ của họ thì hình như vẫn còn nguyên! Một lần nữa, trong tôi, lại hiển hiện hình ảnh một BS nhi khoa biết quan tâm đến nỗi khổ của bà mẹ trẻ: “Không sao đâu!”. Có lẽ, anh không thể hiểu, với tôi, lúc ấy, lời an ủi kia chính là sự thấu hiểu “nỗi khổ” của bà mẹ khi phải đối diện với “nỗi đau” của con.  

      Cách anh trình bày về “stress” rồi phân tích các dấu hiệu trong nhận thức, thể chất, cảm xúc, hành vi của stress cũng khiến tôi và nhiều người ngạc nhiên. Té ra đó chỉ là stress, mình lại cứ tưởng bệnh lý gì ghê gớm. Tôi đã từng bị chẩn đoán có gai cột sống, cột cổ, tôi đã đi tập vật lý trị liệu một thời gian, rồi không đi nữa, cũng không tự tập ở nhà nhưng không cảm thấy đau nhức, cũng chẳng cần can thiệp bằng phẫu thuật, thế là, khỏi một chứng của stress rồi nhé. Bệnh không “hành hạ” nên hình như quên mất nó, hay đang “sống cùng với lũ”? Lại cũng mừng vì bản thân chưa có những rối loạn về hành vi như nhai nhóp nhép, đi qua đi lại... như anh nói. Như vậy, nếu mình có bị stress thì cũng còn nhẹ! Chưa có gì phải bi quan, chán sống! 

      Làm sao để “giải stress?”, những điều anh chia sẻ  cũng giản đơn thôi, tôi nghĩ là ai cũng có  thể làm được nhưng vấn đề quan trọng là làm sao biết mình đang bị stress để giải tỏa và có ai thấu hiểu để cùng chia sẻ?! 

      Với tôi, có lẽ cách giải stress hiệu quả nhất là: “học cách chấp nhận và biết giới hạn của mình”. Khoảng nửa năm gần đây, tôi tự đặt cho mình phương châm sống: “Phải biết quên những điều không đáng nhớ”, nói dễ hơn làm, nhưng tôi dần quen và quả thật, đã cảm thấy nhẹ lòng. Biết giới hạn của mình cũng là điều rất nên suy nghĩ, khi biết được cái mà không phải ai cũng biết, sự thư thái nhất định sẽ đến. 

      Anh cũng hướng dẫn cách “thở bụng” để giải stress hiệu quả hơn và sau buổi nói chuyện của anh, tôi đã thấy các đồng nghiệp của tôi nhắc nhau: “thở bụng đi!”. 

      Phần giao lưu cũng khá thú vị. 

      Có  người hỏi anh: “Có mâu thuẫn gì giữa con người khoa học và con người triết học của một bác sĩ không?”. Anh khẳng định là không vì một bác sĩ chính là người cần hiểu rõ những giá trị nhân văn hơn ai hết khi đối tượng nghiên cứu của họ là những con người. Quả thật, đọc tác phẩm của anh, tôi mến mộ vì sự hòa quyện tuyệt vời đó. Con người từ khi sinh ra cho đến khi cận kề với cái chết đều có mặt trong tác phẩm của anh và triết lý sống chân thật, hồn nhiên, rất “tình người” cũng bàng bạc trong thơ-văn của anh. 

      Thầy  Hoàng Anh Ngọc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục tổng quát của trường Hoa Sen đã cám ơn về những chia sẻ quí báu của diễn giả, đồng thời cũng bày tỏ quan điểm về việc giáo dục một con người với những kiến thức tổng quát trước khi đi vào những kỹ năng chuyên sâu. Thể hiện sự đồng cảm với anh Hoàng Anh Ngọc, tôi nhớ mãi câu trả lời đơn giản, ngắn gọn của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc: “Học làm người rồi mới học làm nghề”. Ước sao triết lý đào tạo này được nhiều, thật nhiều người thực hiện. 

      Có  bạn trẻ hỏi: “Động cơ nào khiến chú làm thơ?”. Đúng như tôi dự đoán, anh đã trả lời: “Không có động cơ nào hết, vì khi đã có cảm xúc thì bật ra thành thơ!”. Cám ơn anh, cám ơn tất cả những nhà thơ có cùng suy nghĩ, cảm xúc như tôi. 

      Chị  Nguyễn Thị Minh Đoan (Trưởng phòng Nhân sự của trường Hoa Sen) mạnh dạn nêu câu hỏi: khi muốn tìm sự sảng khoái, muốn giảm stress có cần phải ép mình theo một qui luật nào không? Tôi thú vị với thí dụ của chị: chủ nhật, được nghỉ nên ngủ đến 11g trưa, dù biết như vậy là không đúng nhưng vẫn cảm thấy rất thích, rất tỉnh táo, sảng khoái sau khi thức dậy. Dĩ nhiên, diễn giả hoàn toàn chia sẻ với chị, nhất là khi chị nói, mỗi người có hạnh phúc khác nhau: con đã tật nguyền thì chỉ cần một nụ cười của con, cha mẹ cũng hạnh phúc. Đó chính là “biết nhìn vấn đề dưới nhiều góc cạnh” và cũng theo nguyên tắc “hãy nương tựa vào chính mình”. Lắng nghe cơ thể mình, vì mỗi người có thể chất và tâm sinh lý khác nhau. Diễn giả bày tỏ.

      Đã hơn 11g30, nhưng cử tọa vẫn còn muốn hỏi, muốn nghe, thế là chúng ta không bị stress và không bị áp lực thời gian, đúng không các bạn? 

      Buổi giao lưu khép lại với phần trao quà lưu niệm cho những khán giả đã nêu câu hỏi. Tôi thấy trên sân khấu xuất hiện những người đã đứng tuổi, thầy cô, nhân viên và sinh viên của trường Hoa Sen. Quà tặng chỉ là những cái móc khóa nhỏ, xinh nhưng ý nghĩa của nó mới là điều đáng quan tâm. Vì đây chính là sản phẩm của những người khuyết tật đang sống và làm việc tại Ngôi nhà may mắn (Maison Chance) của cô Tim Aline Rebeaud là một sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Thụy Sĩ, đã đến Việt Nam từ khi mới 20 tuổi rồi ở lại với những người tật nguyền, nghèo khó trong Ngôi nhà may mắn do chính cô tạo dựng.  

      Xin được phép nhắc lại “Thư cho bé sơ  sinh”, bài thơ được anh viết tại BV Từ Dũ năm 1965: 

      Thôi trân trọng chào em

      Mời em nhập cuộc

      Chúng mình cùng chung

      Số  phận 

      Con người… 

              

        Vô cùng cám ơn Bác sĩ, nhà văn, nhà thơ  Đỗ Hồng Ngọc đã giúp chúng tôi hiểu rõ để tránh ngộ nhận về stress và biết cách tự điều chỉnh, tự giải tỏa stress để nhắc nhở nhau phải biết yêu quý, trân trọng sức khỏe của chính bản thân. Đã chung số phận con người, chúng ta hãy vui, khỏe để cùng bước tiếp…

Bùi Trân Thúy 

                                                                               Blog Cỏ May,Yahoo360Plus

Đọc tiếp ...