Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Lại một chuyến đi (1.1)

 1.   Lên đường

* * *

5/8/2011

7g30 chiều, chất vali lên xe.

Chuyến đi bắt đầu.

Đường cao tốc xe đông nghìn nghịt. Mấy chiếc tải chạy lượn lờ giữa vạch sơn đường ranh trông cứ như buồn ngủ, cậu tài xế vui tính và hay nói cứ nhấn kèn inh ỏi và giải thích “Họ chạy suốt nên mỏi mệt lắm cô à. Con cứ phải nhấn kèn lia lịa vậy cho họ nghe, kệ mình cứ thủ vậy cho chắc ăn”. Nhớ tới mấy tai nạn xảy ra gần đây mà bắt rùng mình. Lướt qua một chiếc tải, thấy cậu tài xế trẻ măng đưa tay ra ngoài vắt chiếc khăn, dòng nước mảnh tạt theo gió bắn vào kiếng xe phía tôi ngồi. “Đó, cô thấy con nói đúng chưa, nó gần ngủ gục rồi!”.

Bây giờ thì Cầu Rạch Miễu và đường cao tốc cũng không theo kịp với sự phát triển đến chóng mặt của hầu như các loại xe. Con đường dài hơn 40km này chừng như chỉ để tạo cảm giác thoải mái trong khoảng 30 phút của cánh lái xe khi vừa thoát ra mớ bùng nhùng hỗn độn của mấy đám kẹt xe vì vướng lô cốt trong nội thành hoặc một tí an ủi thư giãn trước khi vào nội thành và đối mặt với vấn nạn không biết bao giờ mới được giải quyết!

 * * *

Ga quốc tế chiều cuối tuần chen chúc những người, ồn ào, vội vã, phấn khích.

Tháng 8, du học sinh mới cũ lũ lượt rời quê nhà đi tìm đất gieo chữ. 

Tháng 8, mùa du lịch cũng hình như vẫn còn kì cao điểm, mấy hướng dẫn viên của các cty du lịch tới lui, cầm cờ giơ tít lên cao vẫy vẫy, kéo theo sau lưng hàng đoàn người rồng rắn tiến vào, ba lô, vali, túi xách… vội vã, phấn chấn, bỡ ngỡ, rụt rè…Một người đi năm bảy người đưa tiễn làm sân ga nhỏ bé này bỗng dưng mà chật chội thêm.

Quý An gọi “Cô ơi, con mới gọi chị, taxi chị bị bể bánh, phải đổi xe nên hơi lâu.” Hèn chi, lúc xe chạy ngang Bệnh viện Thống Nhất, gọi thì nghe cô nàng bảo “Con đi bây giờ đây” thế mà mãi gần một giờ sau mới tới. Ông chủ nhà chắc lưỡi “ con nhỏ này, không trừ hao gì hết”.

Cậu nhân viên ở quầy check in thắc mắc “Cả ba đều là người nhà cả ạ? Thế sao lại có đến ba code vé nhỉ? … Vâng, cháu sẽ cố tìm chỗ ngồi chung, xin vui lòng chờ một chút. … vâng, nếu không được thế thì một người chịu khó ngồi riêng nhé”. Cuối cùng, chặng đầu từ Tân Sơn Nhất đến Incheon cả nhà ngồi cùng ba ghế 42E,G,H. Khá lí tưởng: ba ghế giữa của hàng đầu khoang economy 1- ngay sau business class, trước mặt là lối đi nhỏ, khá thoải mái cho mấy người chân không ngắn!

12g đêm, máy bay của hãng Korean Air nhẹ nhàng cất cánh.

Tạm biệt nhé, Sài Gòn!

* * *

Mấy cô tiếp viên Hàn quốc da trắng bóc, cao như người mẫu, cũng xinh nhưng thua xa mấy diễn viên trong phim. Chợt nhớ ra là phải xa phim “Chị gái của Lọ Lem” rồi! Không biết đến khi về, có còn chiếu không ta?

Năm giờ bay, giọng líu lo như hát của các cô tiếp viên ấy cứ vang lên đây đó, nghe cũng dịu dàng dễ thương. Hình như tiếng Hàn hay tận cùng bằng âm a và có dấu sắc hay sao ấy. Còn họ nói tiếng Anh thì chịu thua, tôi chỉ nghe được có mỗi hai chữ thank you và excuse me! Từ Vietlish, Singlish, nay nghe thêm Hanlish!


Sân bay Incheon khá rộng, buổi sáng còn mờ sương. Ra khỏi máy bay, con gái rên “Cả đêm không ngủ được mà mới có chặng đầu. 14 giờ bay nữa chắc… đuối”. Còn ông chủ nhà đã vội tìm smoking room, hút xong, bảo “muốn quay mòng mòng luôn”! 

Lối transfer phải đi thật xa, qua những hai ba đoạn băng chuyền, chụp mấy tấm hình cho hai cha con trong buổi sáng đầu tiên của chuyến đi, trông tươi tắn lắm. Nhưng chẳng có ai chụp dùm cho cả nhà!

Ngồi chờ, nghêu ngao tán gẫu, bỗng nghe“Cô chú về VN?” Ra là một anh chàng với chiếc ba lô cóc bên ghế đối diện. Từ Mông Cổ đến đã 3 tiếng rồi, mà mãi đến 7g tối mới có chuyến về Nội Bài! Eo ơi!

Có vẻ như khát nói, anh chàng huyên thuyên đủ thứ,  nào là một năm ở Mông Cổ chỉ có 3 tháng ấm áp còn thì “lạnh buốt xương ấy ạ”, nào là “bên đó họ ăn thịt nhiều lắm, cháu thèm rau, họ bảo cháu ăn rau như ngựa ăn cỏ”, rồi “rượu bên ấy cũng bốn mươi độ như đế của mình, chai nửa lít họ tu một hơi rồi lăn ra tuyết mà ngủ thôi, kinh lắm”. Hết kể chuyện nhậu, anh chàng xoay qua kể chuyện công việc của mình, chuyện tiền lương dành dụm hơn năm nay đem về cho vợ, chợt bảo “ đô lên kinh lắm chú ạ, mới hôm qua ăn nghìn hai mà sáng nay đã vọt lên nghìn tư rồi” và lúi húi móc bóp ra đưa cho con gái mình tờ một ngàn Mông Cổ và bảo “để dành chơi, nó chừng tầm hai mươi nghìn tiền mình đấy. Còn muốn xài thì sang đấy mà xài nhá” rồi lại quảy ba lô lên vai “cháu đi vòng vòng tí ”. Ra là đi hút thuốc, ông chủ nhà mình bảo thế khi từ smokingroom quay về.

Một phụ nữ khác, vừa xách ba lô tới, nghe hai má con tôi nói chuyện với nhau, reo lên “Ôi mừng quá, gặp người Việt Nam mình rồi. Cho em gởi cái giỏ, em vào bathroom xí. Hai con bé nhà em nó biến đâu mất tiêu nãy giờ”. Hóa ra, hai cô con gái cũng ngoan, cô chị 19 sắp nhập học Stanford, cô kia 15, vào college. Họ về VN thăm gia đình và trở qua sớm cho kịp chuẩn bị nhập học. Bà mẹ suýt soa về tình thầy trò ở VN còn  đẹp lắm, chả bù với bên Mỹ. Tôi chỉ cười thôi, chả dám lạm bàn, bởi vì ở đâu chả có chuyện tốt lẫn chuyện chưa hay! Nhiều bố mẹ VN ở Mỹ cứ di chuyển tìm việc qua các bang như chong chóng cùng với sự va đập giữa hai lối sống, hai cách nhìn thì bảo sao có sự gắn bó mà nảy sinh tình nghĩa thầy trò? Nhưng giờ ở mình cũng chán vạn thầy chẳng ra thầy, trò chẳng ra trò, chuyện tình cảm sư đệ giờ có khi cũng là của hiếm! Mà tôi có bi quan không nữa đây?

Bà mẹ ấy cũng hay chuyện nhỉ, cứ huyên thuyên! Chỉ mới sang Mỹ 8 năm thôi. Ông chồng đi diện HO một mình, rồi về cưới lại và mang cả vợ con cùng đi. Cô con gái lớn có người ở VN muốn cưới để được sang Mỹ nhanh và sớm có quốc tịch! Nhà ấy có cậu con trai sắp đi du học. Bà mẹ bảo định ừ “vì là chỗ quen biết nên em lấy ba chục ngàn thay vì bốn chục ngàn đó. Định là có thêm mớ tiền cho mấy chị em còn ở VN, họ còn nghèo lắm chị”. Cô con gái đang cắm cúi đọc, bỗng gấp sách – tôi vừa kịp nhìn thấy cái tựa Giết con chim nhại - và chen vào với vẻ giận dỗi “Con có ưng đâu mà mẹ tính? Chưa nói được tiếng Anh mà đi du học cái gì? Mà mẹ quen chứ con có quen đâu?” rồi cô quay ngoắt đi bỏ sang dãy ghế bên kia ngồi.

Tôi nghĩ thầm “ lại một kiểu kinh doanh hôn nhân suýt thành hiện thực đây”

Nhìn cô gái, tôi chợt nghĩ: tám năm học ở Mỹ, rồi bây giờ lại chuẩn bị vào Đại học Stanford - một trong 10 trường hàng đầu của Mỹ, cô ấy tất nhiên là sẽ không đồng tình với cách tính toán của bà mẹ đâu.

Và, sẽ còn bao nhiêu  chuyện bất đồng khác giữa hai thế hệ trong những gia đình người Việt khác ở Mỹ?


Đọc tiếp ...