Khi tôi gõ những dòng này thì Phà Rạch Miễu đã chấm dứt nhiệm vụ lịch sử của nó với chuyến phà cuối cùng vào lúc 22g rồi.
Lúc sáng, tôi bảo cậu em, Chị em mình chạy ra phà đi. Nó cười, đi thì đi.
Và đây là ngã rẽ của con đường :
Có không biết bao nhiêu tấm băng đẹp đẽ thế này chạy suốt quãng đường dẫn vào cầu.
Và cũng có biết bao nhiêu người túm tụm ở đây ( một trong những đường ngang) chờ làm những người đầu tiên qua cầu!
Hai người bán bong bóng này cũng kịp thời đấy chứ!
Nhưng đích đến của chị em tôi là đây: Phà Rạch Miễu
Những quán hàng này rồi sẽ ra sao?
Chủ nhân của những món hàng này rồi sẽ thế nào?
Chị Lê Thị Ánh Sáng, tên thật đẹp, nhưng chị nói "chắc hổng sáng nổi rồi cô ơi"
Và đây nữa :Văn Mộng Thùy Loan, 43 tuổi, "Chắc cũng phải chạy qua bên cầu mà bán, chỗ trạm dừng bên cồn Thới Sơn đó chị, chứ biết làm sao?"
Trần Nguyễn Phương Anh, lớp 5 trường Tiểu học Tân Thạch, ba bệnh chết, mẹ làm thuê, có em nhỏ 3 tuổi, một buổi đi học một buổi đi bán vé số. Hỏi, rồi hết phà con làm sao bán vé số? Dạ con hổng biết.
Một chút vui : "Chị chụp cho tụi tui tấm hình bữa chót ở đây làm kỉ niệm đi"
Rồi lại buồn ngay "Rầu thúi ruột chị ơi"
"Hổng biết qua bển rồi có bán được như bên này không. Xe nó chạy cái ù qua cầu mất tiêu!"
Họp đã kiếm sống như vậy bao lâu rồi!
Sẽ không còn dịp thấy ba cây dừa này nữa!
Từ bờ bên này qua tới bên Cồn Thới Sơn, chỗ xe có thể dừng, là bao xa? Ai trong số những người buôn bán ở đây có thể qua đó tiếp tục kiếm sống?
Sẽ không còn cảnh này...
Sẽ không còn những chuyến phà tấp nập trên sông...
Sẽ không còn những cảnh kẹt xe, chen chúc nhau xuống phà...
Sẽ không còn như thế này: chờ đợi, chật chội, mệt mỏi...
Cầu phà sẽ vắng tanh, mỏi mòn mong đợi trong vô vọng ...
Cty Du lịch Bến Tre sẽ mang tấm biển này đi đâu?
Và sẽ không thể nào còn được đứng trên phà để có góc nhìn này nữa!
Thế đấy,
Bao nhiêu là câu hỏi
Bao nhiêu ngậm ngùi
Bao nhiêu luyến tiếc
Phà Rạch Miễu ơi, bây giờ đã là kỉ niệm!