Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

SẼ KHÔNG CÒN MÙA NƯỚC NỔI?

Mang về từ blog của Phương Nguyên. Em nói "Bài này viết gởi báo (Tuổi Trẻ và Sài Gòn tiếp thị) mà báo hổng thèm đăng, mình tự đăng vậy! Ngày tháng trong bài bị lạc hậu rùi!"


Sông Cửu Long là tên gọi của đoạn sông Mekong chảy qua địa phận Việt Nam. Dòng sông đã bồi đắp nên một đồng bằng Sông Cửu Long phì nhiêu, vựa lúa của cả nước. Hàng năm, mùa nước nổi của sông Cửu Long mang lại cho cư dân trong vùng một nguồn lợi thủy sản tự nhiên to lớn, tưới tắm phù sa cho đồng ruộng, do đó, cho những vụ mùa bội thu mà đất đai không bao giờ cằn cỗi. Vào mùa lũ, các con sông lớn trên thế giới thường rất hung dữ, ngay cả sông Hồng cũng vậy, khiến người ta phải đắp đê ngăn chặn, mà nếu đê vỡ, sẽ gây tai họa lớn. Ngược lại, sông Cửu Long trong mùa lũ vẫn hiền hòa, nước “nổi” lên từ từ là nhờ có Biển Hồ ở Campuchia đã chứa trọn lượng nước rất lớn từ thượng nguồn đổ về, rồi “xả” lần lần xuống đồng bằng sông Cửu Long của nước ta.

Mùa nước nổi kéo dài bao lâu?

Hàng năm, khoảng mùng 5 tháng 5 âm lịch, nước sông Cửu Long từ trong (tương đối) trở nên đục dần, người ta gọi là nước quay, nghĩa là bắt đầu mùa nước. Từ thời điểm đó, nước sông dâng lên từ từ, tới tháng 7, tháng 8 nước lên nhanh hơn, ngập ruộng đồng, và khi nước lên tới đỉnh điểm gọi là nước phân đồng là khoảng rằm tháng chín,. Sau đó nước rút xuống từ từ tới giữa hoặc cuối tháng 10 là ruộng đồng trở lại như cũ. Thời gian nước ngập chừng ba bốn tháng tùy năm.

Mỗi năm thời điểm nước lên gần như không thay đổi nhiều, chỉ có mực nước là cao hay thấp mà thôi, nhưng dù cao hay thấp thì nước cũng luôn luôn ngập trắng cánh đồng.

Mùa nước nổi có gì ?

Xưa
Khi nước bắt đầu lên, người ta sạ lúa mùa, nước lên tới đâu lúa vượt tới đó, trổ bông kết hạt trên mực nước sâu 2-3 thước. Khi nước rút hết là lúa cũng chín, người ta gặt lúa là xong mùa, khỏi làm cỏ bón phân chăm sóc gì hết. Mỗi năm chỉ làm một vụ lúa mùa, còn mùa khô thì làm rẫy (tức là trồng hoa màu, rau...). Dân miền Tây được tiếng "làm chơi ăn thiệt" là vì vậy.

Mùa nước nổi cũng là mùa cá, cũng là mùa làm mắm: mắm cá linh, mắm cá sặc, mắm cá chốt, mắm cá lóc…Mùa nước nổi là mùa ăn nên làm ra của rất nhiều ngành nghề “ăn theo” mùa cá: làm lưỡi câu, đan lưới, đan lờ lọp, đóng xuồng ghe… Đặc sản mắm thái Châu Đốc vang danh khắp nơi, cũng là sản phẩm của mùa nước nổi ở xứ này.

Từ 15-20 năm nay nông dân vùng nước nổi không còn làm lúa mùa một vụ nữa vì năng suất thấp. Tất cả đã chuyển sang làm lúa hai vụ, ba vụ. Nếu làm lúa hai vụ thì khi vừa thu hoạch lúa vụ hè thu xong thì nước lên, khi nước vừa rút xuống thì gieo sạ vụ đông xuân. Sau thời gian nước ngập ba bốn tháng thì ruộng đồng trở nên “tươi mới”, cỏ dại và sâu bệnh đều chết và bị nước cuốn trôi. Quan trọng hơn là nước rút đi đã để lại một lớp phù sa màu mỡ, đây chính là nguyên nhân của những vụ mùa bội thu của đồng bằng sông Cửu Long. Nếu làm lúa ba vụ thì người ta đắp đê bao ngăn nước để làm lúa vụ ba, dân trong vùng có đê bao sẽ không có mùa nước nổi. Họ được thêm một vụ lúa nhưng thiệt mất một vụ cá; năng suất lúa vụ ba thường thấp hơn hai vụ lúa kia và chi phí cũng cao hơn do sâu bệnh nhiều hơn. Đôi ba năm một lần người ta vẫn phải mở cống cho nước nổi vào vùng có đê bao để cho đất không bị cằn cỗi.

Nay

Chừng 5 năm đổ lại đây, nông dân ngoài việc đánh bắt cá trong mùa nước nổi, họ còn nuôi tôm cá “đăng quầng”, nghĩa là giăng lưới một vùng trên cánh đồng rồi thả cá, tôm nuôi thúc trong mấy tháng nước lên, khi nước xuống thì thu hoạch. Nghề nuôi đăng quầng này đã giúp nhiều gia đình nông dân nghèo tăng thu nhập đáng kể. Mùa nước nổi vẫn là mùa làm ăn của những nghề làm câu lưới đóng xuồng ghe…

Hôm nay, đã là trung thu, tức là đã ở giữa mùa nước nổi, nước gần như đã tới đỉnh, lẽ thường cánh đồng đã thành biển nước. Thế nhưng nước không ngập lên bao nhiêu, vẫn chưa ngập hết cuống rạ trên đồng.Tôi là dân vùng nước nổi, lần đầu tiên trong đời nhìn thấy giữa tháng tám âm lịch mà nước vẫn không “nổi”. Mọi năm, cứ tới ngày tới tháng thì nước lên, rồi nước xuống, ta cứ coi đó là chuyện bình thường theo quy luật tự nhiên. Bỗng nhiên năm nay… nước không nổi, thật là một sự hụt hẫng, bất ngờ và lo lắng.

Từ năm 2009, nhiều tờ báo lớn (*) đã lên tiếng cảnh báo về tác hại của các con đập lớn trên thượng nguồn sông Mekong, mà con đập lớn nhất là đập Tiểu Loan. Theo báo Tuổi Trẻ, “Để trữ đầy con đập với thể tích 15 tỉ m3 này, sẽ cần sử dụng một nửa dòng nước ở thượng lưu sông Mekong từ 5-10 năm liên tục.” Và đập Tiểu Loan đã  bắt đầu tích nước từ tháng 10-2009. Phải chăng đây chính là nguyên nhân làm cho năm nay, ĐBSCL của chúng ta không có mùa nước nổi?

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất ở Việt Nam, nơi xuất khẩu lượng lúa lớn thứ hai thế giới; đồng bằng nầy cũng là nơi nuôi trồng nguồn thủy sản xuất khẩu chủ lực. Nếu những năm sắp tới nguồn nước tiếp tục bị cạn kiệt, mùa nước nổi không còn nữa, nguồn lợi thủy sản tự nhiên chắc chắn sẽ không còn, đồng ruộng không có phù sa, nước mặn tiếp tục xâm nhập vào sâu trong đất liền nhiều hơn nữa… Không đủ nước ngọt cho việc trồng lúa, nuôi tôm cá…thì miền đồng bằng phì nhiêu này sẽ trở nên thế nào đây? Khi đó, mối hiểm họa sẽ không chỉ đe dọa riêng người dân ĐBSCL mà còn ảnh hưởng đến “nồi cơm” của cả nước, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chúng tôi, những người nông dân chỉ còn biết mong chờ nhà nước tiên liệu và đề ra những đối sách thích hợp để  xoay chuyển được tình thế khó khăn và ngặt nghèo này.

Phương Nguyên


* Xem thêm:

http://tuoitre.vn/Chinh-tri- xa-hoi/Khoa-hoc-moi-truong/ 318355/Dap-Tieu-Loan-de-doa- dong-bang-song-Cuu-Long.html

http://tuoitre.vn/The-gioi/ 317599/%E2%80%9CBuc-tu%E2%80% 9D-song-Mekong-voi-dap-cao- 292m.html

http://vnexpress.net/GL/Khoa- hoc/2010/03/3BA19975/


Đọc tiếp ...