Thứ Ba, 3 tháng 6, 2008

30. June 01, 2008 Giỗ chú Sáu


 

Năm nay, giỗ chú Sáu, nhà mình về hơi muộn.
Chẳng là đêm trước thức khuya quá. 7g mới từ Sài Gòn về tới, ăn uống , nghêu ngao nói đủ chuyện trên trời dưới đất đến nửa đêm chưa chịu ngủ. Hưng với H. còn ráng coi đá banh.
Sáng ra, mẹ dậy trước hết, bỏ đồ giặt cho chiều tụi nhỏ còn mang đi. Quần áo không biết bao nhiêu mà cứ lần nào về cũng phải lại giặt rồi đem lên! 
Ba dậy thì hơn sáu giờ rưỡi, gõ cửa phòng kêu "Khuê, dậy con. Trễ rồi." 
Nhà ngoài, Hưng lồm cồm ngồi dậy, xếp lại mền gối, cười cười "H. dậy trước chị Khuê cho coi " Y như rằng. Hồi lâu chị Hai mới mắt nhắm mắt mở đi ra, nhìn đồng hồ kêu ca" Chưa mà", rồi ịch xuống sofa khò tiếp, ba đi qua khỏ đầu cái cốc, kêu é lên.

Quán hủ tiếu có hai người bán, khách chưa nhiều mà đã rối, bưng lộn tùm lum. Kêu nước thì người trước không bưng lại đưa cho người kêu sau. Khách chờ lâu cằn nhằn thì một người lớn tiếng bảo chờ chút người kia kêu đừng la. Um sùm quá làm ba nhăn nhó. Tới hồi tính tiền thì lọng cọng. Năm tô thì cứ thế mà nhân lên, tô thêm phèo thì cộng thêm bao nhiêu tiền đó nữa, rồi nước cũng vậy. Mà cứ bấm tay lẩm nhẩm, còn biểu tính lại dùm. Kiểu này sao làm ăn lớn đây!

Uà vô nhà kêu Ngoại ơi, thấy Khuê Hải về, ngạc nhiên mừng tíu tít. Ngoại đưa keo bánh con đuông, mẹ kể cho Hải nghe chuyện hồi mẹ dứt sữa gởi về với Ngoại, đêm nhớ mẹ khóc, Ngoại cho ăn bánh, chúm miệng cắn bằng răng cửa lóc cóc, uống li nước rồi ngủ tiếp. Hải chúm cái bánh dí vô mặt hỏi ăn vầy hả, chị Hai vênh cái mặt lên !

Về tới nhà chú Sáu thì mọi người đã ngồi vô bàn hết trơn. 
Chú Hòa bữa nay uống mật gấu, trước mặt ba mẹ mà dám đưa rượu đế cho Hải, bị mẹ trợn mắt, lảng đi, một hồi mang tới cho mẹ li trà đá. À há, nhớ là mẹ không thích nước ngọt, li trà đá này với cái cười cầu tài là có ý đồ đó. 
Thông cũng vậy, mẹ bảo "con còn đang uống thuốc, uống rượu làm chi" nó nói uống chút xíu thôi. Là nói vậy chứ tới xế qua, lúc đưa ra xe, ngó bộ cũng xình xàng, kiểu này xe chưa ra tới lộ lớn là nó đã lăn ra giường rồi. Năm nay, không thấy mấy dì của Thông về đám giỗ, chuyện lạ đây. 

Kéo nhau về nhà Nội mới là lúc họp mặt thật sự. Thôi thì bao nhiêu người bấy nhiêu chuyện. Cô Bảy thấy có đông người nhất là có Ba bèn kể tội dượng Bảy bao la luôn. 
Nào đi nhậu xỉn quắc cần câu, về té xuống mương cái đùng ướt loi ngoi bèn cởi bỏ đồ chỉ còn bận quần cụt, nhè đi vô ngõ cửa sau, làm Cô Bảy hết hồn tưởng ăn trộm. 
Sợ dượng té xe cô dấu chìa khóa, dượng xuống bảo chú Út Hòa là bữa trước bạn chở về, Út Hòa lật đật đưa xe cho dượng đi dạy. Mấy bữa sau, thím tình cờ nói cho cô biết, cô về cự um lên. Sau rồi dượng cũng tìm thấy chìa khóa, thấy cô từ nhà sau đi lên, dượng vội ôm cặp đi lẹ, cô hỏi với theo sao không thay dép, dượng giả lơ đi luôn. 
Có lần dượng say quá, về tới nhà, cô với Thoa còn để cửa chờ mà dượng réo um sùm "mở cửa, mở cửa coi". ...
Mấy đứa cháu thấy cô hùng hồn quá, dượng chắc tiêu tùng. 
Mẹ bảo dượng rằng, cái người ở nhà trông mới lo, mới tưởng tượng nhiều chuyện kinh khủng lắm, thôi thì dượng thương cô hơn thương rượu đi.
Ba cũng bảo thôi, mình lớn tuổi rồi, đừng say xỉn con nít nó cười với lại đừng để vợ con lo tội lắm. 
Dượng nằm toòng teng trên võng lắc qua lắc lại không trả lời trả vốn chi. Tới chừng bác Hai vô, cô Bảy bèn kể thêm lần dượng xỉn dữ tợn, cô bắt điện thoại hăm gọi méc ba, dượng còn ráng nói "Méc anh Hai, đừng méc anh Năm". Bác Hai bảo người ta nhậu người ta còn làm tới chủ tịch tỉnh kia! Thấy có đồng minh, dượng Bảy ngồi dậy cái rột, lớn tiếng "có một mình em nói anh nhậu xỉn chứ có ai nói anh nhậu xỉn đâu" rồi bỏ ra thếm ba ngồi. 
Ba giảng hòa thôi chuyện cũ bỏ qua hết, tính từ giờ trở đi thôi,rượu ở quê bây giờ độc lắm, uống vô bịnh chết bỏ vợ con. 

Câu chuyện xoay qua tụi nhỏ. Thủy kể hồi mười hai tuổi, hè, cô Bảy sanh Hưng, Thủy xuống phụ. Dượng bắt gà bảo Thủy đem xuống chợ ngã tư bán, dọc đường sút dây, con gà chạy vô nhà người ta, Thủy lật đật chạy về kêu dượng Bảy đi bắt lại. 
Chuyện hồi đó cô Ba phân công Thủy giặt quần áo còn Thúy lo cơm nước, nhưng dượng Ba làm hết mà Thúy không phụ chị cứ nhởn nhơ ca hát, Thủy giặt đồ không kịp, sợ trễ học mượn phơi đồ phụ mà cũng không chịu. Thi cười "Năm ăn gian hén" . 
Cô Bảy nhắc hồi mấy đứa còn nhỏ, cô Ba ráp vải dư may áo cho, trời mưa Thủy đem áo quấn quanh ống khói bếp cho mau khô ai dè đồ nylon cháy quăn queo. Thủy cười tít sao hồi đó con ngu vậy ta? 
Mẹ chêm vô, hổng phải, có đứa còn khờ hơn, chuyện 7 Thi đó. Hồi cậu mợ còn ở nhà con, trong buồng mợ treo khung hình, Thi rủ bạn vô ra vẻ rành chỉ cho bạn coi hết tấm hình nọ tới tấm hình kia, còn thuyết minh nữa: Nè, anh hai tao nè, anh ba nè, Thủy đứng đây nè, vú tao ẵm Thúy nè. Bạn hỏi, vậy mày đâu? Tao hả? Bữa đó hỏng có tao ở đó. Cả đám bò lăn ra cười. Thi nhổm dậy cười nói thôi về đi không một hồi mợ kể hết trơn chuyện xấu cho mà coi.

Nhiều chuyện đời xưa như vậy, cười mỏi miệng.
Và niềm vui theo mãi trên đường về.
Đọc tiếp ...

29. June 01, 2008 Về quê ăn giỗ






Giỗ ở quê khác xa ở thành. 
Chú Tám giữ nhà thờ một năm 2 lễ giỗ lớn, bà Nội giỗ rằm tháng hai, ông Nội mười ba tháng chạp.
Về quê ăn giỗ là vui lắm.
Có phải là để bù lại những ngày đau buồn của đám tang xưa?

Nhưng chắc một điều là để có dịp gặp nhau đông đủ. Đâu phải không có lúc gặp, nhưng phải là giỗ thì mọi người mới cùng thu xếp để về. Lí do cũng hồn nhiên, đơn giản và rất hợp lí hợp tình "Giỗ mà, phải về chớ!" . Ai không về được thì tự an ủi "Thôi, năm này không về còn năm khác. Giỗ mà, năm nào không cúng?"
Rồi lũ lượt, kẻ trước người sau kéo về. Người về sớm thì mang đồ về cúng, người về muộn thì nhờ gởi tiền hay quà hoặc nhắn nhe gì đó. 

Đám giỗ lớn thì mọi chuyện chuẩn bị cũng sớm hơn. Chú thím giữ nhà thờ thì tất bật có khi đến mấy ngày trước đó: mời bao nhiêu bà con, xóm giềng? chuẩn bị bao nhiêu bàn? món cúng ra sao? mùa này chợ có gì ngon? phải làm món nào món nào? Cũng lâu rồi, không nghe thím Tám nói với cô Ba cô Bảy "Nấu vậy được hôn? Coi chừng chị Năm về rầy chết! " cô Ba nói làm đồ cúng chớ làm cho chị Năm bây ăn ha, mà nó có ăn cũng ăn chút xíu chớ mấy! Trời đất, ai dám rầy rà dâu út ở nhà thờ, rủi giận, mai mốt về không cho vô nhà. 

Trước một hai bữa, thím Tám hay dặn bà bán bánh quen gói cho vài chục đòn bánh tét để rồi gởi bà con mang về ăn lấy thảo, bao nhiêu đòn nhưn chuối, bao nhiêu đòn bánh chay hay nhưn đậu xanh thịt mỡ...Chợ quê mà, bán đâu có bao nhiêu, phải dặn thì người ta mới làm nhiều.
Thường thì cô Ba về sớm nhất, cô Bảy chiều bữa trước xuống rồi ở ngủ lại. Đêm hai chị em nói đủ chuyện trên trời dưới đất. Ai về sớm thì làm trước mấy chuyện như phi hành tỏi để mai ướp thịt, nhớ để riêng một mớ hành phi đặng mai rắc lên gỏi với bỏ vô súp cho thơm nghe. Làm nước mắm nước tương muối tiêu muối ớt gì đó nữa. Có tính làm món bò không đặng nhắc đi chợ mua chai mắm nêm, thiếu là lỡ bộ đó.Chén dĩa tô tộ cũng phải soạn đem ra sớm sớm đi. Liệu coi bao nhiêu mâm, bao nhiêu món đặng đem ra cho đủ. Mà cứ lấy thêm một mớ đi, có khi còn đựng cái này cái nọ. Chứ không thôi lúc nào cũng rối rít kêu "Tám ơi, Tám hỡi..." . Là nói vậy, chớ năm nào cũng giỗ, mà rồi năm nào cũng lýnh quýnh thiếu nọ thiếu kia, lăng xăng như gà mắc đẻ, khi xách nón te tái chạy ra ngã tư mua thêm món nọ, khi lại xách xe tuốt xuống chợ An Định mua món kia. Mọi người ở nhà muốn hỏi hay kiếm cái gì cũng phát rầu vì chủ nhà chạy đâu mất tiêu! Thiệt tình. Vậy chớ thức dậy đâu hồi ba bốn giờ sáng gì đó. 

Thế là lốc cốc lộc cộc, tiếng dao thớt tiếng cười nói râm ran trong bếp, khói tuôn ào ạt ra ống khói trên nóc nhà. Bánh phồng tôm ăn với gỏi thì phải chiên trước, rồi bỏ vô bịch nylon cột kín lại, đậu phọng cũng rang sớm đi nghe, không thôi quên, rồi mai không có bếp trống đâu mà chen vô đó. Nè, ngày mai mấy đứa ở thành phố có về hôn? Chủ nhựt mà.
Cánh đàn ông thì lo lau chùi bàn thờ, kiếm ít bông chưng lên cho nó vui. Bàn ghế coi chạy mượn thêm. Có thằng đực nào đó không vậy bây? Thằng Phước vô chưa? Thằng Thơ về tới chưa? Trời đất, sao xây qua xây lại cũng có mình tui vậy? Chú Tám than thở. Ờ, chắc thêm hai cái bàn với chừng chục ghế, nhà có chục ghế nữa, đủ đó. 

Ngày giỗ chính, mấy bà hồi tối nói dóc tới khuya vậy mà cũng thức sớm dữ. Lửa lại đỏ lên trong bếp. Chuyện trò rôm rả, cứ như nước chảy. Chắc Nội cũng phải về nhà ngày này chớ. Chắc cũng đang hiện diện đâu đó, đi vòng vòng nhà coi "tụi nhỏ" làm ăn ra sao. Nội sẽ xuống bếp, hỏi "Làm món gì vậy bây?" và cô Ba như thường khi, đùa với Nội "Nấu món này đây, được không anh Ba?" rồi Nội lụi cụi đi lên xem lại bàn thờ coi đốt đèn rót nước chưa. Nội luôn thích làm đám tiệc lớn, cho con cháu về đông đủ có cái ăn lại có cái đem đi. Nhớ năm mẹ mới về, giỗ bà Nội mười bảy bàn, gói bánh ít một giạ nếp, xào nhưn vắt ra vo viên để đầy hai nia, còn lá chuối thì dượng Ba chở về bằng xe lam. Chỉ chuyện rửa chén không cũng muốn xỉn. Mà hồi đó đâu có nước rửa chén như bây giờ, lấy cám quậy nước rửa, sạch mà thơm lắm, rồi trút cho heo ăn. Mẹ thích rửa chén như vậy vì da tay không bị khô mà còn mềm nữa chứ. 

Rồi khách ăn giỗ tới, chào nhau tíu tít, hỏi thăm con đứa này bao lớn , đứa kia gả về đâu, đứa nọ bầu bì gì chưa, lúa thóc mía mật ra sao? Mấy đứa con gái ngồi trong buồng tỉ tê trò chuyện vừa lo soạn bánh trái đặng rồi lại quả, vừa lo sắp sẵn mấy dĩa "la sét".
Xôm tụ nhất là mấy ông, mấy chú, rượu đế cứ là tràn li. Ngồi mâm thì được mời trước nhất nhưng có khi ở nhà sau chén bát đã dọn rửa gần hết mà vẫn chưa tàn cuộc rượu. Mấy năm sau này khi Danh, Khanh đi học thành phố, con mấy anh chị còn nhỏ thì chú Tám phải kiêm luôn phần đi mua thêm rượu.

Giỗ quê mình thường là vậy. 

Nhưng vui nhất vẫn là khi xong hết mọi việc, cả nhà xúm lại chuyện trò. Bác Hai , ba và dượng Bảy chú Tám ngồi uống nước trà, có khi mấy đứa con trai cũng ké vô thời sự. Mẹ và mấy cô mấy thím thành một nhóm riêng với tụi con gái. Toàn những chuyện không đầu không đuôi nhưng vui thiệt là vui. Từ chuyện cô Ba hồi nhỏ theo bà Nội gánh heo lên chợ Mỏ Cày bán. Chuyện bác Tư đi học ở Bến Tre mượn cô Hai Hiền rủ cô Ánh Xuân đi uống nước, cô Hai đòi uống trái vải hộp mà tới hai li làm bác Tư muốn méo mặt. Chuyện thím Tám hồi còn là "Cô Ti của thằng Thông" chiều nào cũng xách túi bánh, mượn Thông kêu dùm chú Tám. Chuyện hồi trẻ chú Sáu gánh một lần bốn thùng nước đi te te. Câu chuyện đời xưa làm mấy đứa con nít há hốc miệng nghe rồi ngủ lăn ra gạch và vẫn rôm rả cho tới xế qua ba kêu chuẩn bị về mà còn chưa muốn dứt.

Mỗi năm mấy lần giỗ ở quê như du lịch về nguồn. Rồi lại trở về công việc bình thường, lại tới ngày tới tháng thì nhắn nhe nhau về quê ăn giỗ.
Hai ba chục năm nữa, liệu còn có những ngày giỗ như thế này không? 
Khi mà bọn trẻ bay nhảy khắp đông tây nam bắc, công việc níu chân? 
Khi mà những người lớn bây giờ chỉ còn là những tấm hình treo trên vách? 
Chú Tám băn khoăn như vậy.




Đọc tiếp ...