Không phải ngẫu nhiên mà Truyện Kiều của Nguyễn Du đạt được vị trí đỉnh cao của Văn học trung đại Việt nam. Cái “Tiếng kêu đứt ruột mới” ấy của người nghệ sĩ tài hoa xứ Nghệ đã là mạch nguồn cho bao đề tài nghiên cứu, khai thác, thẩm định. Từ những giá trị nội dung tuyệt vời đến những đặc sắc nghệ thuật lóng lánh chất Việt Nam, bác học và bình dân, cổ điển và hiện đại, chiến đấu và nhân đạo… Riêng về đặc sắc nghệ thuật, thi pháp của Nguyễn Du trong Truyện Kiều là một khía cạnh thú vị. Nghệ thuật sử dụng chi tiết trong một đoạn nhỏ cũng có nhiều chuyện để nói:
…
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Cỏ non xanh dợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
Thanh minh trong tiết tháng ba
Lễ là Tảo mộ hội là Đạp thanh
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước áo quần như nêm
Ngổn ngang gò đống kéo lên
Thoi vàng hồ rắc tro tiền giấy bay
Tà tà bóng ngả về Tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về
Bước lần theo ngọn tiểu khê
Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang
…
Đây vẫn thường được xem là một trong những đoạn miêu tả đặc sắc nhất trong tác phẩm với rất nhiều chi tiết, bao gồm cả thời gian, không gian. Một thứ thời gian xuôi chiều, thời gian tuần hoàn mang tính chu kì, một kiểu không gian vũ trụ với nhiều chiều cao rộng, vừa mênh mông vừa gần gũi, có cả viễn cảnh và cận cảnh. Trong cái không thời gian ấy, con người xuất hiện, đầy cảm xúc…
Trước hết là thời gian.
Đây là mùa xuân, không phải là xuân mới mà có thể nói như Hàn Mặc Tử, “xuân chín”. Thoắt cái, én đưa thoi, thiều quang đã ngoài sáu mươi rồi, tiết trời đã xa cái rét muộn cuối đông, đã, đang trong những ngày ấm sáng và thấp thoáng đâu đó có thể như nghe được một chút nóng của mùa hè, có thể lắm.
Ngày xuân con én đưa thoi
Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi
Hai câu thơ đủ dựng lên một thời điểm của mùa xuân: thời điểm của Thanh Minh, của tiết trời trong sáng, thời điểm đẹp nhất của lễ hội cuối xuân: Hội Đạp thanh – cái tên gọi sao mà gợi và dễ thương chi lạ! Và, tiếp theo, các chi tiết nối nhau như giới thiệu một cách tổng quát toàn cảnh: mùa xuân với chim én, với ánh thiều quang, với cỏ non xanh, hoa lê trắng, với tiết Thanh Minh, lễ Tảo mộ, hội Đạp thanh. Đoạn thơ sáu câu tự thân chứa đựng cả sự náo nức của sức xuân tràn thấm, cả cái rộn rã của lễ hội, cả màu sắc, âm thanh… cho dù đây chỉ là các chi tiết mang tính ước lệ của thơ văn cổ, có tính chất gợi và điểm xuyết thay vì tả. Do vậy, tính cô đọng hàm súc rất cao. Cảnh mùa xuân được vẽ ra ngời ngời, sáng láng, trong veo, sắc màu thanh đạm. Điều đặc biệt dễ nhận ra là các chi tiết được giới thiệu với đặc điểm, trạng thái riêng của nó: cỏ non xanh, xanh “dợn” cứ như sóng cỏ - không biết khi Hàn Mặc Tử viết “Sóng cỏ xanh tươi dợn tới trời” có phải đã từng thấm đẫm câu Kiều này chăng? Và trên cái nền rời rợi mút tầm mắt ấy vài cánh hoa lê trắng điểm nhẹ trên cành. Thi trung hữu họa, Nguyễn Du có lẽ không để ý tới điều đó, nhưng trong con mắt người nghệ sĩ, cảnh như thế mới có khả năng được ghi nhận.
Rồi không gian cũng được dựng lên, được miêu tả với cấu trúc tương tự, đầy ước lệ, tượng trưng. Màu sắc hội được chú ý hơn. Điều đó phù hợp với tuổi trẻ - ngày xuân.
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm
Gần xa nô nức làm rõ hơn cho yến anh, nó gợi được hết cái rộn ràng phấn chấn của sự chuẩn bị, sự chờ đợi. Xa rồi ngày Nguyên đán tưng bừng, xa rồi đêm Nguyên tiêu lồng lộng trăng rằm. Hội Đạp thanh cuối xuân quả đã hâm nóng cái nồng nàn của tuổi trẻ và họ sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Khi viết những dòng thơ này, Nguyễn Du đã qua khá lâu thời trai xuân, nhưng sao mà lời thơ, giọng thơ trẻ trung xao động đến thế! Người đọc cứ nhìn thấy như in trước mắt cảnh rộn ràng ngày hội: giai nhân tài tử dập dìu, ngựa xe xuôi ngược…các chi tiết miêu tả không hề chung chung mà được định tính định lượng một cách rất ư rõ ràng cụ thể. Vậy nên, sự sinh động càng lung linh, trung thực hơn.
Ngổn ngang gò đống kéo lên
Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay
Như một nhà quay phim, thoắt cái, Nguyễn Du kéo tầm mắt người đọc lại gần : quang cảnh lễ tảo mộ. Ở cái thế giới tĩnh lặng quanh năm ấy, ngày Tảo mộ là thời điểm rộn ràng duy nhất khiến mọi chỗ đều quang quẻ, tưng bừng: khói hương hòa quyện, vàng thoi, bạc nén, tiền giấy … lấp lánh đó, rồi bùng cháy đó, rồi bay tản mác khắp nơi…
Vài nét thôi, vài chi tiết thôi, tả mà gợi, vừa mở ra cũng vừa khép lại một ngày – không giống bất kì một ngày nào trong năm - ở nơi này. Âm điệu lục bát dễ gợi cái cảm giác đượm buồn của một sự kết thúc: lễ xong rồi và hội chắc cũng tan rồi! Nét đượm buồn đó như cái cầu nối qua mấy câu thơ cuối đoạn.
Tà tà bóng ngả về Tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về
Bước lần theo ngọn tiểu khê
Nhìn xem phong cảnh có bề thanh thanh
Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang…
Đây là một kiểu thời gian khác trùm lêm một không gian khác. Sức biểu cảm của nó rất lạ. Không hề thấy một từ miêu tả trực tiếp tâm trạng nhưng vẫn thấy nỗi buồn hiện diện, nó len nhẹ, tràn thấm. Bóng ngả rõ là khác xa ánh thiều quang buổi sớm, lại tà tà như một cách cụ thể hóa thời điểm chiều dần nghiêng xuống, và cái mệt mỏi, cái buồn buồn như hiện rõ hơn trong dáng mấy chị em thơ thẩn dan tay ra về. Ngày vui ngắn chẳng tày gang, trừ chàng trai trẻ Vương Quan có thể ra ngoài tự do, hai cô Kiều sống trong cảnh êm đềm trướng rủ màn che kia chắc hẳn giật mình nuối tiếc thời khắc tự do sao mà chóng qua vậy. Điệu buồn buồn ấy hình như được tô đậm hơn bởi một loạt từ láy được sử dụng với mật độ dày đặc định tính cho các chi tiết miêu tả: tà tà, thơ thẩn, thanh thanh, nao nao, nho nhỏ. Có vẻ như là dụng ý của Nguyễn Du, bởi lẽ, điệu buồn ấy không chỉ kết lại một ngày du xuân, nó như một dự báo nỗi đoạn trường mà hai cuộc gặp gỡ định mệnh tiếp ngay sau sẽ là khúc dạo đầu. Buổi sáng rộn ràng, buổi chiều hiu hắt, hai cực ấy của ngày này sao đánh động lòng người lắm vậy? Đọc chậm và ngẫm nghĩ, sáu câu thơ cuối đoạn cứ như làm lòng người quặn thắt theo. Cảnh vắng đến hiu hắt lòng người! Có phải vì điệu chảy nao nao của dòng tiểu khê hay vì cái nho nhỏ chông chênh của nhịp cầu? Có ai băn khoăn vì sao đường về Vương gia trang lại chừng như hoang vắng? Hay đây cũng là dụng ý của tác giả? Dù sao, chi tiết dòng suối, chiếc cầu cũng rất gợi. Nó dựng lên cảnh đẹp mà buồn, làm nền cho cuộc gặp với Đạm Tiên. Và, cũng tại đây, khi hãy còn dùng dằng nửa ở nửa về thì họ gặp Kim Trọng. Ngòi bút tài hoa của Nguyễn Du đã phả vào nhịp cầu ấy, dòng nước ấy một thứ ánh sáng hạnh phúc:
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
Rồi cũng chính chi tiết dòng suối ấy, chiếc cầu ấy, sau này trở lại với một trái tim nặng trĩu mối tương tư, Kim Trọng chỉ thấy:
Một vùng cỏ mọc xanh rì
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu!
Chi tiết nhỏ trong tay nhà văn lớn! Toàn bộ ba bức tranh liên hoàn ngày Thanh minh được vẽ với một hệ thống chi tiết đầy dụng ý mà rất đỗi tự nhiên, bức tranh cuối cùng phần nào hé lộ tâm trạng Thúy Kiều – cô gái tài hoa với trái tim dễ rung động trước cảnh, trước người, trước cuộc đời.
*
* *
Đoạn thơ nhỏ được viết bởi một tài năng lớn. Hệ thống chi tiết rất quen thuộc, rất bình thường nhưng lại được diễn đạt bởi một nghệ thuật tuyệt với ở việc định tính, định lượng cho các chi tiết, sắp xếp chúng và quan trọng hơn cả là phả vào đấy một cái hồn sống động, lung linh. Không chỉ đoạn thơ này, có thể nói, suốt 3254 câu thơ, Nguyễn Du đã đưa vào tác phẩm cơ man là chi tiết với nhiều cách phô diễn đạc sắc và độc đáo. Ngoài nội dung phong phú và sâu sắc, truyện Kiều còn là một tác phẩm chứa đựng tinh hoa ngôn ngữ dân tộc trong sáng, mỹ lệ, dồi dào qua ngòi bút thiên tài mà trích đoạn này chỉ là một dẫn chứng nhỏ.
Cúp điện, lục lại tủ sách cũ, tình cờ thấy lại một bài làm văn, mang về đây để dành.