Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

Viết cho Con Gái (5)

 Em đến trường …

Con sinh tháng giêng, nên đến nhập học thì đã hơn 36 tháng. Vào lớp Mầm có vẻ chững chạc hơn nhiều bạn.

Từ nhà tập thể, chạy ù một hơi là đã đến trường. Mấy ngày đầu, chưa quen lớp quen bạn, con có vẻ ỉu xìu mỗi sáng. Lớp của con ngay đầu dãy, nhìn là thấy cửa nhà mình nên mẹ phải hứa là lúc con ra chơi thì mẹ sẽ đứng đó để con nhìn và biết là lúc nào mẹ cũng có ở nhà. Tuy vậy, có hôm vào giờ chơi, con nhìn thấy mẹ ẵm em là rối rít vẫy tay và đòi về làm cô phải dỗ mãi con mới chịu vào lớp. Thế là mẹ đóng cửa trước và dối rằng mẹ đi chợ vào giờ đó hay phải dỗ em ngủ hoặc một lí do nào đó con có thể chấp nhận…

Ngày 8-3, con mang về tặng mẹ một bông hoa cô dạy làm ở lớp với vẻ hớn hở dễ thương về kì công của mình. Mỗi ngày tan lớp, bữa cơm chiều bao giờ cũng tràn ngập tiếng cười theo những câu chuyện con mang về. 

Các cô ở trường Mẫu giáo rất cưng con, dành cho con nhiều mối quan tâm đặc biệt: Cô Bạch Hoa dạy con liên tục hai năm, tuy coi bộ ba con với Tri Bình và Hùng Anh là học trò ruột nhưng vẫn ưu ái con hơn vì con là gái. Năm 85, kỉ niệm 10 năm Hòa bình, lễ lớn lắm, có nhiều xe hoa, cô chọn con đứng trên xe hoa của Phòng Giáo Dục Thị xã. Cô bảo phải mặc áo đầm đẹp. Nhưng hồi đó, tụi con chỉ mặc đồ do mẹ may từ vải được phân phối. Mẹ tháo bộ đồ ka tê màu hồng thêu tay rất đẹp vẫn để dành để may áo đầm cho con, và con thì cứ ngồi cạnh bên mẹ háo hức chờ, không chịu đi ngủ dù mẹ đã hứa chắc rằng sáng sẽ có áo mới. Sau này, con kể lại rằng con không hiểu bằng cách nào mà từ một mớ mảnh vải lại có thể thành chiếc áo đầm cho con chỉ sau một giấc ngủ, lỡ ra mẹ không may được thì làm sao? Mẹ phải dỗ con nằm xuống cạnh mẹ, chứ ngồi mỏi lắm, rồi dỗ con nhắm mắt chút xíu thôi… Cái áo đầm đó, sau lễ, cô Bạch Hoa đã mang về thêu cho con hình một cô bé ngay trước ngực. Con hãnh diện về sự chăm chút đặc biệt đó. Bây giờ, thỉnh thoảng dở ra, thấy sao nó nhỏ xíu! Năm con lên lớp Lá, em vô lớp Mầm. Sáng sáng, hai chị em dắt tay nhau đi học, giờ chơi, Chị Hai hay chạy xuống lầu coi chừng em, chiều tan học hai chị em ríu rít chạy về, thi nhau kể bao nhiêu là chuyện ở trường, những chuyện mà bất kì lớp mẫu giáo nào cũng thường xuyên diễn ra: bạn này khóc nhè, bạn kia ị trong quần, bạn nọ không chịu ngủ trưa, đòi về nhà, bị cô hăm sẽ giao cho Bà Chín xử. Bà cứ hay đi rảo qua các lớp vào giờ ngủ trưa, thấy đứa nào còn rọ rạy là bà đứng ngoài hành lang tằng hắng, cả bọn sợ im thin thít, mắt nhắm tít lại. Bà lo chuyện nấu nướng dưới bếp, thương trẻ con nhưng dữ tướng, bà lại hay ăn trầu, môi miệng lúc nào cũng đỏ loe, bọn trẻ kháo nhau rằng “Bà Chín ăn thịt con nít đó”, rồi câu hăm he của bà cũng khiếp lắm “Đứa nào không ngoan đâu, giao đây, Chín đem nhét đầu vô lò trấu liền bây giờ!” Nhưng Bà Chín cũng rất thương con, có điều, con với em cũng sợ Bà Chín một phép. Lâu lâu mấy năm về trước, tình cờ gặp lại bà, miệng vẫn ăn trầu móm mém thế, vẫn nhớ và hỏi thăm tụi con.

Năm lớp Lá, cô Phượng thi thoảng vẫn hay chở con về nhà, xa tít trong Phường 6, ăn cơm và ngủ trưa với cô. Giờ đôi lần gặp nhau ở chợ, cô vẫn hay nhắc con hoài. Mẹ nghĩ hồi đó, các bạn con chắc cũng ganh tị khi thấy cô thương con, nhỉ? Cả lớp đi tham quan doanh trại, cô cũng để riêng con hát tặng bài Em yêu chú bộ đội. Cuối năm học, con được thay mặt các bạn lớp Lá chào cảm ơn các cô để lên lớp Một.

Mãi sau này, đôi lúc quay về thăm khu tập thể, nhìn sang trường, tụi con vẫn ngạc nhiên thấy sao mà nó nhỏ vậy. Hồi xưa, đứng trên lầu lớp Lá nhìn về bên nhà thấy khoảng sân sau cơ quan Sở rộng mênh mang xa tít tắp. Hai cây bàng giờ đã xòe tán râm mát cả sân, cái ghế xích đu nơi con và Cô Bạch Hoa ngồi chụp hình đã không còn nữa … Cô Hiệu Trưởng Kim Anh, cô Trắng về hưu lâu rồi, cô Tiên, cô Huân, cô Thảo, cô Tho cũng đã chuyển đi trường khác, còn mỗi cô Bạch Hoa, vẫn dễ thương thế và vẫn chưa có chồng……

Trường Mẫu Giáo Măng Non ơi, so long!!!

 

Rồi con lớn dần, cấp 1, cấp 2 rồi cấp 3, mình vẫn ở nhà tập thể. Cũng hay, tụi con đi học chỉ trong vòng bán kính chưa tới hai trăm mét. Thêm một trăm mét nữa thì ra đến chợ. Nhà mình trở thành điểm tập kết của con và các bạn cho bất kì việc gì của trường của lớp: khăn trải bàn, chổi quét lớp ư? Gởi nhà Khuê đi; cần dao búa đóng cọc dựng lều cắm trại hả? sang nhà Khuê mượn; nấu thức ăn cắm trại à? Qua nhà Khuê nấu … nhiều lúc mẹ cũng rối lên theo con, thấy nhớ hồi mình còn đi học…

Lớp 6, cái chân lanh lẹ chạy nhảy đưa con vào đội tuyển điền kinh dự Hội khỏe Phù Đổng tỉnh và thật bất ngờ, con đem về chiếc huy chương vàng  đầu tiên cho đội tuyển Thị xã. Nhưng đến chừng ra Đà Nẵng thi vòng toàn quốc, đối đầu với những vận động viên lớp 9 thiệt và cả lớp 9 giả cùng đợt chạy bị ách lại đến lần xuất phát thứ năm vì nhiều đứa khác phạm qui thì con bị mất sức té xoài giữa đường chạy. Từ khán đài, mẹ chạy ra dìu con mà tịnh không thấy bất kì một săn sóc viên hay nhân viên y tế nào có mặt. Gọi điện về cho ba mà mẹ tức đến nghẹn cả cổ. Thì ra, sân chơi này không dành cho chúng ta, những người không gian lận tuổi!

Ngày đầu tiên con vào lớp 10, lúng túng ngượng ngùng với chiếc áo dài, mẹ bảo hồi mẹ lớp 6 đã phải mặc áo dài, suôn đuột trông buồn cười chết, con bây giờ đã ra dáng thiếu nữ, mặc áo dài trông xinh lắm, cứ tính là đã mấy ngày mặc rồi, thì thấy cũng bình thường thôi.

Thoắt cái, chiếc áo dài đã trở thành kỉ vật với bao nhiêu là chữ kí của các bạn trong ngày Lễ ra trường.

Rồi con vào đại học, làm cô nữ sinh viên ...

Tổng kết thời áo trắng, con tự hào vì "chẳng biết thi tuyển là gì, chỉ được tuyển thẳng thôi". 

Đọc tiếp ...