1. Cõi lạ Phạm Thiên Thư
http://nld.com.vn/199608P0C1020/coi-la-pham-thien-thu.htm
Vừa qua, Trung tâm Sách và Kỷ lục Việt Nam đã trao kỷ lục về người đầu tiên viết Từ điển cười bằng thơ cho nhà thơ Phạm Thiên Thư. Đây là cuốn sách ông viết gần một nửa cuộc đời, với 5.000 ngữ nghĩa vui để “cười mà đẩy tâm bệnh”
Phạm Thiên Thư-vị ẩn tu trong tập trường thi Động hoa vàng có khuôn mặt cười, miệng rồng, mũi lân. Ông nói cười hồn nhiên như một cọng cỏ. Nếu gặp ông giữa đường, hẳn ta sẽ nhăn trán: “Tác giả của Động hoa vàng, của Đoạn trường vô thanh?”.
Nhưng lạ thế. Ông bảo cuộc đời ông như sống một cõi nào đó, không cho bản thân ông. Tất cả đều tươi, đều sinh sôi từ tâm hồn đến ngoại hình và không quan trọng bất cứ điều gì kể cả những lúc đau khổ nhất. Chưa bao giờ ông lên kế hoạch làm việc trước, có khi chỉ sau một cơn mơ hay một điều gì thú vị, ngồi viết một mạch...
Vậy đấy. Mười bài Đạo ca mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, ông chỉ viết trong 2 ngày. Tập trường thi Động hoa vàng cũng chỉ 7 ngày liền động bút. “Quái” hơn, sau vài đêm, một bài thơ “bát quái” ông đã đọc ra được 50.000 câu...
Từ điển cười
Nhưng cuốn Từ điển cười (tên Hán tự là Tiếu liệu pháp), lại là “ngoại lệ”. Gần như, đó là sự nhặt nhạnh từ trí não những khái niệm cụ thể trong một kiểu tư duy vô thức, được diễn đạt bằng ngôn ngữ rất dân dã. Ông như người chăm chú lại giữa những lúc hồn nhiên, theo một chuỗi thời gian gần nửa đời người để tập trung được cuốn từ điển độc đáo có một không hai trong lịch sử Việt Nam này.
Mới chỉ dừng lại ở A-B-C mà đã ngót nghét nghìn trang, mỗi một khái niệm được diễn đạt bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt. Những khái niệm qua tư duy của Phạm Thiên Thư khá dí dỏm, đọc cứ phải lăn ra mà cười, có cái cười... vỡ bụng, nhưng cũng có cái cười ra nước mắt...
Cười không chỉ ở cách lý giải, mà cười ngay cả cái ngoại diễn của một khái niệm. Ví dụ, trong các kiểu chửi, ông đưa ra những loại chửi thoạt nghe đã phải tò mò: chửi quang minh chính đại, chửi... mẹ đĩ, chửi ngọng nghịu, chửi ong óng... và một kiểu chửi nữa có lẽ chỉ người Việt Nam mới có- chửi hoài niệm:
“Sư bố thằng kia lên gối bà
Nghe lời con đĩ đánh bà nha
Xưa mày bám cứng dai như đỉa
Biết thế thừa... để chó tha”.
Đọc hết cuốn từ điển, cái để cười nữa là: tác giả moi đâu ra mà lắm khái niệm thế. Cái nào cũng được lý giải một cách thấu đáo theo lối tư duy hài hước quen thuộc như những vần thơ trào phúng của văn học dân gian Việt Nam. Tính riêng các khái niệm “chửi” cũng đến con số 180, “chết” có 200 kiểu chết, “cười” có 200 kiểu cười, “chó” cũng đến hơn 60 loại và kiểu chó...
Thực ra cuốn từ điển này, ông viết ra nó, ban đầu cũng chỉ có ý định khuấy động một lối tư duy ngôn ngữ trong chính bản thân mình, cười để đẩy những tâm bệnh trong mình. Nhưng những năm gần đây, giới trẻ Việt Nam đang rơi vào tình trạng “thiếu” ngôn ngữ, không chỉ trong giao tiếp thông thường mà còn cả trong văn chương nữa, nên ông hy vọng tác phẩm của ông sẽ khuấy động một chút nhỏ thôi, ngôn ngữ trong cuộc đời...
Đâu chỉ một kỷ lục...
Một con người hồn nhiên như tiền kiếp ấy, lại là một nhà thơ với những “kỷ lục” đáng giật mình. Từ điển cười thực ra chỉ là một trong những kỷ lục của cuộc đời ông. Nếu tính sơ sơ, ông còn 4 kỷ lục nữa chưa mấy ai biết tới.
Một tác phẩm song song với Từ điển cười về thời gian sáng tác nhưng khối lượng thì đồ sộ hơn, đó là cuốn Từ điển châm ngôn. Cuốn sách sẽ ra mắt bạn đọc thời gian tới và hứa hẹn sẽ lạ nhất Việt Nam. Thế là bên cạnh nụ cười chắt lọc trong đời, nhà thơ họ Phạm dành những 50.000 khái niệm lời hay ý đẹp...
Nhà thơ 68 tuổi này đang “đội trên đầu” 20.000 câu thơ lục bát của chính mình. Có người cho rằng Nguyễn Du đã ghi vào sổ kỷ lục Việt Nam hơn 3.000 câu lục bát của Truyện Kiều, nhưng thực tế nhìn vào con số trên thì kỷ lục của cụ Nguyễn Tiên Điền đã bị... phá!
Nhắc đến cụ Nguyễn Du lại nhớ đến một... kỷ lục nữa của “hậu thế” Phạm Thiên Thư-ông là người viết tiếp hậu Truyện Kiều. Truyện Kiều của Nguyễn Du là Đoạn trường tân thanh thì phần viết tiếp của Phạm Thiên Thư là Đoạn trường vô thanh, với số lượng nhiều hơn của bậc tiền nhân 20 câu... Đây là trường hợp duy nhất của văn học Việt Nam, sau 200 năm có người mạnh dạn viết tiếp Truyện Kiều.
Và hẳn, cụ Thanh Tâm Tài Nhân khó mà trách được bậc hậu duệ của cụ Nguyễn Du nữa về vay mượn cốt truyện, khi mà nàng Kiều trong Đoạn trường vô thanh là “Việt 100%” và cái cốt truyện cũng hấp dẫn đâu có thua kém gì Kim Vân Kiều theo sự đánh giá của một số nhà phê bình văn học nổi tiếng!
Điều này, cũng có lẽ là độc nhất Việt Nam, khi 7 bộ kinh Phật giáo đã được chuyển thành thơ với một lối ngôn ngữ thuần Việt. Nội dung, đương nhiên vẫn là kinh Phật nhưng những địa danh trong kinh Phật đã được đổi thành những địa danh của Việt Nam. Phạm Thiên Thư-người chuyển đổi - chỉ có một suy nghĩ rất giản dị: Muốn người Việt thấm kinh Phật theo kiểu của người Việt. Và không riêng gì cứ phải mặc áo cà sa, những nông dân lam lũ bình dị cũng có thể có được kinh thư trong chính mình...
Mấy độ hoa vàng...
Nhà thơ Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, sinh năm 1940, trong một gia đình bố mẹ làm nghề bốc thuốc nhưng thích thơ văn. Tuổi thơ của ông khá êm đềm. Những điều đó chỉ cho ông được những tiền đề thuận lợi, nhưng để một tài thơ bật hẳn lên thì phải là từ năm 1958, sau một biến động của cuộc đời...
Chuyện là ông có nhóm bạn thơ họa Hồ Quý Ly, tụ tập đàn đúm thơ phú đêm ngày. Thấy đám văn nghệ sĩ này cứ “ương ương dở dở”, cảnh sát chế độ Sài Gòn cũ đã vây bắt. Ông phải ẩn tu vào một ngôi chùa. Đi tu, thực ra với ông không hẳn là tìm một chốn nương náu, mà ông ngộ ra một điều, ông đã tự tìm cho mình một cõi riêng, một kiểu tu hành riêng...
Ông viết Động hoa vàng những ngày đầu ngấm giáo lý nhà Phật, như đánh dấu mình vào một cõi của chính mình trong thi đàn. Dĩ nhiên, Động hoa vàng chưa hẳn là tác phẩm xuất sắc nhất trong đời viết của Phạm Thiên Thư nhưng nó đã làm nên một “thương hiệu” của Phạm Thiên Thư. Những câu thơ đẩy cái đạo đời bềnh bồng trên cõi Phật, làm hiện hữu cái cuộc đời đáng sống trên cái mênh mang bao la của phù vân hư ảo:
“Đợi nhau tàn cuộc hoa này
Đành như cánh bướm đồi Tây hững hờ
Tìm trang lệ ố hàng thơ
Chữ xưa quyên giục bây giờ chim đi...”.
Nhiều người đã hiểu sai, cho rằng Phạm Thiên Thư đi tu mà lòng vẫn hướng về cõi tục. Ông chỉ cười: “Tôi tu theo cách của mình, tu để sống cuộc đời của mình, nuôi dưỡng lối tư duy và trí tuệ của mình”. Quả thực là từ cõi Phật, ông đã làm được những điều đáng nể: thi hóa kinh Phật, sáng tác những thi phẩm hay và đẹp thuộc diện hiếm hoi trong văn học Việt Nam.
Gần đây, có người đã tìm lại được nguyên mẫu của bài thơ Ngày xưa Hoàng Thị (nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc), hiện đang sống tại Mỹ, đó là bà Hoàng Thị Ngọ. Với những thông tin cần thiết về nhân vật đó, ông khẳng định đúng là nguyên mẫu của hơn 40 năm trước.
Nhưng chỉ có điều, “nguyên mẫu” cho rằng cái anh nhà thơ năm xưa ngày nào cũng “theo Ngọ về” trên con đường bụi đỏ đã yêu cô một cách đơn phương và vì không lấy được cô để rồi phải vào chùa ẩn tu, thì đó là điều... không chính xác.
Hoàng Thị Ngọ chỉ là một nhân vật thơ, thoáng qua như một nỗi nhớ để nâng tứ thơ lên. “Tôi chưa từng mê mẩn một ai để đến mức đau khổ. Cái hay nhất của đời tôi là đã đẩy được những khổ đau khi nó ngấp nghé đến xa xa sau những bước chân mình...”. Và cái thực tế là, hình ảnh Ngọ đi qua những câu thơ pha lê ấy, chỉ để gợi lên một nỗi dâu bể của bụi bặm cuộc đời, trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt.
Với 126.000 câu thơ và nhiều công trình nghiên cứu, thi sĩ Phạm Thiên Thư đã để lại cho đời một nét duyên trong một cõi lạ của thi mệnh, độc đáo nhưng rất Việt. Một điều rất lạ, tất cả những tác phẩm ấy, ông đều viết bằng tư duy vô thức.
Hoàng Nguyên
2. Phạm Thiên Thư – Người thi hóa kinh Phật
Nhà thơ Phạm Thiên Thư xuất hiện như một đạo sĩ xuống núi, ông trở thành người rao giảng về những Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ..., ông đã thi hóa Kinh Kim Cương Bát - Nhã của Phật giáo.
Trong lịch sử văn học, những nhà thơ Phật giáo, những thiền sư Việt Nam như Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Khuông Việt, Không Lộ, Mãn Giác... đã góp phần không nhỏ làm phong phú, nâng cao giá trị cho văn học VN với những nét chấm phá ở mỗi thời điểm lịch sử tôn giáo và lịch sử dân tộc.
Bất ngờ xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng 1969 "Đoạn Trường Vô Thanh" của nhà thơ Phạm Thiên Thư với 3254 câu thơ được tác giả viết như là “hậu Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều)” của thi hào Nguyễn Du. Những năm tiếp theo, Nguyễn Du có Văn Chiêu Hồn thì Phạm Thiên Thư có Chiêu Hồn Ca. Phật giáo có Kinh Kim Cương, Kinh Hiền Ngu thì Phạm Thiên Thư cũng có Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ...
Nhà thơ họ Phạm này tuy xuất hiện khá muộn nhưng cũng đã đóng góp vào văn học khá nhiều tác phẩm, đặc biệt là những thi phẩm ở dạng khá độc đáo: thơ đạo! Một trong những tác phẩm ấy của Phạm Thiên Thư đã được giải thưởng Văn Học Toàn Quốc (miền Nam VN) vào năm 1971. Một số thơ của ông được phổ thành ca khúc đã mang lại một số đông công chúng yêu thích thơ ông: “Em lễ chùa này”, "Ngày Xưa Hoàng Thị", "Động Hoa Vàng", “Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu”....
... Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng, ngủ say...
Ừ, thì mình ngại mưa mau
Cũng đưa anh đến bên cầu, nước xuôi
Sông này chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông...
... Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan...
... Thì thôi! Tóc ấy phù vân
Thì thôi! lệ ấy còn ngần giang sương
... Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu...
(Động Hoa Vàng)
Thơ Phạm Thiên Thư cứ vấn vít nửa đời nửa đạo thật khác thường, làm cho độc giả ngẩn ngơ, bất ngờ. Nhân vật chính trong thơ là một ông sư lãng mạn như những chàng trai mới biết yêu:
...Em làm trang tôn kinh
Anh làm nhà sư buồn
Đêm đêm buồn tụng đọc
Lòng chợt nhớ vương vương
Đợi nhau từ mấy thuở
Tìm nhau cõi vô thường
Anh hóa thân làm mực
Cho vừa giấy yêu đương...
(Pháp Thân)
Tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư là những cảm xúc thánh thiện, kín đáo với một chút bẽn lẽn: yêu nhau mà không dám tay trong tay, vì sợ tình sẽ tan biến thành khói sương:
... Anh trao vội vàng
Chùm hoa mới nở
Ép vào cuối vở
Muôn thuở còn vương...
Thiền tâm biểu lộ bằng ngôn ngữ im lặng:
... Đôi mày là Phượng cất cao
đôi môi chín ửng khóe đào rừng mơ
tiếng nàng vỡ bạc thành thơ
tụng dòng Kinh tuệ trên tờ khói mây
... Dù mai lều cỏ chân trời
khói hương lò cũ khóc người trong thơ
em còn ửng má đào tơ
tóc xưa dù có bây giờ sương bay...
Đôi khi tình yêu nồng nàn đến nỗi “con vạc đậu bờ kinh” cũng ghẹo nhà sư ỡm ờ trần tục:
...Hỏi con vạc đậu bờ kinh
Cớ sao lận đận cái hình không hư
Vạc rằng: Thưa bác Thiên Thư
Mặc chi cái áo Thiền Sư ỡm ờ...
(Động Hoa Vàng)
Thế giới thi ca Phạm Thiên Thư giúp chúng ta khám phá thêm những cửa ngõ mới lạ, phong phú về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên. Sau 30.4.1975 ông còn thực hiện cuốn Kinh Hồng ca ngợi chế độ mới. Sau đó là một giai đoạn nhà thơ lui về ở ẩn. Từ năm 1976 đến 1981, Phạm thi sĩ không “lên non tìm động hoa vàng” như Nguyễn Đức Sơn mà nhà thơ mở quán hớt tóc ở Lăng Cha Cả. Từ 1981 – 1983 ông bán tạp hoá, rượu thuốc, trà đá… ở đường Lý Chính Thắng. Sau 1983 Phạm Thiên Thư nghiên cứu về PHATHATA (Pháp, Thân, Tâm). Tiếp theo đó, ông được bác sĩ – nghệ sĩ Trương Thìn, Viện trưởng Viện Y học dân tộc mời về cộng tác với Viện. Trong suốt thời gian này, Phạm Thiên Thư vẫn lai rai cho đăng báo những bài thơ ngắn. Thỉnh thoảng đôi lần văn thi hữu cũng gặp ông đến dự họp ở Hội Nhà văn TPHCM. Phạm Thiên Thư thực sự hoà nhập trở lại với văn đàn khi trường ca "Đoạn Trường Vô Thanh" của ông được tái bản một cách trang trọng!
HÀ THI
3. Phạm Thiên Thư và Ngày xưa Hoàng thị
Với nhiều người thì "Ngày xưa Hoàng thị" (kể cả thơ lẫn nhạc) từng là một tuyệt tác. Nhưng với chính nhà thơ Phạm Thiên Thư thì “đó chỉ là những kỷ niệm dĩ vãng, mối tình thoảng nhẹ vu vơ của thời trai trẻ”
Quê ông ở Kiến Xương- Thái Bình nhưng ông sinh ra ở Lạc Viên- Hải Phòng. Năm 1954, khi mới 14 tuổi, ông theo cha mẹ di cư vào miền Nam, ngụ tại căn nhà gần khu Tân Định- Sài Gòn.
“Tôi vẫn nhớ tới căn nhà những ngày ấy, đó là một căn nhà nhỏ nằm đằng sau chợ Tân Định. Cha tôi xin cho tôi học tại trường Trung học Văn Lang cách nhà chừng non một cây số. Tôi đã học hết tú tài ở đó”.
Ông nhớ lại: Cũng trong những năm học tú tài này, ông đã để ý một cô bạn học cùng lớp tên là Hoàng Thị Ngọ, cô gái đó quê gốc Hải Dương, ở gần nhà ông. Nhưng chỉ là để ý thôi chứ không dám ngỏ lời.
Hàng ngày, khi xếp hàng vào lớp, cô gái đứng ở đầu hàng bên nữ, nổi bật, mái tóc dài xoã trên bờ vai mảnh dẻ. Ông chỉ im lặng ngắm nhìn. Rồi khi tan trường, cô gái một mình trên đường về nhà, ông lại là kẻ lẽo đẽo theo sau.
"Cô ấy ôm cặp đi trước, tôi đi theo nhưng không dám lên tiếng. Trong bóng chiều tà, ánh nắng hắt qua hàng cây, cô ấy lặng lẽ bước, gây cho tôi những cảm xúc bâng khuâng khó tả. Cứ thế, tôi chỉ biết lặng lẽ đi theo sau cô ấy hàng ngày, giấu kín những cảm xúc của mình không cho bất cứ ai biết”.
Sau khi học xong tú tài, khác với nhiều người, Phạm Thiên Thư chọn cửa Phật làm chốn dừng chân. Ông theo học trường Phật học Vạn Hạnh, gửi hồn trong lời Kinh tiếng Kệ.
Thế nhưng mỗi khi đi ngang con đường một thủa, hình ảnh cô gái với mái tóc xoã ngang vai lại hiện về trong ông. Và trong một lần đắm chìm trong cảm xúc ấy, ông đã cầm bút viết lên bài thơ Ngày xưa Hoàng thị: “Em tan trường về- Đường mưa nho nhỏ - Chim non giấu mỏ - Dưới cội hoa vàng…”.
Ông tâm sự: “Đây không phải là bài thơ đầu tay của tôi. Cha tôi tuy làm nghề thuốc nhưng ông có làm thơ, tôi còn nhớ ông đã từng đạt giải Nhì về thơ do một tờ báo ở Hà Nội trao tặng.
Khi còn nhỏ tuổi tôi cũng đã làm vài bài thơ và được cha tôi khen. Nhưng tôi làm thơ chủ yếu để trải lòng mình chứ không làm thơ chuyên nghiệp.
Vì vậy mãi đến năm 1968, tôi mới tự xuất bản tập thơ đầu tiên. In ít thôi, chủ yếu để mình đọc và tặng một số bạn bè thân. Tôi chẳng muốn nhiều người biết về mình”.
“Thế khi nào mọi người mới biết tới những bài thơ của bác?”- Tôi hỏi.
Phạm Thiên Thư trả lời: “Ấy là khi chúng tôi nhờ nhạc sỹ Phạm Duy phổ nhạc 10 bài Đạo ca do tôi viết lời, Phạm Duy gặp và tình cờ đọc được tập thơ của tôi.
Tôi cũng không nghĩ nhạc sỹ lại thích bài thơ Ngày xưa Hoàng thị đến thế, ông đề nghị phổ nhạc bài thơ đó. Dĩ nhiên được một nhạc sỹ nổi tiếng như Phạm Duy để ý đến bài thơ của mình thì có gì hạnh phúc bằng.
Và tôi cũng bất ngờ nghe lại bài thơ của mình khi đã phổ nhạc. Nhạc sỹ đã tôn bài thơ lên rất nhiều qua những giai điệu nhạc bay bổng”.
Vào những năm 70, bài Ngày xưa Hoàng thị đã trở thành một hiện tượng tại miền Nam Việt Nam. Ca sỹ Thanh Thúy là người đầu tiên thể hiện bài hát này và sau đó nhiều ca sỹ khác cũng chọn bài Ngày xưa Hoàng thị để hát, tạo thành trào lưu.
Thậm chí báo chí Sài Gòn cũng vào cuộc, nêu câu hỏi “Nhân vật chính trong Ngày xưa Hoàng thị là ai?”. Một số người tự nhận mình là nhân vật của bài thơ, số khác thì phân tích bài thơ rồi cho rằng nhân vật chính trong bài thơ là cô A, cô B nào đó...
“Ngày đó báo chí cũng gặp tôi hỏi chuyện tôi nói rằng đó là cô Hoàng Thị Ngọ nhưng không biết tại sao nhiều người vẫn không tin”. Ông bảo.
Nhạc sỹ Phạm Duy còn phổ nhạc thêm một số bài thơ tình khác của ông như Đưa em tìm động hoa vàng, Gọi em là đoá tình sầu, Em lễ chùa này…
Căn nhà của ông giờ là một quán cà phê nhỏ mang tên “Hoa vàng”, có lẽ ông lấy từ bài “Đưa em tìm động hoa vàng” để đặt tên.
Quán nhỏ nhưng bài trí khá đẹp nên khá đông khách. Có lẽ ít ai vào quán lại để ý tới một ông già có dáng như một lão nông hay ngồi lặng lẽ trong góc nhà lại chính là nhà thơ Phạm Thiên Thư.
Ông cười: “Thì tôi đâu dám nhận mình là nhà thơ”. Biết chúng tôi đang tìm hiểu về bài Ngày xưa Hoàng thị, cô con gái của ông tinh ý mở lại bản nhạc. Giọng ca của Thanh Thúy cất lên: “Em tan trường về- Đường mưa nho nhỏ…”
Ông buông bút, nhắm mắt. Có lẽ ông đang hồi tưởng về những ngày xa xưa, những ngày trên con đường trải nắng vàng, một chàng trai trẻ lẽo đẽo theo chân cô gái tên Ngọ có mái tóc dài xoã ngang vai… để rồi làm nên những vần thơ lung linh và xót xa đến thế.
Trọng Thịnh
4. Phạm Thiên Thư, vị tu sĩ lãng mạn
http://www.sachhay.com/new/20080711965/nha-tho-pham-thien-thu-vi-tu-si-lang-man.aspx
Nhạc sĩ Phạm Duy có tài phổ nhiều bài thơ thành những tình ca nổi tiếng. Nhưng cũng phải nói ngược lại, nhiều nhà thơ đã có những câu thơ gợi được cảm hứng cho nhạc sĩ, không ít câu ám ảnh người nghe nhiều năm không dứt, trong số này có Phạm Thiên Thư. Điều thú vị ở chỗ Phạm Thiên Thư vốn là một tu sĩ, nhưng như cách gọi của nhiều người: vị tu sĩ lãng mạn.
Tình yêu như duyên cớ
Trong bài hát Ngày xưa Hoàng Thị có những câu: “Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ... anh theo Ngọ về”. Tại sao bài thơ lại có họ và chữ lót của một người con gái? Thì như nhà thơ Phạm Thiên Thư tiết lộ: tên họ đầy đủ của nhân vật là Hoàng Thị Ngọ nên trong bài thơ mới có câu “anh theo Ngọ về”. Nhiều người hiểu lầm “ngọ” là buổi trưa cũng là giờ “em tan trường về”. Bà Hoàng Thị Ngọ hiện sống ở Mỹ, là nguyên mẫu trữ tình của hơn 40 năm trước để Phạm Thiên Thư sáng tác nên bài thơ này. Thế nhưng không như nội dung bài thơ miêu tả một chuyện tình đắm đuối, tất cả với nhà thơ Phạm Thiên Thư, hình ảnh nhân vật nguyên mẫu chỉ thoáng qua như sương khói và là duyên cớ để trái tim nhạy cảm của ông cất nên thành lời. Ông bảo: “Tôi thấu hiểu giáo lý nhà Phật và mỗi ngày tu tập đều đặn thì không thể có chuyện lụy ái tình đến mức đau khổ. Nhưng nhà thơ thì phải sáng tác và trong sáng tác cần tưởng tượng và hư cấu chứ không thể chỉ bê nguyên hiện thực vào thơ". Với ông, những sự “hiểu lầm” của độc giả giống như sáng tác thêm cho bài thơ sinh động, nhân vật Hoàng Thị có thể là bất kỳ cô gái nào nhận thấy mình trong đó và Ngọ không nhất thiết là tên riêng tùy theo cách cảm của từng người đọc.
Như đã nói, tình yêu chỉ là duyên cớ để trái tim nhà thơ rung lên những nhịp đập thành tác phẩm. Trong đêm nhạc Phạm Duy - Con đường tình ta đi vừa qua, lần đầu tiên bài hát Em lễ chùa này được biểu diễn sau nhiều năm vắng bóng. Ca khúc được Phạm Duy phổ nhạc từ bài thơ Thoáng hương qua của Phạm Thiên Thư. Đây cũng là một tác phẩm thơ - nhạc về chuyện tình yêu đôi lứa. Nhà thơ Phạm Thiên Thư kể: “Tôi sáng tác bài này khi đang là một tu sĩ Phật giáo chứng kiến tình yêu của một chú tiểu dành cho một Phật tử viếng chùa. Tôi nhớ chú tiểu năm đó khoảng 16 tuổi và nữ Phật tử kia cũng chừng tuổi đó. Do loạn lạc chiến chinh, người nữ kia chết và được gia đình mang vào vườn chùa an táng. Tôi chứng kiến, xúc động và sáng tác nên bài thơ mà sau này anh Phạm Duy phổ nhạc: “...Vườn chùa đây - vào nằm trong đất/ Nép bên hoa - ôi những hoa vàng/ Vườn đào tơ chập chờn cánh bướm/ Bướm khua râu - ngơ ngác bay ngang/ Mộ của em - mộ vừa mới lấp/ Có con chim - nào hót trên cây/ Lời của chim - chìm vào tiếng suối/ Suối xanh lơ - buồn khóc ai hoài”.
Tu trong chùa và tu trong đời
Nhà thơ Phạm Thiên Thư chính thức “phủi tóc” vào chùa từ năm 1964 đến năm 1973 với pháp danh Thích Tuệ Không. Ông sinh năm 1940 trong một gia đình hành nghề Đông y tại huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình, sau di cư vào Nam. Nhà thơ chân thành tiết lộ việc xuống tóc vào chùa của ông là nhờ duyên với đạo Phật. Nhờ ở chùa, ông được tiếp xúc sâu sắc với giáo lý nhà Phật. Và cũng nhờ ở chùa, ông đã không phải cầm súng bắn vào đồng bào mình do việc bắt lính gắt gao của chế độ Sài Gòn.
Năm 1973, nhà thơ Phạm Thiên Thư hoàn tục. Dân gian ta có câu: Thứ nhất là tu tại gia/ Thứ nhì tu chợ thứ ba tu chùa. Hoàn tục để tiếp tục tu tại gia, ông vẫn là một tu sĩ ngay chính trong ngôi nhà của mình. Nhưng đã mang cái nghiệp thơ ca, Phạm Thiên Thư không chỉ là một tu sĩ đơn thuần. Trong người ông chia ra hai thái cực nhưng lại hòa quyện vào nhau: tu sĩ - thi sĩ mà nhiều người gọi vui thành “vị tu sĩ lãng mạn”. Và thực sự những gì nhà thơ đã sống, đã làm đúng như cách gọi của nhiều người. Ông đã “lãng mạn hóa” những tư tưởng nhà Phật thành thơ ca. Đến nay Phạm Thiên Thư đã chuyển các bộ kinh Phật thành thơ như: Kinh hiếu, Kinh ngọc - Qua suối mây hồng (Kinh Kim Cương), Hội hoa đàm (Kinh Hiền Ngu), Suối nguồn vi diệu (Kinh Pháp cú)... đã được nhà sách Cảo Thơm (Đà Nẵng) phối hợp với NXB Văn nghệ tái bản sau hơn 30 năm. Trong số những tác phẩm của Phạm Thiên Thư khởi nguồn từ kinh Phật có 10 bài Đạo ca được Phạm Duy phổ nhạc. Nhà thơ cho biết: 10 bài Đạo ca này ông viết trong 2 ngày và dường như tất cả các tác phẩm ông viết rất nhanh. Còn khi không viết gì thì ông nhà thơ nhẩn nhơ, ngơ ngác, hồn nhiên giữa hai cõi đạo và đời của riêng mình.
Những kỷ lục…
Ngày 15/8/2007, Trung tâm sách Kỷ lục VN công nhận ông Phạm Thiên Thư là người VN đầu tiên sáng tác Từ điển cười bằng thơ. Tác phẩm Từ điển cười bằng thơ này của Phạm Thiên Thư có hơn 5.000 “lý do” để cười, cười để vui sống và đẩy tâm bệnh. Song song với Từ điển cười, nhà thơ cũng biên soạn, sáng tác quyển Từ điển châm ngôn với hơn 50.000 lời hay ý đẹp. Ông cũng là “hậu thế” đầu tiên dám viết tiếp Truyện Kiều của Nguyễn Du với tác phẩm Hậu Kiều - Đoạn trường vô thanh. Tác phẩm “hậu Kiều” của thi sĩ họ Phạm với số câu lục bát còn dài hơn của cụ Tiên Điền, đã được giải Nhất Văn học (miền Nam) vào năm 1973. Tác phẩm “hậu Kiều” của Phạm Thiên Thư được đánh giá là “Kiều VN 100%”. Ông tả nhân vật Từ Hải: “Những khi cờ cuộn mây vương/Thành cao ném một ngọn thương san bằng” hay “Trơ trơ lưng thẳng nghênh đầu/ Rằng tà chính để mai sau hẳn bàn”.
Nhà thơ Phạm Thiên Thư có một kỷ lục của riêng đời ông mà ông gìn giữ được đến tận hôm nay, đó là ít vướng mùi tục lụy. Sở dĩ ông giữ gìn được như vậy vì ông là người biết cười và thích cười. Trước khi hoàn tục để tu tại gia, nhà thơ “tự cười” chính mình: “...Hỏi con vạc đậu bờ kinh/ Cớ sao lận đận cái hình không hư/ Vạc rằng: thưa bác Thiên Thư/ Mặc chi cái áo Thiền sư ỡm ờ...” (Động hoa vàng).
Trần Hoàng Nhân
http://www.giacngo.vn/vanhoc/2010/03/18/72E410/
Tự bao giờ, quán cà phê Hoa Vàng trên đường Hồng Lĩnh (Q.10) đã trở thành địa chỉ quen thuộc với những người yêu thơ nhạc. Mọi người đến đây không chỉ thưởng thức ly cà phê với không gian "ngàn sao" mà thi thoảng nghe một lão thi sĩ kể chuyện bằng thơ. Lão thi sĩ ấy chính là Phạm Thiên Thư – tác giả của những bài thơ lục bát mềm mại đã được các nhạc sĩ trứ danh phổ nhạc: Động hoa vàng, Ngày xưa Hoàng Thị, (Phạm Duy phổ nhạc), rồi 10 bài Đạo ca, Kinh Hiền Ngu (Thi hóa kinh Phật theo thể thơ lục bát dài nhất Việt Nam, xác lập kỷ lục), Những lời Thược dược, Tự điển cười, Đoạn trường vô thanh (Hậu Kiều).
Gần đây, ông còn xuất thêm "chiêu" mới, đó là hát ru qua những câu thơ lục bát viết về lịch sử Việt Nam. Với 3.320 câu lục bát hát ru sử Việt của thi sĩ Phạm Thiên Thư - người con Thái Bình vọng hướng về Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội như thể kể chuyện lịch sử bằng câu hát, lời ru cất lên tự đáy lòng, tự trái tim người Việt Nam, thấm đẫm nghĩa tình. Qua từng câu thơ lục bát trong Hát ru Việt sử thi, thi sĩ họ Phạm gởi gắm tâm tình "Việt sử thi là sự sống con người, Đời này đời nọ qua siêu thức hát ru, từ tình cảm gia đình dân tộc, bà mẹ, chị em, con cháu…".
Những lời ru ngọt ngào, từng vầng thơ như hòa quyện vào không gian bao la, phảng phất như gió thoảng bay qua cánh đồng ca dao bất diệt của ngàn đời dân tộc Việt. Tầng tầng lớp lớp những bài hát ru nối tiếp nhau xuyên suốt trường kỳ lịch sử dân tộc từ thuở sương mù hình thành và quá trình dựng nước, giữ nước, phát triển đất nước của cha ông ta xưa:
Lạc Long Quân vốn dòng Rồng.
Lấy Âu Cơ đẻ trăm dòng từ đây.
Nửa theo mẹ tới non mây.
Nửa theo cha xuống sum vầy biển vang.
Con trưởng làm vua Văn Lang.
Là Hùng Vương giữ ngai vàng truyền lưu.
Vào thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất (năm 111 trước Tây lịch đến năm 39 sau Tây lịch), nhà Hán sai sứ thần Tích Quang - Nhâm Diên sang nước ta truyền bá đạo Nho, trước tình trạng ngoại xâm văn hóa, ông cha ta lúc bấy giờ đã lấy Phật giáo làm chính đạo:
Thế nên trí thức Văn Lang.
Dễ theo Phật giáo - Ấn đang truyền vào.
Đạo theo những cánh buồm cao.
Du Tăng Đông Độ ghé vào Giao Châu.
Tạo nên nề nếp ban đầu.
Càng yêu dân tộc - càng sâu sức Thiền.
Phạm Thiên Thư đã khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc về ý chí quật cường, sẵn sàng hy sinh xương máu để giành độc lập tự do cho dân tộc:
Thà chết - cho sử thêm son.
Hơn sống nô lệ cúi lòn ngoại bang.
Hay:
Mình voi hai vị nữ lang.
Uy nghi giáp bạc, giáp vàng như hoa.
Dao gươm nhật nguyệt chói lòa.
Điều quân toàn tướng đàn bà ngựa dong
(Hát ru về Trưng Vương)
Hy sinh vì nước vì non.
Kể chi già trẻ, sống còn phải toan.
Hội cờ họp bến Bình Than.
Trái cam bóp nát - can tràng tuổi thơ
(Hát ru quân sử).
Tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam được đánh dấu trong thời kỳ lịch sử khi đất nước đang gặp lâm nguy nạn thù trong giặc ngoài. Tinh thần nhập thế giúp dân giúp nước cứu đời của Phật giáo được thể hiện qua khúc hát ru về Thiền sư Vạn Hạnh:
Ngày xưa có một cảnh chùa.
Có thầy Vạn Hạnh già nua bạc đầu.
Thầy trầm tư lẽ nhiệm mầu.
Làm sao hiện hóa Giao Châu diệu huyền.
Giúp sao cho vạn đời lên.
Cho nhân sinh hóa uyên tuyền một phương.
Tìm trong kinh sử cho tường.
Tìm trong thiền đạo con đường hội thông.
Chăm lo dạy dỗ tiểu đồng.
Lòng thầy như ngọn lửa hồng sáng soi.
Tre già cho lớp măng coi.
Dạy người để cứu giống nòi lầm than.
Dạy con nuôi Lý Khánh Vân.
Là Lý Công Uẩn tinh thần sáng cao.
Rõ ràng một bậc anh hào.
Thầy đem nhật nguyệt gửi vào tuổi thơ.
Truyền võ nghệ, giảng binh thơ.
Thiền tâm, học thuật mong chờ rồng bay.
Biết bao tâm huyết đêm ngày.
Con đường Vạn Hạnh trao tay một người.
À ơi! Đi kiếm cả đời.
Mong sao gặp được như người mà trao.
Có thể nói, Hát ru Việt sử thi đưa người đọc về với từng bước chân của cha ông trong quá trình làm nên lịch sử hào hùng, tạo dựng truyền thống văn hóa sáng ngời chủ nghĩa nhân văn sâu sắc. Qua đó, Phạm Thiên Thư còn phơi diễn những kiến giải của riêng mình. Ông tâm sự: "Hát ru Việt sử thi là tác phẩm thi hóa dài hơn 3.000 câu mà tôi đã thai nghén và phác thảo từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước".
Bên cạnh những câu thơ có tính chất diễn nôm lịch sử nhắc nhớ lại lịch sử nước nhà, tác phẩm Hát ru Việt sử thi đã thi hóa lịch sử Việt, dễ dàng đi vào lòng người:
À ơi! cho cháu lời ru.
Cất từ cái thuở sương mù cha ông.
Chim Hồng chim Lạc qua song.
Bay qua Việt sử từng dòng là thơ.
Đêm đêm nhịp võng trăng mờ.
Trăng soi câu hát ru hờ con tim.
Tay bà hóa cánh chim lên.
Nhẹ đưa nhịp võng ru - thuyền tương lai.
Lòng bà thành chiếc võng đay.
Hồn quê thơm điệu ru này, à ơi!
Mai sau khôn lớn làm người.
Đi lên chân bước tuyệt vời mênh mông!