“Nha Trang là miền quê hương cát trắng…” Câu hát ấy tôi nghe và nhập tâm từ hồi nhỏ xíu. Miền Tây quê tôi chỉ có phù sa vàng nâu mịn màng óng mượt, làm sao mà biết cát ngoài đó trắng đến như thế nào, chắc nó như cát xây nhà nhưng trắng như đường cát trắng? Câu hỏi cứ lửng lơ trong trí cô gái nhỏ tò mò là tôi hồi đó, cứ dậy lên thắc mắc mỗi khi nghe giọng Hà Thanh cất lên “Nha Trang…” Bạn Văn Khoa của tôi người Nha Trang lại tên Trang – Mân Đoàn Trang, hay chưa? Thực ra là Đoan Trang, chỉ là cô bạn không thích nên đã tỉ mẩn dùng kim châm rồi bôi mực đen thành dấu huyền vào giấy căn cước! Và rồi thú vị hơn là chúng tôi lại trọ chung nhà, không tài nào nhớ nổi vì sao.
Đọc tiếp ...
Thời gian đầu, chúng tôi vẫn hay trêu nhau bằng cách nhại giọng nói của nhau rồi phá ra cười giòn giã. Phòng trọ chúng tôi thuê vốn là căn nhà kho tít mé sau của nhà Giáo sư Vũ Lai Chương ở đường Phan Thanh Giản gần chợ Vườn Chuối, mặt tiền nhà cũng cho thuê, một hiệu may khá nổi tiếng thời ấy: Phong Dung Couture. Chúng tôi gọi đó là cái U tì cốc. Nó nhỏ xíu, kê được cái giường đôi, cái tủ quần áo và cái bàn xếp loại ở các quán ăn. Bếp dầu nấu ăn phải để dưới gầm giường, khi nấu lại lôi ra để trước cửa. Hồi ấy, tôi siêng đến trường nhưng lười lên giảng đường, Trang vẫn hay hù tôi coi chừng cuối năm thi rớt. Thì vốn tôi hay la cà chỗ mấy anh chị Ban Đại diện Sinh viên, chẳng gì cũng được bầu làm Đại diện Năm thứ nhất Ban Việt Hán mà lị. Tôi tham gia in roneo tài liệu học, đi nhà xuất bản mua sách về cho các bạn, rồi chui xuống Hội Quán Văn Khoa bán café với mấy chị ở Hội Nữ Sinh viên. Đoàn Trang thì khác, cô bạn tài hoa hát hay, học giỏi mà vẽ đẹp nữa, mấy lần vẽ bìa tuyển tập Hát cho đồng bào tôi nghe của Phong trào sinh viên tranh đấu.
Có dạo, chúng tôi rủ nhau đi học Dịch lí, đâu cũng hơn tháng, rồi về cứ hay thực hành, tính giờ, bấm quẻ, tán quẻ, vậy mà cũng có lần tìm được tiền bị mất, thực ra là để quên dưới chiếu, vui ghê.
Cái U tì cốc của ba chúng tôi lúc nào cũng rộn rã tiếng cười, giàu niềm vui mà nghèo tiền xu. Cái thùng các tông tôi khoét cửa tròn, treo lên tường làm tủ đựng thức ăn chỉ lèo tèo keo chao, lọ muối mè, thật tương xứng với đôi câu phú Hàn nho phong vị của cụ Nguyễn Công Trứ dán phía trước : “Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no; Đêm năm canh an giấc ngáy o o, đời thái bình cửa thường thường bỏ ngỏ”. Nhất là cuối tháng, nhà chưa gửi tiền thì ba đứa chỉ ăn hai trứng vịt kho nước mắm với tô su luộc hoặc hai con cá bạc má chiên với đĩa rau to tướng. Còn đầu tháng, chúng tôi cũng tự thưởng cho mình những bữa cơm “thịnh soạn” có thịt bò xào hay món gì đó bảnh bảnh, sáng còn ăn bánh mì thịt hay bún mọc ở chợ Vườn Chuối và chiều có khi là chuối xào hay chè bắp của bà bán hàng bên kia đường.
Hồi ấy, ba Tân Minh (anh Cả của Đoàn Trang) có hiệu đàn Nhạc Thanh rất to ở đầu đường Trưng Nữ Vương, Nha Trang. Ông hay bay vào Sài Gòn lấy hàng và ở khách sạn ngoài Passage Eden bên hông chợ Bến Thành. Ông có vẻ nghiêm và xa xa thế nào ấy, tôi nhớ, mình gọi ông bằng bác. Ra Nha Trang, tất nhiên là tôi gọi ba má Trang bằng bác, lúc ông đến chơi, tôi lại lí nhí chào bác! Không lẽ tôi lại chào anh?
Nhiều lắm những kỉ niệm với Nha Trang, với nhà họ Mân. Thùy Trang và Đoàn Trang lớn hơn tôi, nhưng học cùng nên cậu em trai tên Đồng bằng tuổi lại gọi tôi bằng chị, mãi lâu về sau tôi mới biết, chứ hồi ấy cứ chị chị em em suốt, ra vẻ lắm. Du và Đoan Hạnh là hai em nhỏ nhất nhưng cũng nghệ sĩ nhất nhà, nhìn hai anh em ôm đàn hát với nhau nghe mà thích. Hình như hồi ấy – năm 72, Hạnh mới học lớp 10 thì phải, cô bé có gương mặt hay lắm. Còn chị Dưỡng thì quá đẹp, nói như giờ thì chị ấy đẹp như người mẫu ấy. Tôi thích nhìn chị ngồi chải tóc, trông điệu đàng quí phái lắm, hơn cả Hồ Ngọc Hà giới thiệu Sunsilk mấy lần! Rồi chiều chiều, ngồi tán gẫu với hai bác ngoài hiên, thấy thân tình và ấm áp chi lạ. Tôi chợt ước ao mình có được chỉ một ngày như vậy với ba mẹ mình. Giờ đôi khi nhớ lại, vẫn còn như in trong trí ngôi nhà số 52 Khu Máy nước, con đường đi vào râm mát bóng cây, giếng nước mát lạnh, mảnh sân trước nhà nhiều hoa cỏ, hai cây cau kiểng đứng sóng đôi rất đẹp, Trang chỉ cho tôi nếp gấp của tàu lá có dạng như gương mặt người và thì thầm kể chuyện anh chàng láng giềng nào đó… Hàng hiên rộng với giàn cát đằng hoa tím buông dài, mỗi sáng thả rơi bao nhiêu là cánh hoa còn đọng sương đêm… Chợ Đầm hồi đó đang xây, tôi vẫn còn nhớ ngôi chợ tạm ở sân bóng đá, nơi tôi và cô bạn cùng đi đã lần đầu tiên tèm lem nước mắt nước mũi vì món bún bò Huế khiến Trang không dè dân miền Tây lại nhát ớt cay đến vậy; Hải Học Viện một chiều đẹp trời, nơi tôi tình cờ gặp lại anh chàng sĩ quan Hải quân điển trai quen qua người bạn cũ, và lần gặp ngẫu nhiên đó khiến anh chàng sau này trở thành em rể họ của tôi – chồng cô bạn đi cùng; Lối dốc xuống Cầu Đá, nơi bọn tôi mắt tròn mắt dẹt mê mẩn mấy đồ lưu niệm bằng vỏ sò, kì cạch mang về đến Bến Tre chỉ còn những mảnh vỡ! Linh Sơn Tự với mấy tấm hình chụp bên đôi rồng ở bậc thang lối lên chùa, với bữa cơm chay lạ miệng, với câu chuyện về vị sư thầy đẹp trai theo chân chúng tôi trên đường về; mấy đêm ngồi đón gió biển ở quán café của nhà Tân Minh bên đường Trần Phú, lại nghe Du ôm đàn hát “Nha Trang là miền quê hương cát trắng…”
Có một điều đặc biệt khiến tôi để ý khi mới đến nhà Trang: những khung cửa gió luôn bị bịt kín, nhất là trong mấy phòng ngủ! Ra là cả nhà Trang rất sợ giống thằn lằn máu lạnh ấy. Một buổi chiều chập choạng, Đoan Hạnh ra đầu ngõ mua mì tôm, thoáng chốc đã thấy hớt hãi chạy về, mặt xanh mét kể chuyện bọn trẻ bắt thằn lằn nhát. Và vẫn không quên chuyện tôi đã làm Đồng nhảy phóc một cái từ trên giường ra tới giữa sân hốt hoảng vì sợi dây thun vuột tay bắn lên trần nhà rồi rơi vào ngay cổ áo cậu chàng lúc cả bọn đang ngồi nói dóc với nhau nhân dịp Đồng vào Sài Gòn chơi. Thằn lằn! Đồng chỉ có thể hét lên như vậy. Rồi Đoàn Trang và Tân Minh cũng phóng theo ra sân, mặc cho tôi vẫn cứ ngồi lại trên giường mà không nín được cười để trấn an họ.
Một tuần lễ ở nhà Trang với những cô gái tài hoa, những chàng trai nghệ sĩ, tôi biết Nha Trang sẽ là một góc bền lâu trong tim mình. Rồi chia xa, tôi về quê đi dạy, Đoàn Trang cũng thế, một ngôi trường nhỏ nào đó ở miền Đông, thưa dần liên lạc rồi bặt hẵn. Mãi lâu lắm sau 75, trong một dịp tình cờ tôi gặp lại Tân Minh, mới hay “cô Tám Tàng” của chúng tôi đã không còn nữa, căn bệnh tim quái ác đã đem Đoàn Trang xa mãi chúng tôi.
Những năm học lại chương trình Đại học, thi thoảng tôi vẫn thầm nghĩ là mình đang trả món nợ với bạn đây. Trang mà biết tôi xong Cử nhân Văn chương, cô bạn siêng học ngày xưa hẵn vui lắm. 1987, đến Nha Trang lần hai, bạn cũ không gặp, hỏi không ai biết nhà ông Quản Hân ở Khu Máy nước. Biển Nha Trang vẫn đẹp trong mắt nhìn. “Nhân diện bất tri hà xứ khứ…” Đoàn Trang của mình đã mang trái tim mong manh đi xa mãi rồi… Năm 92, trên đường đưa con gái dự Hội Khỏe Phù Đổng ở Đà Nẵng, đêm dừng chân xứ biển quen, con trai nhỏ trong cơn sốt hỗn khiến tôi quên mất mình đang ở Nha Trang! Sáng ra vội vã lên đường, qua Ninh Hòa, Đèo Cả, thấy trống trải trong lòng…
1998, mấy ngày tham dự Hội nghị Văn Toàn quốc, hỏi chuyện một anh cán bộ phòng Phổ Thông Sở Giáo Dục Khánh Hòa, ra là học trò cũ của Thùy Trang ở Trường Lý Tự Trọng, tôi kịp đến nhà Thùy Trang, thắp cho “Cô Tám Tàng” một nén nhang và nghe những điều mình còn chưa biết về cô bạn Văn Khoa ngày xưa… Hơn mười năm nay, vẫn chưa làm sao ghé lại Nha Trang thêm một lần, Thùy Trang vẫn chu đáo mỗi năm gửi thiệp Tết về tận miền Tây cho tôi mà tôi thì năm thưở mười thì mới gửi lại đôi lần. Rồi chẳng hiểu sao tôi lại làm lạc mất số điện thoại. Cố tự bào chữa rằng không có tin ấy là tin vui.Con người ta dễ tha thứ cho bản thân mình nhỉ?
Và phải chăng, mối hạnh duyên vẫn còn ưu ái cho tôi gặp bạn Nha Trang trên thế giới ảo? Này là Hà, là Yến, hai bạn Nha Trang tôi quen đầu tiên, hai người phụ nữ mà ngay lần đầu gặp mặt tôi thấy như đã thân thiết từ lâu; là Thủy Tiên – cô bạn có “Nụ cười doanh nhân” cực kì quyến rũ mà tình cờ trong một lần lang thang blog, tôi đọc entry rất dễ thương về ngày Sinh nhật con trai; là Hoàng Guitar, bạn blog tài hoa lãng tử, cùng tuổi mà tôi có lần suýt gọi bằng anh, hóa ra mình lớn hơn mấy tháng! Là NgườiPhốBiểnBốngnhỏ, cô bạn mà Gió nói rất đúng: một tính cách hào sảng mà ân cần, rất sôi nổi mà cũng thâm trầm sâu sắc; rồi Kim Hoàn – Mười Dư - bạn nối khố của Đoan Hạnh; rồi Trang - cô cháu tài hoa của Bống, cô bạn blog với “nhân diện đào hoa tương ánh hồng”
… Tôi biết rồi, Nha Trang với bao nhiêu là tình thân từ thuở xa thật là xưa kéo dài mãi đến hôm nay sẽ thêm bền chặt lâu dài, lâu dài…