Thứ Tư, 11 tháng 6, 2008

June 10, 2008 Mồng 7 tháng 5 âm lịch GIỖ CHỊ

Chị,

Vậy là giỗ thứ 14 của chị rồi. Thời gian trôi nhanh quá.

Nhớ những ngày cuối trong bệnh viện, chị mệt, bảo với Út Thảo "Mệt quá, không muốn thở nữa".

Tình hình xấu đi rất nhanh. Bác sĩ trưởng khoa bảo " Nói với bà mẹ đừng buồn. Suy tim bẩm sinh như chiếc xe tuột dốc, không thể hồi phục, huống chi thể trạng của bệnh nhân kém quá. Nhưng bà mẹ phải vui vì đây cũng là trường hợp hiếm hoi. Người mang bệnh này khó qua được tuổi hai mươi, bệnh nhân 46 tuổi là công chăm sóc của bà mẹ lớn lắm" Nhưng ai lại nỡ nói câu ấy với bà mẹ?

Trên chuyến xe về lại nhà, ôm chị trong tay mà cảm nhận được những nhịp đập của tim đã loạn, thoắt có thoắt không. Và rồi nhịp cuối cùng thoảng như chưa hề có.

Ẵm chị trên tay và khẻ bảo "Về nhà mình rồi đó Hai". Bà mẹ lúi húi lấy quần áo chị xếp vào tủ. Phải báo tin cách nào đây? "Khoan hãy xếp, cho con miếng nước để chị uống. Man ngồi đây với chị chút nghe" và như một bức tượng, mẹ cứ nắm tay, vuốt ve, sửa lại quần áo chị, câm nín mãi cho đến khi dì, cậu và các em đến.

Út Thảo và hai cháu về đến nhà khi việc tẩn liệm đã xong. Hụt hẫng, tức tửi và ngơ ngác.

Và mãi đến năm sau, em gái từ bên kia bờ đại dương mới về thăm mộ chị. Thẩn thờ "Thôi cũng yên phận chị"

Mãi cho đến bây giờ, không ai nhìn thấy chị trong mơ trừ em. Có khi biết chị đã mất, có khi như sống lại cảnh ngày xưa, nhiều lắm, rõ như in.

Ngày xưa, chị thích nhạc Trần Thiện Thanh, em cằn nhằn bảo chị sao mà sến thế. Sau 75, chị đã lụi hụi đem mớ nhạc đi chôn sau vườn. Chị thầm yêu một người mà em cực lực phản đối. Chị ghét bông giấy thậm tệ "Cái loài hữu sắc vô hương". Chị chăm chút tỉ mẩn vuốt ve nhừng tờ tiền cũ mới, gói mấy lớp giấy, cất trong áo gối, và sẵn lòng hào phóng lì xì cho hai cháu mỗi bận Tết và bất kì lần nào về thăm. Chị cất kĩ quần áo mới khiến mọi người bực mình. Chị ngồi đưa võng cho thằng cháu mới tám tháng, cánh tay gầy guộc không níu nổi đà đưa . . .

Bây giờ, chị vẫn mãi nụ cười rất đỗi điệu đàng trong tấm ảnh trên bàn thờ.

Bây giờ, chị chỉ còn trong những câu chuyện bắt đầu bằng "Hồi đó...".

Bây giờ, chị mãi vẫn là nỗi khắc khoải trong em.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét