*Viết nhân câu hỏi của Gióheomay
Bạn blog là cô giáo, hỏi gần khai giảng rồi, có nhớ trường, nhớ học trò không?
Cũng lạ, ba mươi lăm năm đi dạy, mỗi khi năm học mới sắp bắt đầu, lại chỉ thấy nhớ hoài năm học Đệ Tam xưa.
Tháng 9 - 1966, tôi vào Đệ Tam B, lớp 10 ban Toán theo cách gọi bây giờ.
Trường huyện nhỏ xíu, đệ nhị cấp (cấp 3) cũng chỉ có bốn lớp: hai lớp đệ nhị A, B và hai lớp đệ tam A, B. Con gái và con trai học chung chứ không như hồi đệ nhất cấp.
Đệ Tam B chỉ hai chục đứa mà có tới bốn cặp anh em, chị em họ học chung: tôi với Tòng con dì Sáu, Thủy và Long chuột (gọi vậy bởi nó nhỏ con và lớp có hai Long, Long kia là Long mắt kiếng), hai anh em Thổ và Bé (ông chủ nhà tôi bây giờ), hai anh em Lâm và Thỉnh.
Người lớn rồi, không có chuyện dành chỗ như hồi đệ nhất cấp. Ngày đầu tiên xếp hàng vô lớp, con gái đứng trước, nghe sau lưng nóng rãy như lửa, vừa vào đã quẹo vô dãy bàn ngay cửa, con trai ngồi hai dãy trong. Mắc cỡ mà, không dám đi xa hơn, chứ ngồi dãy trong cạnh cửa sổ nhìn ra sông vừa thích vừa mát mà nhìn lên bảng lại không bị chói.
Phát hiện lớn nhất làm rúng rính là "cái thằng mặt thấy ghét" cũng học chung một lớp, "nó" tên là Bé! Từ hồi năm ngoái, cứ mỗi lần cắp cặp đi tới ngã ba đường quẹo vô trường là thấy "nó" từ trên đầu cầu sắt lớn đi xuống, lúc nào cũng vậy, đầu tóc còn ướt rượt, chắc là mới tắm! Áo trắng cũ, mà hình như chưa thấy mặc áo mới bao giờ, cao lêu nghêu, quần tây xanh ngắn ngủn trên mắt cá, giống như mặc khính, còn cái mặt thì vác hất lên trời, ngó thẳng và bước. Ngày nào cũng vậy, dòm thấy mắc ghét! Ai dè, học giỏi hết biết luôn. Mấy bài toán khó thiệt khó, cả lớp nhằn không ra, "nó" giải cái một, chỉ mỗi tật viết bảng đậm lè, gảy phấn liên tục, đứa nào lên bảng sau là bôi cực luôn.
Bọn con gái chỉ có 8 đứa : bộ ba thứ nhất là Tuyết Hồng, Lệ Dung và tôi, bộ ba thứ hai là Hoa Thủy Chung, Thủy hãnh diện với việc ghép tên ba đứa, có điều bộ ba đó không thân nhau. Mà thân sao được, lúc nào Thủy cũng ra bộ ta đây con nhà khuê các, kín cổng cao tường, trong khi Hoa phụ mẹ bán bánh mì ở chợ còn Chung thì ba má có chiếc đò chạy tuyến Trà Vinh - Bến Tre. Hai đứa con gái còn lại là Chi Trần, gọi vậy để phân biệt với nhỏ kia là Chi Võ học chung mấy lớp dưới. Năm nay, Chi Võ học lớp A, nhưng quen miệng vẫn kêu Chi Trần. Chi Trần lớn hơn ba tuổi, nhưng dấu biệt, chắc là mắc cỡ. Má Chi Trần khéo lắm, nướng bánh bán ở chợ nuôi ba đứa con, anh Há con trai lớn là lứa học trò đầu tiên của trường Trung học Mỏ Cày, Lý là út, nhỏ hơn, học sau tôi một lớp. Căn nhà lá nhỏ nhưng sạch sẽ gọn gàng là nơi tôi lui tới thường xuyên học làm bánh. Thích nhất là cầm cái khuôn nhúng vô thau bột rồi ngâm vào chảo dầu đang sôi, cái bánh bùng sôi lên rồi rời khuôn, nổi lăn tăn vàng dần trong chảo, đẹp như bông hướng dương. Rồi quấn bánh kẹp, làm bánh quai vạc. Có khi rủ nhau qua lội đùng đùng bên hồ nhà Bùi Mỹ lớp A, cái hồ rộng mênh mông với mấy bụi bông súng Đà Lạt, bông nở to bằng cái dĩa bàn. Năm ngoái, đi đám cưới con gái Xiêm, gặp Thủy, nói Chi Trần bây giờ giàu lắm, chủ nhà sách to nhất Tp Biên Hòa, đối diện trường Cấp 3 Ngô Quyền. Mừng cho bạn. Không biết bà má có còn không để hưởng nhàn, bù lại những ngày gian khổ xưa.
Nhỏ con gái cuối cùng là Chuộng, nhà có lò bánh tráng. Mỗi năm gần Tết, nhà tráng bánh thuê, thường rủ bạn xuống chơi, ăn bánh vừa bóc từ nồi hấp ra, nghi ngút khói và béo ngậy. Có bữa, má Chuộng còn nạo dừa mặt và làm cho một chén nước mắm ớt chua ngọt, ba bốn đứa xúm xít bên lò, vừa ăn vừa hít hà và quệt mồ hôi.
Riêng bộ ba của tôi, Lệ Dung là con út, ba má già lắm rồi, cả nhà ăn chay. Có lẽ vậy mà nước da Dung rất đẹp, trắng mịn màng. Mắt to trong veo, nhìn như soi vào người đối diện. Tuyết Hồng cũng điệu đàng dễ thương, mắt to mi dài, hiền như mắt bê con, tóc suôn mượt. Chỉ mình tôi đen đúa, mắt một mí xấu ình, tóc khô bồng. Được cái, cả ba đều học giỏi, các thầy cô thương lắm. Ba đứa ở ba góc chợ huyện. Nhớ hồi học lớp đệ tứ, cùng mê thầy dạy văn dáng nghệ sĩ làm thơ với bút danh Hàn Song Tâm. Tập thơ nào của thầy bày bán ở nhà sách của Bùi Mỹ là ngay hôm sau, ba đứa đã có. Cũng tập tễnh làm thơ, nhưng là bắt chước thơ thầy. Hồi đó. hình như thầy có người yêu ở Sài Gòn, thầy viết:
"Bến Tre Sài Gòn chín mươi cây số
Đường tuy gần mà niềm nhớ rất xa
Trông bóng người thương trao lời gió nhắn
Mùa Đông u buồn, mùa Đông đi qua"
Tôi cũng viết :
"Xóm Đạo xóm Chài là bao cách trở,
Đường tuy gần mà niềm nhớ rất xa
Trông bóng chiều buông trao lời gió nhắn
Tháng hạ u buồn thôi nhé qua mau"
Là nói vậy, chứ hè rảnh rang, hai ba bữa lại chạy qua nhà Hồng, rồi hai đứa chở nhau vòng qua cầu sắt lớn xuống nhà Dung, nghêu ngao chơi cả buổi chiều, ngồi xem Dung với má vá lưới hay ra sau vườn kiếm ổi chín, rồi thế nào cũng bắt Dung chèo ghe đưa về bến chợ.
Tụi con trai thì hơn tháng sau mới biết sức học của nhau. Trừ Năng, Tuôi, Đua, Tòng, Thành và Đực học hơi yếu nên cũng ít sôi nổi, còn lại sàn sàn nhau, học khá giỏi và nghịch phá thành quỷ, hầu như đứa nào cũng có biệt danh: Sơn sãi thuộc dạng công tử nhà giàu, nhà có sạp vải to nhất chợ huyện, Phật đực là Thổ, hiền như cục đất, không hề nghe chọc ghẹo ai, chỉ cười hì hì theo. Lâm cận đeo kính trắng được gọi là giáo Lâm, vậy mà ứng với nghề giáo sau này. Nhưng nó cũng không theo nghề lâu mà bỏ ngang hồi lương bổng eo sèo, cùng vợ mở sạp vải ở chợ xã, và theo Thỉnh nghe đâu nó làm nghề "đếm đưa đưa đếm" (cho bạc góp). Quái nhất là Gặm nhấm, cho tới giờ, mấy lúc vui nhắc chuyện cũ, ông chủ nhà vẫn không chịu cho biết lí do vì sao mà bị gọi vậy. Còn kì cục, khó nghe nhất là Nọc Thỉnh. Trời đất, không hiểu luôn, có thấy nó nổi máu dê với ai đâu mà bị kêu như thế. Anh bạn đó sau này là ông chồng rất mực chân chỉ hạt bột. Vượt biên sang Mỹ, cày mấy job để nuôi bầy ngũ long công chúa. Tối qua mới gọi điện thoại báo tin giữa tháng chạp cùng vợ về ăn Tết Việt nữa. Còn Xiêm ở Định Thủy lên học, trọ gần nhà Hồng. Nhà Dũng ở gần trên bến sông xóm Đạo. Ngày ngày ba đứa bạn hàng xóm đi học cùng nhau. Dũng và Xiêm đều lành, học Toán giỏi, mấy lúc làm toán hình học không gian, Xiêm hay gõ vào trán và bảo tưởng tượng đi, nghĩ ra cái hình ảo ở đây nè, mà riết rồi bị gọi là Xiêm ảo.
Bàn nhất dãy giữa là Long chuột với Sơn, hai ông tướng nói không biết mỏi miệng, chẳng bù với bàn bìa bên kia, Thổ và Đực như hai pho tượng, nghiêm trang lắm. Xóm nhà lá góc lớp là Tuôi và Đua, hay né thầy mấy lúc làm bài tập Toán, là Long mắt kiếng phục phịch, vui tính, hay tụt mắt kính rồi dịch hai tròng mắt đâu sát sống mũi lé xẹ mà trêu bạn, là Tòng với Thành một cặp trắng đen cao thấp, hay nói và nín thinh. Khu trung tâm là mấy trự còn lại, này Thỉnh, này Xiêm, này Bé, này Dũng, coi như nơi xuất phát của bao nhiêu chuyện ồn ào trong lớp.
Những bỡ ngỡ ban đầu qua mau, vừa kịp quen tánh ý nhau, không gọi lớp Tam B nữa mà là Gia đình Tam B thì tai họa ập tới.
Sáng sớm, con sông bên trường nước rong đầy, mấy đứa con trai ngồi vắt vẻo trên bệ cửa sổ bàn chuyện khuya theo thằng Năng đi ra vàm Cá Sấu vớt rạm thì nghe có tiếng nổ phía con đường ven sông bên kia dinh quận. "Mìn đó, bên xóm Chài tụi bây ơi", cả lớp nháo nhác quay sang "điểm danh": Lệ Dung vô chưa? Kia kìa, vô tới rồi, mô phật, "ni cô" mới vừa quẹo vô cổng trường.Thằng Năng vô chưa? Không sao, nhà thằng Năng xéo xéo trường thôi, còn đứa nào đi đường bên đó? Thằng Đực, thằng Đực đâu rồi? Nhà nó tuốt ngoài ấp Tân Quới mà. Mọi khi nó đi học sớm lắm, sao bữa nay chưa thấy?
Kẻng vô học, cả lớp lơ láo nhìn nhau. "Thầy ơi, mìn phải không thầy? Lớp tụi em còn thằng Đực đi ngã đường bên đó. Nó chưa vô."
Vậy đó, đứa nào cũng lo. Đực lành tính, hiền nhất lớp, học hơi chậm nhưng tốt bụng với bạn. Nó là đứa hay đem vào lớp trái cây vườn nhà : ổi, chùm ruột, mận. Còn hứa tới hè, dâu và xoài chín sẽ dẫn bạn về nhà chơi. Nhưng cả lớp lại đến nhà nó để nhìn nó cười hiền trên khung ảnh nhỏ xíu khuất sau khói hương.
Rồi hơn tháng sau, dượng Sáu, cha của Tòng đi xe lôi từ Bắc Hàm Luông về ngang khúc cầu Bếp Lý cũng bị mìn. Dì ngất xỉu tại lớp khi ông Hiệu Trưởng báo tin, bầy học trò nhỏ ngơ ngác xách cặp ra về kéo theo bao cái nhìn tò mò của mấy lớp bên cạnh. Tòng ngơ ngác quấn khăn tang cùng bảy đứa em quì trước quan tài bên mẹ với cái thai gần ngày tháng.
Cuối tháng mười một âm lịch, khi gió chướng đã lao rao thổi trên những tán lá dừa và nước rong đầy ngoài sông cái, lại có tin má của Thổ chìm xuồng khi đi chợ về. Cái xẻo nhỏ sau này nhìn lại mỗi khi về đám giỗ, thấy chỉ rộng mấy sải tay, dì lại con nhà sông nước, không hiểu vì sao nên nỗi.
Cả lớp như trở thành người lớn hẳn khi cùng nhau lo phụ đám ma ba của Dũng, hàng xóm sợ không dám đến đông đủ, nhiều người ái ngại bảo "Tụi con còn nhỏ, sao lại đi đám ma chi, ổng bị bênh lao mà chết đó". Tội nghiệp Dũng, tướng tá dình dàng vậy mà sau đám ma, nó sút đi thấy rõ, cứ như bóng dật dờ. Mẹ nó ở nhà lo cơm nước, chỉ mỗi thầy Bình đi dạy nuôi bầy con. Giờ thầy không còn, lương vợ con cũng mất theo. Dũng trở thành trụ cột của cả nhà. Có đêm thức canh con nước khuya đổ miệng đáy, sáng ra đi học phờ phạc cả người.
Tết, gần nửa năm học trôi đi, bạn bè qua mấy chuyện buồn, thấy gần nhau hơn, bắt đầu ngó nghía chọc ghẹo nhau. Lệ Dung dịu dàng, đẹp gái nhất lớp trở thành tâm điểm, hình như đứa con trai nào trong lớp cũng để ý. Mỗi Sơn là mạnh miệng hay chọc ghẹo, hay làm bộ nói đứa nọ đứa kia cũng muốn ăn chay theo. Bé với Thỉnh gọi nó bằng Sơn sãi, gọi Lệ Dung bằng ni cô, chết danh cho tới bây giờ. Lớp làm tiệc liên hoan, vui lắm, mấy đứa con trai đem rượu vô uống, Sơn sãi say, khóc sướt mướt nói ni cô không thương tao!
Rồi làm bích báo. Nhớ hồi đó cũng rán vắt óc ra mà viết truyện ngắn! Mang máng là chuyện của hai người bạn, thân lắm, rồi một người phải đi xa, người ở nhớ người đi, nhớ câu cuối cùng “Còn gì gửi lại cho nhau hay chỉ còn là nuối tiếc khắc ghi vào lòng nhau.” Lúc đọc chép lại để dán vào khung báo, Thổ nói sao giống câu trong bài hát “Còn gì cho nhau hay chỉ là thương đau khắc ghi vào lòng nhau.” Thì nó đó chớ đâu, bộ dễ mà viết ra được văn sao.
Rằm tháng hai âm lịch, lại một tin buồn cho lớp: Má và em gái út của Bé chết. Chuyện là lính càn qua xóm, có Mỹ yểm trợ. Đàn ông con trai dạt qua bên Giồng Võ, chiều vẫn chưa dám về, sợ lính còn nằm phục. Ai ngờ, vòng quần đảo chót, chiếc trực thăng sà xuống thấp, tụi con nít thấy thằng Mỹ mặc áo đỏ bèn túa ra miệng hầm chỉ trỏ, nó bắn một loạt đạn cuối cùng rồi bay mất. Mười bốn người vừa phụ nữ vừa trẻ con chết trong loạt đạn đó. Hàng xóm đi mượn tạm quan tài của người già bên Giồng Võ để dành lo hậu sự, rồi chôn ngay trong đêm. Vết đạn chỉ xuyên qua chân, nhưng không cấp cứu kịp, mất máu mà chết. Bé về, ngã vật bên mộ. Má một đời tần tảo vì chồng con, không biết đến miếng ăn no, quần áo mới. Mấy năm tía đi tù, một mình ruộng nương, nuôi con, lặn lội thăm chồng. Tía ra tù, nợ nần vừa trả dứt, má cũng đi. Từ đó, hàng năm, xóm Ngã Tư giỗ hội.
Tôi ghi trong nhật kí "Mất mẹ, mất mẹ, nghe như đổ vỡ trong lòng. Cuộc sống gieo neo, đời biết về đâu khi bến tình thương đã lỡ?”, thấy mình như bị cuốn theo "người đó".
Cuối năm, trường tổ chức văn nghệ, nhà tôi trở thành nơi tập múa. “Người đó” đệm đàn. Tôi đứng hàng đầu, cứ lóng cóng tay chân, làm mặt nghiêm, vậy mà bạn bè cũng phát hiện ra. Vậy là bắt đẩu, tình học trò đẹp như như tơ trời. Thỉnh hay trêu “Nè, có dám làm dâu Bác Sáu không?” Hồi đó, hay gọi ai có người thân theo “phía bên kia” là con Bác Sáu. Tàn đêm văn nghệ, cô giáo sư hướng dẫn nói một câu mát ruột “Cả đêm văn nghệ, chỉ gặt hái được bằng màn múa của lớp mình”
Và tôi, trong hậu trường, sau màn múa ,“gặt hái” được cái nhìn lạ của “Người đó”.
Vậy mà hơn bốn mươi năm rồi, Gia đình Tam B đứa còn đứa mất, ngoài Đực thêm Năng và Long mắt kiếng. Dũng, Tòng, Thành đi lính rồi Hòa bình về quê thành nông dân. Hoa sau Mậu Thân sang tỉnh kiếm việc phụ cha mẹ nuôi bảy đứa em, rồi theo chồng sang Mỹ, giờ an nhàn mà "enjoy hạnh phúc tuổi già". Xiêm loay hoay sao thành em rể Long chuột, Sơn sãi rồi cũng cưới được cô vợ vốn là học trò cũ của tôi, xinh như mộng, hai con một trai một gái cỡ tuổi con tôi, học giỏi và ngoan. Những năm cuối 80 lên Sài Gòn, nhờ vốn mấy bà chị ở Mỹ gởi về mở tiệm vàng, giàu lên như diều gặp gió, nhưng con gái con trai thành những người trẻ lắm tiền hư hỏng, ngồi đồng như cơm bữa ở cà phê trên tầng 33 cao tít, rồi hai vợ chồng mạnh ai tìm niềm vui nấy, gia đình bỗng chốc tan đàn sẻ nghé, đôi lần gặp lai, vẫn nét lành hiền ngày xưa mà sao... Bạn bè ơi, bao người bao chuyện xưa như khói mây, bỗng về ràng ràng trước mắt.
Và mỗi năm, tháng 9 lại về, mùa khai trường lại về...
Gia đình Tam B ơi, tháng 9 nhớ thương ơi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét