Năm thứ nhất
Đầu tháng 9-1998, mẹ đưa chị lên Thủ Đức, nhập học trường Ngân Hàng. Hai tuần sau, thăm chị về, xe dừng ở đầu ngõ vô nhà, ba cũng vừa từ cơ quan về tới đó, nói con trai đậu học bổng ASEAN đi Singapore 4 năm. Câu đầu tiên mẹ nói "Trời ơi, vậy là hai đứa đi hết sao?"
Cuối tháng 9, hai mẹ con đi Hà Nội lần nữa để khám sức khỏe và gặp phái đoàn của Bộ GD Singapore. Lần đầu tiên, người Bến Tre biết mùa Thu Hà Nội là thế nào.
Và cũng lần đầu tiên, từ hồi biết đi đến cửa công, mẹ bị mắng mỏ, đành hanh đến vậy khi đi làm passport cho con. Ấm ức lắm nhưng phải im cho qua việc. 4 ngày là một thời gian kỉ lục hồi ấy. Thôi cũng đáng cho sự nín nhịn vốn quá hiếm ở một người thẳng tính đến độ hay nóng nảy, cầm passport trong tay, mẹ nghĩ vậy.
Ngày 6-10-1998, con lên máy bay. Chiều phi trường mây mù, mưa lác đác. Con cao lêu nghêu, nhất bọn 6 đứa phía Nam bay từ Tân Sơn Nhất. Ra tới chân thang máy bay, mẹ còn nhìn thấy chiếc nón đỏ của con. Máy bay lên cao dần rồi khuất trong mây, mẹ thấy trong bụng sao sao. Cô 3 khóc, chị khóc, mấy bạn con khóc, gần như suốt trên đường về.
Hôm sau, dọn dẹp phòng con, ôm chiếc gối còn ấm hơi con, mẹ mới khóc, khóc ngon lành như chưa từng được khóc bao giờ. Ba đi vào, vỗ vỗ vai mẹ, không nói gì.
Tết, lần đầu tiên nhà mình vắng con. Gọi điện thoại cho hai chị em nói chuyện, có 10 phút mà hơn một trăm ngàn, con Babi nghe tiếng con, cứ ủng oẳng chồm lên máy, rồi khi nghe con kêu, nó ư ử mừng rỡ.
Thư từ qua lại mỗi lần phải hơn tháng. Con kể nhiều về cuộc sống mới, về chuyện học, chuyện bạn, chuyện thầy , chuyện hoạt động ngoại khóa...Ba mẹ yên tâm . Nhưng chuyện con có buồn, có hụt hẫng khi đột ngột lìa xa ngôi nhà và người thân thì con không hề mở lời. Từ nhỏ, con chưa hề xa mẹ một ngày. Mẹ biết và mẹ bảo "Đại bàng con, tung cánh lên!"
14 tháng con mới lại về. Mạnh mẽ, rắn rỏi, trưởng thành.
Câu chuyện học hành nơi đảo quốc Sư tử được con kể chi tiết hơn, nhiều hơn. Ba mẹ hài lòng vì đã để con đi. Nhớ hồi có tin báo đậu, cả nhà cũng chưa quyết định sao. Du học Singapore thời đó là chuyện hiếm hoi, nhất là ở tỉnh lẻ như Bến Tre mình, thông tin hầu như không có, chỉ biết dơn giản rằng Singapore có nền giáo dục thuộc loại nhất nhì châu Á, thế thôi … Ba mẹ để con toàn quyền. Cuối cùng, con quả quyết "Rồi, con đi du học"
Hồi đó, gọi là học bổng ASEAN, do Hội đồng bộ trưởng giáo dục các nước Asean lập ra và Singapore thực hiện. Năm con đi là năm thứ ba và có 21 học sinh cả nước được chọn trong kì thi tại Hà Nội tháng 7 hàng năm.
Trường con học là Anglo Chinese School Independent - ACS (I) , một trong những trường trung học tư nổi tiếng nhất của Singapore mà ông Hiệu trưởng là tiến sĩ từ Oxford về. Cùng với trường Raffle Institude - RI là hai trường nam top suốt mấy thập kỉ qua.
Và câu chuyện về những thành tích học tập, thể thao cùng các hoạt động khác của "Trường con" và "Tụi RI" bao giờ cũng là nội dung chủ yếu. Chuyện cô Jennifer dạy văn học hay tuyệt vời, chuyện thầy Simon Bogard người vùng Southampton nước Anh, người khi biết con là người Việt nam đã khoe rằng ông đã đến Việt nam nhiều lần , rằng biển Nha Trang đẹp lắm, chuyện ông Hiệu Trưởng Ong Teck Chin dữ tướng nhưng nhưng hết mình lo cho ngôi trường, chuyện lần đầu tiên con được xem viễn vọng kính, thấy mặt trăng sáng đẹp như một chiếc đĩa bạc lóng lánh, chuyện phòng thí nghiệm khiến con thích hơn môn Hóa học …
Năm học đầu tiên ở nước ngoài của con trai đã trôi qua với kết quả làm phấn chấn cả đại gia đình. Ông Nội mà còn sống sẽ vui lắm đây, ba nói vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét