Thứ Năm, 26 tháng 3, 2009

March 26, 2009 Tháng 3 năm ngoái - Angkor Thom

Chuyến du lịch sang Cambodia 4 ngày, tháng 3 năm ngoái. Những hình ảnh từ Angkor Thom.

Đây là sơ đồ tòa tháp trung tâm.

Cổng thành phía nam, nơi du khách bắt đầu đi vào.

Hai bên là hai hàng tượng ông Thiện, ông Ác.

Và bên trong : phế tích!

From Angkor Thom

Khu vực này đã đi vào phim “Bí mật ngôi mộ cổ”

Những chạm khắc trên sa thạch vẫn còn rất sắc nét

Tượng thần Bayon với nụ cười huyền bí.

Công việc phục chế xem ra thăm thẳm!

Hành lang của trường đấu hổ

Từ những ngôi tháp này, các vũ công tiến ra trong điệu múa dâng hoa ( nghe tour guide nói vậy, hơi ngờ ngợ vì những tháp này ở khá xa khu đền chính).

Khá nhiều ngôi tháp thế này rải rác trong toàn khu vực.

From Angkor Thom
From Angkor Thom
From Angkor Thom

cây gỗ mun

Khu vực bán đồ lưu niệm ở phía ngoài. Hỏi vì sao họ không xây lại cho khang trang hơn, bảo là cứ để thế, mới hài hòa với cảnh quan. Cũng hay!

Đây là nhóm nhạc thương phế binh. Họ rất tinh ý, thấy mình đi ngang, họ tấu nhạc Việt ngay, Lý ngựa ô đàng hoàng!
Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 12 tháng 3, 2009

March 12, 2009 Bến Tre - Nguyễn Ngọc Tư

Con trai khoe mới đọc “Bến Tre” của Nguyễn Ngọc Tư.

Vội vàng xem và vội vàng mang lên đây như một lời mời bạn blog cùng đọc.

BenTre

Cứ mỗi lần qua Trung Lương, tôi hay nghĩ, chỉ cần rẽ vào thành phố Mỹ Tho, qua một chặng đường, là tới một bờ sông. Qua con sông đó, tôi sẽ gặp Bến Tre. Tôi sẽ được về nhà.

Cái ý nghĩ đó gây cho tôi một cảm giác lạ lùng, chẳng có mối quan hệ ràng ruột nào ở đó, chẳng có giọt máu, đốt xương nào của tôi, của những người thân tôi ở lại trên mảnh đất đó, vậy mà vẫn thương, một cách kỳ lạ, vẫn nghĩ rẻo đất hẻo lánh kia là quê, là nhà mình.

Mà ngộ, tôi không biết Bến Tre. Cẩn trọng với từ “biết”, bạn chơi cùng nhau mười năm, tôi không dám nói biết, ở trên đất quê mình ba mươi năm, tôi ngập ngừng chưa biết đã biết chưa, huống chi, chỉ hai lần tôi đến Bến Tre.

Bến Tre lần đầu, tôi ngơ ngác như một cô dâu mới, con phà Rạch Miễu chạy chậm như chiều. Một chuyến phà thong dong, người ta bỏ ra khỏi xe, ngồi ngắm sông, người ta cười nói chậm, đốt thuốc và nhả khói cũng chậm rì. Thời gian như ngưng đọng, trên gương mặt người, trên dòng sông, trên cái cồn đất xanh rì cây trái. Suốt ba ngày sau đó, tôi chỉ biết Bến Tre có cái quán cháo cua đồng, nấm mối xào ngon rụng rún, sông Hàm Luông thì buồn lắm, đi mãi đi mãi mới gặp được một con tàu ngược nước. Sông chảy cũng chậm, dịu dàng. Người say chậm. Yêu chậm và tỏ tình chậm.

Lần thứ hai tôi qua phà Rạch Miễu, mưa và đêm tối mịt mùng. Xe mượn nên xe lạ, đất lạ, sông lạ, cả mưa, cả người cũng lạ. Đứng gần tôi có một bà mẹ trẻ đang cố giữ ấm cho con bằng chiếc khăn choàng mỏng. Đứa bé thì cố ngọ nguậy chui ra để nhoẻn cười với mọi người. Một dì khoác tấm cao su trên vai như Thi Sách sắp ra trận trong tuồng “Tiếng trống Mê Linh”, tôi đoán là dân buôn bán, vì bao đồ ngồn ngộn được ràng phía sau xe, âu yếm hỏi tôi, ăn mặc phong phanh vậy có lạnh không con? Tôi thưa rằng không, trước câu hỏi đó, tôi có lạnh vì mưa xiên qua phà, lay lắt. Nhưng bây giờ tôi ấm như đang ngồi trước lửa, và trong cơn chếnh choáng như lần uống rượu đầu đời, tôi gật đầu khi một chị hỏi quá giang về ngã ba Tân Thành.

Sau này, nhớ lại, tôi buồn cười. Đi một đoạn, mới sực nhớ chị ta bịt kín mặt, không biết là người tốt hay người xấu, không biết đoạn đường trước mặt có đèn hay tối tăm, có mũi dao nào rởn lạnh chỉa vào lưng ta, và người ấy có cười khà khà, cầm túi và xe (mượn) của ta chạy mất. Ý nghĩ đó càng ngày càng riết róng, nên vừa đi vừa phấp phỏng. Đằng sau, chị hồn nhiên kể chuyện mình, một người Bến Tre trôi giạt đất Sài Gòn, mai là đám giỗ ba chị, tôi canh chừng cái túi mình, nhát gừng ừ hử. Rồi chị xuống ngã ba đón xe ôm về Tiên Thủy, tôi vào thị xã. Tôi thấy không mất gì mà đau xót như đã mất gì. Mất trước khi gặp chị trên chuyến phà đêm đó, mất lòng tin.

Chuyến phà, nụ cười của đứa bé, dì “Thi Sách”, chị phụ nữ không gương mặt, không tên tuổi ấy, cũng là một phần của nỗi nhớ tôi. Một nỗi nhớ mơ màng và mỏng, dai như tơ nhện. Hay nó chỉ là cảm giác. Như một mảnh gió bị lá cây xé vụn, những vẫn còn đủ ướt lạnh, khi lướt qua da ta làm se những lổ chân lông, cay mắt, và rùng rùng từng đốt sống trên lưng. Cảm giác thanh sạch về một dòng Hàm Luông trong vắt, hiền hòa, dịu dàng, lừ đừ. Cảm giác bình yên như những con đường nhỏ hai bên phủ đầy cỏ chạy mê miết dưới những vườn dừa mê miết. Cảm giác ấm áp với những người bạn ít nói hay cười, từ tốn, nói câu nào chắc câu ấy, không giao đãi à ơi. Cảm giác thơm thảo như mùi nấm mối nướng rợp cả góc vườn bên sông. Cảm giác ngây dại, hồn nhiên khi rượu Phú Lễ ngấm vào lòng. Và tuổi thơ thiếu thốn nào dậy lên khi ngậm lại cục kẹo dừa ngọt lừ, béo ngậy.

Khi tôi ngồi ghi lại những cảm giác rời này, tôi nhớ câu nói của Tài, “Người ta tốt đến nỗi mình thấy mình không xứng đáng. Bến Tre dễ thương. Xuống đó gặp toàn đực rựa, nhưng về nhà viết mấy bài thơ... tình”. Tôi nhớ lúc ông sếp tôi buồn, căng thẳng, lúc đau, lúc bị những đồng chí của ông xiên tên vào lòng, ông hút thuốc nhiều, và ngó ra ngoài cửa, chép miệng, “nhớ tụi Bến Tre quá chừng...”. Cũng ông, mỗi khi vui, ông lại nhắc, phải có mấy đứa Bến Tre ở đây... Tôi nhớ lời Duyên khi từ giã Bến Tre rồi, “mưa ở đó cũng hiền”. Tôi nhớ tới lời bài hát, “Uớc gì đang trắc trở. Gặp nụ cười Bến Tre…”.

Nhưng cụ thể Bến Tre là gì, tôi không biết. Kỷ niệm gom lại thì cũng một chuyến đi chơi sông, đám bạn bè nhổ tôi từ quán này trồng qua quán khác, từ cháo cua đồng qua nấm mối, cháo vịt. Những con đường nối tiếp những con đường đưa tôi đến một đám cưới rộn ràng. Chú rễ cười xòa như năm trước cười tiễn tôi, đường dài, thẳm nắng. Những chiếc phà chậm rãi cắt ngang những dòng chảy chậm. Chôm chôm chín đỏ, chất vun trong những cái cần xé để bên đường. Những ông bà già nhảy tango trong sân nhà văn hóa. Rượu Phú Lễ trong vắt, sủi tăm. Một người viết lớn càng thu mình càng lồ lộ ra, con đường hẻm heo hút, ngôi nhà nhỏ, vườn dừa… không có gì che chắn được sự phát sáng đó. Những người viết trẻ hơn ngà ngà đọc những câu thơ cũ, xếp bằng ngồi mời rượu nhau ở hàng ba nhà của một nhà thơ nghèo, sau lưng là tấm vách bằng mê bồ trét cứt trâu, những tấm vách “che bề nào cũng gió”. Và căn gác trọ, có ông già ‘tiếp tân”vui tính, chỉ còn vài chiếc răng lơ phơ, duyên dáng kể chuyện đời mình (cũng) bằng thơ, vẫn nhớ phòng số 5 mà tôi từng ở, để lần sau nữa, ông lại trao cho tôi chìa khóa phòng số 5… Tôi nhớ được cũng chỉ vậy, viết trôi chảy cũng chỉ vậy. Những cảnh như vầy có thể gặp ở bất cứ đâu trên vùng đất Tây Nam Bộ này, nhưng cái cảm giác Bến Tre thì không lẫn vào đâu được.

Cảm giác của một người đứng trước sông. Giải thích về sự hiền hòa, ngang tàng, trầm tư, hào sãng và cởi mở của Bến Tre, tôi chỉ biết lấy cái tâm thế đứng trước sông của Bến Tre ra mà nghĩ. Quay mặt về đâu cũng sông, đi đâu, ngó đâu, Tiền Giang hay Vĩnh Long, Trà Vinh cũng có những dòng sông vây bọc, sông rẽ đất mà chảy, cắt những cù lao để trọn một vòng tay mà ôm lấy cù lao. Phía còn lại là biển. Bến Tre như một người ngồi thiền định trên một lá sen, tâm trong trẻo róc rách tiếng nước đang lên. Một miền Tây thu nhỏ ít phai lạt, nhiều cảm giác.

Và vì nó nhiều cảm giác, nên tôi không biết thể hiện, cụ thể hóa bằng câu chuyện của mình như thế nào. Viết lại cảm giác là một điều không trọn vẹn, ít nhiều dang dở. Huống chi là chia sẻ, bởi hầu như không thể chia sẻ một cảm giác mà ta đang có. Nên mỗi khi nghe bạn xa bảo sẽ đi miền Tây, tôi mời bạn đến chỗ tôi, tất nhiên rồi. Và Bến Tre. Thông cảm cho tôi, cứ mỗi lần khách đến, tôi căng như người vào trận đánh. Làm sao cho khách ấn tượng mạnh, thương nhớ dài lâu, làm sao khách còn quay lại một vùng đất không có cảnh quan hùng vĩ, tú lệ. Làm sao người nhớ ta như ta đã từng nhớ người. “Ra trận” chỉ những món ăn ngon lạ lùng, những cánh rừng ngập mặn mênh mông, những dòng sông mùa nào cũng đầy nhóc nước, những con rạch quanh co, những chiếc xuồng ba lá chao trên mặt nước mong manh… “Ra trận” còn có những con người, mà tôi nghĩ cũng là những kỳ quan. Và người Bến Tre với tính cách sánh đặc, nồng Tây Nam Bộ sẽ làm choáng váng, ngất ngây khách lạ. Tôi cũng là dân miền Tây, gặp Bến Tre còn thấy ngẩn ngơ, thấy ngọt ngào nữa mà.

Thông cảm cho tôi, một người tầm thường của vùng đất bị quên lãng, bởi chiến tranh, bởi trắc trở địa lý, bởi những vướng bận vụn vặt đời thường. Khó khăn, lâu lắc lắm khách mới đến được, cũng khó khăn và lâu lắc khách mới trở lại, dịp để gieo thương nhớ, lỡ không kịp, biết còn có lần sau?

Thông cảm cho tôi, bởi cái cảm giác Bến Tre tôi không thể cứ ôm ấp mãi, tôi cần người để nói, Bến Tre dễ thương hen, để nhận được sự đồng tình, “Ừ, Bến Tre dễ thương”. Để nhìn vào họ, thấy niềm vui ngọt lành nhói lên trong mắt, thấy ký ức mơ màng trở về những chuyến phà.

Chuyến phà mang vẻ mặt cô gái sầu muộn làm cho nhịp sống đô thị ngẩn ngơ, dừng lại bên kia những con sông. Quãng thời gian nó chạy lòng vòng qua những cái cồn xanh um cây trái đủ để người ta rũ hết bụi đường. Và hít thở gió sông, và thấy lòng lành những vết. Và khi tách bờ Bến Tre, chuyến phà bỗng trở thành cô gái đang hò hẹn, một chút bâng quơ, một chút nhớ, và chút gì đó tuyệt vọng… Bởi qua bờ, lưu lạc trên đất khác, quay lưng lại với sông rồi, kẻ còn sông trong lòng thì vẫn nồng Bến Tre, nhưng cũng nhiều người lạt đi, phai đi. Bởi qua bờ, cuộc sống ồn ào chen chúc, sự mệt mỏi ngay lập tức ập vào, và khi ngoái nhìn, Thương đã mịt mù xa, như ở một thế giới khác.

Bến Tre, rốt cuộc chỉ còn là những cảm giác. Mềm, ấm và ngọt ngào.

Và câu chuyện về nó được viết lên bởi một người viết vụng về, cũng không sao tránh khỏi rời rạc và chắp vá, nó không phải một bài bút ký thông thường, theo khuôn mẫu thông thường, tôi đến, tôi đi lòng vòng, tôi thấy, tôi về. Bởi tôi không đến, cũng không đi đâu, không thấy, và tôi không về. Tôi ở dưới mặt đất, cảm giác trên ngọn dừa, những con đuông dừa rúc vào nách lá non, và trong tổ chim vắt vẻo, những con sẻ nhỏ đang khẻ mỏ chui ra khỏi trứng. Tôi ở bên một con sông, cảm giác bờ kia đang liêu xiêu bông bưởi rụng trên những chiếc lá mục trong vườn. Tôi soi mình xuống nước, cảm giác dưới đáy sâu kia phù sa đang nhảy múa, dịu dàng.

Tôi đang phân bua với mọi người tại sao tôi là một người miền Tây lạt, vì những dòng sông quê tôi đều ở sau lưng tôi. Hay sông luôn ở trước mặt, nhưng tôi đã quay lưng lại ?

Nguồn: http://www.viet-studies.info/NNTu/

Đọc tiếp ...

March 12, 2009 Mẹ chồng tôi

Docduogngiobui

Tôi không được diễm phúc gọi tiếng mẹ chồng.

Trong hoài niệm của tất cả mọi thành viên của gia đình chồng, mẹ chồng là một người phụ nữ cực kì hiền lành, đôn hậu, chỉ biết lo lắng cho chồng con, chưa hề biết đến riêng mình. Hồi đó, nghĩa là cách giờ cũng cỡ nửa thế kỉ, có loại vải trăng đầm đen, sớ vải mịn, nước nhuộm đẹp lắm, tía đi chợ Mỏ Cày mua cho má một bộ bà ba, má cứ gói cất, chỉ mặc vải ú, sợi to sồ, chẳng mấy chốc mà bạc phếch.

Nhà ở xóm gò, cách ngã tư Cái Quao độ trăm thước, mé sau Miễu Bà, mùa khô nắng chang chang, đồng trống, nhìn thấu ra lộ đá, thấy tuốt tới đìa Dứa, thỉnh thoảng, một chiếc xe đò Thạnh Phú – Bến Tre ì ạch chạy qua, bụi mù mù cuốn theo. Dọc bờ kinh trước nhà, mấy bụi lức mọc lơ thơ, mấy cây dừa còi cọc, chống chịu một cách gan lì với cái nắng gió và đất phèn chua mặn.

Vậy mà, cô gái ngoan hiền bên kia Giồng Võ vườn cây nước ngọt về bên này Giồng Văn khô cháy làm dâu, má vẫn lặng lẽ, cun cút làm lụng, chiều chồng, nuôi con, hết lo cấy gặt ngoài đồng tới chăm heo đẻ, chăm con, đảm đương giỗ chạp. Tía thì công tử lắm, cưới vợ rồi vẫn mê rong ruỗi đó đây, có lần theo anh em bạn đi tuốt vô Cà Mau vớt cá lia thia về nuôi đá chơi! Thiệt ra, cũng nhờ đi đó đi đây, tía quen biết nhiều, khoảng 1958, 59 gì đó, mới theo người lên rừng miệt Trị An mua gỗ, đóng bè xuôi sông Đồng Nai về cất nhà. Rồi 60 Đồng Khởi, tía bị bắt bỏ tù ở Khám Lá Bến Tre, một mình má coi thợ cất nhà. Cái nhà chữ đinh rộng thênh thang, ba căn nhà trên, ba căn nhà ngang, thêm ba căn nhà bếp. Một mình má lo lúa thóc heo cúi, lo con, lo nấu cơm thợ. Từ anh Hai cho tới chú Sáu sắp nhỏ, chỉ lọt mỗi chị Ba là gái ở giữa, má sợ con gái sau này cũng làm dâu cực nên biết chữ rồi cho đi học may kiếm cái nghề ở trong mát nhẹ nhàng, mấy đứa con trai thì ông nội bắt phải đi học hết, vậy là cũng không ai đỡ đần công chuyện. Tía ra tù, cứ bệnh rề rề vì bị tra tấn, má lại một mình với bao nhiêu là việc của một gia đình không nhỏ.

Mà tía cũng đào hoa lắm, má đẹp người đẹp nết vậy, chứ tía cũng lăng xăng bà này bà kia. Má không dám nói lời nào, chỉ âm thầm khóc. Một lần, bà nội dẫn má đi đánh ghen. Bà biểu má ở ngoài, để bà vô lôi “con đĩ chó” đó ra cho má xởn cái đầu tóc cho biết nhục, nhưng tới lúc bà nội lôi được “tình địch” của má ra ngoài thì má đã chạy tuốt về nhà mất hồi nào! Bà nội thương má lắm, nhưng rồi bà nội chết sớm, in như lúc ba sắp nhỏ mới ba bốn tuổi. Năm đó, con heo nái nhà đã già nên dữ lắm ông nội biểu bán nhưng bà nội tiếc vì nó mát sữa, tốt con, bà nội đuổi nó vì sợ nó ủi phải ba sắp nhỏ đang lẫm chẫm gần đó. Nó bỗng quay ngang, táp bà một cái ở bắp chân, sứt miếng thịt, máu me tùm lum. Ông y tế làng tới băng bó rồi chích cho bà mấy mũi pénicillin. Vậy mà mấy hôm sau, chích lần nữa thì bà sốc thuốc mà chết. Không còn bà, má lại cực thêm. Heo con rã bầy, má phải gánh lên chợ Mỏ Cày bán, bảy tám cây số đường lộ đá, gánh bộ đi từ khuya cho kịp chợ sáng. Má không dám ăn quà bánh dọc đường, lần nào cũng chỉ nhớ mua mấy ổ bánh mì về cho con, mua thuốc rê Mỏ Cày về cho tía và ông nội. Ở nhà cũng vậy, má chưa bao giờ ngồi ăn chung với cả nhà. Mà mâm cơm ngày khổ có gì? Một tô nước mắm trong dầm mấy cái hột vịt luộc, dĩa rau to tướng hay bầu luộc hoặc một tượng canh rau tập tàng, chuối hầm dừa mà thi thoảng có thêm vài múi mít là mắt mũi trẻ con nhấp nháy, hấp hỉnh. Cả đám con nít đang tuổi ăn tuổi lớn cứ xì xụp. Mấy lúc vậy, má hay đi kiếm công chuyện gì đó làm, chờ mọi người xong bữa rồi, còn gì má ăn nấy. Mà có khi, mâm cơm chỉ còn chỏng chơ chút nước mắm lềnh bềnh váng trứng! Vậy chứ hồi bà nội còn sống, biết bà thích ăn thịt kho tàu, má luôn kho dành phần riêng cho bà ơ thịt và luôn dặn bọn con nít không được rớ tới.

Hồi đó, ở miệt đất giồng hiếm củi, nhà nấu rơm, bởi vậy chuyện hầm tấm heo ăn là cả một kì công. Má đổ gạo lức vào mấy tĩn nước mắm không, đổ nước vào, đậy nắp lại rồi trét đất bùn cho kín, chất chụm năm bảy cái vào rồi quấn rơm nhét kín kẽ, xong lấp trấu lên rồi un từ từ, cứ xế chiều un thì có tấm cho heo ăn ngày sau. Tấm chín nhừ, đổ ra trộn với cám, chuối cây bằm. Mà chuối cây tía phải về vườn ngoại bên Giồng Võ đốn rồi vác về. Má xắt chuối Bảy Khen hay ngồi bên chờ lượm lõm chuối làm tiền chơi nhà chòi.

Sau này, anh Hai đi học trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, anh Tư đi học trường Trung Học Kiến Hòa, ba sắp nhỏ học ở Mỏ Cày là những năm má rối ruột về chuyện tiền bạc cho hai anh. Có lần anh Tư về xin tiền, má không lo kịp, anh giận đòi nghỉ học đi lính, má rưng rưng nước mắt, đứng cúi đầu vân vê chéo áo không nói lời nào. Hình ảnh đó cứ trở đi trở lại trong những câu chuyện sau này ba sắp nhỏ kể.

Rồi anh Hai về, đem cái bằng Tú Tài mà đi hoạt động, má lại mang nỗi lo khác, cứ chiều chiều, má hay dõi mắt xa vào trong đồng, hướng đó, anh Hai hay về những đêm tối trời. Có lần, nửa khuya, anh Hai dẫn đoàn mấy người về qua nhà, má rón rén mà tất bật lo cơm nước, không dám đốt đèn lớn, sợ lính ngoài đồn Ngã Tư biết. Lần đó có chị cán bộ đi cùng, má múc nước mưa trong mái đầm đưa chị uống cho mát. Má đâu biết là “con dâu” tương lai “coi mắt” bà già chồng!

Thời cuộc mỗi lúc một rối ren, lính cứ ruồng bố hà rầm. Cứ vài ba ngày lại một trận càn. Đàn ông chạy dạt qua bên Giồng Võ, phía bên nhà ngoại. Mé bên này chỉ còn đàn bà, con nít. Ba sắp nhỏ học ở Mỏ Cày, lâu lâu mới về, mà cũng phải đi bộ, đường lộ đã đào nát từ hồi Đồng Khởi. Chú Sáu nó cũng đã vô bộ đội địa phương quân, đơn vị đâu bên miệt cù lao Bảo. Anh Tư đậu Tú tài rồi cũng được đưa vô binh vận tuốt ngoài Sư đoàn 25 ở Bình Long, mang lon chuẩn úy, không dè chẳng còn có dịp về gặp má.

Cũng ngày này, năm 1967, lính đổ quân càn dài từ vàm sông Cổ Chiên mé Thành Thới càn vô, có trực thăng Mỹ yễm trợ. Từ sáng, nghe tiếng cà nông bắn dọn đường, đàn ông trong xóm đã chạy dạt hết qua bên Giồng Võ. Chiều muộn, lính đã rút hết về đồn Ngã Tư chờ xe trên chi khu Mỏ Cày xuống. Suốt ngày rúc trong hầm giữa trời mùa khô nóng như rang, bọn trẻ con đã mệt mỏi, nhốn nháo đòi ra.

Trên trời, chiếc trực thăng quần đảo một vòng cuối cùng, thằng xạ thủ trực thăng mặc áo giáp màu đỏ ngồi ngay bên cửa.

Bọn trẻ lấp ló trước miệng hầm chỉ trỏ huyên thuyên.

Một loạt súng vang lên, chéo xuống xuyên miệng hầm.

Chiếc trực thăng bốc lên cao rồi mất hút về hướng sông Cổ Chiên.

Mọi người nhốn nháo hoảng loạn.

Người chết, người bị thương khiêng ra sắp hàng dài ngoài miệng hầm.

Vẫn chỉ có đàn bà và trẻ con!

Nghe kể má bị thương ở chân, chắc là đứt mạch máu, vết thương nhỏ nhưng máu chảy hoài, toàn phụ nữ nhà quê, không ai biết cách cầm máu .Và Se, em gái út xinh xắn trắng trẻo, mắt sáng, môi đỏ tươi, bị một vết cắt toạc ở đùi, máu cũng tuôn xối xả, cũng không ai biết cách làm gì. Xé quần áo bịt lại, buông ra máu chảy tiếp. Mọi người chỉ biết kêu trời. Người bị thương nhẹ ráng lê lết chạy tuốt qua bên Giồng Võ kêu cứu. Kịp khi cánh đàn ông về thì quá muộn.

Mười bốn cái xác xếp hàng dưới ánh đèn chong leo lét.

Không đủ hàng để chôn, trẻ con bó chiếu. Tía và mấy người nữa lại chạy tuốt qua bên Giồng Võ mượn đỡ cái hàng, về chôn má ngay trong đêm rằm đó.

Trưa bữa sau, ba sắp nhỏ mới về tới, xỉu ngay trước mộ, khóc chết lặng.

Vậy đó, má không còn nữa, má trả hết nợ nần mắc phải từ hồi tía đi tù Khám Lá, nợ nần hồi cất nhà, rồi má đi. Chưa biết đến một miếng ăn ngon, một bộ đồ đẹp, chưa biết đến một ngày thảnh thơi.

Cho đến bây giờ, mỗi lần đi chơi xa, mỗi lần ăn món ngon, đều nhắc má. Nghẹn đắng vì đủ đầy!

Ngày tía còn, giỗ má tía làm lớn lắm, tía hay bảo “tội nghiệp, má bây hồi đó cực khổ, không biết tới một ngày rảnh rang”.

Năm nay giỗ má, tía cũng không còn, nhìn ảnh thờ mà thấy xót xa.

Tôi không được diễm phúc có mẹ chồng!

Đọc tiếp ...