Thứ Năm, 12 tháng 3, 2009

March 12, 2009 Mẹ chồng tôi

Docduogngiobui

Tôi không được diễm phúc gọi tiếng mẹ chồng.

Trong hoài niệm của tất cả mọi thành viên của gia đình chồng, mẹ chồng là một người phụ nữ cực kì hiền lành, đôn hậu, chỉ biết lo lắng cho chồng con, chưa hề biết đến riêng mình. Hồi đó, nghĩa là cách giờ cũng cỡ nửa thế kỉ, có loại vải trăng đầm đen, sớ vải mịn, nước nhuộm đẹp lắm, tía đi chợ Mỏ Cày mua cho má một bộ bà ba, má cứ gói cất, chỉ mặc vải ú, sợi to sồ, chẳng mấy chốc mà bạc phếch.

Nhà ở xóm gò, cách ngã tư Cái Quao độ trăm thước, mé sau Miễu Bà, mùa khô nắng chang chang, đồng trống, nhìn thấu ra lộ đá, thấy tuốt tới đìa Dứa, thỉnh thoảng, một chiếc xe đò Thạnh Phú – Bến Tre ì ạch chạy qua, bụi mù mù cuốn theo. Dọc bờ kinh trước nhà, mấy bụi lức mọc lơ thơ, mấy cây dừa còi cọc, chống chịu một cách gan lì với cái nắng gió và đất phèn chua mặn.

Vậy mà, cô gái ngoan hiền bên kia Giồng Võ vườn cây nước ngọt về bên này Giồng Văn khô cháy làm dâu, má vẫn lặng lẽ, cun cút làm lụng, chiều chồng, nuôi con, hết lo cấy gặt ngoài đồng tới chăm heo đẻ, chăm con, đảm đương giỗ chạp. Tía thì công tử lắm, cưới vợ rồi vẫn mê rong ruỗi đó đây, có lần theo anh em bạn đi tuốt vô Cà Mau vớt cá lia thia về nuôi đá chơi! Thiệt ra, cũng nhờ đi đó đi đây, tía quen biết nhiều, khoảng 1958, 59 gì đó, mới theo người lên rừng miệt Trị An mua gỗ, đóng bè xuôi sông Đồng Nai về cất nhà. Rồi 60 Đồng Khởi, tía bị bắt bỏ tù ở Khám Lá Bến Tre, một mình má coi thợ cất nhà. Cái nhà chữ đinh rộng thênh thang, ba căn nhà trên, ba căn nhà ngang, thêm ba căn nhà bếp. Một mình má lo lúa thóc heo cúi, lo con, lo nấu cơm thợ. Từ anh Hai cho tới chú Sáu sắp nhỏ, chỉ lọt mỗi chị Ba là gái ở giữa, má sợ con gái sau này cũng làm dâu cực nên biết chữ rồi cho đi học may kiếm cái nghề ở trong mát nhẹ nhàng, mấy đứa con trai thì ông nội bắt phải đi học hết, vậy là cũng không ai đỡ đần công chuyện. Tía ra tù, cứ bệnh rề rề vì bị tra tấn, má lại một mình với bao nhiêu là việc của một gia đình không nhỏ.

Mà tía cũng đào hoa lắm, má đẹp người đẹp nết vậy, chứ tía cũng lăng xăng bà này bà kia. Má không dám nói lời nào, chỉ âm thầm khóc. Một lần, bà nội dẫn má đi đánh ghen. Bà biểu má ở ngoài, để bà vô lôi “con đĩ chó” đó ra cho má xởn cái đầu tóc cho biết nhục, nhưng tới lúc bà nội lôi được “tình địch” của má ra ngoài thì má đã chạy tuốt về nhà mất hồi nào! Bà nội thương má lắm, nhưng rồi bà nội chết sớm, in như lúc ba sắp nhỏ mới ba bốn tuổi. Năm đó, con heo nái nhà đã già nên dữ lắm ông nội biểu bán nhưng bà nội tiếc vì nó mát sữa, tốt con, bà nội đuổi nó vì sợ nó ủi phải ba sắp nhỏ đang lẫm chẫm gần đó. Nó bỗng quay ngang, táp bà một cái ở bắp chân, sứt miếng thịt, máu me tùm lum. Ông y tế làng tới băng bó rồi chích cho bà mấy mũi pénicillin. Vậy mà mấy hôm sau, chích lần nữa thì bà sốc thuốc mà chết. Không còn bà, má lại cực thêm. Heo con rã bầy, má phải gánh lên chợ Mỏ Cày bán, bảy tám cây số đường lộ đá, gánh bộ đi từ khuya cho kịp chợ sáng. Má không dám ăn quà bánh dọc đường, lần nào cũng chỉ nhớ mua mấy ổ bánh mì về cho con, mua thuốc rê Mỏ Cày về cho tía và ông nội. Ở nhà cũng vậy, má chưa bao giờ ngồi ăn chung với cả nhà. Mà mâm cơm ngày khổ có gì? Một tô nước mắm trong dầm mấy cái hột vịt luộc, dĩa rau to tướng hay bầu luộc hoặc một tượng canh rau tập tàng, chuối hầm dừa mà thi thoảng có thêm vài múi mít là mắt mũi trẻ con nhấp nháy, hấp hỉnh. Cả đám con nít đang tuổi ăn tuổi lớn cứ xì xụp. Mấy lúc vậy, má hay đi kiếm công chuyện gì đó làm, chờ mọi người xong bữa rồi, còn gì má ăn nấy. Mà có khi, mâm cơm chỉ còn chỏng chơ chút nước mắm lềnh bềnh váng trứng! Vậy chứ hồi bà nội còn sống, biết bà thích ăn thịt kho tàu, má luôn kho dành phần riêng cho bà ơ thịt và luôn dặn bọn con nít không được rớ tới.

Hồi đó, ở miệt đất giồng hiếm củi, nhà nấu rơm, bởi vậy chuyện hầm tấm heo ăn là cả một kì công. Má đổ gạo lức vào mấy tĩn nước mắm không, đổ nước vào, đậy nắp lại rồi trét đất bùn cho kín, chất chụm năm bảy cái vào rồi quấn rơm nhét kín kẽ, xong lấp trấu lên rồi un từ từ, cứ xế chiều un thì có tấm cho heo ăn ngày sau. Tấm chín nhừ, đổ ra trộn với cám, chuối cây bằm. Mà chuối cây tía phải về vườn ngoại bên Giồng Võ đốn rồi vác về. Má xắt chuối Bảy Khen hay ngồi bên chờ lượm lõm chuối làm tiền chơi nhà chòi.

Sau này, anh Hai đi học trường Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, anh Tư đi học trường Trung Học Kiến Hòa, ba sắp nhỏ học ở Mỏ Cày là những năm má rối ruột về chuyện tiền bạc cho hai anh. Có lần anh Tư về xin tiền, má không lo kịp, anh giận đòi nghỉ học đi lính, má rưng rưng nước mắt, đứng cúi đầu vân vê chéo áo không nói lời nào. Hình ảnh đó cứ trở đi trở lại trong những câu chuyện sau này ba sắp nhỏ kể.

Rồi anh Hai về, đem cái bằng Tú Tài mà đi hoạt động, má lại mang nỗi lo khác, cứ chiều chiều, má hay dõi mắt xa vào trong đồng, hướng đó, anh Hai hay về những đêm tối trời. Có lần, nửa khuya, anh Hai dẫn đoàn mấy người về qua nhà, má rón rén mà tất bật lo cơm nước, không dám đốt đèn lớn, sợ lính ngoài đồn Ngã Tư biết. Lần đó có chị cán bộ đi cùng, má múc nước mưa trong mái đầm đưa chị uống cho mát. Má đâu biết là “con dâu” tương lai “coi mắt” bà già chồng!

Thời cuộc mỗi lúc một rối ren, lính cứ ruồng bố hà rầm. Cứ vài ba ngày lại một trận càn. Đàn ông chạy dạt qua bên Giồng Võ, phía bên nhà ngoại. Mé bên này chỉ còn đàn bà, con nít. Ba sắp nhỏ học ở Mỏ Cày, lâu lâu mới về, mà cũng phải đi bộ, đường lộ đã đào nát từ hồi Đồng Khởi. Chú Sáu nó cũng đã vô bộ đội địa phương quân, đơn vị đâu bên miệt cù lao Bảo. Anh Tư đậu Tú tài rồi cũng được đưa vô binh vận tuốt ngoài Sư đoàn 25 ở Bình Long, mang lon chuẩn úy, không dè chẳng còn có dịp về gặp má.

Cũng ngày này, năm 1967, lính đổ quân càn dài từ vàm sông Cổ Chiên mé Thành Thới càn vô, có trực thăng Mỹ yễm trợ. Từ sáng, nghe tiếng cà nông bắn dọn đường, đàn ông trong xóm đã chạy dạt hết qua bên Giồng Võ. Chiều muộn, lính đã rút hết về đồn Ngã Tư chờ xe trên chi khu Mỏ Cày xuống. Suốt ngày rúc trong hầm giữa trời mùa khô nóng như rang, bọn trẻ con đã mệt mỏi, nhốn nháo đòi ra.

Trên trời, chiếc trực thăng quần đảo một vòng cuối cùng, thằng xạ thủ trực thăng mặc áo giáp màu đỏ ngồi ngay bên cửa.

Bọn trẻ lấp ló trước miệng hầm chỉ trỏ huyên thuyên.

Một loạt súng vang lên, chéo xuống xuyên miệng hầm.

Chiếc trực thăng bốc lên cao rồi mất hút về hướng sông Cổ Chiên.

Mọi người nhốn nháo hoảng loạn.

Người chết, người bị thương khiêng ra sắp hàng dài ngoài miệng hầm.

Vẫn chỉ có đàn bà và trẻ con!

Nghe kể má bị thương ở chân, chắc là đứt mạch máu, vết thương nhỏ nhưng máu chảy hoài, toàn phụ nữ nhà quê, không ai biết cách cầm máu .Và Se, em gái út xinh xắn trắng trẻo, mắt sáng, môi đỏ tươi, bị một vết cắt toạc ở đùi, máu cũng tuôn xối xả, cũng không ai biết cách làm gì. Xé quần áo bịt lại, buông ra máu chảy tiếp. Mọi người chỉ biết kêu trời. Người bị thương nhẹ ráng lê lết chạy tuốt qua bên Giồng Võ kêu cứu. Kịp khi cánh đàn ông về thì quá muộn.

Mười bốn cái xác xếp hàng dưới ánh đèn chong leo lét.

Không đủ hàng để chôn, trẻ con bó chiếu. Tía và mấy người nữa lại chạy tuốt qua bên Giồng Võ mượn đỡ cái hàng, về chôn má ngay trong đêm rằm đó.

Trưa bữa sau, ba sắp nhỏ mới về tới, xỉu ngay trước mộ, khóc chết lặng.

Vậy đó, má không còn nữa, má trả hết nợ nần mắc phải từ hồi tía đi tù Khám Lá, nợ nần hồi cất nhà, rồi má đi. Chưa biết đến một miếng ăn ngon, một bộ đồ đẹp, chưa biết đến một ngày thảnh thơi.

Cho đến bây giờ, mỗi lần đi chơi xa, mỗi lần ăn món ngon, đều nhắc má. Nghẹn đắng vì đủ đầy!

Ngày tía còn, giỗ má tía làm lớn lắm, tía hay bảo “tội nghiệp, má bây hồi đó cực khổ, không biết tới một ngày rảnh rang”.

Năm nay giỗ má, tía cũng không còn, nhìn ảnh thờ mà thấy xót xa.

Tôi không được diễm phúc có mẹ chồng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét