Thứ Sáu, 24 tháng 12, 2010

Giáng Sinh



Tôi không phải là con chiên của Chúa.

Ngày nhỏ, đối diện nhà tôi là một gia đình theo đạo dòng. Tất nhiên là họ rất ngoan đạo!

Mỗi chủ nhật, họ đều đi lễ một cách nghiêm cẩn. Bà Cụ Ba bao giờ cũng mặc áo dài đen, vấn khăn nhung đã sờn, bạc cả tuyết. Anh con trai thường ngày đi bán cà rem, ăn mặc xuềnh xoàng là thế, nhưng ngày lễ bao giờ quần áo cũng rất chỉn chu, tóc chải mượt brillantine hiệu Evening in the Shanghai - chắc chắn vậy vì anh ấy vẫn mua ở tiệm của cậu 7 tôi mà! Cô vợ thì đỏm dáng hơn, áo dài điệu đàng lắm, thường vẫn thấy hay đánh chiếc màu cánh sen.

Họ đi lễ gần trọn buổi sáng. Tôi thích lắm, đơn giản là vì chú Xương ( bọn trẻ xóm tôi đều gọi anh ấy như vậy) sẽ chỉ bán cà rem buổi chiều. Điều đó có nghĩa là khi dọn thùng cà rem vào chiều muộn, chúng tôi sẽ xin được những thẻ nước đá tẩm muối tấn vách thùng còn dầy lắm! Điều đó cũng có nghĩa là sau khi khoắng thẻ nước đá vào khạp nước ở cầu ao, tôi biết chắc chắn là mình sẽ còn được nhâm nhi nó lâu hơn mọi ngày. Các bạn có còn nhớ, cách đây hơn nửa thế kỉ, ở quê chưa có kem như bây giờ - mà ở tỉnh lẻ cũng chưa chắc đã có nhỉ? Người bán cà rem dạo để những khúc cà rem quấn giấy, xếp trong cái thùng thiếc 2 lớp, giữa chèn nước đá thẻ tẩm muối hột, chiếc thùng đó gắn sau xe đạp, và ghi đông treo lủng lẳng cái chuông gần tay nắm, tiếng leng keng leng keng phát ra theo nhịp lắc là âm thanh kì diệu đối với bọn trẻ. Mà đâu phải ngày nào cũng được ăn cà rem! Bởi vậy, ngay cả chị em tôi, con cô giáo nhé – nghĩa là gia cảnh cũng tạm gọi là phong lưu đấy, với cà rem cũng chỉ là khách xã giao!

Ơ mà đang nói chuyện đi lễ nhà thờ sao tôi lại quẹo sang cà rem vậy nhỉ? Ra là chuyện trẻ con nó hay bắt quàng làm vậy.

 Hồi đó, tôi ở gần nhà thờ lắm. Đứng trước sân là thấy bức tượng Chúa trên bệ cao ở tầng nóc nhà thờ. Ngày đem bức tượng về, tôi đã mê mải đứng xem người ta kéo tời đưa tượng lên hơn một buổi. Ròng rọc, xích sắt khua róng riết, loảng xoảng. Mấy bà cụ già khăn áo chỉnh tề, cả bà Ba mẹ chú Xương cũng túc trực suốt, tay lần tràng hạt, miệng luôn suýt soa "Giêsuma, lạy Chúa tôi". 

Có đến lâu lắm, ngày nào tôi cũng ít nhất hai ba lần nhìn bức tượng và ngẫm nghĩ Chúa cứ đứng phơi ngoài trời mãi vậy sao? Có khi nào bức tượng ấy ngã xuống không? Vân vân và vân vân…

Chiều chiều, chúng tôi hay túa ra đường chơi đuổi bắt, nhảy lò cò, thảy lỗ, bao nhiêu là trò vui. Có một lần, chẳng biết  đầu cua tai nheo thế nào, bọn trẻ quay ra sửng cồ với nhau “Mày chơi cha tao hả? Cho mày chơi cha nè, chơi cha nè.” Rồi đứa loi đứa thụi nhau, chí chóe rùm trời. Bỗng nghe bà Ba quát là không được mang tiếng Cha ra mà rủa sả nhau, rằng Cha là tiếng trọng, không được bạ đâu cũng nói! Thế là tan đám chơi, bọn chúng tôi tiu nghỉu tản hàng. In như bữa đó, chú Xương vất nước đá lăn lóc mé hè…

Mùa Noel đến, có năm trùng đợt nước rong, chiều tối, chúng tôi rủ nhau lội lủm bủm lên Lộ mới rồi chạy ù tới nhà thờ coi hang đá. Nói thêm chỗ này: quốc lộ 60 bây giờ là con đường chính chạy ngang huyện lỵ. Từ đó, tẻ mấy con đường song song đổ vô phố chợ. Nhà tôi nằm ở con đường giữa. Mùa nước rong giáp Tết, nước theo mương thoát cặp mé lộ tràn lên kéo theo bao nhiêu trò nghịch phá. Chuyện này thì vô thiên lủng, tôi sẽ kể lần khác vậy.  

 Hang đá Noel vẫn là thứ quyến rũ bọn trẻ con chúng tôi nhất. Mà có được chen vào tận nơi đâu! Bọn trẻ con nhà theo đạo lúc ấy mới đáng ghét làm sao! Chúng níu tay cha mẹ mà cứ vênh mặt lên với chúng tôi, xúng xính áo quần mới, chen chúc nhau trước hang đá ra vẻ lắm. Mỏi chân và mỏi cổ, chúng tôi tiếc rẻ quay ra, chợt thầm ước ao mình cũng được như chúng nhưng ngoài mặt lại làm bộ cóc cần. Không biết tự lúc nào, cái câu hát khiêu khích “Chúa Giêsu đánh đu gãy cẳng, Đức Chúa bà chạy thẳng nhà thương” vẫn là nguyên nhân của bao nhiêu là vụ chưởi lộn, đánh lộn nhau. Tôi hồi đó cũng thường tham gia hò hét như thế, mặc dù không mấy khi trốn khỏi cây roi của bà ngoại!

   Giáng Sinh vẫn hay gợi trong tôi những kỉ niệm thời trẻ con ngây dại mà dễ thương biết chừng nào!

 

Nửa đêm rồi,

Có tiếng chuông đâu đây

Đêm thánh vô cùng

Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình An dưới thế cho người thiện tâm

Đọc tiếp ...

Về quê ăn giỗ




Lần thứ hai, sau 30 năm, vợ chồng tớ mới lại về quê giỗ dì. Dì là chị hai của mẹ chồng tôi. Thật là xấu hổ!
Trước, khi thì nhớ muộn, khi thì ông chủ nhà tớ bận tít mù với công việc. Giỗ dì thường mấy anh chị em bên chồng đi cúng. Năm nay, ông chủ nhà tớ nghỉ hưu, thong dong rồi, bọn tớ cùng về giỗ.
Thật vui và ấm áp.
Đọc tiếp ...

Merry Christmas!!!


  Giáng sinh lại về
Xóm blog chúng ta lại tất bật như đã từng tất bật
chúng ta đi vòng vòng nhà nhau
nói cười
  
chúc tụng
Vui biết bao nhiêu và cũng mỏi chân nhỉ?
Năm nay, tớ không mạnh giỏi, 
tớ không ngồi được lâu,
tớ hay bị ông chủ nhà "hmmm...." khi thấy tớ gõ lốc cốc 

Vậy nên,
Tớ đành ngồi nhà mà chúc xóm blog mình vậy:

GIÁNG SINH AN LÀNH!!!



 



Photobucket





 




Photobucket




Photobucket




Merry Christmas Comments and Graphics for MySpace, Tagged, Facebook




Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 6 tháng 12, 2010

SẼ KHÔNG CÒN MÙA NƯỚC NỔI?

Mang về từ blog của Phương Nguyên. Em nói "Bài này viết gởi báo (Tuổi Trẻ và Sài Gòn tiếp thị) mà báo hổng thèm đăng, mình tự đăng vậy! Ngày tháng trong bài bị lạc hậu rùi!"


Sông Cửu Long là tên gọi của đoạn sông Mekong chảy qua địa phận Việt Nam. Dòng sông đã bồi đắp nên một đồng bằng Sông Cửu Long phì nhiêu, vựa lúa của cả nước. Hàng năm, mùa nước nổi của sông Cửu Long mang lại cho cư dân trong vùng một nguồn lợi thủy sản tự nhiên to lớn, tưới tắm phù sa cho đồng ruộng, do đó, cho những vụ mùa bội thu mà đất đai không bao giờ cằn cỗi. Vào mùa lũ, các con sông lớn trên thế giới thường rất hung dữ, ngay cả sông Hồng cũng vậy, khiến người ta phải đắp đê ngăn chặn, mà nếu đê vỡ, sẽ gây tai họa lớn. Ngược lại, sông Cửu Long trong mùa lũ vẫn hiền hòa, nước “nổi” lên từ từ là nhờ có Biển Hồ ở Campuchia đã chứa trọn lượng nước rất lớn từ thượng nguồn đổ về, rồi “xả” lần lần xuống đồng bằng sông Cửu Long của nước ta.

Mùa nước nổi kéo dài bao lâu?

Hàng năm, khoảng mùng 5 tháng 5 âm lịch, nước sông Cửu Long từ trong (tương đối) trở nên đục dần, người ta gọi là nước quay, nghĩa là bắt đầu mùa nước. Từ thời điểm đó, nước sông dâng lên từ từ, tới tháng 7, tháng 8 nước lên nhanh hơn, ngập ruộng đồng, và khi nước lên tới đỉnh điểm gọi là nước phân đồng là khoảng rằm tháng chín,. Sau đó nước rút xuống từ từ tới giữa hoặc cuối tháng 10 là ruộng đồng trở lại như cũ. Thời gian nước ngập chừng ba bốn tháng tùy năm.

Mỗi năm thời điểm nước lên gần như không thay đổi nhiều, chỉ có mực nước là cao hay thấp mà thôi, nhưng dù cao hay thấp thì nước cũng luôn luôn ngập trắng cánh đồng.

Mùa nước nổi có gì ?

Xưa
Khi nước bắt đầu lên, người ta sạ lúa mùa, nước lên tới đâu lúa vượt tới đó, trổ bông kết hạt trên mực nước sâu 2-3 thước. Khi nước rút hết là lúa cũng chín, người ta gặt lúa là xong mùa, khỏi làm cỏ bón phân chăm sóc gì hết. Mỗi năm chỉ làm một vụ lúa mùa, còn mùa khô thì làm rẫy (tức là trồng hoa màu, rau...). Dân miền Tây được tiếng "làm chơi ăn thiệt" là vì vậy.

Mùa nước nổi cũng là mùa cá, cũng là mùa làm mắm: mắm cá linh, mắm cá sặc, mắm cá chốt, mắm cá lóc…Mùa nước nổi là mùa ăn nên làm ra của rất nhiều ngành nghề “ăn theo” mùa cá: làm lưỡi câu, đan lưới, đan lờ lọp, đóng xuồng ghe… Đặc sản mắm thái Châu Đốc vang danh khắp nơi, cũng là sản phẩm của mùa nước nổi ở xứ này.

Từ 15-20 năm nay nông dân vùng nước nổi không còn làm lúa mùa một vụ nữa vì năng suất thấp. Tất cả đã chuyển sang làm lúa hai vụ, ba vụ. Nếu làm lúa hai vụ thì khi vừa thu hoạch lúa vụ hè thu xong thì nước lên, khi nước vừa rút xuống thì gieo sạ vụ đông xuân. Sau thời gian nước ngập ba bốn tháng thì ruộng đồng trở nên “tươi mới”, cỏ dại và sâu bệnh đều chết và bị nước cuốn trôi. Quan trọng hơn là nước rút đi đã để lại một lớp phù sa màu mỡ, đây chính là nguyên nhân của những vụ mùa bội thu của đồng bằng sông Cửu Long. Nếu làm lúa ba vụ thì người ta đắp đê bao ngăn nước để làm lúa vụ ba, dân trong vùng có đê bao sẽ không có mùa nước nổi. Họ được thêm một vụ lúa nhưng thiệt mất một vụ cá; năng suất lúa vụ ba thường thấp hơn hai vụ lúa kia và chi phí cũng cao hơn do sâu bệnh nhiều hơn. Đôi ba năm một lần người ta vẫn phải mở cống cho nước nổi vào vùng có đê bao để cho đất không bị cằn cỗi.

Nay

Chừng 5 năm đổ lại đây, nông dân ngoài việc đánh bắt cá trong mùa nước nổi, họ còn nuôi tôm cá “đăng quầng”, nghĩa là giăng lưới một vùng trên cánh đồng rồi thả cá, tôm nuôi thúc trong mấy tháng nước lên, khi nước xuống thì thu hoạch. Nghề nuôi đăng quầng này đã giúp nhiều gia đình nông dân nghèo tăng thu nhập đáng kể. Mùa nước nổi vẫn là mùa làm ăn của những nghề làm câu lưới đóng xuồng ghe…

Hôm nay, đã là trung thu, tức là đã ở giữa mùa nước nổi, nước gần như đã tới đỉnh, lẽ thường cánh đồng đã thành biển nước. Thế nhưng nước không ngập lên bao nhiêu, vẫn chưa ngập hết cuống rạ trên đồng.Tôi là dân vùng nước nổi, lần đầu tiên trong đời nhìn thấy giữa tháng tám âm lịch mà nước vẫn không “nổi”. Mọi năm, cứ tới ngày tới tháng thì nước lên, rồi nước xuống, ta cứ coi đó là chuyện bình thường theo quy luật tự nhiên. Bỗng nhiên năm nay… nước không nổi, thật là một sự hụt hẫng, bất ngờ và lo lắng.

Từ năm 2009, nhiều tờ báo lớn (*) đã lên tiếng cảnh báo về tác hại của các con đập lớn trên thượng nguồn sông Mekong, mà con đập lớn nhất là đập Tiểu Loan. Theo báo Tuổi Trẻ, “Để trữ đầy con đập với thể tích 15 tỉ m3 này, sẽ cần sử dụng một nửa dòng nước ở thượng lưu sông Mekong từ 5-10 năm liên tục.” Và đập Tiểu Loan đã  bắt đầu tích nước từ tháng 10-2009. Phải chăng đây chính là nguyên nhân làm cho năm nay, ĐBSCL của chúng ta không có mùa nước nổi?

Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn nhất ở Việt Nam, nơi xuất khẩu lượng lúa lớn thứ hai thế giới; đồng bằng nầy cũng là nơi nuôi trồng nguồn thủy sản xuất khẩu chủ lực. Nếu những năm sắp tới nguồn nước tiếp tục bị cạn kiệt, mùa nước nổi không còn nữa, nguồn lợi thủy sản tự nhiên chắc chắn sẽ không còn, đồng ruộng không có phù sa, nước mặn tiếp tục xâm nhập vào sâu trong đất liền nhiều hơn nữa… Không đủ nước ngọt cho việc trồng lúa, nuôi tôm cá…thì miền đồng bằng phì nhiêu này sẽ trở nên thế nào đây? Khi đó, mối hiểm họa sẽ không chỉ đe dọa riêng người dân ĐBSCL mà còn ảnh hưởng đến “nồi cơm” của cả nước, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Chúng tôi, những người nông dân chỉ còn biết mong chờ nhà nước tiên liệu và đề ra những đối sách thích hợp để  xoay chuyển được tình thế khó khăn và ngặt nghèo này.

Phương Nguyên


* Xem thêm:

http://tuoitre.vn/Chinh-tri- xa-hoi/Khoa-hoc-moi-truong/ 318355/Dap-Tieu-Loan-de-doa- dong-bang-song-Cuu-Long.html

http://tuoitre.vn/The-gioi/ 317599/%E2%80%9CBuc-tu%E2%80% 9D-song-Mekong-voi-dap-cao- 292m.html

http://vnexpress.net/GL/Khoa- hoc/2010/03/3BA19975/


Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 29 tháng 11, 2010

Quà tặng KTD&NO




Tặng hai em xê ri ảnh này, xem cho vui nhé!
Đọc tiếp ...

Đám cưới và hậu đám cưới!




Tớ đánh xe từ Bến Tre lên, ghé Hà rước Hà, Bống và BTT rồi ghé rước Mập với Phương Nguyên xong là trực chỉ Thủ Đức. Thấy con đường mà thương em Gió đi off về một mình bóng nhỏ đường xa! Cả nhóm ta vui nổ trời nhỉ? Tớ không chộp được nhiều hình như Hà, Mập, Bống... nhưng cũng có mấy hình đáng giá đấy! Mời cả nhà ghé xem nhé!
Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 19 tháng 11, 2010

Mộ gió - Nguyễn Ngọc Tư

Đem về từ nhà Multi của con trai

Without a doubt, my favorite contemporary Vietnamese writer is Nguyen Ngoc Tu, who penned the most revolutionary modern Vietnamese literary work, Canh Dong Bat Tan.  Hailing from Ca Mau, her style is, needless to say, uniquely and quintessentially southern.  

I remember the first time I read Canh Dong Bat Tan, my heart kept racing throughout the entire emotion-packed novel.  I had never known of any Vietnamese writer who can express so much in so few words, and so effortlessly that no single word is redundant.  

Anyway, I randomly came the following short story and, as always, felt instantly connected to it,  as if it's part of a forgotten past.  Isn't it so pretty ...


Mộ gió - truyện của Nguyễn Ngọc Tư

Hồi ấy chị lên mười ba, em nhỏ hơn hai tuổi. 

Mười bảy tháng mười năm đó ba má đi đám giỗ, để hai chị em ở nhà. Lúc xách cặp chèo ra cửa má ngoái lại dặn chị:

- Ở nhà coi chừng em...

Chị dạ. Má rải lời dặn dò nằm lển nghển khắp nơi. Chị ngó ngoài sân thấy “Coi chừng ông trời chuyển mưa thì đem củi vô nhà“ và ”Đóng cái cổng rào lại” lúc đứng dựa hàng bông lồng đèn kêu cọt kẹt, bước vô nhà vấp “Lấy chổi rơm quét mạng nhện trên bàn thờ” và “Nhà hết gạo rồi, con lội bộ lại đằng tiệm mua nấu đỡ” thì nằm nép trong góc bếp. Ở sàn lãng gió thổi xập xòe làm “Còn mấy con cá rô đem kho tiêu” đập đuôi xao xác vách thùng.

Một mình chị làm bao nhiêu chuyện đó cũng xong, nhưng em cứ cà nhổng chạy chơi với chuồn chuồn thì ức. Ba hay nói phải chia việc mà làm, “mỗi người có một bổn phận...”. Con trai kiếm cá con gái hái rau, con trai ra ruộng rẫy con gái vùi đầu trong xó bếp. Bao giờ con trai trở thành đàn ông nó có bổn phận đưa tay đánh, còn con gái (giờ đã là đàn bà) thì giơ thân ra chịu đòn. Vụ đó ba không dạy, hai chị em tự biết thôi.

Những bài học về bổn phận chị thuộc nằm lòng, nên khi em đòi đi tiệm mua gạo thay vì bắc ghế quét mạng nhện bàn thờ, chị buộc lòng gật đầu. Làm chị phải nhường em.

Chị thích được đi tiệm để săm soi mấy cây kẹp tóc thèm chơi. Nhưng tiệm cũng là thiên đường của em, với những cục kẹo sặc sỡ như những cái bong bóng sặc sỡ. Dù mỗi lần em đi tiệm dường như răng lại mòn hơn, dù em hay chểnh mảng kiểu như mua đường cát về tới nhà thấy cát nhiều hơn đường, còn lẫn lộn thêm mấy con cuốn chiếu. Bữa trước đi mua đậu trắng em về với cái túi không, đậu chảy theo cái lỗ thủng rải dọc đường như cô công chúa Mỵ Châu để lại dấu vết cho chồng. Bữa trước nữa em lội sông mang gạo về, má phải đem mớ gạo ướt mèm xay bột.

Sẽ xảy ra vài kịch tính ở quãng đường giữa nhà và tiệm tạp hóa bà Tư Mốt: một nhánh cây gãy lộ ra ổ ong mật, một con diều của ai đó mắc kẹt trên đọt so đũa, một tiếng chim hót nghe gần... cũng làm chân em chậm lại mươi phút hay vài giờ hay hết phim, nếu nhà bà Tư Mốt đang mở một cái phim võ thuật kiểu như Ngôi chùa Thiếu Lâm tự.

Nên trưa ấy quá bữa rồi mà gạo chưa về tới nhà, chị tưởng em còn hóng hớt đâu đó. Cái mẻ kho nằm nguội ngắt chờ cơm.

Nhiều ngày sau đó, khi xóm nhỏ nháo nhác vì một cư dân mười một tuổi đã biến mất, chị vẫn nghĩ em đang chơi đâu đó. Chị giận sôi những người đã tỏ ra thất vọng khi không tìm thấy thi thể em, ở ngoài đồng hay dưới đáy sông. Một câu đố không tìm ra câu trả lời, ông trời cà chớn quá.

Nhiều tháng sau đó, khi ba má vẫn vật vã rã rượi, chị vẫn nghĩ em đi chơi đâu đó sẽ về. Cho tới khi má rọi cái ảnh em hồi mười tuổi đặt lên bàn thờ, đứng chung với mấy ông bà già u mặc. Trong ảnh, em mặc áo thun vàng đồng phục của đội bóng nhi đồng trường lúc đang nhận giải ba cấp huyện, mặt em nghiêng về trái khoe mụt ruồi lớn như con ve chó, giống như hình ảnh cuối cùng của buổi sáng ấy chị ngó thấy em chạy vù đi.

Cái ảnh là kết cuộc cho những chờ đợi nhưng hi vọng đã bay hơi theo ánh mặt trời. Má sực nhớ biết đâu thi thể thằng nhỏ trôi ra biển hay bị kẹt dưới chân cầu nào, rồi âm thầm tan rã. Biết đâu giờ hồn nó vất vơ vất vưởng đói ăn. Ba má bắt đầu kêu em về trong những bữa cơm. Có lần chị quên không dọn dư ra một cái chén, ba bợp tai chị cắm đầu, nói “đã kêu mày coi chừng em rồi mà...”.

Coi như chị đã được định tội xong, và định sẵn cho mọi lỗi lầm dù chẳng mấy liên quan như chuột cắn ổ gà, dông làm ngã cây đu đủ... Nếu mỗi lần đau trên người chị mọc sợi lông, thì những lần má ngồi khóc bên sông, những lần ba buông đũa giữa bữa cơm bởi tiếng bầy trẻ trai đi bắn chim ngang nhà, những cái tết lặng lờ qua, những khói nhang tối tối, những lần giở quần áo em ra giũ bụi... đã biến chị thành con khỉ.

Và nếu mỗi lần đau là một giọt nước, một hạt cát thì chị thành sông, thành đồi cát năm ba mươi tuổi.

Chị sống một mình. Mỗi khi định cười giòn thì chợt nhớ mình đã để mất đứa em. Mỗi khi định lấy ai đó làm chồng thì nhớ trong cơn mê sảng má thảng thốt kêu Võ, Võ ơi. Mỗi khi định sống cho ra con người thì nhớ ba lúc lâm chung vuốt mãi mắt mới chịu nhắm.

Chị vẫn tin em đi chơi đâu đó. Nhà vẫn cặm trên nền cũ, vườn cũ, kiểu cũ. Cây nào chết thì trồng lại y giống cây đó. Đoạn rào nào gãy thì được thay giống hệt. Chị chôn chị chỗ buổi sáng em guộn mấy tờ giấy bạc mua gạo vô dây lưng quần cộc xanh dương, áo màu xám tro lấm lem mủ chuối vẫy tay rẽ trái chạy vù về phía tiệm tạp hóa bà Tư Mốt. Lúc đi em không đóng cửa rào làm mấy con gà đi qua nhà hàng xóm bươi tơi bời giồng cải họ mới gieo.

Một bữa chị qua hàng xóm mượn trẻ con nhổ tóc ngứa, đang ngủ gà gật, đang lúc hờn hờn cái thân mình chẳng có đứa nhỏ để sai vặt, chợt nghe bên nhà chó sủa. Chị hỏi vóng qua hào ranh. Người đó ngập ngừng:

- Cho tôi hỏi nhà chú Mười Hưng.

- Phải rồi, nhà ba tui đó, cậu kiếm ai?

- Em Võ nè, chị Hai...

Người đó nói vậy. Chị không biết cách nào mình đã về đến nhà, bay, hay bò lết, hay nhảy ào xuống hào càn qua những dây rau muống. Chỉ biết chị phải về sụp xuống trước bàn thờ, để thưa:

- Đó, ba má thấy chưa, con đã nói là thằng Võ đi chơi mà...

Chị quỵ ở đó rất lâu, tóc xấp xải trải xòe ra đất, lưng khum khum như một ngôi mộ. Chị không hỏi em đã đi đâu, chẳng ích gì... Đàn ông rong ruổi đường xa, đàn bà vạ vật ngồi canh cửa, đời phân công vậy mà...

Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 15 tháng 11, 2010

Không đề



Mặt trời vốn hào phóng!

Mặt trời ban phát vô tư ánh sáng, ban phát vô tư cái nồng nàn cố hữu, rồi cũng quên một cách vô tư.

Mặt trời có bao giờ nhớ hay biết rằng mình đã gieo những gì? 

Mặt trời gieo sự sống xanh tươi trên mặt đất

Mặt trời cũng tạo nên sa mạc cằn khô

Chắc là mặt trời cũng hào phóng như đàn ông?

 

Mặt trăng dịu dàng nhưng hay thay đổi!

Mặt trăng kiêu hãnh một cách dại khờ về ánh sáng không có thực của mình.

Mặt trăng tự hào một cách ngớ ngẩn về cái đẹp cũng không có thực của mình.

Mặt trăng thỏa mãn một cách vô lối về sự ngộ nhận ấy. Tội nghiệp mặt trăng quá!

Chắc mặt trăng là phụ nữ?

 

Trái đất không tự chọn cho mình số mệnh

Trái đất được sinh ra trong cơn bão lốc của vũ trụ, rồi trái đất lớn lên như một đứa trẻ vô thừa nhận.

Trái đất tự hào với vẻ đẹp huy hoàng phong phú, trái đất cũng biết mình sẽ gánh chịu bao nhiêu tai ương và luôn bất lực và đau xót biết mình chịu ảnh hưởng từ người cha Mặt trời vô tâm.

Trái đất xem Mặt trăng như một sự cưu mang bất đắt dĩ, bởi con nước thủy triều suy cho cùng cũng chỉ là trang sức mà thôi.

 

Nhật thực và Nguyệt thực ư? Chẳng qua chỉ là phút ngẫu nhiên thẳng hàng nhau giữa mênh mông vô bờ của vũ trụ, để cả ba biết rằng mình từng có nhau và cũng không hề có nhau!


Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Họp mặt người già!




Một số anh chị em trường cũ về gặp.
Bao nhiêu là chuyện kể cho nhau nghe
Chia tay, vẫn còn nhiều chuyện chưa kịp nói với nhau.
Hẹn sang năm!
Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

Halloween




Bạn xa gởi về một lô hình điêu khắc bí ngô ngày Halloween 31-10
Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010

31-10 Halloween














Hôm nay 31-10, Halloween bên Mỹ.
Cô bạn gởi về cho mấy tấm hình điêu khắc từ bí ngô (mình gọi là bí rợ đó).
Post lên để xóm blog mình xem cho vui.
Bạn chú thích bằng tiếng Anh, mình không hiểu hết. Bạn nào rành, chú thích bằng tiếng Việt dùm nhé. :)

Nguồn Gốc và Lối Ăn Mừng Lễ Halloween tại Hoa Kỳ

Phương Lan

 

Tháng 10, mùa thu, trẻ em Mỹ đang háo hức chờ ngày lễ Halloween, được coi như lễ nhi đồng taị nước này.

Đến tháng 10 khi cây lá ở miền đông bắc Hoa Kỳ đã ngã vàng, người ta thấy ở khắp các thị trấn, thành phố và vùng quê đều có những hình ảnh về ngày lễ Halloween. Hình người bù nhìn bằng rơm, bằng vải nằm bên cạnh mấy chùm bắp khô, bà phù thủy mũi nhọn hoắt mặc áo đen ôm cán chổi, quả bí ngô, còn gọi là bí rợ hay bí đỏ, được tỉa theo hình mặt người cười toét miệng, nhe mấy cái răng cửa khấp khểnh, hình những con ma, con dơi, được dán lên cửa kính hay cửa sổ trước nhà. Bước vào các siêu thị, các cửa hàng bách hóa bán đồ gia dụng và các tiệm thuốc tây không ai không thấy hàng núi kẹo đủ loại, đủ kiểu, đủ màu được bày bán cùng với các loại y phục để mặc hóa trang trong ngày này, nào là mặt nạ quỷ nhe nanh, ma cà rồng miệng bê bết máu, cho đến những mặt nạ, hay những bộ y phục tương đối hiền lành hơn rập theo các nhân vật trong những phim hoạt họa ăn khách v..v..

Lễ Halloweeen tại Hoa Kỳ được trẻ con đón mừng nồng nhiệt nhất, nhưng không phải nó chỉ dành riêng cho các em. Trẻ con mừng vui được cha mẹ, anh chị dẫn đi xin kẹo vào tối ngày 31 tháng 10 là điều dĩ nhiên, nhưng những người lớn trong lứa tuổi từ 18 đến 24 vẫn thường hay mở tiệc hay đi dự dạ tiệc hóa trang vào đêm cuối cùng của tháng 10. Số người trong lứa tuổi từ 25 đến 44 thì dẫn con em đi xin kẹo hoặc ở nhà tỉa quả bí ngô thành hình mặt người cười, người Mỹ gọi là Jack-O’Lantern. Và hầu hết những người trên 45 tuổi thì ở nhà để phát kẹo khi trẻ con gõ cửa đến xin.

Nói chung, Halloween là lễ được nhiều người trang hoàng và ăn mừng đứng vào hàng thứ nhì trong các lễ hội mùa đông. Họ tiêu tiền khá nhiều và trung bình trong nnhững năm trở lại đây, các nhà bán lẻ đã thu về tổng cộng trên 40 triệu đô la cho toàn mùa lễ này. Riêng năm nay dự đoán sẽ có 55,8% dân Mỹ ăn mừng lễ và sẽ chi chừng 41 triệu 770 ngàn đô la cho lễ Halloween.

Nhưng tại sao ngày lễ Halloween lại rơi vào 31 tháng 10 và tại sao phải có những hình ảnh, trang phục ma quái cho ngày Halloween?

Theo một trong những truyền thuyết bắt nguồn từ văn hóa của người Celt thời cổ Ái Nhĩ Lan thì 31 tháng 10 là lúc chính thức chấm dứt mùa hè, chấm dứt mùa của sự sống dương gian. Chuyện kể rằng vào ngày này những hồn ma vất vưởng chết trong năm đó sẽ trở lại trần thế tìm một người nào đó mà nhập xác để còn được tồn tại sau khi chết. Thế nhưng người dương thế thì lại không muốn bị ma bắt hồn nên đến tối ngày 31 tháng 10 họ tắt đèn, tắt bếp lửa để cho nhà cửa lạnh lẽo như cõi âm. Họ còn mặc quần áo giả trang cho lẫn lộn với đám ma quỷ và khua động khắp xóm làng để đuổi tà ma.

Thế còn còn quả bí ngô, còn gọi là bí đỏ hay bí rợ tỉa theo hình mặt người cười toét miệng thì sao?

Tại Hoa Kỳ các bà nội trợ đã mang quả bí này ra khoét ruột tỉa hình mặt người trên đó từ hàng trăm năm nay. Cũng theo truyền thuyết của người Ái Nhĩ Lan thì xưa có một anh chàng biệt danh là Jack Hà Tiện, một hôm anh chàng Jack này mời quỷ đi uống rượu. Nhưng Jack Hà Tiện vắt cổ chày ra nước lại không muốn trả tiền rượu, nên chàng ta bèn dụ dỗ con quỷ hãy hóa phép tự biến thành thành đồng tiền để Jack hà tiện mua rượu cùng nhậu cho vui. Khi quỷ nghe bùi tai biến thành đồng tiền thì Jack nhặt ngay lấy bỏ vào túi áo trong đó có sẵn một lá bùa khiến quỷ không thể trở lại nguyên hình quỷ được nữa. Nhưng rồi sau Jack đã giải phóng cho quỷ với điều kiện là quỷ không được quấy nhiễu Jack trong suốt 1 năm, và nếu Jack chết, quỷ cũng không được thu linh hồn của Jack. Cho đến năm sau Jack lại đánh lừa được quỷ để quỷ leo lên cây cao hái quả. Trong lúc quỷ còn đương loay hoay trên cây thì Jack khắc ngay một là bùa vào thân cây, thế là quỷ sợ không dám leo xuống cho đến khi quỷ hứa không được quấy nhiễu Jack thêm 10 năm nữa rồi Jack mới bóc chỗ vỏ cây có khắc lá bùa đi.

Chẳng bao lâu sau đó thì anh chàng Jack Hà Tiện qua đời. Hồn ma của Jack đến gõ cửa thiên đường nhưng thượng đế không nhận cho một kẻ tinh ranh láu cá như vậy lên cõi trời. Xuống địa ngục thì gặp quỷ bị lừa khi trước còn tức tối nên Jack muốn vào địa ngục cũng không xong. Tuy nhiên giữ lời hứa không bắt hồn Jack, quỷ đuổi Jack đi và chỉ cho Jack một cục than hồng để mà dò dường trong đêm tối. Jack Hà Tiện bỏ cục than cháy đỏ vào trong một củ cải tròn khoét ruột làm đèn và từ đó cứ luẩn quẩn khắp cõi dương gian. Người Ái Nhĩ Lan gọi là Jack of the Lantern, tức là Jack lồng đèn, và sau biến thành Jack-O’Lantern.

Người Ái Nhĩ Lan khoét ruột củ cải tròn hoặc củ khoai tây theo hình mặt người cười láu cá như vậy đem bày ở bệ cửa sổ hay gần cửa ra vào để xua đuổi những hồn ma vất vưởng như Jack Hà Tiện khỏi xâm nhập vào gia cư của họ. Khi những di dân từ Ái Nhĩ Lan và Anh quốc tới Hoa Kỳ, họ thấy rằng quả bí đỏ, tức bí ngô hay bí rợ, một thổ sản đầy rẫy ở vùng đất mới, là nguyên liệu thích hợp nhất để họ khoét ruột tỉa hình mặt anh chàng Jack-O’Lantern.

Quả bí đỏ, xưa nay vẫn tượng trưng cho sự phong phú của mùa màng miền bắc Mỹ, được trồng rất nhiều tại Hoa Kỳ và hằng năm vào trước lễ Halloween mấy tuần, các nông gia mở hội thi xem ai trồng được quả bí to nhất

-------------

The fear inside. 


David Letterman

Biting his tongue

Foods with moods

Unlocking a vision

Dr. Jekyll and Mr. Hyde? 


Brainiac

Native American portrait   

It's alive!!   

Motorized Medusa

Predator pumpkin



Say 'aaaahhhhh'!  


Please don't pull on that tab   

President Barack Obama   

Rough day

Would you open this zipper? 


Who let me outta here?



Got my eye on you

 
Đọc tiếp ...