Thứ Năm, 30 tháng 9, 2010
Bông súng
Trong quyển Quốc Văn của Phạm Thế Ngũ có một bài về Bông súng, không nhớ của tác giả nào, có câu "Ai bảo sen là hoa Quân tử, ta gọi súng là hoa Tiên tử..."
Bông giấy
Ai bảo Bông giấy hữu sắc vô hương, ta học ở Bông giấy bài học cống hiến hết mình. Thời tiết càng khắc nghiệt, bông càng phô hết vẻ rực rỡ nồng nàn.
Thứ Tư, 29 tháng 9, 2010
Ngâu
3 năm trước, tớ định mang cây ngâu này sang Mỹ tặng cô bạn. Nhưng ngại bị bỏ lại nên thôi. Tớ mang ra trồng ở bồn hoa trước nhà, nay nó cao bằng từng này và hoa trái liên tục.
Post mớ ảnh này tặng riêng cho em Walkinclouds.
Bằng lăng tím
Dọn lại mấy hình trong máy, post lên đây xóm blog xem cho vui heng.
Bằng lăng nhà tớ đấy, trồng từ lúc về nhà này (1997). Hồi đấy mua 70.000đ!
Thứ Ba, 28 tháng 9, 2010
Thứ Năm, 23 tháng 9, 2010
Trải qua một cuộc bể dâu
Em trai,
Đọc tiếp ...
Ba tuần lễ nuôi Man ở Bệnh viện, về thấy mấy giỏ lan xác xơ, còn mai chiếu thủy, nguyệt quế và cỏ đậu thì lên như rừng. Cây lộc vừng đạt giải quán quân trong chuyện phô phang hàng hà đọt non đọt già mà chẳng thấy nổi một chồi bông.
Phải hai ngày liên tiếp, nhờ chồng 4 Thủy sang ra tay dọn dẹp mới quang quẻ sân vườn.
Bữa em gọi điện về hỏi cây cối sao rồi, chị đã định chụp hình gởi cho xem, nhưng cứ lu bu hoài những việc không tên.
Hồi sáng, buồn quá, xách máy đi chụp tùm lum, mở hình ra thấy chẳng có hồn vía gì cả, nhưng cứ post lên đây cho em xem đỡ vậy.
Phía hiên trái đây
Giỏ lan này, in như chị đem về hồi em còn ở nhà thì phải. Nó mới ra đợt bông thứ hai.
Giỏ lan tím này cũng vậy:
Còn đây là giỏ lan tím cánh to, hồi em còn ở nhà bông nhiều lắm, giờ chắc thiếu bàn tay chăm sóc của em, nó sợ chị buồn nên miễn cưỡng trổ mấy bông cụt ngủn!
Còn "chị" vũ nữ này cũng thế. Một chút xíu màu vàng chưa đủ làm sáng chung quanh lên
Chị Vũ nữ này chảnh lắm, điếc ngắt luôn, không thèm trổ bông hoa gì cả.
Mấy giò lan rừng này, hồi đầu hè, người ta mang từ Tây Nguyên về bày bán bên lề trường Bến Tre, chị đi chợ về hay tấp vào lắm. 20 ngàn một cành, nay tụi nó ra rễ rồi, to bằng chiếc đũa vậy. Sống chắc rồi hén!
Đây nữa nè, cậu mày thấy cái rễ của nó không?
và đây nữa, cũng 20 ngàn, rẻ quá chứ!
Đây nữa. Biết đâu chừng em về chơi, nó có bông đó.
Nhớ giỏ lan rừng này không? Nay nó lớn được đến chừng này:
Hai anh Lan lọng này khó nuôi lắm, Trông hụt hơi ảnh mới nở được một bông, trông như nửa cây dù vậy, ngộ lắm. Đợt trước nó nở , chị chụp rồi mà để lạc hình ở đâu tìm chưa ra.
Mỗi mình cây đa Nhật vẫn tốt tươi
Lộc vừng thì bắt đầu đợt bông mới rồi đây. Hình này chị chụp đâu hồi khoảng 8g gì đó, mấy cái bông nở hồi đêm sắp buông tay rồi:
Góc bên trái là tán lá um tùm của nó đó:
À, chuyện này mới đây: Chị thay cái chậu bông súng rồi. Chắc là lâu quá rồi nên nó đi nước. Chậu này đường kính to hơn, chị bảo chỗ bán đừng đắp nổi bông hoa bên ngoài, cũng đừng sơn màu làm chi, mình chôn xuống đất mà. Chị dời ra ngoài một chút, gần gốc thiên tuế hơn. Biết sao không? Bụi tường vy rụng bông đầy xuống nước, chả biết phải vì vậy mà cá chết hết hay không? Giờ chị mới thả cá bảy màu vô, nó đẻ rồi, cá con bơi lăng quăng vui mắt lắm. Tết này kiếm bụi bông sen trồng chung vô nữa. Cho vui!
Nhà Thiên Tuế đây, giờ thì 5 mà 4, thấy cũng bắt giận, bữa nào bứng bỏ một cây đó.
Biết cây gì đây không? Iris mang về từ vườn nhà chị Tâm đó, tốt lắm, chị mới chiết ra thêm được hai chậu nữa.
Mấy bụi Lan Kiếm tốt ơi là tốt, Anh Bé bảo coi chừng chết cây Bằng Lăng, nhưng chắc không sao đâu, ở trong rừng thì tụi nó cũng chung sống hòa bình với nhau được mà. Bông nở thấy mê hén!
Còn đây là một loại cẩm cù khác, chị đang sốt ruột chờ nó ra bông:
Riêng Tường vy năm này thì cây chị đem về từ nhà Chị Thư đã ra đợt bông đầu rồi, đẹp lắm. Chị đã tỉa nhánh lúc hết đợt bông, giờ đọt non đã cao cỡ này:
Mấy chậu mai vàng năm nay tệ lắm, qua đợt nước mặn là ỉu xìu, tới nay vẫn kém tươi tốt, sợ đợt lá này không chịu nổi tới Tết. Năm nay chắc thưa bông rồi.
Tạm vậy đi nghe, mai chị sẽ chụp tiếp vườn sau.
Muốn nói với em câu chót: Cây kiểng bên này nhớ em nhiều lắm đó!
Thứ Tư, 22 tháng 9, 2010
Thứ Hai, 13 tháng 9, 2010
Chuyện hồi xưa!
Chuông cửa,
Đọc tiếp ...
Ngoài cổng lố nhố những người là người.
Ánh đèn bên quán cafe chiếu sang không đủ nhìn rõ mặt. Đứa cháu họ xa lên tiếng, có người quen ở Cẩm Giang về thăm cô đây.
Cẩm Giang, Tây Ninh! Không lẽ...Trời ơi, chị Cộng đó hả?
Là chị thật! Chị ôm chầm lấy, không nói được tiếng nào, dụi đầu vào vai tôi và khóc ngon lành và tôi thì cứ tưởng như không thực. Tôi vỗ vỗ lưng chị, đừng khóc, đừng khóc nữa mà, gặp lại em thì vui chứ, nín đi chị, khóc hoài thì làm sao nói chuyện với em!
Bọn trẻ cứ đứng xớ rớ giữa sân như những vai phụ không biết phải diễn thế nào cho đúng tuồng.
Chị già lắm, nét khắc khổ in rõ trên khuôn mặt, trên mái tóc muối tiêu, trên những vết chai sần của bàn tay vuốt má tôi...
Hồi đó, bốn chục năm trước
Tôi và chị, bà con đầu ông cố, cùng mười tám tuổi, cùng vào ở nhà cậu. Tôi nhập học Trường Luật năm Nhất, chị giúp việc nhà.
Cậu giàu lắm, có công ty xuất nhập cảng 18 ngành hàng, có văn phòng ở đường Nguyễn Huệ, có mấy nhà kho lớn, mấy chiếc xe con, mấy căn nhà.
Ba chị là em chú bác ruột với Cậu còn mẹ tôi là em cô cậu ruột.
Sau Mậu Thân, nhà tôi cháy hết, một mình mẹ nuôi 5 đứa con bằng đồng lương giáo viên, tôi đi Sài Gòn học, mẹ đang không biết tính sao thì cậu bảo để cậu nuôi.
Nhà chị cũng nghèo lắm, ba mẹ chị làm rẫy, đến mùa thì chở mít xuống bán ở chợ Bình Tây. Cậu bảo cho cậu bớt một đứa để phụ việc nhà.
Cậu bảo tên của hai đứa tốt cho công việc kinh doanh của cậu. Tôi vẫn nhớ hồi ấy tôi ấm ức hoài vì cậu giải thích Thu Nhân là thu vào cái nhân đức còn tên chị là Cộng vào tiền của!
Hồi tôi đến, Mợ đã mất lâu rồi, Cậu và anh Tám cùng chị Bảy, chị Mười ở một căn, chị ở cùng đằng ấy. Căn đằng này thì anh Chín, anh Út, bà Dì và tôi. Con đường Gia Phú hồi đó vắng vẻ, đa số là nhà người Hoa. Đêm, mấy xe mì, xe sâm bổ lượng bày bán trên hè, tôi và chị hay lóc cóc xách tô đi mua cho mấy anh chị, mũi cứ hấp hỉnh đón khói tỏa ra từ thùng nước lèo. Lâu lâu, hai chị em bặm gan lén ăn vội vàng tô mì rồi mới bưng về, dối là đông khách quá phải chờ mà bụng cứ như đánh lô tô.
Chị hiền và giỏi giang lắm. Công việc nhà chị làm băng băng, nấu nướng khéo léo, nói năng dịu dàng, chị thương tôi như em ruột. Chị không học nhiều, nhưng xử sự rất khéo. Chị vẫn hay bảo tôi ráng học rồi làm ông nọ bà kia chứ như chị suốt đời chắc chỉ đi ở đợ. Và chính chị đã từng an ủi tôi bao lần vì sự xéo xắt của chị Bảy. Chẳng gì thì trừ anh Tám ra, chưa ai trong nhà qua được ải tú tài toàn phần, mà con bé bá vơ là tôi lại học đại học!
Cậu cũng thương hai đứa tôi, nhưng hình như cậu sợ các chị không vừa lòng. Chúng tôi biết thân mình ăn nhờ ở đậu mà!
Nhớ những buổi trưa, hai chị em dắt nhau chạy ù ra chợ Kim Biên ngắm hàng họ. Thi thoảng, mua vài cái li, cái dĩa, bao giờ chị cũng chia cho tôi phân nửa. Hôm nào chị Mười làm biếng, chị đi chợ một mình, thế nào chị cũng mua bánh trái gì đó, trưa hai chị em dấm dúi ăn với nhau.
Mỗi sáng thứ bảy, Cậu hay các anh thay phiên nhau chở hai chị thăm mộ mợ ở Đất Thánh Tây, hoặc chị hoặc tôi phải đi theo để thay bông,quét dọn.
Chiều chủ nhật nào, hai chúng tôi cũng rửa xe. Đầu tiên là nước xà bông rồi nước pha tí dầu lửa. Khổ nhất là tuần nào xe đi Vũng Tàu về, cát đầy trong xe và bụi bám mịt mù. Cậu cho hai chị em mỗi đứa năm trăm đồng. Tôi nhớ tiền hồi ấy lớn lắm, in như mua được những hai chục tô mì hoành thánh!
Tết năm đó, tôi không được về quê. Chị bảo chị cũng vậy từ hồi mới đến. Ngày mồng một, tôi khóc vì nhớ nhà, chị ôm tôi vỗ về, nhưng rồi chị cũng khóc!
Mẹ tôi cũng xót con gái nên hết năm học, mẹ dối là đã xin cho tôi về quê đi dạy. Tôi rời nhà cậu với niềm vui thoát cũi sổ lồng mà lại vô tâm quên mất chị!
Giờ mới biết chị cũng rời nhà cậu mấy tháng sau đó mà lí do tôi đoán chừng mình đã hiểu. Hồi ấy, chị mười chín tuổi, mủm mỉm dễ thương, tôi nhớ có lần chị Bảy mắng chị sao vô ý, trách gì anh Tám không ngứa mắt! Con nhà nghèo đi ở đợ thì bao giờ cũng có lỗi hay sao?
Chị bảo sáng mai về sớm. Chỉ cần gặp được tôi thì chị mãn nguyện rồi. Bõ công chị nhắc nhớ tôi bao năm, bõ công chị nài nỉ thằng cháu họ đi tìm nhà hai hôm nay mà khổ nỗi, má tôi chẳng có ở bên quê. Nó chạy tới chạy lui mấy lần mà thấy nhà vẫn đóng cửa, cuối cùng phải chạy đến nhà dì tôi. Dì bảo dì không nhớ đường đi, lại phải chờ thằng em rể tan trường về mới hỏi thăm được.
Mai chị về, chị bảo bốn chục năm chị còn tìm được em mà, giờ chị biết nhà rồi còn gì, chị sẽ lại trở xuống thăm khi có dịp.
Chia tay ở Hoàng Phố, chị bảo đêm nay chị sẽ ngủ rất ngon.
Tôi quay xe về, đêm vắng, đường về nhiều gió, mới chợt nhớ khi nãy quên mang theo áo khoác.
Mà sao không thấy lạnh.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)