Thứ Sáu, 2 tháng 11, 2012

Đi rước dâu

11001B001EDDngv1EC1r1EA5t11101EB9p 
Gia đình chồng tôi đông anh chị em nên con cháu cũng đông.

Từ Anh Hai đến Chú Út có tổng cộng 14 đứa con trai và 8 gái. Một điều
rất lạ là từ 5 đời nay, bao giờ thì tỉ lệ con trai cũng gần gấp đôi, vì thế, 
gia đình có truyền thống rất cưng con gái.
Tôi về làm dâu nhà chồng khi các anh chị chưa ngồi sui. 
Trong từng ấy năm, cũng rất lạ là tôi chưa hề đi rước cô cháu dâu nào!

Nhớ lại thì nhiều lí do lắm : đang lúc có con nhỏ, đang đợt học, đợt
thi ... Và, khi kịp nhận ra tính ý của các cô cháu dâu thì tôi lại nghĩ
rằng trong đám cháu trai còn lại, tôi sẽ chỉ đi rước hai cô cháu dâu vì
tôi thương nhất hai con trai kế của chú em chồng thứ Sáu và cô em chồng
thứ Bảy.

Thằng cháu gọi tôi bằng bác dâu là đứa rất tình cảm mà lại không hề khoa
trương. 
Ngày ba chồng tôi yếu dần đi, nó là đứa cháu kề cận ông nội một
cách ân cần hiếm thấy. Nhà nó cách nhà nội một khoảng bờ dừa và một
vuông sân. Nhưng hầu như trừ khi đến lớp, nó luôn bên cạnh ông. Đút cơm
ông ăn rất vén khéo; tắm táp, kì lưng, gội đầu cho ông rất nhẹ nhàng; tỉ
mẩn cắt móng chân móng tay cho ông; cõng ông lại nhà nó chơi mấy lúc
trời mưa, đất vườn trơn trượt. Đêm vừa học bài vừa ngủ canh ông. Mùa mưa
dầm, khuya, nó trở dậy cời mẻ than cho ông ấm lưng…

Ngày nó đi học xa, ông nhớ lắm! Vẫn hay hỏi “Thằng Láng có về không bây?”
Thằng bé hồi nhỏ tóc lưa thưa, ông gọi đùa với cái đầu láng của nó miết
thành tên! 

Ông yếu dần tuy tuổi mới ngoài bảy mươi. Có lẽ, hồi ở tù Khám Lá Bến Tre bị
tra tấn nhiều quá. Sau này, ông hay nhức đầu và thường xuyên uống
Optalidon, cái bao tử của ông cũng cứ hành đau ông hoài nên ông hay uống
thuốc muối. Tôi can thế nào cũng không xong, ông bảo không có thuốc nào
thay thế được, “uống một chút vô, nó ợ hơi lên là hết đau à con”. Thời
bao cấp,  còn biết làm sao khi xuyên tâm liên là thuốc trị bá bệnh! Tôi chỉ còn 
cách nhờ mấy anh chị học trò ở cty công nghệ phẩm mua dùm thuốc muối!

Rồi ông mất, chúng tôi về, anh em chúng nó về, bất ngờ vì không nghĩ là như thế!
Thôi thì, những trách cứ, phiền muộn, tiếc nuối cũng không thể mang ông trở lại. Nó ngơ ngác khóc ông, 
tôi ngơ ngác khóc ông…

Rồi nó tốt nghiệp đại học, ra đời, giỏi giang như vẫn thế. Thi thoảng, hai
bác cháu ngồi nói chuyện về ông, tôi nghiệm ra rằng, nó là đứa trẻ đáng
quí. Tôi kể những điều nó chưa kịp biết về ông, không phải để nó ghét bỏ
ai, mà để nó hiểu thêm rằng mỗi con người đều có một số mệnh, và chúng
tôi hẩm hiu, thiệt thòi vì ông chỉ sống với chúng tôi chừng ấy, rằng có
lẽ cũng không nên giữ những trách phiền trong lòng vì ai đó đã không
hiểu ông và yêu ông như chúng tôi, rằng có lẽ vì tôi yêu ông như cha
ruột chứ không phải cha chồng.

Rồi ba nó mất khi chúng tôi còn đang trên đường vội vã về mà không kịp.
Chuyến phà xế chiều đông nghịt người, anh em nó đứng ở đầu phà tay giơ
điện thoại, tay lắc lắc ra dấu không kịp nữa rồi…

Lần thứ hai, tôi thấy những giọt nước mắt đàn ông lăn ra lặng lẽ …

Nó lớn khôn dần, giỏi giang hơn, và hình như chúng tôi trở thành hai người
bạn vong niên tự lúc nào. Đôi khi, tôi lên thăm, hai bác cháu ngồi nói
chuyện khuya lắm, câu chuyện vẫn chỉ là gia đình – cái đại gia đình
không phải không có những chuyện đáng phàn nàn lẩn khuất đâu đó giữa
nhiều điều tốt đẹp đủ để hãnh diện với mọi người.

Và hôm nay, tôi thực hiện lời hứa với đứa cháu yêu thương nhất: đi rước cô cháu dâu – cô vợ mới của nó. 

IMG_8027

Quốc Thông và Nhật Khuyên, 
bác Năm mong tụi con sống tốt, hài hòa giữa gia đình lớn và cái tổ ấm nhỏ của mình. 

IMG_7969

Vậy là đủ phải không con?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét