Thứ Ba, 3 tháng 6, 2008

29. June 01, 2008 Về quê ăn giỗ






Giỗ ở quê khác xa ở thành. 
Chú Tám giữ nhà thờ một năm 2 lễ giỗ lớn, bà Nội giỗ rằm tháng hai, ông Nội mười ba tháng chạp.
Về quê ăn giỗ là vui lắm.
Có phải là để bù lại những ngày đau buồn của đám tang xưa?

Nhưng chắc một điều là để có dịp gặp nhau đông đủ. Đâu phải không có lúc gặp, nhưng phải là giỗ thì mọi người mới cùng thu xếp để về. Lí do cũng hồn nhiên, đơn giản và rất hợp lí hợp tình "Giỗ mà, phải về chớ!" . Ai không về được thì tự an ủi "Thôi, năm này không về còn năm khác. Giỗ mà, năm nào không cúng?"
Rồi lũ lượt, kẻ trước người sau kéo về. Người về sớm thì mang đồ về cúng, người về muộn thì nhờ gởi tiền hay quà hoặc nhắn nhe gì đó. 

Đám giỗ lớn thì mọi chuyện chuẩn bị cũng sớm hơn. Chú thím giữ nhà thờ thì tất bật có khi đến mấy ngày trước đó: mời bao nhiêu bà con, xóm giềng? chuẩn bị bao nhiêu bàn? món cúng ra sao? mùa này chợ có gì ngon? phải làm món nào món nào? Cũng lâu rồi, không nghe thím Tám nói với cô Ba cô Bảy "Nấu vậy được hôn? Coi chừng chị Năm về rầy chết! " cô Ba nói làm đồ cúng chớ làm cho chị Năm bây ăn ha, mà nó có ăn cũng ăn chút xíu chớ mấy! Trời đất, ai dám rầy rà dâu út ở nhà thờ, rủi giận, mai mốt về không cho vô nhà. 

Trước một hai bữa, thím Tám hay dặn bà bán bánh quen gói cho vài chục đòn bánh tét để rồi gởi bà con mang về ăn lấy thảo, bao nhiêu đòn nhưn chuối, bao nhiêu đòn bánh chay hay nhưn đậu xanh thịt mỡ...Chợ quê mà, bán đâu có bao nhiêu, phải dặn thì người ta mới làm nhiều.
Thường thì cô Ba về sớm nhất, cô Bảy chiều bữa trước xuống rồi ở ngủ lại. Đêm hai chị em nói đủ chuyện trên trời dưới đất. Ai về sớm thì làm trước mấy chuyện như phi hành tỏi để mai ướp thịt, nhớ để riêng một mớ hành phi đặng mai rắc lên gỏi với bỏ vô súp cho thơm nghe. Làm nước mắm nước tương muối tiêu muối ớt gì đó nữa. Có tính làm món bò không đặng nhắc đi chợ mua chai mắm nêm, thiếu là lỡ bộ đó.Chén dĩa tô tộ cũng phải soạn đem ra sớm sớm đi. Liệu coi bao nhiêu mâm, bao nhiêu món đặng đem ra cho đủ. Mà cứ lấy thêm một mớ đi, có khi còn đựng cái này cái nọ. Chứ không thôi lúc nào cũng rối rít kêu "Tám ơi, Tám hỡi..." . Là nói vậy, chớ năm nào cũng giỗ, mà rồi năm nào cũng lýnh quýnh thiếu nọ thiếu kia, lăng xăng như gà mắc đẻ, khi xách nón te tái chạy ra ngã tư mua thêm món nọ, khi lại xách xe tuốt xuống chợ An Định mua món kia. Mọi người ở nhà muốn hỏi hay kiếm cái gì cũng phát rầu vì chủ nhà chạy đâu mất tiêu! Thiệt tình. Vậy chớ thức dậy đâu hồi ba bốn giờ sáng gì đó. 

Thế là lốc cốc lộc cộc, tiếng dao thớt tiếng cười nói râm ran trong bếp, khói tuôn ào ạt ra ống khói trên nóc nhà. Bánh phồng tôm ăn với gỏi thì phải chiên trước, rồi bỏ vô bịch nylon cột kín lại, đậu phọng cũng rang sớm đi nghe, không thôi quên, rồi mai không có bếp trống đâu mà chen vô đó. Nè, ngày mai mấy đứa ở thành phố có về hôn? Chủ nhựt mà.
Cánh đàn ông thì lo lau chùi bàn thờ, kiếm ít bông chưng lên cho nó vui. Bàn ghế coi chạy mượn thêm. Có thằng đực nào đó không vậy bây? Thằng Phước vô chưa? Thằng Thơ về tới chưa? Trời đất, sao xây qua xây lại cũng có mình tui vậy? Chú Tám than thở. Ờ, chắc thêm hai cái bàn với chừng chục ghế, nhà có chục ghế nữa, đủ đó. 

Ngày giỗ chính, mấy bà hồi tối nói dóc tới khuya vậy mà cũng thức sớm dữ. Lửa lại đỏ lên trong bếp. Chuyện trò rôm rả, cứ như nước chảy. Chắc Nội cũng phải về nhà ngày này chớ. Chắc cũng đang hiện diện đâu đó, đi vòng vòng nhà coi "tụi nhỏ" làm ăn ra sao. Nội sẽ xuống bếp, hỏi "Làm món gì vậy bây?" và cô Ba như thường khi, đùa với Nội "Nấu món này đây, được không anh Ba?" rồi Nội lụi cụi đi lên xem lại bàn thờ coi đốt đèn rót nước chưa. Nội luôn thích làm đám tiệc lớn, cho con cháu về đông đủ có cái ăn lại có cái đem đi. Nhớ năm mẹ mới về, giỗ bà Nội mười bảy bàn, gói bánh ít một giạ nếp, xào nhưn vắt ra vo viên để đầy hai nia, còn lá chuối thì dượng Ba chở về bằng xe lam. Chỉ chuyện rửa chén không cũng muốn xỉn. Mà hồi đó đâu có nước rửa chén như bây giờ, lấy cám quậy nước rửa, sạch mà thơm lắm, rồi trút cho heo ăn. Mẹ thích rửa chén như vậy vì da tay không bị khô mà còn mềm nữa chứ. 

Rồi khách ăn giỗ tới, chào nhau tíu tít, hỏi thăm con đứa này bao lớn , đứa kia gả về đâu, đứa nọ bầu bì gì chưa, lúa thóc mía mật ra sao? Mấy đứa con gái ngồi trong buồng tỉ tê trò chuyện vừa lo soạn bánh trái đặng rồi lại quả, vừa lo sắp sẵn mấy dĩa "la sét".
Xôm tụ nhất là mấy ông, mấy chú, rượu đế cứ là tràn li. Ngồi mâm thì được mời trước nhất nhưng có khi ở nhà sau chén bát đã dọn rửa gần hết mà vẫn chưa tàn cuộc rượu. Mấy năm sau này khi Danh, Khanh đi học thành phố, con mấy anh chị còn nhỏ thì chú Tám phải kiêm luôn phần đi mua thêm rượu.

Giỗ quê mình thường là vậy. 

Nhưng vui nhất vẫn là khi xong hết mọi việc, cả nhà xúm lại chuyện trò. Bác Hai , ba và dượng Bảy chú Tám ngồi uống nước trà, có khi mấy đứa con trai cũng ké vô thời sự. Mẹ và mấy cô mấy thím thành một nhóm riêng với tụi con gái. Toàn những chuyện không đầu không đuôi nhưng vui thiệt là vui. Từ chuyện cô Ba hồi nhỏ theo bà Nội gánh heo lên chợ Mỏ Cày bán. Chuyện bác Tư đi học ở Bến Tre mượn cô Hai Hiền rủ cô Ánh Xuân đi uống nước, cô Hai đòi uống trái vải hộp mà tới hai li làm bác Tư muốn méo mặt. Chuyện thím Tám hồi còn là "Cô Ti của thằng Thông" chiều nào cũng xách túi bánh, mượn Thông kêu dùm chú Tám. Chuyện hồi trẻ chú Sáu gánh một lần bốn thùng nước đi te te. Câu chuyện đời xưa làm mấy đứa con nít há hốc miệng nghe rồi ngủ lăn ra gạch và vẫn rôm rả cho tới xế qua ba kêu chuẩn bị về mà còn chưa muốn dứt.

Mỗi năm mấy lần giỗ ở quê như du lịch về nguồn. Rồi lại trở về công việc bình thường, lại tới ngày tới tháng thì nhắn nhe nhau về quê ăn giỗ.
Hai ba chục năm nữa, liệu còn có những ngày giỗ như thế này không? 
Khi mà bọn trẻ bay nhảy khắp đông tây nam bắc, công việc níu chân? 
Khi mà những người lớn bây giờ chỉ còn là những tấm hình treo trên vách? 
Chú Tám băn khoăn như vậy.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét