Thứ Năm, 28 tháng 8, 2008

August 28, 2008 Khám sức khỏe

Mấy bữa trước, cô bạn gọi :

- Chị ơi, em Tuyết Sương nè, chị đi khám sức khỏe đặng đổi sổ chưa?

- Chị đâu biết. Ai gọi hả em?

- Là em đi họp chi bộ, thấy phường gởi thư mời. Ngày 28 hạn chót. Em đang ở Tiền Giang, sáng đó em về sớm, em với chị đi nghe?

- Nhớ đừng ăn sáng, có khi cần thử máu đó em.

Vậy là hai bà già dắt nhau đi, vừa ca cẩm chuyện quanh năm uống thuốc ngoài trong khi sổ khám bệnh hầu như trắng trơn, có đi khám thì toàn đem thuốc về nhờ cửa hiệu quen bán dùm rồi mua thuốc đặc trị mà uống.

Thiệt tình là cái chuyện thủ tục! Hồi mình nghỉ hưu, có ai biểu phải nộp giấy tờ gì cho địa phương đâu ngoài chuyện nhăc mình từ giờ trở đi lãnh lương ở phường. Hai bà già lọ mọ gửi xe xong, vào đến phòng khám trung cao mới biết không có tên trong danh sách. Cô bạn năn nỉ xin lập hồ sơ khám trước rồi chiều mang giấy tờ vào bổ sung cũng không được. Qui định là qui định! Lại phải quay trở về lấy quyết định nghỉ hưu, quyết định lương đem tới phường xin cái thư mời đi khám! Báo hại uống cho một bụng nước để chờ siêu âm, giờ nó muốn biểu tình. Thôi em ơi, mình quay về vậy. Cũng may, anh cán bộ phường sốt sắng xách xe chạy vô trước, còn dặn cứ từ từ đi sau, đường xe cộ mịt mù hai cô đừng có gấp, rủi ro có chuyện gì. Ta già rồi ư?

Bắt đầu là cân đo. So với 3 năm trước nặng thêm ba kí , vòng hai thêm năm phân. Huyết áp từ 12/7 lên 14/9. Mọi thứ tăng, mỗi chiều cao mét sáu là vẫn y như cũ (!) Hóa ra mình lùn nhất nhà rồi. Còn mấy phân khối máu chờ xét nghiệm kia chắc cũng tăng nhiều thứ!

Hai chị em lại rồng rắn dắt nhau đi các phòng. Bà bác sĩ tai mũi họng chê vì họng viêm mãn tính. Trời, tui hò hét tụi học trò suốt ba mươi lăm năm, vậy là tốt mịt rồi đó. Bù lại, ông bác sĩ răng thì ... khen răng tốt - toàn răng sứ không hà, bác sĩ ơi, tui ngậm cả giấc mơ mà hổng đẹp sao được. Cậu bác sĩ trẻ cười toe, kí tên đóng dấu. À, Nguyễn Vĩnh Khang, một cái tên đẹp. Hồi xưa, mình cũng có cậu học trò tên Vĩnh Khang, lúc theo lại lớp sư phạm được học thầy Hoàng Thiệu Khang, mê tên Khang luôn và cũng đã mong sẽ đặt tên con trai là Khang. Cuối cùng là Minh Khang, rất đẹp! Nhớ hồi con sang Beijing một học kì, thầy giáo nói tên đẹp mà sang, còn viết một bức thư pháp tặng.

Con bé Uyên học trò cũ ở phòng khám mắt mừng tíu tít kêu Trời ơi cô, lâu quá con không gặp cô. Thôi con, cô mà gặp tụi con trong này là mệt à nghen. Tội nghiệp, từ hồi mất mẹ tới giờ, con bé héo hắt hẳn đi, cứ ân hận mãi vì bận ca trực không về kịp nhìn mặt mẹ.

Mấy phòng khoa vẫn tấp nập. Gặp chị Phương Thanh, bệnh khớp hành, lại chụp thêm hai trận cúm, khiến không tự đi được, tóc bạc quá nửa, ốm o, ngồi trên xe cho cậu em đẩy, nhìn thấy xót! Bảo với Sương hai chị em mình còn chạy xe rong ruỗi vầy là hạnh phúc rồi em. Phòng Xquang tối tăm âm u như từ xưa giờ vẫn vậy. Cỗ máy cũ kĩ xám xịt không cảm tình chút nào. Úp mặt vô, đứng sát vô ( thôi không dám, cái chỗ này mỗi ngày có vệ sinh hông ta, bao nhiêu lượt người thở ra hít vào? Khiếp, tui còn yêu đời), chống nạnh, hạ tay thấp xuống chút nữa, nín thở ... rồi. Thiệt là dị ứng! Bà giáo già vốn không có cảm tình với ai nói năng cụt ngủn, bèn cười một phát tươi tắn và cám ơn anh chàng kỉ thuật viên trẻ măng mà nét mặt khó đăm đăm thử coi ảnh có phản ứng gì không. Tuyệt nhiên không! Bó tay.

Cuối cùng thì cũng tới phòng siêu âm. Không biết có phải vì cái vòng hai không mà cô bác sĩ vọt miệng hỏi mấy tháng rồi khiến mình ngớ ra. Chết thật, tui mà có bầu được thì cũng hay đó, bác sĩ vui tính hè? Chị ơi, cô ấy sinh 1951 mà, cô kĩ thuật viên nhìn hồ sơ rồi bảo. Cả ba phá lên cười. Cô bác sĩ chữa thẹn bằng một câu đáng cho điểm mười: tại em thấy cô còn trẻ! Ôi, phụ nữ khoái nghe khen trẻ mà.

10g 30. Vậy là hết một buổi sáng. Sổ sẽ được gởi về phường khoảng hai tuần sau. Xong.

May cho người phụ nữ đảm đang ( nói vậy được hén Cẩm Minh ), chợ trưa mà còn mớ tép bạc tươi. Sẽ là món tép rang muối ớt với rau sống, chuối khế. Ông chủ nhà chắc ngon miệng.

Đọc tiếp ...

55. August 28, 2008 Khám sức khỏe


Mấy bữa trước, cô bạn gọi :
- Chị ơi, em Tuyết Sương nè, chị đi khám sức khỏe đặng đổi sổ chưa?
- Chị đâu biết. Ai gọi hả em?
- Là em đi họp chi bộ, thấy phường gởi thư mời. Ngày 28 hạn chót. Em đang ở Tiền Giang, sáng đó em về sớm, em với chị đi nghe?
- Nhớ đừng ăn sáng, có khi cần thử máu đó em.
Vậy là hai bà già dắt nhau đi, vừa ca cẩm chuyện quanh năm uống thuốc ngoài trong khi sổ khám bệnh hầu như trắng trơn, có đi khám thì toàn đem thuốc về nhờ cửa hiệu quen bán dùm rồi mua thuốc đặc trị mà uống.
Thiệt tình là cái chuyện thủ tục! Hồi mình nghỉ hưu, có ai biểu phải nộp giấy tờ gì cho địa phương đâu ngoài chuyện nhăc mình từ giờ trở đi lãnh lương ở phường. Hai bà già lọ mọ gửi xe xong, vào đến phòng khám trung cao mới biết không có tên trong danh sách. Cô bạn năn nỉ xin lập hồ sơ khám trước rồi chiều mang giấy tờ vào bổ sung cũng không được. Qui định là qui định! Lại phải quay trở về lấy quyết định nghỉ hưu, quyết định lương đem tới phường xin cái thư mời đi khám! Báo hại uống cho một bụng nước để chờ siêu âm, giờ nó muốn biểu tình. Thôi em ơi, mình quay về vậy. Cũng may, anh cán bộ phường sốt sắng xách xe chạy vô trước, còn dặn cứ từ từ đi sau, đường xe cộ mịt mù hai cô đừng có gấp, rủi ro có chuyện gì. Ta già rồi ư?
Bắt đầu là cân đo. So với 3 năm trước nặng thêm ba kí , vòng hai thêm năm phân. Huyết áp từ 12/7 lên 14/9. Mọi thứ tăng, mỗi chiều cao mét sáu là vẫn y như cũ (!) Hóa ra mình lùn nhất nhà rồi. Còn mấy phân khối máu chờ xét nghiệm kia chắc cũng tăng nhiều thứ!
Hai chị em lại rồng rắn dắt nhau đi các phòng. Bà bác sĩ tai mũi họng chê vì họng viêm mãn tính. Trời, tui hò hét tụi học trò suốt ba mươi lăm năm, vậy là tốt mịt rồi đó. Bù lại, ông bác sĩ răng thì ... khen răng tốt - toàn răng sứ không hà, bác sĩ ơi, tui ngậm cả giấc mơ mà hổng đẹp sao được. Cậu bác sĩ trẻ cười toe, kí tên đóng dấu. À, Nguyễn Vĩnh Khang, một cái tên đẹp. Hồi xưa, mình cũng có cậu học trò tên Vĩnh Khang, lúc theo lại lớp sư phạm được học thầy Hoàng Thiệu Khang, mê tên Khang luôn và cũng đã mong sẽ đặt tên con trai là Khang. Cuối cùng là Minh Khang, rất đẹp! Nhớ hồi con sang Beijing một học kì, thầy giáo nói tên đẹp mà sang, còn viết một bức thư pháp tặng.
Con bé Uyên học trò cũ ở phòng khám mắt mừng tíu tít kêu Trời ơi cô, lâu quá con không gặp cô. Thôi con, cô mà gặp tụi con trong này là mệt à nghen. Tội nghiệp, từ hồi mất mẹ tới giờ, con bé héo hắt hẳn đi, cứ ân hận mãi vì bận ca trực không về kịp nhìn mặt mẹ.
Mấy phòng khoa vẫn tấp nập. Gặp chị Phương Thanh, bệnh khớp hành, lại chụp thêm hai trận cúm, khiến không tự đi được, tóc bạc quá nửa, ốm o, ngồi trên xe cho cậu em đẩy, nhìn thấy xót! Bảo với Sương hai chị em mình còn chạy xe rong ruỗi vầy là hạnh phúc rồi em. Phòng Xquang tối tăm âm u như từ xưa giờ vẫn vậy. Cỗ máy cũ kĩ xám xịt không cảm tình chút nào. Úp mặt vô, đứng sát vô ( thôi không dám, cái chỗ này mỗi ngày có vệ sinh hông ta, bao nhiêu lượt người thở ra hít vào? Khiếp, tui còn yêu đời), chống nạnh, hạ tay thấp xuống chút nữa, nín thở ... rồi. Thiệt là dị ứng! Bà giáo già vốn không có cảm tình với ai nói năng cụt ngủn, bèn cười một phát tươi tắn và cám ơn anh chàng kỉ thuật viên trẻ măng mà nét mặt khó đăm đăm thử coi ảnh có phản ứng gì không. Tuyệt nhiên không! Bó tay.
Cuối cùng thì cũng tới phòng siêu âm. Không biết có phải vì cái vòng hai không mà cô bác sĩ vọt miệng hỏi mấy tháng rồi khiến mình ngớ ra. Chết thật, tui mà có bầu được thì cũng hay đó, bác sĩ vui tính hè? Chị ơi, cô ấy sinh 1951 mà, cô kĩ thuật viên nhìn hồ sơ rồi bảo. Cả ba phá lên cười. Cô bác sĩ chữa thẹn bằng một câu đáng cho điểm mười: tại em thấy cô còn trẻ! Ôi, phụ nữ khoái nghe khen trẻ mà.
10g 30. Vậy là hết một buổi sáng. Sổ sẽ được gởi về phường khoảng hai tuần sau. Xong.
May cho người phụ nữ đảm đang ( nói vậy được hén Cẩm Minh ), chợ trưa mà còn mớ tép bạc tươi. Sẽ là món tép rang muối ớt với rau sống, chuối khế. Ông chủ nhà chắc ngon miệng.
Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 23 tháng 8, 2008

August 23, 2008 Tôi đi khám bệnh

Chà, cái chuyện khám bệnh này, nó ngộ lắm, như là có cái duyên vậy!

Đầu tiên, vốn mê lang thang trên mạng. Ngày đẹp trời nọ, ghé vô nhà nguoigia, đọc mấy entry về chuyện chăm sóc mẹ ốm mà cảm kích hết sức. Đọc qua mấy comment, thấy có nhiều bạn hay hay. Thế là từ nhà nguoigia mà ghé vô nhà mấy bạn ấy. Rồi còm. Rồi quen.

Sau đó, mới nhẩn nha dạo bước tham quan từng nhà một.

Ấn tượng ban đầu với Baokimthanh là do tên. Entry của BKT nói về tên mình đọc thích lắm, và nhiều entry khác nữa. Gặp trong đấy những điều dí dỏm mà thấm thía về cuộc sống, tình người, tình đời.

Cũng không kém đặc biệt là MAP M, cảm giác đầu tiên là cô bạn này vừa sôi nổi vừa sâu sắc, thế nên mới còm cho cô ấy một câu "Trẻ người nhưng không non dạ", hóa ra cô bạn mình cũng có gần một phần tư thế kỉ tuổi nghề . Cùng với MAP M là Caonguyenbui. Chưa kịp hỏi cơ duyên nào dun rủi cho Cao với Mập thành một đôi "thương nhau lắm cắn nhau hoài" để BKT cứ phải luôn giảng hòa! Hồi đầu mình cứ tưởng Cao ở cao nguyên, ai dè đồng bằng Sông Cửu Long cũng có highland và điều thú vị là Cao cũng làm nghề Godautre nữa. Học trò gọi Mập là bà Địa, còn gọi Cao là gì nhỉ?

BẦU BÍ là một trường hợp khác. Đất và người Hội An đã cho mình một ấn tượng từ mấy chục năm trước khi cô bạn phố Hội về Mỏ Cày dạy học. Thế sự thăng trầm, xa mấy chục năm không biết ngõ nào mà tìm. May gặp mẹ Bầu Bí cũng là duyên! Cô bạn ở nơi xa lắc xa lơ đã sốt sắng hứa tìm hộ. Ai bảo bạn ảo tình không thật?

Mà khoan, chuyện về bạn blog chăc phải nói dài dòng lắm. Bữa nay nói chuyện đi khám bệnh thôi.

BKT thương bà chị đồng bệnh, sốt sắng đăng kí dùm được số 17, hẹn 1g trưa. Thế là dặn xe 9g30. Thường phải mất 3 giờ đồng hồ nhưng sáng nay, ngày 23 ít người dám đi, đường trống trải, xe cứ thế mà bon, mới 12g đã tới. Định kiếm cái gì bỏ bụng rồi hẵn tới phòng khám. Hồi xe rước mới 9g15 ăn cũng không vô. Nhưng không lẽ đi ăn rồi quay lại bảo nhà xe đưa tới phòng khám, tuy chỗ quen biết nhưng kì cục quá. Thôi vậy. Lúc sáng trước khi đi cũng nhớ bỏ mấy cái bánh ngọt vô bịch mang theo. Nhiêu đó cũng 500kcal chứ ít sao!

Phòng khám nhỏ xíu, hề gì, thành phố mà, cái quan trọng ở đây là có bác sĩ giỏi hay không kìa. Khá đông người chờ rồi. Tấm bảng trên tường ghi rõ khám từ 12g đến 16g. BKT cũng đã nói có khi ổng đến muộn. Không sao, người bệnh chờ thầy thuốc cũng là lẽ thường tình. Một cậu chàng khỏang ba mươi, ngồi ngay hàng ghế đầu, ôm cây tó, mặt nhăn nhăn, cạnh bên là hai má con - chắc vậy, vì họ nói với nhau bằng tiếng tàu, mình điếc ngắc! Dãy ghế sát tường cũng đầy người. Cái góc trong hàng ghế cuối cùng này quả là lí tưởng, vừa có chỗ dựa thoải mái vừa có thể ngó nghía khắp nơi mà không phải dè chừng. Cô bé con đi cùng với mẹ mới có 19 tuổi cầm tấm phim Xray, hỏi sao vậy con, nó bảo té xe, đầu gối hứng nguyên cái cần đạp đứt dây chằng gối. Người mẹ còn trẻ, đeo vàng đầy tay (nhớ câu hát ru xưa, chắc là vợ thợ bạc!) cứ dấm dẳng "tốn cả chục triệu rồi đó chị mà nó cứ đi cà đơ, khổ thiệt" . Hàng ghế trên, người phụ nữ trắng trẻo, mảnh dẻ, trang điểm rất kĩ vẫn không ngừng nhăn nhó " đề bảng làm chi rồi không thực hiện, nói 12 giờ khám mà 1 giờ rồi, có thấy bác sĩ đâu, ngồi một hồi chắc gãy cái lưng" Chị ơi, chị số mấy vậy? Số 10. Trời, tính nói chuyện cho bả quên thời gian mà sao trả lời cụt ngủn vậy ta? À, vậy thì cũng sớm thôi, tui tới số 17 lận. Ráng chút chị hén, tui còn sau chị nhiều. Chị ở gần đây không? Có ai đưa chị tới không? Là thấy bà ta ngồi có một mình nên đánh bạo hỏi vậy. Ai dè, bị nghe một hơi " Là thằng chả tính đưa tui đi. Ở bên Bình Thạnh nè. Mà cái chìa khóa chả bỏ đâu mất, lục tùm lum mà biệt có thấy, tui ghét kêu taxi đi quách cái cho rồi". Ờ, trời nắng vầy, đi xe gắn máy chị mệt lắm đó, cho ổng ở không đi, chút chị về phạt cái tội bỏ đồ đạc bừa bãi, bắt chiều nấu cơm đi. "Thì chả nấu cơm chứ ai vô đây nữa". Sợ quá, bèn làm bộ xin phép nghe điện thoại "Ừ, mẹ đây, bác sĩ chưa tới con à. Không sao, chỗ ngồi cũng thoải mái, có quạt mát mẻ mà. Chờ chút không sao đâu con." Hú vía, chợt nhớ chuyện cười về cái anh chàng nào đó đang ba hoa chích chòe thì chuông lại reo!

2 giờ kém. Rồi thì người - được - ngóng - chờ cũng tới. Người nổi tiếng đây rồi. Vẻ bình dân, nhanh nhẹn và có hơi ... lôi thôi, chiếc cặp to cắp nách, áo thun ôm khoe cái bụng phì nhiêu, mang vớ và đi dép! Trông trẻ hơn hình đăng trên báo Thể Thao.

Mọi người nhốn nháo, quay sang hỏi nhau số mấy và nhấp nhổm chờ cô y tá gọi tên. Bà số 10 vẫn không ngớt càm ràm "khám gì mà lâu quá trời vậy, nãy giờ cả nửa giờ mà có mấy người!" Cô bé 19 tuổi cùng mẹ đi ra " Hai mươi mốt triệu nữa đặng mổ nối cái dây chằng đó chị. Hết biết luôn" Không sao, bao nhiêu đó mua lại dáng đi cho con gái không mắc đâu chị ơi, để nó mang tật mình đâu chịu được phải hôn? May mà không vọt miệng nói luôn ý nghĩ lúc đó "nội cái hột xoàn bự chảng của bà cũng dư rồi, với con mà cũng tiếc"

Lật đật cũng tới bến giang, lang thang cũng tới bến đò.

Chào bác sĩ, nghe tiếng lâu rồi, nhờ cô bạn mà hôm nay mới được gặp. Dà, vậy coi như tui cũng quen bà rồi. Sao bệnh như thế nào? Vắn tắt là hễ có cái khớp nào là nó đau cái khớp đó. Vậy sao, ngày nào tui cũng khám cho vài chục bà như bà vậy, chuyện bình thường, tối ngủ đau, sáng dậy cứng khớp, đau, nhúc nhích một hồi thì đỡ, để yên lâu lâu, lại đau, phải không? Thôi, coi như 'sống chung với lũ" nghe, bệnh này không trị dứt được, nó là viêm đa khớp dạng thấp, phải uống thuốc, giữ ấm, ăn kiêng, tập thể dục dưỡng sinh, sống thoải mái, đừng để ý tới nó nhiều, cứ coi nó như người hàng xóm khó chịu mà mình không thể biểu người ta dời nhà đi chỗ khác được. 4 tuần sau mời bà tái khám. Vậy đi nghe.

Tếu thật, cái ông bác sĩ Phan vương Huy Đổng này. Nhưng cũng thấy nhẹ nhàng.

Ừ, chúng ta sẽ sống chung hòa bình nhé!

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2008

53. August 22, 2008 MINH HÙNG VÀ LINDA


Tôi biết Hùng trong một lần lang thang dạo blog.
Chàng thanh niên trông rất sáng láng, học giỏi và cũng thành đạt sớm : một cậu học trò trường Am Hà Nội, một giám đốc cty tư vấn luật, thuế 30 tuổi và nhiều câu chuyện buồn vui trong cuộc đời.
Rằm tháng bảy, cậu gửi comment cho tôi "Ngày lễ vu lan - chúc mẹ sức khoẻ - niềm vui tuổi già và mái ấm gia đình!" . T tối đó, thật tình cờ, nhận YM của cậu: " Con Hùng đây" rồi câu chuyện giữa hai bờ Thái Bình Dương cứ lan man: mẹ cậu đã bỏ công việc giảng dạy ở trường đại học để đưa cậu sang Mỹ điều trị; Linda cô bạn Việt hiền lành giỏi, ngoan, dịu dàng, giàu đức hi sinh, và, nhất là chuyện chiến đấu quyết liệt với căn bệnh ung thư máu cậu mắc phải. Tôi hiểu cậu đã mạnh mẽ thế nào khi nói "Nhờ ơn Chúa thôi mẹ àh, Cho con sống thì con sống, ko cho con sống thì hãy mang con đi, ko sao cả".
Hai hôm sau, Hùng lại nhập viện để tiếp tục một đợt xạ trị nữa. Không biết phác đồ điều trị ra sao mà lượng hóa chất đưa vào lại cao gấp 7,8 lần hơn, Hùng đã bị shock và hôn mê sâu, các chỉ số liên quan tới CT máu giảm cực mạnh từ bữa đó đến giờ. Sáng nay, Linda vừa mới gửi message báo thế.
Bằng trái tim của người mẹ, tôi đồng cảm và thấu hiểu nỗi xót xa của mẹ Hùng những ngày này, tôi cũng hiểu tình cảm của Linda dành cho Hùng, công việc của cô ấy không đơn giản và không phải muốn là có thể nghỉ nhưng "Linda muốn hi sinh tất cả vì đơn giản anh là một chàng trai hiền lành, tốt bụng, giỏi giang và sống tốt! Nếu níu kéo đc sự sống của anh, Linda bất chấp tất cả! "
Cầu mong điều kì diệu sẽ đến. Bởi tôi còn biết nói gì hơn?
Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 16 tháng 8, 2008

52. August 16, 2008 Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê...

Mấy hôm này ghé nhà ai cũng thấy có entry về nhà văn Sơn Nam - Người nam bộ tuyệt vời.
Thế mới hay, người đã sống trong lòng bao đứa con Nam bộ và cả nhiều miền quê nữa của đất nước này mà chả cần ai nhắc nhở hô hào.
Cũng như Trịnh Công Sơn vẫn mãi trong lòng của bao thế hệ người Việt Nam.
Họ không cần bất cứ một danh hiệu nào đi theo sau cái tên!
Và họ bất tử!
Một hạt bụi hóa kiếp thân ai rồi trở về với cát bụi đường trần
Một hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê
Họ đã trở về cõi vô thường
Nhưng họ vẫn mãi còn ở lại nơi này

Trong khói sóng mênh mông
Có bóng người vô danh
Từ bên nầy sông Tiền
Qua bên kia sông Hậu
Mang theo chiếc độc huyền
Điệu thơ Lục Vân Tiên
Với câu chữ:
-Kiến nghĩa bất vi vô dõng giã
Tới Cà Mau - Rạch Giá
Cất chòi đốt lửa giữa rừng thiêng
Muỗi vắt nhiều hơn cỏ
Chướng khi mù như sương
Chiều chiều nghe vượn hú
Hoa lá rụng buồn buồn
Thân không là lính thú
Sao chưa về cố hương ?
Tiễn người về cửa biển
Những giọt nước lìa nguồn
Đôi tâm hồn cô tịch
Nghe lắng sầu cô thôn
Dưới trời mây heo hút
Hơi vọng cổ nương bờ tre bay vút
Điệu hò . . . ơ theo nước chảy chan hòa
Năm tháng đã trôi qua
Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê
Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 14 tháng 8, 2008

51. August 14, 2008 Ông già Nam bộ đã đi xa ...



Tôi biết và đọc rồi ngưỡng mộ nhà văn Sơn Nam từ hồi học tiểu học.
Trong cái tủ sách to của dì Út, tôi, cái con bé lớp tiểu học đã khám phá ra một thế giới lạ lẫm và đầy sức quyến rũ. Và tôi đã gặp tác phẩm của ông. Hồi đó, ông có nhiều bài đăng ở báo Nhân Loại, Sài Gòn mới - hình như là tuần san thì phải. Tôi ngấu nghiến đọc không biết chán những câu chuyện thời khẩn hoang Nam bộ. Ấn tượng với tôi nhất là bài viết về Trấp Rùng Rình, tôi hình dung cảnh xe lội nước của Tây chìm xuống lòng sình thì kinh lắm. Rồi lớn dần lên càng khâm phục vô cùng kho kiến thức và tình yêu của ông về đất Nam bộ mình. Đọc tin trên báo thấy ông bị tai nạn giao thông phải nằm một chỗ, tôi vẫn cứ trăn trở một điều, ông già Nam bộ ấy mà mất rồi thì còn ai nói với người đời sau về đất và người Nam bộ hào sảng mà ân tình này nữa?
Tin ông mất đến ban trưa, buồn lắm, cái buồn của một đứa cháu mất người ông nhân từ và thâm trầm uyên bác. Nhưng có tiếc thương thì cũng phải thuận theo qui luật sinh tử của cuộc đời.


Trong blog của mình, entry viết cho nhà báo Võ Đắc Danh, nhà thơ Đỗ Trung Quân đã bảo rằng :"ông già Nam bộ Sơn Nam đi rồi. nhưng tôi nghĩ ông già không phải người cuối cùng hiểu về Nam bộ. còn ông, còn Tín, còn em Tư...còn sông nước đó thì còn người"

Cảm ơn nhà thơ Đỗ Trung Quân, "... còn sông nước đó thì còn người"
Mong được vậy lắm thay!

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 12 tháng 8, 2008

50. August 12, 2008 MỘT BÔNG HỒNG CHO CHA

* Cho cha của các con tôi
Một bông hồng cho Cha
Võ Hồng
Trong thời hồng hoang của lịch sử, con người chỉ biết có mẹ. Khỏi cần tìm hiểu đầu xa, cứ nhìn các con vật thì biết : gần gũi và hiền lành là con chó, con gà, xa xôi và hung bạo là con beo, con cọp. Sinh ra và lớn lên chỉ biết có mẹ, lúc thúc quanh mẹ. Bởi một lẽ đơn giản : khi biết mình mang thai, con cái thường sống cách ly con đực không cho lại gần.
Con người sau này thì không. Cha săn sóc mẹ khi mẹ mang thai, cha đỡ đần mẹ, cha giúp tay mẹ pha bình sữa, giặt giũ tã lót khi cha mẹ còn nghèo. Khi cùng đầy tháng, cha châm hương đốt đèn thành kính cầu xin Mụ Bà và tham lam cầu khắp thần linh phù hộ cho con mau ăn, chóng lớn. Có lẽ đó là lần đầu tiên, lần trọng đại nhất trong đời mà cha trọn lòng nghĩ đến những vị thần linh. Vì con mà tin, mà khấn, mà cầu... cho dẫu mang tiếng mê tín cũng xin sẵn sàng vui nhận.

Con lên hai tháng, ba tháng, nằm ngửa huơ chân, huơ tay, mở to đôi mắt ngơ ngác, xoay đầu nhìn vu vơ sang trái, sang phải. Rồi con biết hé miệng cười, cái cười vô nghĩa nhưng đủ cho cả nhà mừng rỡ reo vui. Rõ ràng là nụ cười của con làm nở những nụ cười xung quanh, làm rạng rỡ những khuôn mặt, xóa mờ những nếp nhăn nơi trán : lần lượt biết lật, biết bò... rồi con ngồi vững, rồi vịn tay đứng được, rồi bước những bước rụt rè. Tiếng reo vui, tiếng khuyến khích vang lên rộn ràng làm đầm ấm, trong đó có lẫn tiếng của cha.
Cha được phân công ngồi bón cho con những miếng cơm đầu tiên, cha phải la : "Ùi ùi ! Coi kìa con chuột. Ăn mau chớ nó ăn hết", rồi thừa lúc con ngơ ngác đưa mắt tìm, cha đút nhanh muỗng cơm vô miệng. Hỡi ơi, từ ngày có con, cha trở thành nhảm nhí đáng thương. Con mới mở miệng ngáp, đôi mắt mới khép hờ mà cha đã vội vàng ru, ru cái kiểu nửa ngâm nửa hát vụng về mà chọn những câu nhảm nhí phù hợp với trạng thái tâm hồn của cha lúc đó :
À ơi, con gà cục tác lá chanh...
Có thể cha giỏi nhạc, cha hát hay nhưng cha ngượng không dám nghiêm trang cất giọng, sợ người khác nghe biết cha đang tràn trề niềm vui, no nê hạnh phúc. Vả chăng mặt con ngây ngô thế đó thì cha biểu diễn nghệ thuật để chi ? Cha phải ngây ngô theo, còn duỗi chân thì cha nói : "Chà ! Bộ định về thăm ngoại hả ?". Rờ cái đít nung núc thịt, cha bế chạy vừa nói nựng : "À, con heo ú đây. Ai ra mua !". Quả là những giây phút hân hoan cực độ. Nhưng phải chợt dừng lại. Sợ người khác nghe. Phải che giấu hạnh phúc để tỏ rằng mình không tầm thường. Khi có học, cha thường phải tạo vẻ mặt nghiêm trang. Dưới thời Nho giáo, cha được gọi là nghiêm đường. Hai mươi tuổi đậu cử nhân, đậu tiến sĩ thì phải mang bộ mặt lạnh lùng của một quan hoạn. Chỉ có người cha quê mùa mới thong dong cõng con bốn năm tuổi đi chơi nghêu ngao khắp xóm, bứt lá chuối quấn kèn. Lớn lên, cha con cùng làm lụng cạnh nhau trên sân lúa, giữa rẫy khoa. Xã hội hôm nay trí thức hơn, văn minh hơn, trong cuộc sống cha một nghề, con một nghề, ai lo phần nấy, rốt cuộc tình thương cha con trở nên lợt lạt. Tình quấn quít cha con chỉ thể hiện khi con còn nhỏ ; quá bậc tiểu học, con bắt đầu lớn, bắt đầu chọn bạn là bắt đầu xa cha. Từ đó cha thường chỉ đóng vai người cung cấp tiền cho con ăn học, may sắm, nguồn kinh nghiệm khôn dại để đưa lời chỉ bảo khuyên răng. Tất cả đều chỉ là lý trí lạnh lùng.
Chứ mẹ thì không. Nghĩ đến mẹ là một chuỗi hình ảnh êm ái hiện ra : mẹ đang nặng đẻ đau, mẹ vạch vú cho bú, mẹ bồng ru ngủ, mẹ ôm hôn nựng, mẹ tập đứng, tập đi. Khỏi cần lý luận khỏi nhìn đâu xa, cứ nghĩ đến mẹ là như thấy rõ hồi nhỏ mình nằm như thế nào trong vòng tay mẹ, ỉa đái tự do trên mình mẹ và mẹ lo giặt, lo thay, quen thuộc với mùi khai, mùi thối. Với cha thì phải suy nghĩ mới thấy, bởi mọi sự thương yêu chỉ hiện rõ khi mình còn nhỏ. Bấy giờ nếu may mà biết được là nhờ ngẫu nhiên thấy một người cha nào đó đang thương yêu săn sóc đứa con nhỏ của họ.
Tìm trong văn chương thì thường chỉ gặp loại :
Công cha như núi Thái Sơn
Núi này nhất định là phải lớn lắm và công cha cũng lớn như vậy. Không thấy ghi lại một nét cảm động về người cha mà chỉ phác qua một hình ảnh uy nghi, nhưng xa cách, gợi sự tôn sùng. Mọi người đều thuộc, đều đọc làu làu, nhưng mà thản nhiên như đọc khẩu hiệu.
Người cha quen thuộc, cha của Mẫn Từ Khiên, thì được vẽ ra là một người biết làm bổn phận : bổn phận cưới kế thiếp khi vợ cả chết và bổn phận đuổi kế thiếp đi vì Mẫn Từ Khiên bị ngược đãi. Mà cũng ngẫu nhiên mới biết được con khổ khi thấy con mặc áo rách run rẩy đẩy xe cho mình.
Người cha trong cuốn Luân Lý giáo khoa thư dễ thương hơn.
Truyện kể : Mẹ đi chợ mua về cho con trái cam. Con nghĩ đến cha làm lụng nắng nôi, liền cầm trái cam ra đồng đưa tặng cha. Cha nghĩ đến mẹ đầu tắt mặt tối ở nhà, liền cầm trái cam đem về tặng mẹ. Trái cam đi về một vòng, dài và rộng hơn sợi dây tình cảm con thương cha, rộng khắp ba lần vì thêm tình mẹ thương con, tình chồng thương vợ.
Cổ văn thường nặng nghĩa lớn, nhẹ tình riêng. Phạm Trọng Yêm, tể tướng đời Tống, sai con là Thuần Nhân chở năm trăm thùng thóc về quê. Đến Đan Dương, nhân gặp Thạch Man Khanh là bạn cũ của cha đang bị khốn quẫn vì bị ba cái tang dồn dập. Nhân tặng hết năm trăm thùng thóc. Lại nghé hai cô con gái của Thạch Man Khanh đến tuổi mà đang ế chồng, liền tặng luôn cái thuyền. Về kể lại chuyện cha nghe. Nghe tới chỗ hai cô gái của bạn ế chồng, Phạm Hiền ngắt lời hỏi :
- Sao con không cho luôn cái thuyền ?
Cuộc sống bắt cha hướng mắt ra ngoài đời, nhìn đời, lăn lộn với đời. Mẹ thì nhìn vào trong nhà, nhìn vuông sân chái bếp, con gà, con chó, cây ổi, cây xoài và bầy con của mẹ. Con gần mẹ hơn cha là vậy. Cha lặng lẽ đi làm kiếm tiền, con đâu biết bao nhiêu gian lao cực nhọc, lo toan đối phó làm mệt mỏi gân cốt và trí óc cha. Về đến nhà tìm sự yên tỉnh, nhiều khi mang cái bực bội, cái cáu gắt từ ngoài xã hội mang về theo. Con phải len lén bỏ ra nhà sau, im lặng, càng xa càng tốt, gần như muốn xóa bỏ cái hiện hữu của mình. Sự cách xa giữa cha con thường bắt đầu nhẹ nhàng như vậy. Càng thêm xa cách bởi sao cạnh mẹ con thấy êm đềm. Ai làm ra tiền không cần biết, chỉ biết muốn nhai viên kẹo, muốn cắn trái ổi là chỉ cần thỏ thẻ với mẹ. Mua cây viết mới, sắm đôi dép mới... thảy thảy mẹ đóng vai bà tiên. Tội thân cha, cạnh bà tiên hiền, cha thành Thiên Lôi ; bà tiên càng hiền, cha càng thành La Sát.
Không, cha không muốn vậy. Cha thương con nhưng cuộc sống phân công, mỗi người mỗi việc. Mẹ như cọng mảnh, nhánh thấp càng gần để trái non xúm xít bâu quanh. Cha như thân vững chắc, bám rễ thật chặc, hút nhựa nuôi hoa, nuôi trái.
Thân chỉa những cành lớn đâm ngang, thân vươn lên những nhánh cao phủ trên đầu che mưa che nắng. Cha cân nhắc lời nói, chỉ nói khi cần, con lớn mẹ thì càng phải nghiêm. Mẹ là tình cảm, cha là lý trí, mẹ lạt lòng cha phải giữ kỷ cương. Mẹ chín bỏ làm mười, cha phải cầm cân nảy mực. Đi vào bước trưởng thành từ mười ba, mười bốn tuổi, con càng ngày càng ngại cha, tránh cha rồi xa cha là vậy.
Nhưng đừng đơn giản, bất công, quên cái thời ta lên năm, lên mười, kẻo trở thành bội bạc. Hãy nhìn những đứa ba tuổi làm nũng với cha. Bắt cha bế chạy nhong nhong. Bắt phải dắt ra cổng đứng nhìn xe cộ. Bắt phải có cha nằm cạnh quạt cho mới chịu ngủ. Lên tám, lên chín thì hay chạy tới nơi cha làm việc để đón cha cùng về. Trên đường đi phải nắm tay cha, thỉnh thoảng nhìn lên mặt cha, dẫu là khuôn mặt tầm thường hay xấu xí.
Tuổi già chiếc bóng, mẹ dễ sống theo con, dâu, rể. Lúc thúc sớm hôm, chăm chút tỉ mỉ, mẹ uốn mình theo nếp sống, mềm mỏng ung dung như nước. thường cha thì không, cha ít cam khuất phục rể, dâu. Chịu sống hắt hiu, thiếu thốn, cốt tránh trước cái giả bộ nặng tai của dâu, cái im lặng cố ý của rể. Mẹ biết ý nên khi phải nhắm mắt vĩnh biệt, mẹ thường thổn thức dặn dò : "Anh ở lại nuôi con. Gắng kiếm một người hiền lành giúp đỡ. Chớ đàn ông không chịu khổ được lâu".
Phải, tuổi càng cao, khổ càng chồng chất, dâu, rể không ăn hiếp thì có con muỗi, con kiến ăn hiếp thay. Cứ cắn, cứ chích, nạn nhân nghe đau đâu đập đó, chứ mắt mờ đâu còn thấy rõ. Nhìn lên bầu trời đâu còn thấy chòm Bắc đẩu mà mới ngày nào lững thững dắt con đi trong sân cha chỉ cho con nhìn.
Con nay đang tuổi trung niên, bận theo quyền lực, vui với vợ con, bè bạn, việc báo hiếu cho cha thường tỏ ra bủn xỉn. Nếu có ai trách hửng hờ, chễnh mảng thì thiếu chi lý lẽ dẫn ra : "Được vậy còn đòi gì nữa ?.... Trời ơi, thì giờ đâu !".
Phải, thì giờ đâu ? Người xưa hay nhắc phận con kíp báo hiếu bởi từ dục dưỡng nhi thân bất đãi, con muốn nuôi mà cha mẹ không chờ.
Khi con ở tuổi trung niên thì cha vào giai đoạn già yếu. Bề ngoài, ngó dẫu phương cương nhưng nội tạng thường đang rệu rã. Dễ hiểu thôi mà, một đồ vật dùng đã sáu chục năm rồi thì dẫu có lạc quan đến đây cũng chỉ có thể tạm nói : "Cũng còn khá". Cha thỉnh thoảng cảm thấy hơi đau nơi này, chợt nghe có cái nhéo nơi kia. Đôi hồi bỗng mệt vô cớ. Nhưng cha thường im lặng không nói. Những câu nói không còn cần thiết, êm ái cho con nữa khi con còn nhỏ. Bây giờ, những câu nói đầy quấy rầy con. Đành âm thầm nghĩ đến câu Vạn vật vô thường.
Sách xưa dạy : Hôn định thần tỉnh, ta dịch : "Tối viếng sớm thăm", lạt lẽo nghèo nàn nếu không có người giảng cụ thể bằng cha mẹ già thường cần đôi mắt và bàn tay con, trước và sau giấc ngủ. Đã nằm trong mùng thì lười đứng dậy để khép bớt cánh cửa, để lấy cái mền, để tìm lọ dầu. Ngủ một đêm sáng dậy, trong mình có gì thay đổi. Đó là lúc con cần hỏi han mẹ cha mới dám giải bày. Gần như mọi người con, cuối cùng đều âm thầm tự trách, lặng lẽ xót xa. Cha biết trước tâm trạng đó, phòng xa ngày nào mình từ trần con mới chợt ân hận muộn màng, nên trong mỗi bức thư gửi con, cha đều kết thúc bằng sự bằng lòng, rằng con đã học hành thành đạt và cha mãn nguyện, cha vui. Lòng vị tha, lòng hy sinh cho con kéo dài mãi sau khi nhắm mắt.
Báo hiếu đâu chỉ món quà, mà có thể đôi tháng gửi một bức thư. Nội dung đâu đòi hỏi cao siêu, chỉ cần mươi dòng lược kể chuyện đã nghe, một điều vừa thấy. Thì cũng như bạn bè bạn gặp nhau, chào nhau một câu rất nhảm mà vẫn rất cần : "Đi đâu đó ? Mạnh giỏi ?". Sinh nhật cha, tặng một cành hoa. Nếu ở thành phố xa, hai ba đứa gởi về hai, ba bức điện chúc mừng, tốn không bao nhiêu mà tạo được sự rộn ràng tới tấp. Niềm vui tinh thần đâu thua bữa tiệc cao lương ?
Ngày Vu Lan, nhiều chùa tổ chức lễ hội bông hồng cài áo. Hoa hồng tượng trưng cho mẹ. Để tỏ lòng thương nghĩ tới cha, nhiều nơi buộc thêm dải nơ tượng trưng cho cha. Cha còn : nơ xanh. Cha mất : nơ trắng. Lễ đường xếp thành bốn dãy, dãy cha mẹ song toàn, hoa hồng, nơ xanh. Mẹ còn, cha mất : hoa hồng nơ trắng. Mẹ mất, cha còn : hoa trắng, nơ xanh. Mẹ cha đều mất : hoa trắng, nơ trắng. Người dự lễ đứng theo hoàn cảnh của mình. Có lần, một em nhỏ tuổi chừng lên tám đứng trong hàng hoa trắng nơ trắng. Em nhìn quanh, tủi thân khóc òa và cả lễ đường cùng khóc òa theo.
Cha cũng như mẹ, rồi sẽ một ngày :
Đỉnh hoa biểu từ khơi bóng hạc (1)
nên mỗi người con đều phải vội vàng. Trả hiếu không bao giờ đủ, không được coi là dư bởi tình cha thương con là cho chứ không phải cho vay để có thể gọi là trả đủ.




Đọc tiếp ...

49. August 12, 2008 THÁNG BẢY - MẸ và CON





Mẹ có 4 con gái 1 con trai
Mẹ đã khóc đưa con gái cả một chuyến đi xa mãi.
Mẹ đã lo lắng biết bao nhiêu khi con trai duy nhất lên đường đi nghĩa vụ tận xứ Chùa Tháp xa xôi.
Mẹ đã thắc thỏm ngóng trông tin tức từ bên kia bờ đại dương của hai con gái nhỏ. Bất lực khi cô áp út bệnh, xót xa khi thấy Út cưng ốm nhom vì công việc.
Chỉ có tôi là mẹ yên tâm, nhưng hình như tôi cũng là đứa con mà mẹ khó gần, hay chỉ là cảm nhận của tôi thôi?
Tháng bảy về cho tôi biết điều gì?
Đọc lại một lần nữa Bông Hồng cài áo để biết mình còn mẹ.



Để dâng mẹ và để làm quà Vu Lan cho những người nào có diễm phúc còn mẹ.
Medford, Hoa Kỳ, tháng tám, 1962,
Nhất Hạnh


Ý niệm về mẹ thường không thể tách rời ý niệm về tình thương. Mà tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không "lớn" lên được. Cằn cỗi, héo mòn. Ngày mẹ tôi mất, tôi viết trong nhật ký: Tai nạn lớn nhất đã xẩy ra cho tôi rồi! Lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như không lớn, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, cũng không hơn gì trẻ mồ côi. Những bài hát, bài thơ ca tụng tình mẹ bài nào cũng dễ, cũng hay. Người viết dù không có tài ba, cũng có rung cảm chân thành; người hát ca, trừ là kẻ không có mẹ ngay từ thuở chưa có ý niệm, ai cũng cảm động khi nghe nói đến tình mẹ. Những bài hát ca ngợi tình mẹ đâu cũng có, thời nào cũng có. Bài thơ mất mẹ mà tôi thích nhất, từ hồi nhỏ, là một bài thơ rất giản dị. Mẹ đang còn sống, nhưng mỗi khi đọc bài thơ ấy thì sợ sệt, lo âu.... sợ sệt lo âu một cái gì còn xa, chưa đến, nhưng chắc chắn phải đến :
Năm xưa tôi còn nhỏ
Mẹ tôi đã qua đời !
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận trẻ mồ côi.

Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Ðể dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi...

Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi thấy tôi mất mẹ
Mất cả một bầu trời.

Một bầu trời thương yêu dịu ngọt, lâu quá mình đã bơi lội trong đó, sung sướng mà không hay, để hôm nay bừng tỉnh thì thấy đã mất rồi. Người nhà quê Việt nam không ưa cách nói cao kỳ. Nói rằng bà mẹ già là kho tàng của yêu thương, của hạnh phúc thì cũng đã là cao kỳ rồi. Nói mẹ già là một thứ chuối, một thứ xôi, một thứ đường ngọt dịu, người dân quê đã diễn tả được tình mẹ một cách vừa giản dị vừa đúng mức :
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một, như đường mía lau.

Ngon biết bao! Những lúc miệng vừa đắng vừa nhạt sau một cơn sốt, những lúc như thế thì không có món ăn gì có thể gợi được khẩu vị của ta. Chỉ khi nào mẹ đến, kéo chăn đắp lên ngực cho ta, đặt bàn tay (Bàn tay ? hay là tơ trời đâu la miên?) trên trán nóng ta và than thở "khổ chưa, con tôi", ta mới cảm thấy đầy đủ, ấm áp, thấm nhuần chất ngọt của tình mẹ, ngọt thơm như chuối ba hương, dịu như xôi nếp một, và đậm đà lịm cả cổ họng như đường mía lau. Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận.
Công cha như núi Thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chẩy ra . Nước trong nguồn chảy ra thì bất tuyệt. Tình mẹ là gốc của mọi tình cảm yêu thương. Mẹ là giáo sư dạy về yêu thương, một phân khoa quan trọng nhất trong trường đại học cuộc đời. Không có mẹ, tôi sẽ không biết thương yêu. Nhờ mẹ mà tôi biết được thế nào là tình nhân loại, tình chúng sinh ; nhờ mẹ mà tôi có được chút ý niệm về đức từ bi. Vì mẹ là gốc của tình thương, nên ý niệm mẹ lấn trùm ý thương yêu của tôn giáo vốn dạy về tình thương.
Ðạo Phật có đức Quan Thế Âm, tôn sùng dưới hình thức mẹ. Em bé vừa mở miệng khóc thì mẹ đã chạy tới bên nôi. Mẹ hiện ra như một thiên thần dịu hiền làm tiêu tan khổ đau lo âu. Ðạo Chúa có đức Mẹ, thánh nữ đồng trinh Maria. Trong tín ngưỡng bình dân Việt có thánh mẫu Liễu Hạnh, cũng dưới hình thức mẹ. Bởi vì chỉ cần nghe đến danh từ Mẹ, ta đã thấy lòng tràn ngập yêu thương rồi. Mà từ yêu thương tín ngưỡng và hành động thì không xa chi mấy bước.
Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày Mẹ (Mother's Day) mồng mười tháng năm. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với Thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Ðông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ Thầy Thiên Ân một câu, rồi lấy ở trong sắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày Mẹ, theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo, và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng.
Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan.
Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món qùa lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Ðừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: "trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!". Lúc nào cũng chỉ nhìn thoáng qua. Trao đổi vài câu ngắn ngủi. Xin tiền ăn quà. Ðòi hỏi mọi chuyện. Ôm mẹ mà ngủ cho ấm. Giận dỗi. Hờn lẫy. Gây bao nhiêu chuyện rắc rối cho mẹ phải lo lắng, ốm mòn, thức khuya dậy sớm vì con. Chết sớm cũng vì con. Ðể mẹ phải suốt đời bếp núc, vá may, giặt rửa, dọn dẹp. Và để mình bận rộn suốt đời lên xuống ra vào lợi danh. Mẹ không có thì giờ nhìn kỹ con. Và con không có thì giờ nhìn kỹ mẹ. Ðể khi mẹ mất mình có cảm nghĩ: "Thật như là mình chưa bao giờ có ý thức rằng mình có mẹ!"
Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: " Mẹ ơi, mẹ có biết không ?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: "Mẹ có biết là con thương mẹ không ?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi ngừơi cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng.
Ngày Vu Lan ta nghe giảng và đọc sách nói về ngài Mục Kiền Liên và về sự hiếu đễ. Công cha, nghĩa mẹ. Bổn phận làm con. Ta lạy Phật cầu cho mẹ sống lâu. Hoặc lạy mười phương Tăng chú nguyện cho mẹ được tiêu diêu nơi cực lạc, nếu mẹ đã mất. Con mà không có hiếu là con bỏ đi. Nhưng hiếu thì cũng do tình thương mà có; không có tình thương hiếu chỉ là giả tạo, khô khan, vụng về, cố gắng mệt nhọc. Mà có tình thương là có đủ rồi. Cần chi nói đến bổn phận. Thương mẹ, như vậy là đủ. Mà thương mẹ không phải là một bổn phận.
Thương mẹ là một cái gì rất tự nhiên. Như khát thì uống nước. Con thì phải có mẹ, phải thương mẹ. Chữ phải đây không phải là luân lý, là bổn phận. Phải đây là lý đương nhiên. Con thì đương nhiên thương mẹ, cũng như khát thì đương nhiên tìm nước uống. Mẹ thương con, nên con thương mẹ. con cần mẹ, mẹ cần con. Nếu mẹ không cần con, con không cần mẹ, thì đó không phải là mẹ là con. Ðó là lạm dụng danh từ mẹ con. Ngày xưa thầy giáo hỏi rằng: "Con mà thương mẹ thì phải làm thế nào?" Tôi trả lời: "Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ, phụng dưỡng lúc mẹ về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi". Bây giờ thì tôi biết rằng: Con thương mẹ thì không phải "làm thế nào" gì hết. Cứ thương mẹ, thế là đủ lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi " làm thế nào " nữa!
Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một. Anh không hưởng thụ thì uổng cho anh. Chị không hưởng thụ thì thiệt hại cho chị. Tôi chỉ cảnh cáo cho anh chị biết mà thôi. Ðể mai này anh chị đừng có than thở rằng: Ðời ta không còn gì cả. Một món quà như mẹ mà còn không vừa ý thì họa chăng có làm Ngọc hoàng Thượng đế mới vừa ý, mới bằng lòng, mới sung sướng. Nhưng tôi biết Ngọc hoàng không sung sướng đâu, bởi Ngọc hoàng là đấng tự sinh, không bao giờ có diễm phúc có được một bà mẹ.
Tôi kể chuyện này, anh đừng nói tôi khờ dại. Ðáng nhẽ chị tôi không đi lấy chồng, và tôi, tôi không nên đi tu mới phải. Chúng tôi bỏ mẹ mà đi, người thì theo cuộc đời mới bên cạnh người con trai thương yêu, người thì đi theo lý tưởng đạo đức mình say mê và tôn thờ. Ngày chị tôi đi lấy chồng, mẹ tôi lo lắng lăng xăng, không tỏ vẻ buồn bã chi.
Nhưng đến khi chúng tôi ăn cơm trong phòng, ăn qua loa để đợi giờ rước dâu, thì mẹ tôi không nuốt được miếng nào. Mẹ nói: "Mười tám năm trời nó ngồi ăn cơm với mình, bây giờ nó ăn bữa cuối cùng rồi thì nó sẽ đi ăn ở một nhà khác". Chị tôi gục đầu xuống mâm khóc. Chị nói: "Thôi con không lấy chồng nữa". Nhưng rốt cuộc thì chị cũng đi lấy chồng. Còn tôi thì bỏ mẹ mà đi tu. "Cắt ái từ sở thân" là lời khen ngợi người có chí xuất gia. Tôi không tự hào chi về lời khen đó cả. Tôi thương mẹ, nhưng tôi có lý tưởng, vì vậy phải xa mẹ. Thiệt thòi cho tôi, có thế thôi. Ở trên đời, có nhiều khi ta phải chọn lựa. Mà không có sự chọn lựa nào mà không khổ đau. Anh không thể bắt cá hai tay. Chỉ khổ là vì muốn làm người nên anh phải khổ đau. Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi nên không được hưởng thụ tất cả kho tàng qúi báu đó. Mỗi buổi chiều lạy Phật, tôi cầu nguyện cho mẹ. Nhưng tôi không được ăn chuối ba hương, xôi nếp một và đường mía lau.
Anh cũng đừng tưởng tôi khuyên anh: "Không nên đuổi theo sự nghiệp mà chỉ nên ở nhà với mẹ!". Tôi đã nói là tôi không khuyên răn gì hết - tôi không giảng luân lý đạo đức - rồi mà! Tôi chỉ nhắc anh: "Mẹ là chuối, là xôi, là đường, là mật, là ngọt ngào, là tình thương". Ðể chị đừng quên, để em đừng quên. Quên là một lỗi lớn: Cũng không phải là lỗi nữa, mà là một sự thiệt thòi. Mà tôi không muốn anh chị thiệt thòi, khờ dại mà bị thiệt thòi. Tôi xin cài vào túi áo anh một bông hoa hồng: để anh sung sướng, thế thôi.
Nếu có khuyên, thì tôi sẽ khuyên anh, như thế này. Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: "Mẹ ơi, mẹ có biết không?" Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: "Biết gì?" Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: "Mẹ có biết là con thương mẹ không?" Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù anh lớn ba bốn mươi tuổi, chị lớn ba bốn mươi tuổi, thì anh cũng hỏi một câu ấy. Bởi vì anh, bởi vì chị, bởi vì em là con của mẹ. Mẹ và anh sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Và ngày mai mất mẹ, Anh sẽ không hối hận, đau lòng , tiếc rằng anh không có mẹ.
Ðó là điệp khúc tôi muốn ca hát cho anh nghe hôm nay. Và anh hãy ca, chị hãy ca cho cuộc đời đừng chìm trong vô tâm, quên lãng. Ðóa hoa mầu hồng tôi cài trên áo anh rồi đó. Anh hãy sung sướng đi./-
Medford, Hoa Kỳ, tháng tám, 1962,
Nhất Hạnh

Đọc tiếp ...

48. August 12, 2008 NHÁNH LAN RỪNG


Biết là cũng đến lúc hoa nở. Thế mà cứ vui như trẻ con được quà.
Bài học hãy tin người đã được kiểm chứng . Những bông hoa vàng rờ rỡ như cười với vệt nắng hiếm hoi của những ngày mưa bão.
Mỗi ngày, mỗi ngày, từng chút một, những cánh hoa cứ lặng lẽ bung ra.
Mỗi ngày, mỗi ngày, từng chút một, vẻ đẹp hoang dại cứ tự tin phô ra.
Và mỗi ngày, mỗi ngày, tôi ghi lại những khoảnh khắc qua đi không bao giờ trở lại.
Để lưu giữ,
để chia sẻ,
để học bài học tự tin và cống hiến.
 

Thuở ban đầu

Sau 3 tuần

Ngày đầu tiên hé nở

Ngày thứ hai

Ngày thứ ba

Ngày thứ tư

Chiều tối ngày thứ tư

Ngày thứ năm

Ngày thứ năm (cận cảnh)

Ngày thứ sáu

Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 5 tháng 8, 2008

47. August 05, 2008 Lại chuyện hoa cỏ!

Buổi sáng,
Hai chị em hì hụi rinh giỏ lan đao xuống, tỉa bớt mấy con cho chỉn chu rồi cho nó ngự trên cháng ba cây mai chết, lại đem chậu đa Nhật gá lên đầu tường. Giao hẹn “Hiếu tưới nghen, chứ chị thì phải bắc cái ghế mới được”. Cậu chàng phì cười “Hồi giờ Hiếu tưới không, bày đặt dặn dò nữa”. Quê!



Còn mấy giỏ lan thì tự làm, không giao mượn ai hết, không vừa ý. Hơi bị khó tánh ba cái vụ này. Năm ngoái, xin được nhánh bần khô từ ngoài vàm, cậu chủ vườn nhiệt tình cưa giúp và chở giúp vô nhà cùng với Hiếu. Cảm ơn hết sức. Tốn mười lăm ngàn mua cuộn dây chỉ xơ dừa, hai chị em lăng xăng hết một buổi mới quấn xong, rồi … để đó! Tính ốp mấy dò lan vô mà Hiếu cứ lần lữa hoài. Lúc này câụy chàng có mối rồi, sáng sáng tua một vòng thị xã với đội xe đạp lão tướng nghiệp dư! Bởi vậy, ghé qua nhà thì trưa trờ trưa trật, vội vội vàng vàng quét sân tưới cây rồi dọt về bên nhà, sợ vợ cằn nhằn thì ít mà sợ Mom trông thì nhiều.
Tạm xong cái vườn treo rồi thì phải dọn lại hai mé tường trước sảnh này, ba cái lan rừng nó um sùm quá rồi, bộ bây không biết đây là xứ chợ chắc, đất chật người đông nên phải chen chúc nhau mà sống nghe chưa! Tao sẽ đem tụi mày xuống ôm gốc mai nghe. Hồi đó cũng là chỗ của tụi mày chứ gì. Tội nghiệp, ông chủ nhà đổ oan, đem tụi mày đi rồi, có sửa sang phân thuốc gì thì cây mai cũng chết khô. Thôi, châu về Hiệp Phố vậy, ráng mà xanh tốt rồi trổ bông nhiều nhiều nghe. Nhưng lần này thì giỏ lan đao nó ở trên đầu tụi bây, đừng cự nự, nó che nắng cho.
Còn mấy miếng vỏ dừa ốp vào cây bần, làm chỗ tựa được cho 2 giỏ lan. Cũng vừa kịp lúc 2 cái giỏ nhựa đã đến tuổi, mới rớ vô đã rớt bịch xuống đất, may mà không gãy cành lan nào.



Nhưng sớn sa sớn sác làm gãy mất cái nụ mới của giỏ dandro, tiếc ngẩn ngơ. Sáng mai thế nào Hiếu nó cũng chắc lưỡi hít hà cho mà coi. Đành vậy, biết sao giờ! Tự an ủi là may mà nó gãy sớm chứ mai mốt lớn hơn thì còn tiếc đến cỡ nào.

10g, thế là cả mé tường đông lẫn hiên tây coi như xong.


Đau cả lưng, mỏi cả tay! Già cả tệ thiệt. Thế nào trưa về ông chủ nhà cũng cười cười “Chà, thay đổi nữa rồi đây. Để coi được mấy tháng nghe!” Có sao đâu, lâu lâu làm mới một chút cho lạ mắt vậy mà. Y như rằng, câu đầu tiên nghe được là vậy. Còn câu thứ hai chưa kịp tính tới “Chụp hình gởi cu Khang chưa?”. Sao lại không, chuyện cây cỏ với hình ảnh thì cu Khang mới là bạn chia sẻ thân thiết của mẹ, còn ba với Khuê thì … hihihi.
Buổi trưa,
Trời mưa nhẹ, cũng nhẹ bước luôn, xách máy chụp hình đi. Bụi tuyết sơn phi hồng ở sân sau năm nay bị tán cây sanh và cây phát tài che nên cành lá èo uột và ít bông quá. Cái tội tham lam cứ muốn trồng mọi thứ là vậy. Phải tỉa bớt thôi (và cũng phải nhớ cho thêm chú xe rác ít tiền vì thế nào cũng thêm cỡ hai ôm lá)


Có một đôi bướm đêm say ngủ, sợ nó bay nên nhè nhẹ ai dè nó say ngủ thiệt, cảm ơn nghe!
 


Mười giờ trong mưa cũng đẹp,




chậu bông súng cũng đẹp,

“hòn non bộ” cũng đẹp, màu rêu xanh ngời ngời, những giọt nước li ti - tự nhiên nhớ hồi Khuê nhỏ xíu, cô nàng hay hát “nong nanh như những giọt sương”, sửa thế nào cũng không chịu hát cho đúng.



“Trưa không nghỉ, làm gì đó?”
Giật cả mình, ông chủ nhà dắt xe đi làm rồi.
Hết một buổi trưa.

(Còn bây giờ thì chiều rồi, đi làm cơm thôi!)



Đọc tiếp ...