Thứ Năm, 28 tháng 2, 2008

9. Tổ chim sâu





Khoảng sân sau nhà không rộng lắm nhưng cũng có thể gọi là …vườn!
Bức tường ngăn với hàng xóm khá cao, cây ổi và cây cách nhà bên kia cũng ráng vươn lên mấp mé đầu tường như tranh với cây mận bên này . Trong đám lá rậm của cây cách lâu ngày không ai ngắt ngọn, lũ chim vẫn lích chích tìm sâu.
Bên này, mỗi sáng khi những vũng nước tưới còn đọng trên mặt sân, bọn sẻ lắm lời vẫn tranh nhau tắm táp rồi sắp hàng rỉa lông trên cây sào phơi đồ.
Buổi trưa, trời không nắng gắt, gió nhẹ, lũ chim vẫn còn ồn ã.
Cây mận đã trắng đợt bông đầu, mỗi sáng, bông rụng trắng đất, cứ như thảm nhung. Nhưng chắc phải tỉa bớt đám cành lá bên dưới gốc thôi, rồi mai mốt còn bao mấy chùm mận nữa, kẻo không thì ba con ruồi vàng nó đục trái. Dọn trống dưới gốc còn có chỗ mà để cái ghế trèo lên chứ!
Chà cái gì đây? Sâu à? Tổ sâu to vậy sao? Ba cái lá mận úp lại, bên trong một mớ bùng nhùng, phải cắt thôi, nhánh này không có chùm bông nào, lại vướng nữa. Thế là, có cái kéo trong tay, bấm xoẹt một nhát! Nhưng cái gì đây? Thôi chết, cắt phải tổ chim rồi! Một cái tổ chim sâu xíu xiu, chắc vậy, bốn cái trứng bé tí như trứng thằn lằn, xanh xanh lốm đốm.
Làm sao đây? Mãi đến giờ, mới nghe inh ỏi bên tai tiếng chim róng riết, chăc là hai vợ chồng chim sâu đang hoảng hốt. Khoan, tụi bây đừng có mà um sùm vậy, tao nhầm mà, sẽ trả lại cho. Để tao nghĩ cách cái đã…
Lúi húi, lóng ngóng rồi cũng cột lại được. Nè, giữ nguyên hiện trường rồi đó nghe. Yên chí, tao biết chuyện mà.
Vợ chồng nhà chim vẫn không thôi “la hét”. Tội nghiệp quá đi. Chắc tụi nó đang hú hồn hú vía bảo nhau “tưởng đâu mất con rồi”.
Rồi hộ khẩu nhà chim thêm bốn cái tàu há mồm lúc nào cũng chiếp chiếp, bố mẹ chim sâu hầu như bay tìm mồi suốt. Vút bay đi rồi hối hả bay về, mỏ ngậm những con sâu xanh bé tí, nhún nhảy trên cành, cái đuôi nhỏ ngoắc đảo lia lịa, thoắt cái đã sà xuống mép tổ, chúi vào rồi nhanh như chớp bay vụt đi.
Rình lâu lắm mới thấy vắng “bố mẹ trẻ con”, vội lấy máy chụp hình định làm bộ “sưu tập”. Ai dè, hai bố mẹ trẻ ấy về nhanh vậy. Chà, chúng nó kêu gì mà dữ quá vậy không biết. Không sao đâu mà, tao có làm hại gì trẻ con nhà chúng mày đâu, chụp hình chút thôi ... Được rồi, chờ xíu đi, tao biết tụi mày đang sốt ruột mà... Rồi rồi, xong rồi đây.
Mèng ơi, mở ra mới thấy hình đen thui hà, sao bữa nay đèn flash không chớp vậy cà? Thiệt tình, khi cần thì không chớp, ba cái đồ quỉ kĩ thuật số hiện đại này, ngó bộ 5x khó mà nhớ cho rành rẽ được. Thôi thôi, tao vô đây. Phải chi tao là Harry Potter mà tụi bây là rắn thì hay biết mấy. Tụi mình có thể nói chuyện với nhau hén, và chúng mày sẽ biết tao cũng là một bà mẹ yêu con!
Không biết khi nào thì tụi nhỏ bay được ta? Vài bữa nữa mấy lá mận héo thì cái tổ rơi xuống còn gì? Chắc phải chọn lúc thích hợp cột lại quá! Hi vọng là bố mẹ chim sâu không tưởng lầm lại có "kẻ hủy diệt".
Chiều muộn, vẫn còn nghe tiếng bố mẹ trẻ con lích chích sau vườn.
Trời gió nhẹ mang hơi chớm lạnh lùa qua.
Bên kia bờ đại dương, chú đại bàng con chắc vẫn còn ngon giấc. Có nghe tiếng chim trong vòm lá? 
Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2008

8. NHẬT KÍ MỘT CHUYẾN ĐI - Harrisburg

Sân ga Harrisburg chiều vắng vẻ... cũ kĩ và buồn buồn... Tự dưng có cảm giác giống như đi lạc vậy.

Có một chút bồn chồn. Chẳng gì thì cũng đã hơn mười năm chưa gặp lại em. Với bao nhiêu thông tin từ hơn hai năm nay về tình hình sức khỏe, tự dưng đâm ra hoang mang...

Một chút lúng túng khi gặp hai cháu. Bọn trẻ có vẻ như ngại ngùng sao sao ấy, còn mình thì chỉ “Hi” được một tiếng rồi quên bẳng đi mấy câu đã chuẩn bị. Nó không biết tiếng Việt và mình thì không rành tiếng Mỹ! “Cháu không còn là một cậu bé mà đã trở thành một chàng trai rồi. Rất vui khi gặp cháu” Thế đấy, chỉ có thế...

Buồn và giận nữa. Giận mình và giận cả em. Bao nhiêu đứa trẻ sinh ra trên đất Mỹ vẫn nói tiếng mẹ đẻ lưu loát, còn cháu mình thì…

Ừ mà nước mắt ở đâu sẵn vậy?

Nhà em đây rồi, quen lắm vì mình vẫn nhìn mãi trên hình rồi. Cái bảng số nhà, bụi cây trước cửa, bãi cỏ sau nhà nơi Trí với máy cắt cỏ đồ chơi, cái balcon nhỏ trông lớn hơn khi nhìn trong hình…. Quen mà lạ.

Bữa cơm chiều trên đất Mỹ với hột vịt lộn, món hảo của em và bao nhiêu chuyện đời xưa.

Trời đêm se lạnh. Ryan vẫn chưa muốn đàn piano cho Dì Ba nghe...

Sáng, chú nhỏ vẫn còn nằm trong chăn hé mắt ra, bắt gặp mình cũng đã nhìn thấy và ngay lập tức cu cậu bèn kéo chăn lên che mặt khi nghe Dì Ba say Hi!


Harrisburg buồn thật đấy, “thung lũng hoang vắng” của đất Mỹ chăng? Mấy ngày trôi qua như lạ như quen.
Một điều gì đó không giải thích được trong lòng, đôi khi cảm thấy bâng khuâng, ngơ ngẩn.


Em nghỉ mấy ngày để đưa chị đi chơi đây đó. Có lẽ cũng là những ngày nghỉ hiếm hoi trong gần 20 năm trên đất Mỹ?

Macy’s, Target, Wal-Mart và gì nữa… những siêu thị mênh mông, hàng hóa ngợp mắt và giá cả cũng ngợp luôn!

Chỗ em làm - Spirit Hospital 8 tầng cao ngất với những dãy nhà dài hun hút, tối tân, sạch sẽ và thân thiện. Y tá mặc áo hoa quần màu trông vui mắt và gần gũi như trong trường mẫu giáo.

Tòa Thị chính đồ sộ với kiến trúc cổ kính, trông đẹp và uy nghi nhưng không xa cách, mọi người có thể vào tham quan ngày cuối tuần. Thú vị đấy.

Rồi Chocolat world của Hershey nữa, một kiểu tiếp thị du lịch thú vị và cực kì ấn tượng.

Cũng ấn tượng luôn với ngôi nhà mới của 2 vợ chồng Nghĩa Hoanh ! Nhớ một lần trong thư, em bảo “Em đã có được những gì em mơ ước….” Chúc mừng cho em, cô học trò hiền lành của ngày xa xưa!


Cuối cùng thì sau mấy lượt “Please, some piano, Ryan !” chú nhỏ đã chịu ngồi xuống. Mười ngón tay gõ ầm ầm trên bàn phím như những chú ngựa non tung vó trên thảo nguyên rồi cũng đột ngột chấm dứt khiến Dì Ba không kịp vỗ tay và cảm ơn! Trí thì khác hẳn, dáng nghiêng nghiêng hơi đổ xuống và chuỗi âm thanh trầm nhẹ, sâu lắng tạo một cảm giác lạ...


Ước gì Dì Bcó thể nói chuyện với cháu nhỉ? Harrisburg...Harrisburg...em mình sống ở đấy...


Đọc tiếp ...

7. NHẬT KÍ MỘT CHUYẾN ĐI - Phily

Ga tàu điện ngầm cao và rộng mênh mông. Đẹp cổ kính , toàn đá với đá thôi. Nhân viên bán vé rất lịch sự và ân cần. Bao nhiêu là người tấp nập đi đến nhưng cực kì trật tự. Gấp gáp vội vã nhưng không hề chen lấn.Và nhất là không hề ồn ào to tiếng. Ngưỡng mộ quá. Chỉ có mấy con bé da đen là líu lo, tíu tít, nhún nhảy, uốn éo, tự nhiên như… đang biểu diễn. Tóc đứa nào cũng được chăm chút cẩn thận tỉ mỉ, nào bím nào buộc, nào hạt bẹt, hạt cườm, hạt nhựa màu, nào dây lụa xanh đỏ, kim tuyến lấp lánh... Không biết tối chúng nằm ngủ cách nào nhỉ?

1 usd cho một tour vòng quanh khu phố du lịch.

Chiếc bus sơn màu sặc sở cứ tuần tự ghé trạm, người lên người xuống.

Bà soát vé phốp pháp vui tính, lần thứ ba mình lại lên xe đã cười toe và nói gì đó huyên thuyên với Khang. Trông cách người ta làm du lịch thấy mê. Ở Khu trung tâm, có mấy người ăn mặc kiểu vài thế kỉ trước lúc nào cũng sẵn sàng cười và chụp hình cùng du khách. Ông đưa thư ấy cũng rất ga lăng, nhún người và đưa cánh tay ra cho mình khoác để Khang bấm máy. Chỗ khác, trong khu vườn râm mát bóng cây, mấy cô thiếu nữ ngồi thêu, người hầu da đen đứng bên cạnh, họ nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ của “thời xa vắng” : “Thưa tiểu thư....”, một họa sĩ vẽ chân dung đang miệt mài, ông ấy đưa cho một mảnh giấy và chiếc bút chuốt bằng lông ngỗng bảo mình viết bât cứ gì, ông ta vẽ thêm vào một dấu vô cực rồi giảng giải gì đó nhiều lắm với Khang.

Đây là khu vườn thế kỉ 18, lối đi trải sỏi, một ngôi nhà mát nho nhỏ, giàn dây leo xanh mướt, hoa nở đầy. Một đài phun nước nhỏ, mấy pho tượng rải rác, cứ như lạc vào xa xưa.

Trên đường phố, những chiếc xe ngựa trang hoàng vui mắt, người xà ích ăn mặc kiểu xưa giống như bước ra từ một lâu đài nào, vắt vẻo trên ghế cao, vung vẩy chiếc roi. Mấy con ngựa cao to được chăm sóc cẩn thận, mượt mà, gõ móng lóc cóc trên đường.

Không khó lắm để thu hút khách du lịch. Điều quan trọng là ý tưởng và sự đầu tư. Xứ mình thì bao giờ được như vầy ta?

Nhưng đến Phily là phải tận mắt nhìn chiếc chuông đồng lịch sử.

Vết nứt vẫn còn nguyên đó. Nghe đâu người ta cũng đã vá mấy lần nhưng không thể. Và bây giờ vẫn được treo trên cái giá gỗ từ thời nó gióng giã tiếng chuông mừng độc lập. Pennsylvania từng là thủ đô khi Washington chưa xây dựng xong. Nhưng để đến được tận nơi phải qua đến mấy căn phòng. Đường đi quanh co gấp khúc. Cứ mỗi góc cua là một panô áp tường ghi súc tích quá trình lịch sử nước Mỹ thời ấy. Nhiều ảnh chân dung các tướng lĩnh, nhiều tranh vẽ quang cảnh chiến trường, những câu nói nổi tiếng…tất cả là bài học lịch sử sống động và cực kì ấn tượng.

Phily - Một ngày lang thang với nhiều cảm giác lạ.
Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 14 tháng 2, 2008

6. NHẬT KÍ MỘT CHUYẾN ĐI - Newark - Princeton



11g 30 đêm.
Không lạnh.
Chưa thấy con trai. Không sao, lấy hành lý cái đã.
Newark đây rồi!
Con trai đây rồi!
Princeton đây rồi!
Cảm giác gì đây?
To lớn, hoành tráng? Dĩ nhiên rồi, đã biết từ 4 năm nay qua những tấm hình
Gần gũi, thân thiện? Chắc không phải. Mới tới, mới thấy, mới biết mà!
Lạ lẫm? Tất nhiên là không. Có thể nhận ra từ vết lõm cầu thang, từ mái vòm cổ kính.
Có gần, có xa, có quen, có lạ.
Vẻ cổ kính, trang nghiêm dễ làm xúc động .
Đây là cái cửa sổ nhìn ra ngoài, cây gì không biết vẫn nở hoa trắng như trong hình. Cửa sổ thứ hai mở ra từ bàn học. Chắc chắn là nơi chú sóc nhỏ kì công tha cành lá về chất đầy bệ cửa, cành thông gần nhất sạch bóng như một cây cầu vắt vẻo trên không gần chạm vào khung kính. Mường tượng trước mắt cảnh chú ta quay ngoắt lại, nhẹ nhàng phóng ra từ cái tổ xây vội và nhanh chóng mất hút trên cao.
Ngổn ngang đầy phòng nào thùng nào giỏ, nào vali nào mền gối...hình ảnh của những ngày cuối ở ngôi trường là đây.
Tự nhiên bây giờ con không muốn rời trường”
Đúng là như vậy. Người mới đến như mình còn cảm thấy lưu luyến huống hồ Khang đã gắn bó 4 năm?
2g sáng.
Bên ngoài gió khuya khua xào xạc trong đám lá thông.
Chú sóc nhỏ ở đâu ta?
Sáng Princeton, đẹp trời như Đà Lạt. Đường Nasau hai hàng cây xanh bóng lá, xanh bát ngát đến nao lòng... nhắm mắt, mường tượng đường hoa vào mùa xuân ... mong lại sẽ có một lần nào đó...
Ngồi ăn sáng cùng bàn với Minh freshman, Loan và anh bạn - có vẻ thân mật lắm. Hơi khó hiểu!
Chiều - nhà cô Cẩm Nhung.
Một ngôi nhà đẹp, đúng kiểu Mỹ. 4 mẫu đất, cỏ được cắt cẩn thận, chuồng ngựa phía sau, một vạt cây um tùm xa xa. Nghe nói có con suối nhỏ ở tít cuối đất nữa, mà muỗi nhiều quá, không dám ra.Hồ bơi đẹp, nước xanh ngắt, trong veo, hàng rào gỗ thấp sơn trắng, lối đi trải sỏi, bụi cây, thảm hoa,cầu nhảy, tay vịn...đủ cả .
Tiệc đứng – cũng đúng kiểu Mỹ : sân sau bày bàn chất đầy thức ăn, thức uống, lò nướng khói bốc thơm phức, hai cái nhà bạt che bớt nắng chiều, một cái võng dưới gốc cây sồi tỏa bóng mát . Nhạc văng vẳng. Sao mà yên ấm , nhàn hạ, đủ đầy.
Và người, mỗi người mỗi kiểu.
Chủ nhà ân cần, lịch sự, vui vẻ. Ông chồng Mỹ cũng thế.
Bà cô của ông chủ nhà, chắc là phải hơn 70, ngồi ăn một mình bên chiếc bàn nhỏ, không thấy ai nói chuyện với, dù cô chủ nhà vẫn ngồi kế bên. Cô ấy còn mải nói chuyện với bạn. Bà chỉ lẳng lặng ăn, thỉnh thoảng nói gì đó với cháu khi ông ta tiếp thêm thức ăn. Rồi đi.
Có vẻ như người già ở đâu cũng cô đơn?
Mình thì chưa quen với không khí này. Chị Huê rất ân cần, giục mình ăn kẻo đói. Cũng có hơi lúng túng, tuy nhiên cảm giác ấy sớm qua mau, tạm gọi là hòa nhập được. Có vẻ như cô Nhung rất háo hức muốn biết nhiều về những gì của VN hiện nay. Điều đó cũng dễ hiểu, xa quá lâu mà. MÌnh động viên cô ấy về chơi một chuyến, để thực sự cảm nhận những nét mới mẻ của quê nhà.
Bọn trẻ thì rất ư là tự nhiên, thoải mái ăn uống, chuyện trò rồi nô đùa ầm ỉ. Tấm đệm lò xo to tướng rồi cũng có người chiếu cố . Minh và Loan thử rồi thích thú hò la có vẻ phấn khích lắm, Loan túm váy nhún nhảy hò hét vang trời, tóc bay mà váy cũng bay! Phong loay hoay như con gấu rồi cuối cùng cũng tưng lên được mấy cái nhưng suýt dập đầu vào vành sắt bao ngoài. Rồi Hoàn, rồi Sam, Tuấn Anh cũng tham gia. Khang cũng "biểu diễn" mấy cú nhảy thẳng như pháo thăng thiên. Mấy người lớn quay ra nhìn và cũng buột miệng la theo.
Màn biểu diễn không lâu, chắc mệt vì la hét và bụng đang no.
Lại kéo vào nhà bạt, lại ăn uống và rôm rả nói cười. Phong nói năng không khéo lắm nhưng có vẻ thẳng tính và tốt bụng, Minh thì kiểu cách, như một cậu ấm chính hiệu. Hoàn ít nói, trông dễ mến với chiếc răng khểnh và vóc dáng như con gái, ấy vậy mà chiếc xe thì to đùng. Riêng Sam cực kì thú vị. Chỉ nghe giọng thôi, không ai ngờ đó lại là chàng trai mắt xanh tóc nâu. Anh Tây nghiên cứu sinh này cứ khăng khăng tự nhận minh là người Thanh Hóa rặt vì “nhà cháu đã 4 đời ở Việt Nam rồi đấy”. Thì ra ông cụ nhà hắn là một trong những người thiết kế đường săt xuyên Việt. Anh chàng ở VN đến 10 tuổi và có vốn tiếng Việt không chê được khiến cả bọn cười bò ra khi cậu ta nheo nheo mắt nhìn con ngựa thong thả trong rào “ Cháu chỉ biết đi ngựa chứ chả biết cưỡi ngựa đâu!”
Một cái lạ, hầu như không có hàng rào giữa những ngôi nhà. Chỉ là một vài cây to dọc theo ranh giới, đẹp và thân thiện, cởi mở. Cứ như Việt Nam mình thì tiền xây hàng rào cũng đủ để cất thêm nhà! Lúc đầu, không hiểu sao mà Khang gọi mãi, con chó hàng xóm chỉ lại gần ngoắc đuôi chứ không bước qua. Hỏi ra mới biết là có dây điện chôn ngầm dọc ranh đất và trên cổ con chó có bộ cảm ứng. Ngộ nghe, vậy khỏi phải phiền khi chó hàng xóm cứ vô tư chạy sang “múa hát” !
5 giờ chiều,
Nắng vẫn rực rỡ như mới xế qua,
Trời trong xanh, cao tít, "gió mát như quạt hầu" - lạy cụ Nam Cao, con mượn vài chữ ạ.
Hai mẹ con ngồi uống vang và ngắm mọi người.
Đọc tiếp ...

5. NHẬT KÍ MỘT CHUYẾN ĐI - Seatle

 

Rồi cũng hết 9 giờ bay.

Cửa ngõ vào đất Mỹ đây rồi.
Đứng trên đất Mỹ rồi. Không nghiệm ra được tâm trạng lúc này.
Con trai chưa biết mình phải làm thủ tục hải quan ở đây. Để xem mẹ có gặp khó khăn gì không nhé.
Nhân viên hải quan tên King!
- Oh! Mr King! King or Lion King? Your name is special!
- Thankyou!
- Bà đến Mỹ để làm gì?
- Tôi đi dự lễ tốt nghiệp của con tôi. Đây là thư mời của Trường.
- Oh.... con bà học Princeton à? Bà giàu thế?
- Ồ không, không có nhiều tiền đâu, con tôi có scholarship mà.
- Oh, so impression!
- .....
Có phải vì tiếng tăm của Princeton mà ông ấy cho ở lại Mỹ đến 25 tháng 11 không?
Lúc lấy hành lý, nghe mãi mà không hiểu cô nhân viên hỏi gì, đưa hình ra mới hiểu.Tệ thật.
Sầu riêng? No
Thịt bò? No
Fresh fruit? No
No tất. Nói mà run. Nó mà xét thì khổ. Không sợ tịch thu, chỉ sợ phạt tiền!
Lại chất hành lí lên xe.
Lại gửi vào.
Lại lên máy bay.
Xong rồi con trai ạ. Không có gì ghê gớm cả.
Tây bán cầu 6g chiều, nắng vẫn chói chang, mặt trời còn tít trên cao, ngộ quá.
Còn 6 giờ bay nữa. Ông bạn đồng hành vẫn mơ đến lúc kí hợp đồng mua nhà máy đường Rạch Giá. Cứ gầy chuyện mãi thì mình phải ngủ thôi!

Đọc tiếp ...

4. NHẬT KÍ MỘT CHUYẾN ĐI - Tapei



Cũng tương tự như Changi của Sing khi nhìn qua khung cửa máy bay. Có điều, ít cây xanh hơn, nhưng to và đẹp hơn Tân Sơn Nhất nhiều.
Cô tiếp viên xinh xắn tên Nga dặn ngồi chờ trên máy bay khi thấy chữ MASS gắn trên áo từ hồi check in. Hơi quê khi thấy mọi người quay lại nhìn. Sao mình lại không tự đi ? Cũng chỉ có một đường ra thôi mà.Thì ra mình được “bàn giao” cho anh chàng aid cùng với mấy ông bà cụ ngồi xe đẩy. Xấu hổ chưa!
Nhìn qua nhìn lại, thấy càng quê dữ nữa. Rõ ràng, mấy chữ transit / transfer to đùng trước mắt, Những người ra trước đã xa tít đằng kia.
Và chỉ có 1g ở đây thôi.
Thế là mình đẩy vali đi. Cái anh chàng đó vội chạy theo kéo mình lại và xổ ra một tràng dài . Chẳng phải anh ta đã nhanh nhẩu Yes ngay khi mình hỏi “I’ll follow you?” đấy sao!
- Được rồi. Tôi có thể đi một mình. Phải tới đằng kia không?
- OK.
Vậy là mình nói họ cũng nghe được đấy chứ.
Thủ tục nhanh gọn nhưng đông người quá nên lâu.
6 g chiều, vào đến phòng chờ gate 7. Lúc nãy vội làm thủ tục, đi qua dãy shop quên ghé vào mua phone card. Thì thôi vậy. Khang cũng đã dặn “Nếu không còn thời gian thì mẹ đừng gọi con”
Còn những 15g bay! Ê ẩm đây!
Bạn đồng hành chưa tìm ra. Chung quanh toàn nghe xí xô xí xào. Chắc không có gì lạ đâu. Dù gì trạm cuối cũng là Newark kia mà.
Ghế 37C, có người rồi! Sao vậy? “Xin lỗi cô, chân tôi yếu quá, cô thông cảm!” Hmmm....không thông cảm nhé, chỉ là tôi thích ngồi cạnh cửa sổ! Đừng có mà bực mình phải né người, co giò khi tôi đi ngang nghe, và... nhiều lần đấy!
Cũng hay, cả 2 người đi cùng đều xuống Newark! Gọi là có duyên chắc!
Chào Tapei!
Trời đất ! Té ra cũng nhiều chuyện ớn! Máy bay chưa cất cánh, ông bạn ghế B đã “xuất bản” một khối lượng thông tin đáng kể. Nào là đã rủ bỏ hẳn 100 triệu Mỹ kim của cái nhà máy điện nào đó ở Phnom Pênh cho bà vợ Campuchia và họ hàng bên vợ năm 94, nào là đã từng đến Nam Mỹ, Hồng Kông, Nhật Bản... còn Singapore ư? Transit biết bao nhiêu lần mà kể, nào là đang đàm phán để mua lại nhà máy đường Rạch Giá theo chương trình của công ty mẹ bên Mỹ...
Điều mình quan tâm là tuyến bay này ông ta đã đi hàng chục lần. Thế là đủ. Mọi chuyện khác thì...đưa đẩy cho vui đường dài!
Bữa ăn thứ nhất – khá ngon miệng
Bữa thứ hai, bên ngoài chắc đã nửa đêm.
Bữa thứ ba – điểm tâm! Bên nhà chắc vào cữ cơm chiều.
Bữa thứ tư - Ớn!
Có còn chuyến bay nào dài hơn không ta? “Bay đi Úc còn lâu hơn, gần 30 tiếng đó!” Nhanh nhẩu quá lắm đấy ! “Năm nào tôi cũng đi một lần, ở Brisban có ông anh ruột và khá đông bạn bè” Uhm...vậy sao, “không gia đình” như ông, tha hồ đi.
Bao giờ thì mình có dịp kiểm chứng bào ngư Úc to bằng cái chén và cua Úc thì cái dĩa cỡ 3 tấc không thể để trọn nguyên con?
Trừ lúc ngủ, mà ngủ thì ngáy ơi là ngáy, “ông Tám” vẫn huyên thuyên bên tai! Hơi bị mệt rồi nghe! Cố tình ngáp mấy cái liên tục luôn.
Nhưng không thể ngủ được, vừa ồn vừa bực vì quên mang theo Cool Air ... tặng bạn đồng hành! Ngoẻo đầu sang trái mãi cũng mỏi mà có né được cái mùi đâu! Huhu...
Mẹ đi “đếm hành khách “ đây, con gái ạ!


Đọc tiếp ...

3. NHẬT KÍ MỘT CHUYẾN ĐI - Lên đường


Ngày cuối.
24 việc của 24 giờ.
Việc thứ 24: ngủ!
Ừ thì ngủ.
Có điều,nói là nói vậy. Chứ lên giường mắt cứ mở chong chong. Đầu cứ lan man suy nghĩ, duyệt lại lần chót mọi thứ, lại chuyện này dắt dây chuyện kia...Thôi, dẹp qua một bên. Bắt chước Khang vậy “Lên máy bay ngủ”
Không thấy nôn nao gì. Lạ nhỉ? Chuyến đi lâu nhất, xa nhất mà sao thấy cũng bình thường. Chả bù mấy lần đi khác. Hè năm ngoái chẳng hạn, líu tíu, lăng xăng. Có lẽ lần này là đi một mình! Lo lắng vì người ở nhà nhiều hơn là hăng hái tính chuyện đi. Có lúc nghĩ ”Không đi cũng có sao đâu”, nhưng không nói. Nói rồi Cọp lại ngạo là mình vờ. Đôi lúc cũng bực mình. Nói thật lại không tin là sao?
Đêm cuối ở nhà, không ngủ được. Cái tật nửa đêm giật mình quờ tay sang sờ ngực xem có còn thở không khiến mình cứ thon thót. Nhớ hồi hai đứa còn nhỏ cũng vậy. Cứ hễ thấy tụi nó ngủ say không trở mình là cứ dòm chừng. Biết ba trợn mà không sao bỏ được cái lo kì cục đó. Lâu lâu nhớ chị Thu nói “Muốn như có mấy sợi dây buộc vào thắt lưng, nhớ tới ai là phăng dây kéo về ”
Xe quẹo vô phi trường, thấy như sắp vuột tay!
Phải ghé Seatle lấy hành lý làm thủ tục nhập cảnh ! Cái này không có trong vé máy bay. Hơi lo, nhưng chắc không có gì. Cô nhân viên EVA dán lên áo miếng giấy có mấy chữ MASS để người ta biết mà dắt đi! Xấu hổ chưa!
Mỗi người chỉ 2 kiện hành lí thôi. Lại phải đẩy xe đồ đi đóng gói lại, 5usd tiền cái thùng giấy – đúng là giá cắt cổ!.
Bên này và bên kia cửa kiếng. Alô, alô. Thấy mọi người cứ nhìn chừng theo mà nhớ cảm giác lúc mình đứng ngoài kia. Đúng là người ở lại mới lo lắng băn khoăn.
Thủ tục hải quan nhanh hơn hồi đi Sing. Không có lệ phí sân bay 12usd. Cái này mới đây.
Tạm biệt mọi người!
Tắt điện thoại đây.
Máy bay cất cánh nhẹ nhàng.
Vẫn tâm trạng ấy. Cũng lẩm cẩm quá. Chỉ vắng mỗi mình mình thôi mà.
Đọc tiếp ...

2. NHẬT KÍ MỘT CHUYẾN ĐI - "Phụ kiện"

2.
Cái chuyện chuẩn bị này, mình cũng có “kinh nghiệm xương máu” .
Rõ ràng là rất nhiều dự tính, nhưng không hiểu sao cứ bị “hụt đỏi” hoài. Đêm, nhiều khi không ngủ được, mắt chong chong nghĩ ngợi, tính toán đủ thứ. Ấy vậy mà sáng ra, quên mất. “Cọp” vẫn cảnh báo “Mẹ mày lóng rày quên nhiều dữ rồi nghe!”
Gần nhất là khi Khang bảo chuẩn bị cuốn sách gì đó để đọc lúc chờ phỏng vấn. Đang tìm thì xe tới đón, đành thôi. Ý là có thời gian trước đó lâu chứ! cái tội “nước tới trôn mới nhảy”. May mà Khuê cũng có cái để đọc. Cứ tưởng phải đem theo Conan hay Nữ hoàng Ai Cập chắc tức cười lắm. Con bé đến là trẻ con. Ai mà nhìn kệ sách của nó cũng tưởng là của học trò cấp 2. Vậy chứ, đôi khi mình cũng phải giật mình về những điều nó nói. Không nhớ nổi là hồi bằng tuổi nó, mình đã suy nghĩ những gì?

Mấy bộ khăn trải bàn cho Tâm, Hoa, và chị Thư. “Cọp” mà biết có quà cho chị Thư chắc là ý kiến nữa đây, chả là chỉ thấy meo miếc qua lại lúc gần đây nên ngại mình không được đón tiếp ân cần. Dù gì hai chị em cũng đã có mấy năm dạy cùng trường. Vả lại ông xã chị ấy vốn là bạn Văn Khoa xưa. Điều quan trọng nhất là chị ấy cũng rất dễ thương. Ừ mà sao lại thích “can thiệp” ghê ta. Muốn “chỉ huy” cả thiên hạ luôn!
Một mớ con heo vàng để treo toòng teng trên xe hơi, năm Hợi mà! Một mớ dây trang điểm cho cell phone - mọi người sẽ nhìn món quà của mình mỗi ngày! Có lí! Cũng có thể sẽ dẹp ngay khi mình từ giã! Không sao cả, chủ yếu là mình có niềm vui khi tặng quà cho mọi người.
Hôm kia, lúc cơm chiều Cọp hỏi chuẩn bị bữa cơm ngày chủ nhật đón nhà Hải thế nào. Còn bảo mình mua quà tặng nữa. Coi “hình sự” vậy chứ phải việc là chu đáo lắm, tại không thích để lộ cho mọi người biết thôi. Tiền cho mình mua vé và bỏ túi cũng đã lo sẵn “từ năm ngoái” rồi. Style 5 Bé đấy! Mình thì trớt quớt! Luật bù trừ mà! Hai người cùng lo hết, chuyện đâu mà lo cho đủ?
Chợt nhớ Khang bảo sau khi đi Sing về “Mẹ may đồ liền đi nghen”. Chưa may cho đến giờ này, con trai ạ. Chưa may, không phải vì chưa mua vải mà vì không hiểu nên may như thế nào? Mệt! Thôi kệ, "bao giờ cho đến tháng... 5"! Có khi từ giờ đến đó có thấy hàng chợ nào hay hay không?
Và không chỉ là đồ đạc, quà cáp. Cái quan trọng hơn là có được mấy câu tiếng Anh trong miệng! Lâu nhớ mau quên không chỉ là nói lũ học trò mà là chính mình bây giờ đây . Cũng ngộ, Khang viết những câu đơn giản, nhìn là hiểu ngay. Vậy mà tự đặt ra để nói thì ... điếc ngắc! Mỗi lần gặp trên mạng, Khang hỏi là mình ngắc ngứ. Tệ thiệt. Chắc nó cũng ngán ngẩm cho mẹ nên cu cậu không hỏi nữa mà chỉ gà cho mấy câu để nói ở sân bay khi cần tìm mua card điện thoại hoặc hỏi thăm đường ra máy bay.

Đọc tiếp ...

1. NHẬT KÍ MỘT CHUYẾN ĐI 1. Nắng Sài Gòn


Sài Gòn tháng tư. Nóng đến điên người lên.
Đến Lãnh sự quán Mỹ lúc 10g kém, hình như sớm vì trên phiếu hẹn là 10g rưỡi . Thế nhưng, bao nhiêu là người đã có mặt ở đó rồi. Điều đó mình mới thực sự cảm nhận khi đã vào bên trong, chứ lúc Hưng dừng xe thì chỉ thấy quá nhiều người phía lề đường đối diện.
Dù Khang đã dặn đi dặn lại là xếp hàng ở cánh cửa xa nhất bên phải, mình vẫn cảm thấy hơi lớ ngớ khi thấy mấy cánh cửa ấy lại được trổ ngay vách tường rào. Ừ vậy thì cứ hỏi. Có sao đâu. Anh chàng bảo vệ to cao nhướng mắt lên ngay khi mình vừa tới và chưa kịp mở miệng - nhanh nhẩu quá lắm đấy!
- Đi đâu?
Chà chà! Máu nghề nghiệp nổi lên ngay, “Câu cú gì mà... Chủ ngữ đâu? “ nghĩ thầm thế thôi, haha, nói ra tiếng thì cái gì sẽ tiếp theo nhỉ.
- Tôi đi xin visa.
- Đi xuống 112 Nguyễn Huệ đóng tiền.
- Đóng rồi ạ, tôi có phiếu hẹn hôm nay.
- Di dân hả?
- Không, tôi đi du lịch.
- Lại tuốt đằng kia xếp hàng.
- Cám ơn anh.
Im, không trả lời gì cả.
Ngộ heng, chắc nhiều người tới hỏi quá, ừ hử riết cũng mệt nên thôi chăng?
Có sao đâu.
Tắt điện thoại trước vậy. Chắc mọi người ở nhà cũng biết mà không gọi mình đâu.
Cũng biết là hãy khoan bước vào khi người trước mình chưa xong, thế nhưng anh chàng bảo vệ cũng cao to không kém anh chàng đàng kia đã vội dang tay ra chặn lại. Hmmmm....ai mà chen vô đâu, người ta cũng biết xếp hàng chứ bộ.
- Đưa giỏ vô đây.
Một nữ nhân viên chỉ vào cái máy to đùng và nói ngay khi mình vừa bước qua cửa.
À cũng giống như kiểm tra hành lí ở sân bay thôi. Cho chiếc giỏ vào máy xong, quay sang đưa điện thoại cho người nhân viên ngồi sau quầy và nhận một chiếc thẻ. Chà, to thế, to hơn cái passport nữa. Kiểu Mỹ đây chắc. Chưa kịp bước qua cồng kiểm tra thì nghe hỏi :
- Có đồ điện tử gì trong giỏ của chị vậy?
- Không ạ.
- Có mà, một cái hộp vuông nhỏ nhỏ.
- Ủa, đâu có gì kìa.
Nhớ là mình đâu có mang theo máy chụp hình hay cái gì bằng kim loại đâu ta. Nhưng vẻ khẳng định của cô nhân viên làm mình cũng ngờ ngợ, hay là có cái gì trong đó? Cả hai cùng lúi húi nhìn từng ngăn giỏ. À, nó đây rồi, cái hộp phấn. Thế đấy, cái máy “thiên lí nhãn” này cũng thú vị.
Xong một chặng.
Bên trong là một hành lang dài, đi quanh quẹo vào một căn nhà dài hun hút với bao nhiêu là hàng ghế và lố nhố người ngồi đầy trong xa kia.
Một ô cửa nhỏ ngay phía ngoài.
Vậy là nhớ bài bản rồi, con trai ạ: nộp passport, đơn và biên lai lệ phí xong, nhận lại một phiếu hẹn - số C649 , kèm theo câu “Chiều 1g đến”. Lại cộc lốc!
Mới 10g15. Phải trở ra thôi.
Anh chàng bảo vệ khác, vẻ thân thiện hơn, bảo “Hẹn 1g chứ 1g15 chị hãy tới, 1g chưa mở cửa đâu” . Cảm ơn nhé!
Bên kia đường, có vẻ như người lại đông thêm. Nắng Sài Gòn cũng đã gay gắt thêm.
Ngồi chông ngốc ở phòng làm việc của Khuê trong công ty với cảm giác không thoải mái. Nhưng kệ, tỉnh bơ đi. Lôi sách ra xem chờ cho hết buổi.
Cũng cơm trưa văn phòng cho biết với dân Sài Gòn! Và “ngồi đồng” cho tới 1g .
Lại trở lại.
Lại xếp hàng rồng rắn dưới cái oi nồng kinh người của hè phố, có bóng cây đấy nhưng thấm thía gì với nắng tháng tư!
Lại trình giấy.
Lại kiểm tra rồi đi vòng vèo vào trong.
Và lại chờ.
Khang dặn có lí. Không có cái gì để đọc thì ngủ gục mất.
Thỉnh thoảng, loa vang vang cùng với chữ nhấp nháy trên bảng điện tử “Bây giờ phục vụ đến ca (hay tiếng gì đó không rõ – không phải người Việt nói) ...ở trạm số...”
Trời nóng. Quá nóng là khác. Quạt vù vù, mái tôn thấp nên chỉ có gió nóng phả xuống đầu. Thế mà cứ tưởng có máy lạnh !
Đọc không nổi. Ngồi nhìn vơ vẩn .
Mọi người đều có vẻ căng thẳng.
Đâm ra mình cũng bị lây cái hồi hộp.
Còn chờ lâu. Số thứ tự của mình tới 40.
Ngồi cạnh là một chú nhỏ học trò trường Minh Khai, xin visa du học tự túc một trường y nào đó ở Missouri. Chú tròn mắt lên khi nghe đến tên Princeton University “ Con biết trường đó, dữ dội lắm đó. Học bỗng nữa hả cô? Trời ơi, ảnh ngon thiệt” . Bọn trẻ Sài Gòn cũng nắm thông tin dữ chứ.
Nhiều người bị trả passport lại.
Cũng có người phỏng vấn lâu, có người mau. Những người mau thường là được chấp nhận. Có mấy cô gái trẻ bị từ chối mặt ỉu xìu. Cô bé mặc bộ váy đen - chắc là đồng phục của một nơi nào đó mới hồi nãy tung tăng đi vào rồi tíu tít với người bên cạnh và hớn hở trả lời vậy mà rớt! Không biết về nhà có bị ai la ?
Bây giờ phục vụ tới C649 tại trạm số 6”
Chú nhỏ nói “Chúc cô may mắn. Còn lâu lắm mới tới lượt con”
Không phải chào Good morning con trai ạ. Bây giờ là 2g45 chiều rồi.
Cô phiên dịch vẻ lạnh lùng, viên chức Mỹ thì lịch sự. Có vẻ như một nghịch lí!
- Good afternoon !
- Bà đi Mỹ để làm gì?
Ủa, cái này trong đơn mình ghi rõ rồi mà?
- Tôi đi dự lễ tốt nghiệp của con trai tôi, đây là thư của trường bên đó gởi và đây là thư của cháu.
- Cháu nào?
- Là con trai tôi đó.
- Bà cất ba cái giấy tờ này đi, chừng nào viên chức hỏi thì đưa.
Chà chà, cái chỗ đưa giấy tờ sao mà xíu xiu vậy không biết, hầu như chỉ có thể lùa mấy ngón tay vào thôi.Thì lấy lại thôi. Chẳng hề gì. Con trai à, vậy là trật kịch bản rồi.
- Con bà tốt nghiệp gì?
Vẫn cái giọng dấm dẳn đó. Mà nãy giờ chưa thấy ông Mỹ đó nói gì. Hẳn cô ta không chỉ là phiên dịch.
- Tốt nghiệp đại học.
Cô ngắn gọn thì tôi cũng ngắn gọn. Hì hì
- Con bà học trường nào?
- Trường Princeton. Princeton University.
Có vẻ như ông Mỹ chú ý, ông ta cầm lấy cả hai lá thư và đọc, rất nhanh, gõ gì đấy lia lịa vào máy vi tính trước mặt rồi nói gì đấy.
- Tiền đâu bà cho con bà đi du học?
- Con tôi có học bổng của Princeton mà!
Hình như mình có lên giọng câu đó. Chứ sao! Đâu phải ai cũng có học bổng, lại là học bổng của ngôi trường danh giá bậc nhất nước Mỹ?
- Chừng nào tốt nghiệp?
- Ngày 3 tháng 6 này.
- Học xong có về không?
- Về chứ!
- Chừng nào về?
- Khoảng tháng 9.
- Sao tháng 6 tốt nghiệp mà tháng 9 mới về?
- À, nó còn đi thực tập , internship mà!
- Ở đâu?
- Ở Lazard.
Quên mất, không nhớ gọi bằng tiếng Anh là gì nữa.
- Lazard ở đâu?
- New York.
- New York? Mà chỗ nào?
- Nó bảo sẽ làm ở trụ sở của công ty Lazard tầng 61 toà nhà Rockefeller.
- Con bà không có ý định cưới vợ ở Mỹ à?
- Ồ không. Nó có người yêu ở đây mà!
Cái này là nói dóc! Nhưng như thế thuyết phục hơn chứ! Chắc cu Khang lại nói “ Rồi, mẹ lại thuyết minh nữa rồi.”
- Princeton là trường rất tốt đó. bà có hãnh diện không?
- Ồ, hãnh diện quá đi chứ. Tôi rất hạnh phúc khi con tôi học ở đó.
- OK. chiều mai 3g bà tới đây nhận visa.
- Cảm ơn, nhưng có thể nhờ nhận dùm không?
- Không, đương sự phải tới nhận.
- Vâng. Thankyou. have a nice day.
Ôi, thở phào nhẹ nhỏm. Vậy là xong rồi con trai. Nhưng cũng không phải là “...khoảng 1 tuần sau có visa” mà là 1 ngày sau thôi!
Vỗ vai chú nhỏ đang ngồi chờ, chúc nó may mắn.
Ra đến bên ngoài mới lại thấy nóng. Nóng quá thể. Nắng chói loá trên đường, trên xe cộ loang loáng chạy qua.
Mãi mới gọi được chiếc xe.
Gọi ngay cho Khuê ” Xong rồi con! Họ OK” . Tưởng như thấy nó cười. Nó hỏi “Mẹ cho ba hay chưa?”
Khang mà biết ngay bây giờ thì thú vị heng.
.............
2g chiều.
Gọi mãi mà không thấy taxi. Mai Linh Tân Bình cũng không điều được xe. Vậy là phải gọi Taxi vàng rồi, tốn tiền! Mấy cái coupon của Mai Linh thế là vẫn còn đây.
Cu Khang không dặn mẹ là lấy visa ra sao!
Cái cửa tít cuối cùng. Không bảo tắt điện thoại, soi giỏ xách gì cả. Trời đất, vào trong xếp hàng đã đời rồi lại ....đi ra ngoài! Mắc cười quá! hahaha. Lại kiểu Mỹ đây.
Học được một “mánh”: đừng bao giờ đi đúng thời hạn visa cho phép, ít hơn chừng nào tốt chừng ấy. Chỉ vài phút xếp hàng cùng nhau mà bà kia đã kịp nói huyên thuyên đủ thứ. Nào là 5 đứa con sống rải rác bên Mỹ, nào là đã đi tới lần thứ tư. Kể cả việc khoe rằng mình tuổi Hợi và “Từ hồi biết tới giờ tui thấy mình hổng có cực nhọc tay chân gì hết”. Dóc, mình thấy rõ ràng đôi tay bà ta chai sần, thô ráp đen đúa.
Chà, visa Mỹ có khác, một trang to đùng.
Khang nè, hạn chót ở Mỹ là 8Apr 2008 đó nghe. Nhưng chỉ 4 tuần thôi. Đủ để viết “Lang thang du kí” rồi.


Đọc tiếp ...